Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nga còn phương tiện cho cuộc chiến tại Ukraina?

Đăng ngày:

Việc Nga đổi chiến lược cho ồ ạt dội tên lửa nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng khiến hàng triệu người dân Ukraina phải chịu cảnh mất điện, không sưởi vào lúc mùa đông khắc nghiệt đã đến, được nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một lời thừa nhận « yếu kém ». Tuy nhiên, theo một báo cáo do các nhà nghiên cứu tại Kiev thực hiện, chiến lược này của Nga cũng cho thấy rõ lệnh trừng phạt của phương Tây là kém hiệu quả.

Một góc thủ đô Kiev bị tên lửa Nga tàn phá ngày 23/11/2022.
Một góc thủ đô Kiev bị tên lửa Nga tàn phá ngày 23/11/2022. AP - Andrew Kravchenko
Quảng cáo

Theo giới chức Ukraina, 40% hệ thống điện năng đã bị các trận « mưa tên lửa » của Nga phá hủy. Hàng triệu người dân Ukraina rơi vào cảnh giá rét vì không điện để sưởi. Các nước phương Tây lên án Nga dùng mùa đông như là một vũ khí hủy diệt để bẻ gãy tinh thần đối phương.

« Tướng mùa đông » và ba bất lợi

Nếu như tuyên bố của tổng thư ký NATO Jens Stolstenberg hồi đầu tháng 12/2022 cho rằng hành động này của Nga chẳng khác gì một lời thừa nhận « yếu kém » có thể gây tranh luận, thì hầu hết, giới quan sát trước hết có chung một nhận xét : Đây đúng hơn là một thừa nhận thất bại trong chiến lược đầu tiên của Nga. Chiến sự kéo dài là điều hoàn toàn nằm ngoài dự tính của Matxcơva.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng « Tướng mùa đông » sẽ mang lại lợi thế cho Nga trong cuộc xung đột. Một quan điểm đã không được nhà nghiên cứu về rủi ro, Christine Dugoin-Clément, thuộc IAE Paris-Sorbonne, tán đồng. Cả Nga và Ukraina đều là những chiến binh thời Liên Xô cũ, binh sĩ hai nước cũng đều quen với cái lạnh rét buốt mùa đông. Do vậy, theo bà, « Tướng mùa đông » sẽ tác động ở cả hai phía, chí ít trong ba vấn đề chính.

Thứ nhất, Christine Dugoin-Clément đề cập đến khía cạnh quân sự, đặc biệt là nhân lực trong pháo binh. Mùa đông giá rét không còn cây xanh, các binh sĩ buộc phải áp sát đất để tự bảo vệ, do vậy việc tiếp xúc nhiều hơi ẩm làm tăng rủi ro giảm thân nhiệt.

« Để hạn chế nguy cơ hạ thân nhiệt, các binh sĩ phải được trang bị tốt. Về điểm này, quân đội Nga gặp nhiều vấn đề lớn trong việc trang bị cho binh sĩ. Ở đây tôi giả định là các quân nhân đã được đào tạo và có một mức độ kỷ luật cá nhân nào đó, nhưng mọi việc sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Quý vị sẽ gặp hiện tượng hạ nhiệt cơ thể, binh sĩ của quý vị sẽ không tác chiến được. Và lẽ dĩ nhiên là quý vị sẽ gặp các vấn đề về bệnh tật nữa. »

Thứ hai là vấn đề hậu cầu. Thời điểm giá lạnh khiến đường đi trở nên xấu hơn, gây khó khăn rất nhiều cho các phương tiện dân sự hơn là quân sự.

« Vấn đề ở đây, nhất là cho Nga, chính là việc tiếp tế và hậu cần đều được thực hiện bằng các phương tiện vận chuyển dân sự, kể cả những phương tiện bị trưng dụng tại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Hệ quả là tiếp tế hậu cần sẽ bị chậm lại, xe vận chuyển buộc phải lưu thông trên những trục lộ xấu, bị đông cứng. Nga sẽ gặp rắc rối trong việc tiếp tế nhiên liệu, các hệ thống sửa chữa, rồi luân chuyển quân… Tất cả những điều này sẽ làm cho chiến dịch quân sự bị chậm lại và trở nên tốn kém hơn. »

Sau cùng, người ta nói rằng lợi thế của mùa đông là sẽ cho phép Nga có thêm thời gian, để kềm hãm đà tiến của Ukraina, tái lập kho vũ khí và chấn chỉnh lại tinh thần quân đội. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Dugoin-Clément, đây đúng hơn là một đặt cược của Nga. Bà giải thích :

« Điều duy nhất chưa chắc Nga đạt được đó là đặt cược vào sự mệt mỏi của phương Tây khi dùng đến lá bài năng lượng, khiến lạm phát tăng cao và người dân chưa hẳn sẵn sàng chịu lạnh, để làm suy yếu sự hậu thuẫn, và như vậy, Nga sẽ có thêm thời gian để tái tổ chức lại quân đội và có thể đạt được những mục tiêu mà họ sẽ phải vạch ra vì cho đến hiện tại những mục tiêu này vẫn còn mù mờ. »

Mưa tên lửa : Nga cạn vũ khí ?

Có lẽ chính trong bối cảnh này, Nga đã quyết định thay đổi chiến lược, liên tục cho đánh phá các cơ sở năng lượng của Ukraina, với mục đích bẻ gãy nguồn hậu thuẫn của người dân dành cho quân đội và chính quyền tổng thống Zelensky. Và mỗi một đợt oanh kích như thế Nga sử dụng từ vài chục đến gần 100 tên lửa. Đỉnh điểm là ngày 15/11/2022, khi Nga tiến hành ba đợt oanh kích, bắn đi tổng cộng khoảng 300-400 tên lửa, đến mức trang mạng đài truyền hình TF1 của Pháp gọi đó là một trận « thác lửa ».

Tướng Jean-Claude Allard, nhà nghiên cứu, cộng tác viên với Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược – IRIS, trên kênh truyền hình TV5Monde, nhận định : «  Nga kể từ giờ đã chọn dội bom những gì cung cấp điện năng và những gì cho phép vận hành bên trong các nhà máy điện, nơi ở, các thiết bị sưởi và ngành công nghiệp. Đây là một cách thức làm suy yếu đất nước thông qua vế dân sự (…) Vấn đề ở đây là sử dụng mùa đông, vốn dĩ rất khắc nghiệt ở Ukraina, để trói buộc người dân. Điều đáng chú ý ở đây là những cuộc oanh kích này, tuy có gây ra nạn nhân, nhưng con số rất hạn chế. Kể từ giờ, tên lửa sẽ rớt xuống những nơi nào, một cách gián tiếp, gây ra các nạn nhân chết vì cóng, thậm chí là bệnh tật nếu như các hệ thống cung cấp nước bị phá hủy. »

Việc quân đội Nga liên tục nã tên lửa bắn phá có chủ đích nhắm vào các cơ sở năng lượng thiết yếu của Ukraina với một nhịp độ dày đặc, đang đặt cả hai bên tham chiến và trong một chừng mực nào đó là phương Tây trước một thách thức lớn : Nguồn dự trữ vũ khí và đạn dược trước nguy cơ cạn dần. Đặc biệt là nước Nga của ông Putin, bên sử dụng nhiều đạn pháo nhất.

Theo quan sát của nhà báo Marc Semo (Le Monde), mỗi ngày Nga bắn đi hơn 15 ngàn quả pháo. Nhật báo Le Monde trong một cuộc điều tra bằng hình ảnh vệ tinh, cho biết các cuộc oanh kích của quân đội Ukraina nhắm vào 52 kho đạn dược của Nga trong giai đoạn từ tháng 3-5/2022, cũng đã làm thiệt mất của quân đội Nga khoảng 1/3 lượng dự trữ đạn dược, khí tài. Với mật độ oanh kích dữ dội Ukraina từ đầu tháng 10 đến nay, phó đô đốc Jean-Louis Vichot trên đài LCI ước tính, kho đạn dược và tên lửa của Nga có lẽ chỉ còn một nửa.

Lệnh cấm vận phương Tây vô hiệu quả ?

Liệu đây có phải là lý do mà Matxcơva phải mua thêm đạn dược từ Bắc Triều Tiên như tiết lộ gần đây của truyền thông phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, hay không ? Đâu là thực trạng kho vũ khí của Nga ? Liệu quân đội Nga có đang gặp vấn đề nghiêm trọng về đạn dược hay không ?

Trái với mong đợi, bất chấp các nỗ lực trừng phạt của phương Tây, quân đội Nga dường như vẫn có khả năng khôi phục kho vũ khí đang cạn dần của mình. Theo Le Figaro ngày 07/12, qua xem xét các mảnh vỡ tên lửa Nga bị bắn hạ hôm 23/11, các nhà nghiên cứu của Conflict Armement Research có mặt tại Kiev đi đến một kết luận, Nga vẫn có thiết bị để chế tạo tên lửa. Cụ thể, một trong số các tên lửa này đã được chế tạo trong mùa hè và một chiếc khác vừa được xuất xưởng trong tháng 9/2022.

Theo các nhà điều tra, phát hiện này có thể được giải thích theo hai cách : Hoặc Nga đã có được các con chip bán dẫn bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây ; hoặc Nga đã dự trữ trước một lượng lớn quan trọng chip bán dẫn và linh kiện trước khi gây chiến.

Tuy nhiên, trước khi có báo cáo của Conflict Armement Research, Christine Dugoin-Clément, một mặt nhận định Nga gặp khó khăn trong việc sản xuất do thiếu linh kiện, chíp bán dẫn, nhưng mặt khác, bà cho biết thêm Matxcơva vẫn xoay sở tìm kiếm được đạn dược, vũ khí từ nhiều nguồn cung khác.

« Đó chính là các thương vụ và hợp đồng với Chypre, vốn sở hữu nhiều đạn dược thời Xô Viết. Nhờ phép mầu từ tham nhũng và biển thủ công quỹ mà số vũ khí này đã đến được Chypre. Giờ thì thi thoảng người ta đến từ đâu đó để mua và thu lượm số vũ khí, quân dụng thất thoát ra ngoài từ kho dự trữĐây cũng là một trong số các lý do Nga xoay sang bắt tay với Iran để tăng cường khả năng tác chiến bằng drone, nhất là các loại drone "tự sát", với việc lắp đặt các dây chuyền lắp ráp Medine, do Teheran cung cấp. »

Bắn phá cơ sở năng lượng Ukraina : Một mũi tên, hai con nhạn

Cũng trong chương trình tranh luận của France Culture, Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp – IFRI, lưu ý thêm rằng, ngoài việc trưng dụng các loại thiết bị mà phương Tây cung cấp cho các doanh nghiệp, mua các loại đồ diện gia dụng, dường như Matxcơva còn trông cậy vào các nguồn cung linh kiện từ Ấn Độ và Trung Quốc, một mặt để tái lập kho vũ khí, và mặt khác là cho mục đích tuyên truyền trong nước.

« Cách nay vài ngày, một danh sách bị rò rỉ cho biết, Nga dường như đã đề nghị Ấn Độ cung cấp các linh kiện rời dân sự trong nhiều lĩnh vực hàng không, xe hơi… và cũng có nhiều khả năng có những linh kiện rời khác mà Nga đòi hỏi cho nhiều mục tiêu sử dụng khác.

Ở đây, còn có một nỗ lực tuyên truyền nữa để giải thích rằng ngành công nghiệp của Nga cuối cùng vẫn có khả năng tự xoay sở.  Cách nay vài hôm, Nga đã trình làng một chiếc drone được cho là sản xuất hoàn toàn tại Nga trong điều kiện chiến tranh. Chỉ có điều, các phân tích quân sự cho thấy đó là một drone của Trung Quốc, đến Nga bằng những linh kiện rời, rồi Nga chỉ lắp ráp và tô điểm thêm, nhất phần mẫu mã để rồi trưng bày như là một sản phẩm từ chính ngành công nghiệp quốc phòng. »

Nhìn chung, theo phân tích của Christine Dugoin-Clément, tất cả những nỗ lực này của Nga là nằm trong một chiến lược được thực hiện cùng lúc ở nhiều cấp độ, nhằm có được một năng lực tối đa đánh phá các hệ thống năng lượng, làm suy yếu xã hội dân sự và quân đội Ukraina.

« Khi người ta sẽ phải cúp điện tức là sẽ không có nước. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các kết nối, nhất là mạng Internet cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Như vậy, quý vị sẽ thấy có một sự hỗn loạn tiềm tàng từ nhiều lực lượng khác nhau, và quý vị cũng sẽ cắt đứt một phần sự hỗ trợ của người dân thông qua nhiều ứng dụng EPO khác nhau để báo động vị trí của địch hay báo động có drone. Nói một cách chính xác, đó là làm suy yếu xã hội dân sự Ukraina, một nguồn hậu thuẫn mạnh mẽ cho quân đội nước này. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.