Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Vụ Bành Súy : Ủy Ban Olympic Quốc Tế có còn giữ được tính trung lập ?

Đăng ngày:

Thêm một đe dọa mới cho cuộc chiến chống đại dịch của cả thế giới, cho thể thao : Biến thể Omicron vừa xuất hiện ở Nam Phi. Vòng loại khu vực châu Âu cho Cúp bóng đá thế giới Qatar 2022, hai nhà vô địch châu Âu Ý và Bồ Đào Nha sẽ có thể phải loại nhau để tranh một vé vớt. Ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy xuất hiện trở lại làm dấy lên nhiều câu hỏi xung quanh vài trò và quyền lực của Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC. Trên đây là nội dung của Tạp chí Thể thao .

Ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy trong một giải đấu tại Bắc Kinh ngày 06/10/2009.
Ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy trong một giải đấu tại Bắc Kinh ngày 06/10/2009. © AP Photo/Ng Han Guan
Quảng cáo

Omicron đảo lộn hoạt động thể thao ở Nam Phi

Trước hết đến với sự kiện biến thể virus Omicron xuất hiện, được Tổ Chức Y Tế Thế Giới đánh giá là một biến thể « đáng lo ngại », ngay lập tức các cơ quan y tế ở khắp nơi được đặt trong tình trạng báo động. Tại Nam Phi nơi phát hiện biến thể Omicron, các hoạt động thể thao quốc tế đang trong nỗ lực trở lại bình thường, chung sống với dịch Covid19, bị đảo lộn hoàn toàn.

Thông tín viên đài RFI Romain Chanson cho biết chi tiết :

Đây là một đối thủ mà không một ai muốn đối đầu : Omicron, tên của biến thể mới vừa phát hiện tại Nam Phi.

 United Rugby Championship, một giải đấu đáng lẽ diễn ra ở Nam phi trong tháng đã phải rời lại. Các tuyển thủ rugby của sứ Walles, Ai-len, Ý đã có mặt tại Nam Phi lúc này giờ chỉ muốn rút sớm.

 Về phần giải golf quốc tế, Open Johanesburg, các tay golf đã tự thoát thân. Hơn một chục vận động viên Anh và Ai-len đã tuyên bố bỏ cuộc để quay về nước sớm trước khi biên giới đóng cửa.

Còn mùa giải Cricket tới đây sẽ ra sao ? Các vòng đấu dự kiến tổ chức ở Nam Phi và Ấn Độ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Thế giới bóng đá cũng không tránh khỏi những lo lắng. Thí dụ như giải Cúp bóng đá châu Phi CAN đầu tháng Giêng sẽ diễn ra ở Cameroun. Các đội tuyển Zimbabwe và Malawi, đang bị coi là vùng nguy hiểm, liệu có thể tham dự giải đấu hay không ? Covid đã đẩy khán giả ra khỏi các sân vận động giờ đây có lẽ đến lượt các vận động viên.

Qatar 2022 : Bồ Đào Nha hay Ý sẽ vắng mặt

Chiều ngày 26/11, tại trụ sở ở Zurich, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã tổ chức bốc thăm vòng play-off World Cup 2022.

 Khu vực châu Âu đã xác định được 10 đội giành vé chính thức đi Qatar 2022. 12 đội được quyền dự vòng Play-off được chia vào 3 nhánh đấu A, B và C để tranh 3 tấm vé vớt của khu vực. Mỗi nhánh đấu gồm 2 cặp, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp bán kết và chúng kết. Đội chiến thắng cuối cùng sẽ giành tấm vé vớt đi Qatar 2022

 Đúng như lo ngại của người hâm mộ, hai nhà vô địch châu Âu, Bồ Đào Nha (2016) và Ý đương kim vô địch châu Âu đã rơi vào cùng một nhánh đấu tại vòng tranh vé vớt đi dự World Cup 2022, hay còn gọi vòng play-off World. Điều đó đồng nghĩa một trong hai đội sẽ vắng mặt tại Qatar vào mùa Đông năm sau.

Đối thủ của đối tuyển Ý sẽ là Bắc Macedonia, trong khi Bồ Đào Nha phải đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là thử thách không quá lớn với hai ông lớn của làng bóng châu Âu, nhưng kịch bản tai họa ở chỗ là họ sẽ đối đầu loại nhau trực tiếp nếu cùng lọt vào trận chung kết.

Ở nhánh đấu này, Bồ Đào Nha có chút ưu thế khi được đá trận chung kết trên sân nhà nếu họ vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đây sẽ là lợi thế quan trọng cho Ronaldo và các đồng đội khi họ phải đối mặt với đối thủ mạnh như Ý.

Trong khi Bồ Đào Nha và Ý phải loại nhau thì Ba Lan và Thụy Điển cũng tạo ra nhanh B đầy hấp dẫn. Ba Lan sẽ gặp Nga trong khi Thụy Điển gặp CH Séc. Đây đều là các cặp đấu cân bằng và rất khó đoán.

Cuối cùng, Nhánh A là bảng đấu có vẻ “yếu nhất” với sự góp mặt của Xứ Wales, Áo, Scotland và Ukraina. Trong số 4 đội tuyển này, Áo có phần nhỉnh hơn phần còn lại.

Các trận đấu ở vòng bán kết và chung kết play-off World Cup 2022 khu vực châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 24-29 tháng 3 năm tới.

Vụ Bành Súy : Sự can thiệp vô tư của IOC ?

chương trình xin được trở lại với sự kiện đang làm náo động làng thể thao cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế từ nhiều tuần qua xung quanh nhà vô địch quần vợt nữ Trung Quốc  Bành Súy mất tích rời trở lại. Vụ việc của cô chỉ vài ngày đã lan đến tận Liên Hiệp Quốc và Nhà Trắng.

Sau hai tuần không tin tức của nhà nữ vô địch hồi đầu tháng đã tố cáo một cựu phó thủ tướng Trung Quốc cưỡng bức tình dục cô, hôm Chủ nhật 21/11,định chế quản lý thể thao thế giới, Ủy ban Olympic Quốc Tế (IOC) đã vào cuộc và đưa ra bằng chứng cho thấy cô vẫn “an toàn khỏe mạnh tại nhà riêng ở Bắc Kinh”, qua cuộc nói chuyện qua video giữa cô và ông chủ tịch IOC, Thomas Bach.

Thế nhưng IOC mới chỉ trả lời được một phần lo lắng của dư luận xung quanh tay vợt nữ số 1 thế giới 35 tuổi này, thậm chí còn gây thêm hoài nghi đối với định chế thể thao quốc tế. Vấn đề ở chỗ IOC đã đưa ra một thông cáo trống rỗng, dù đã có hình ảnh thực minh họa. Không có chi tiết nào bảo đảm cô được tự do phát ngôn hay đi lại. Vụ việc liên quan đến các tố cáo của cô hồi đầu tháng cũng không được nhắc tới.

Giới quan sát và đặc biệt các tổ chức bảo vệ nhân quyền ngay lập tức đồng loạt tố cáo Ủy Ban Olympic Quốc tế đã “đồng lõa” với bắc Kinh để bịt miệng Bành Súy. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Trung Quốc đã thao túng được Ủy Ban Olympic Quốc tế, hay định chế quốc tế này chỉ có thể làm được như vậy?

Trả lời chương trình thể thao RFI Pháp ngữ, ông Kévin Bernardi, một nhà nghiên cứu về phong trào Olympic của Pháp, trước hết giải thích về mục đích của IOC trong việc đưa ra bằng chứng về Bành Súy:

Kévin Bernardi: Mục đích theo tôi thực sự chỉ là thông tin và chứng minh là IOC vẫn là một định chế thể thao quốc tế mạnh nhất hiện nay, cũng lên biết là Hiệp hội Quần vợt WTA cũng đã bắt đầu đưa ra một vài đe dọa đối với Trung Quốc. Vì thế đây là cách để IOC khẳng định lại vị thế của mình là họ cũng là một tác nhân ngoại giao.

Không có gì nghi ngờ, người ta đã thấy những chỉ trích IOC bị cho là thỏa hiệp hồi Bắc Kinh 2008. Cũng tương tự như việc chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa Đông 2022. Sự việc ở chỗ là cách xử lý IOC đã đưa ra những thông tin tương đối mềm mỏng. Người ta chỉ biết được mỗi có tình trạng sức khỏe của Bành Súy. Người ta cũng biết là chủ tịch IOC sẽ mời gặp cô trong chuyến thăm Bắc Kinh tới đây. Đây là sự phối hợp hoàn hảo về truyền thông của IOC.

Tổ chức quốc tế bị cáo buộc là chiều lòng hay đồng lõa với Bắc Kinh,bằng cách tổ chức một chiến dịch truyền thông. IOC vẫn duy trì nguyên tắc chủ yếu là tính trung lập với tất cả quyền lực chính trị. Sau vụ này nguyên tắc trung lập liệu có còn giữ được.

Kévin Bernardi: Đây là điều khá tế nhị, với một tổ chức quốc tế như IOC từ những năm 1980, dưới thời ông chủ tịch Samaran đã chứng kiến sự toàn cầu hóa càng ngày càng lớn. Việc Trung Quốc tham gia ngày càng sâu vào thế giới Olympic, nhất là với việc họ được đăng cai tổ chức thế vận hội 2008. Trung Quốc trở thành tác nhân không thể tránh được với IOC, đặc biệt trong bối cảnh ngày nay số nước muốn đăng cai Olympic ngày càng ít đi. CIO không muốn mất đi tác nhân như Trung Quốc, hay cả các đối tác tài trợ. Người ta biết là người khổng lồ Alibaba là một đối tác đáng kể, mà tập đoàn này được chính quyền Trung Quốc đứng sau chỉ đạo.

Từ nhiều năm nay người ta nhận thấy Trung Quốc đã tạo được sức nặng quan trọng trong tổ chức, về số lượng thành viên người trung Quốc trong IOC. Cũng không nên quên là việc xin đăng cai Olympic 2022, tạo một luồng sinh khí mới cho các môn thể thao mùa đông. Bắc Kinh giờ đây trở thành một trong những thành phố vừa đón Thế Vận Hội mùa hè và mùa đông. Có vẻ như đằng sau sự thật hiển nhiên đó, Trung Quốc đã tác động thành công vì lợi ích của họ.

 Sự việc xảy ra chỉ trước Thế Vận Hội mùa đông 2022 khoảng 100 ngày, càng làm dấy lên làn sóng kêu gọi tảy chay ngoại giao, như ở Mỹ, rồi đến Úc cũng kêu gọi tẩy chay vì lý do nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ . IOC có lo lắng gì về viễn cảnh tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 ?

 Kévin Bernardi: Không đó thực sự không phải là mối lo ngại với IOC. IOC đã tránh được việc tẩy chay thể thao, việc này mới thực sự ảnh hưởng đến hình ảnh của IOC. Trái lại việc tẩy chay ngoại giao đang hình thành. Thực ra thì việc này cũng không khác gì với hiện trạng quan hệ Mỹ Trung từ nhiều năm nay, đã đặc biệt xấu đi, qua những tranh chấp địa chính trị. Vì thế không có gì mới khi chính quyền Joe Biden kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh. Tương tự như với Úc, sẽ không có nhiều tác động.  Nhưng đó cũng là hai nước sắp tới sẽ tổ chức các kỳ thế vận hội. Chắc chắn họ sẽ bị mất nhiều hơn nếu quyết định tẩy chay về thể thao. Vì như thế đối với IOC đã là sự đối đầu. Ta thấy Hoa Kỳ đang khẩn trương chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội 2028 và họ cũng đã cam kết xin tổ chức Thế vận hội mùa đông 2030. Vì thế không có lợi cho những nước này, hay phong trào Olympic ở nước đó chống lại Trung Quốc mà trong một chừng mực nào đó là chống lại IOC.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.