Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

« Quy chế ưu đãi » cho tàu chở hàng của Nga ở Hồng Hải

Đăng ngày:

Matxcơva đã làm những gì để giảm thiểu căng thẳng ở Hồng Hải, một « xa lộ giao thương quốc tế », cửa ngõ đưa ngũ cốc, khoáng sản, dầu khí của Nga xuất phát từ Biển Đen sang châu Phi, châu Á ? Bất ổn tại eo biển Bad Al Mandeb, nối liền Hồng Hải với Vịnh Aden, mở ra Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương có lợi cho Nga hay không ? RFI tiếng Việt mời Igor Delanoë phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp -Nga tại Matxcơva trả lời các câu hỏi trên.

Tàu chở hàng trên Hồng Hải. Ảnh minh họa ngày 06/10/2021.
Tàu chở hàng trên Hồng Hải. Ảnh minh họa ngày 06/10/2021. © ASHRAF SHAZLY / AFP
Quảng cáo

Bất ổn tại Hồng Hải đe dọa giao thương quốc tế và bắt đầu làm xáo trộn các nguồn cung cấp nông phẩm cho một phần nhân loại như Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Thực Phẩm Quốc Tế IFPRI, trụ sở tại Washington, đã báo động. Hồng Hải là cửa ngõ nối liền Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua con kênh đào Suez trên lãnh thổ Ai Cập, mang tính thiết yếu đối với thị trường năng lượng, và nguyên liệu. Tổng thống Fattalh Al Sissi hôm 19/02/2024 báo động Ai Cập đang bị vạ lây thu nhập của tập đoàn khai thác kênh đào Suez, sụt giảm mất « từ 40 đến 50 % » do bất ổn ở Hồng Hải.  

Trong trường hợp của Nga, giao thương lệ thuộc nhiều hơn vào Hồng Hải từ khi tổng thống Putin khởi động chiến tranh Ukraina và châu Á thay thế châu Âu trở thành thị trường quan trọng nhất của Nga.  

Từ giữa tháng 11/2023 để « thể hiện đoàn kết với người Palestine ở Gaza » phe nổi dậy Hồi Giáo Houthi tại Yemen được Iran tài trợ và cung cấp vũ khí, bắn phá vào các tàu dân sự chở hàng, vào các tàu dầu của các quốc gia yểm trợ Israel.

Liên minh quân sự Anh Mỹ phối hợp hành động diệt trừ mối đe dọa Houthi ở Hồng Hải và đã liên tục oanh kích vào các sào huyệt của phe Houthi trên lãnh thổ Yemen. Liên Âu hôm 19/02/2024 thông báo khởi động sáng kiến « Aspides » để bảo vệ tàu đi qua eo biển Bab Al Mandeb ở Hồng Hải. 

Bắc Kinh kích hoạt kênh ngoại giao với Teheran để làm hạ nhiệt tình hình, hòng bảo đảm các các hoạt động xuất nhập khẩu nối liền Hoa Lục với các đối tác châu Âu, châu Phi và Trung Cận Đông, cho dù ngày 19/01/2024 cũng phe Houthi đã tuyên bố « bảo đảm an toàn » cho tàu của Trung Quốc và Nga.    

Thương mại Nga xoay trục sang châu Á

Về phía Matxcơva, đầu năm 2024, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ « quan ngại » về tình hình ở Hồng Hải và đã nêu bật những « rủi ro » đối với giao thương quốc tế và quyền tự do lưu thông trên biển. Điều đó không cấm cản điện Kremlin lên án liên quân Anh Mỹ « không có lý do chính đáng » để oanh kích vào các căn cứ của quân Houthi trên lãnh thổ Yemen. Song Matxcơva hôm 10/01/2024 đã tránh dùng quyền phủ quyết bác bỏ nghị quyết 2722 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đòi lực lượng Houthi « ngừng ngay lập tức » mọi tấn công nhắm vào tàu chở hàng và phóng thích tàu hàng Israel Galaxy Leader và thủy thủ đoàn.

Hãng tin Anh Reuters ghi nhận tính đến ngày 01/02/2024 tàu chở dầu của Nga vẫn tiếp tục đi qua Hồng Hải và không bị quân nổi dậy Houthi quấy nhiễu. Đây là điều hết sức quan trọng do giao thương quốc tế của Nga « lệ thuộc nhiều hơn vào kênh đào Suez và Hồng Hải từ khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina ».

Dưới tác động hơn một chục đợt trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu, xuất nhập khẩu của Nga chuyển hướng sang Trung Quốc và Ấn Độ.

Trả lời đài RFI Việt ngữ, Igor Delanoë phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp -Nga tại Matxcơva phân tích thêm về tầm mức quan trọng của Hồng Hải đối với xuất nhập khẩu của Nga, đặc biệt là ở vào thời điểm nay, sau gần hai năm kinh tế Nga bị phương Tây trừng phạt :

Igor Delanoë : « Đương nhiên về thương mại, Hồng Hải là một trục giao thông quan trọng đối với Nga. Vùng biển này là sự tiếp nối cho hàng của Nga từ Hắc Hải, tức là Biển Đen đi tiếp sang các thị trường ở châu Phi và châu Á. Hồng Hải đặc biệt là tuyến đường thiết yếu để xuất khẩu nông phẩm, ngũ cốc và xăng, dầu. Đây cũng là cửa ngõ đưa các tàu chở ngũ cốc của Nga từ bến cảng Taman, tàu dầu của Nga từ cảng Novorossiysk ở Biển Đen phải đi qua, trước khi đến được châu Á, châu Phi. Năm ngoái có từ 43 đến 45 triệu tấn ngũ cốc của Nga đã phải trung chuyển qua Hồng Hải và như đã biết Nga trở thành nguồn cung cấp dầu hỏa lớn nhất cho Trung Quốc. Cũng trong năm 2023 Nga đã xuất khẩu khoảng 100 triệu tấn dầu sang Trung Quốc qua ngả Hồng Hải (…) Cho đến thời điểm hiện tại, tàu chở hàng và chở dầu của Nga tương đối ít bị tấn công và vẫn tiếp tục sử dụng tuyến đường biển này chứ không phải đánh đường vòng xuống tận Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi. Tàu thuyền Nga vẫn tấp nập đi trong khu vực Hồng Hải ».

Hồng Hải và những thu nhập để tài trợ cỗ máy chiến tranh

Cùng với Ukraina, Nga là một trong những ba nguồn cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới, Hồng Hải và cửa ngõ kênh đào Suez của Ai Cập cũng là một « đồng minh » quý giá giúp kinh tế Nga vẫn có thu nhập để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh mà điện Kremlin gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt ».

Igor Delanoë : « Trên thị trường ngũ cốc, hiện nay chúng ta đang ở giữa vụ mùa 2023/2024, vụ mùa luôn bắt đầu vào tháng 7. Như vậy là trong 6 tháng đầu -tức là từ tháng 7/2023 đến tháng 1/2024, Nga đã xuất khẩu từ 35 đến 36 triệu tấn ngũ cốc sang các thị trường như là Thổ Nhĩ Kỳ, Algérie, Ai Cập trong vùng Địa Trung Hải. Các nhà sản xuất Nga đã bắt rễ vào nhiều thị trường mới như là Pakistan, Bangladesh và Indonesia hay Nam Phi, Tanzania … Theo các thống kê, kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Nga tăng từ 100 đến 150- và thậm chí là 160 % trong nửa đầu của vụ mùa 2023/2024 và rất có thể là các nguồn cung cấp của Nga sẽ giữ được nhịp độ này trong sáu tháng còn năm nay. Matxcơva đang đề ra những mục tiêu đầy tham vọng về khả năng xuất khẩu nông phẩm, ngũ cốc, mà Việt Nam là một trong những khách hàng đã nhập khẩu nhiều trong sáu tháng vừa qua, Nam Phi cũng vậy ».   

Các tập đoàn vận chuyển đường biển lớn trên thế giới từ CMA CGM đến Maersk hay COSCO (Trung Quốc) và các công ty dâu khí như BP, Shell đều tránh né vịnh Bad Al Mandeb, giao thương trong khu vực « giảm 45 % trong hai tháng đầu 2024 qua ngả kênh đào Suez ». Trái lại theo ghi nhận của Đài Quan Sát Pháp -Nga có vẻ như đang được « hưởng quy chế ưu đãi »

Igor Delanoë : « Từ đầu tháng 12/2023 khi mà tình hình ở Hồng Hải nóng lên, phía Nga ghi nhận hai sự cố, một do bị quân Houthi ngắm nhầm nhưng tàu hàng không bị hư hại. Còn trong vụ thứ nhì, tàu đã bị hỏng nhẹ nhưng vẫn có thể tiếp tục hành trình. Hai sự cố trong suốt những tháng qua là tương đối ít so với thiệt hại của những nước khác. Trong khi đó thì những tập đoàn vận tải đường biển như CMA CGM (của Pháp), MSC (của Ý và Thụy Sĩ) hay Maersk (của Đan Mạch) … đều đã tránh đi qua Hồng Hải để khỏi là mục tiêu của phe nổi dậy Yemen Houthi ».

Quy chế ưu đãi cho tàu của Nga ?

« Quy chế ưu đãi đó » có được phải chăng do ảnh hưởng của Nga qua trung gian Iran với lại phe nổi dậy Hồi Giáo ở Yemen Houthi, bởi vì Matxcơva và Teheran được cho là vẫn có quan hệ « mật thiết » ?

Igor Delanoë : « Ảnh hưởng của Nga đối với phe Houthi trong vùng biển này khá hạn chế. Tiếng nói của Iran mới có trọng lượng đối với phong trào nổi đậy ở Yemen này và như vậy tức là Nga phải đi qua trung gian của Iran. Tuy nhiên Matxcơva không có khả năng làm thay đổi đường lối của phe Houthi cũng như là với Iran về những diễn tiến ở Hồng Hải. Đương nhiên là lợi ích của Nga là hạ nhiệt tình hình ở Hồng Hải và nhất là tránh để căng thẳng ở đây xấu đi thêm. Nhưng những hành vi của quân Houthi ở Hồng Hải đang bất lợi cho Mỹ và châu Âu. Nhìn từ phía Nga thì tất cả những gì bất lợi cho Âu Mỹ đều tốt cả, với điều kiện là tình hình không xấu đi thêm ».  

Houthi phá rối phương Tây, 3 điềm tốt cho Nga 

Cụ thể hơn, trước mắt quyền lợi của Nga ở khu vực Hồng Hải ít bị xáo trộn như vừa nói, đồng thời những vụ bắn phá của quân Houthi buộc cộng đồng quốc tế, buộc các giới chức quân sự của Âu Mỹ phải chú trọng đến vùng biển này qua đó, « bớt tập trung vào Ukraina ».

Lợi thế thứ nhì, trong mắt Matxcơva là việc các tàu chở hàng của phương Tây, phải đánh đường vòng đi qua Mũi Hảo Vọng, các chi phí vận chuyển tốn kém hơn, nguy cơ hàng giao không kịp gây tắc nghẽn dây chuyền sản xuất … ảnh hưởng đến kinh tế của Âu Mỹ cũng là những « điểm tốt ».

Điểm thứ ba như một số các trang mạng về quân sự của Mỹ báo động Lầu Năm Góc đang huy động tên lửa hiện đại trị giá có khi lên tới cả triệu đô la mỗi chiếc để tiêu diệt drone rẻ tiền của phe nổi dậy Yemen và cùng lắm là để tiêu diệt tên lửa rẻ tiền do Iran chế tạo. Nói cách khác cuộc xung đột bất tương xứng này đang làm hao mòn kho vũ khí đạn dược hiện đại của cỗ máy quân sự lợi hại nhất thế giới. Đó là điều « rất thú vị » đối với Matxcơva.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.