Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Trung Quốc hài lòng về quan hệ bất cân đối và bất lợi cho Liên Âu

Đăng ngày:

Kết thúc hai ngày họp 07 và 08//12/2023 tại Bắc Kinh với lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc « không nhượng bộ gì nhiều » trước những đòi hỏi của Bruxelles về một cán cân thương mại « cân đối hơn », về cam kết « ngưng trợ giá hàng xuất khẩu », « tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất của Trung Quốc và châu Âu ».

In this photo released by Xinhua News, Agency, Chinese President Xi Jinping, center, stands for a group photograph with European Commission President Ursula von der Leyen, right, and European Council
Ảnh do Tân Hoa Xã cung cấp: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng giữa chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07/12/2023. AP - Huang Jingwen
Quảng cáo

Đáp lại những đòi hỏi này, trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh, đại diện của bộ Ngoại Giao Trung Quốc về hồ sơ châu Âu, Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong), tuyên bố ngắn gọn : « Trung Quốc không chịu trách nhiệm về thâm hụt mâu dịch của châu Âu (…), nhưng hoàn toàn sẵn sàng mua vào nhiều hơn công nghệ cao cấp nhất của châu lục này ».

Vào lúc kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, một số nhà quan sát từng xem thượng đỉnh lần thứ 24 là cơ hội tốt để chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen mặc cả và thậm chí đặt điều kiện với chủ tịch Tập Cận Bình trên một số điểm.  

Bruxelles từ 2019 đã xem Trung Quốc là một « đối thủ mang tính hệ thống ». Sau đại dịch Covid 2020-2022 và chiến tranh Ukraina mà trong đó Bắc Kinh là điểm tựa của Nga, đến mùa xuân 2023 Liên Âu chủ trương « De-risking », tức là giảm mức độ lệ thuộc vào một đối tác quá lớn như Trung Quốc. Trong hơn 5 năm liền, Liên Âu theo đuổi mục tiêu « tự chủ công nghiệp », mà chủ yếu là để đối phó với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.

Thâm hụt mậu dịch 400 tỷ euro

Trước ngần ấy nỗ lực để bớt bị chi phối bởi một đối tác thương mại quá lớn, trước ngày thượng đỉnh Bắc Kinh khai mạc, Liên Âu bị một gáo nước lạnh : thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc trong năm 2022 « đạt kỷ lục », gần 400 tỷ euro. So với thời điểm trước Covid, hồi 2019, mức nhập siêu này của 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã « tăng gấp đôi ».

Trả lời trên đài truyền hình Pháp-Đức Arte, nhà kinh tế Françoise Nicolas, Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI tại Paris, phân tích về những lý do khiến thâm hụt thương mại của châu Âu với Trung Quốc « đột ngột tăng mạnh » :

« Có nhiều lý do giải thích cho mức nhập siêu nghiêm trọng của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc. Một phần là do hàng Trung Quốc có sức cạnh tranh cao, tức là hàng rẻ và châu Âu đọ không lại. Do vậy có thể nói một phần thâm hụt thương mại với Trung Quốc là hiển nhiên và đó là chuyện bình thường dễ hiểu mà chúng ta phải chấp nhận. Để đảo ngược thế cờ, bắt buộc Liêu Âu phải tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện năng suất. Điểm không bình thường và cũng là điều cần lưu ý ở đây trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh là xuất khẩu của Trung Quốc được chính phủ giúp đỡ. Các doanh nghiệp nước này được trợ cấp của Nhà nước. Đây là một sự cạnh tranh bất bình đẳng ».

Lỗi tại chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc

Thâm hụt của Liên Âu với Trung Quốc năm 2019 là 180 tỷ euro, và đã bị đẩy lên đến gần 400 tỷ. Giám đốc trung tâm nghiên cứu Á châu Asia Centre, trụ sở tại Bangkok, Jean François di Meglio giải thích với đài truyền hình France24 đà gia tăng « đột ngột » này do tác động kép từ Covid và các chương trình chuyển giao công nghệ của phương Tây cho Trung Quốc gây nên.

« 2020-2021 là những năm Covid hoành hành, Liên Hiệp Châu Âu không thể bán hay giao máy bay Airbus cho Trung Quốc như mong đợi, trong lúc đây là một cột trụ trong quan hệ thương mại song phương. Điều này cũng đáng lo ngại, vì chúng ta thấy là trong tương lai, máy bay C919 của Trung Quốc sẽ trực tiếp cạnh tranh với Airbus. Nhờ có chuyển giao công nghệ từ Airbus mà Trung Quốc đang vươn lên trong ngành sản xuất máy bay. Thành thử chuyển giao công nghệ cũng là một yếu tố góp phần làm suy yếu Liên Âu trong quan hệ với Trung Quốc ».

Liên Âu và chiến thuật hù dọa

Bị choáng váng vì nhập siêu tăng gấp đôi trong hai năm, trước khi lên đường đến Bắc Kinh, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tuyên bố Bruxelles « không chấp nhận để giao thương hai chiều bất cân đối như vậy kéo dài ». Liên Hiệp Châu Âu gián tiếp cảnh cáo có thể tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc bán sang châu Âu, hay như Hoa Kỳ, khối 27 thành viên châu Âu cũng sẽ « hạn chế xuất khẩu sang Hoa Lục một số mặt hàng nhạy cảm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và công nghệ cao ». Dường như Trung Quốc không mấy « lo sợ » trước những lời hù dọa đó.

Trái lại, giới quan sát ngạc nhiên là tại Bắc Kinh, chính bà Ursula von der Leyen đã « mềm mỏng hơn » trong đối thoại với các lãnh đạo Trung Quốc, từ chủ tịch Tập Cận Bình đến thủ tướng Lý Cường và khẳng định bà « hài lòng » vì Trung Quốc nhìn nhận « trao đổi mậu dịch song phương cần phải được cân bằng ».

Thái độ « mềm mỏng » được giải thích phần nào do Bắc Kinh dọa và đã bắt đầu giới hạn xuất khẩu một số kim loại hiếm, chìa khóa của « chuyển đổi năng lượng xanh » và công nghệ mới của phương Tây.

« Lời nói suông » : Bắc Kinh bổn cũ soạn lại

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình trong cuộc trao đổi với các lãnh đạo châu Âu cũng đã gián tiếp cảnh cáo rằng « đôi bên không nên xem nhau như những đối thủ vì những khác biệt trong hệ thống, cần tránh giảm hợp tác vì có cạnh tranh, không nên lao vào một cuộc đối đầu vì những bất đồng ».

Giới phân tích đồng loạt ghi nhận, đó chỉ là « một lời nói suông »« trống rỗng ». Françoise Nicolas, giám đốc nghiên cứu đặc trách khu vực Châu Á-Ấn Độ-Thái Bình Dương của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp nhắc lại lập trường cố hữu của Trung Quốc: đạt đến một mối bang giao « có lợi cho cả đôi bên », nhưng hiểu thế nào về khẩu hiệu đó lại là chuyện khác. Bà chờ đợi « quan hệ Liên Âu-Trung Quốc sẽ không thay đổi hay sẽ được cải thiện » trong tương lai.

Nhà nghiên cứu Elvire Fabry thuộc viện Jacques Delors trên đài truyền hình France24 nêu lên một yếu tố khác : kinh tế Trung Quốc đang đình đốn, cỗ máy sản xuất và xuất khẩu này lại càng cần đến những thị trường tiêu thụ khác. Liên Âu và Mỹ hiện là những nơi « có sức mua hàng Trung Quốc mạnh nhất », hơn hẳn Nga hay các nước đang trỗi dậy.

Khoảng cách kỹ thuật và công nghệ mới đang bị thu hẹp

Cùng lúc thì Trung Quốc giờ đây không chỉ xuất khẩu sang châu Âu máy giặt, tivi, hay máy sấy tóc … mà đã lao vào những thị trường cao cấp. Trung Quốc vừa khánh thành đường xe lửa cao tốc tại Bồ Đào Nha. Ngoài ra Trung Quốc đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như pin mặt trời, và nhất là ô tô điện … Do vậy, càng lúc càng khó để Liên Hiệp Châu Âu « lấy lại cân bằng » trong cán cân thương mại với Trung Quốc.    

Điều này giải thích vì sao vào tháng 9/2023, Liên Âu đòi mở điều tra về chính sách trợ giá của Trung Quốc cho ô tô điện. Trung Quốc đã chinh phục thị trường thế giới, xuát khẩu hơn một nửa triệu ô tô điện trong sáu tháng đầu 2023. Con số này « tăng 130 % so với cùng thời kỳ năm ngoái ». Xe của Trung Quốc lại quá rẻ so với của châu Âu.

Sau kinh nghiệm về « pin mặt trời Trung Quốc », Bruxelles sợ rằng 26 hãng xe Trung Quốc sẽ « bóp chết những đại gia trong ngành công nghiệp xe hơi lâu đời của châu Âu ». Các hãng xe Trung Quốc mơ ước « bán xe made in China trên thị trường của Đức ». Thực tế không thể phủ nhận là hiện tại Trung Quốc đang dẫn đầu nền công nghiệp ô tô điện thế giới. Tesla của Mỹ quá đắt và quá hiếm để có thể cạnh tranh với những chiếc BYD, Nio hay Xpeng của Trung Quốc. Cũng các hãng của Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa của ngành sản xuất bình điện.

Quá thành công trong mục đích chinh phục thị trường thế giới

Thế nhưng, theo giáo sư Grosser, việc Liên Âu mở điều tra xem xe điện của Trung Quốc bán vào châu Âu có được trợ giá hay không chẳng lợi ích gì nhiều, vì trên thực tế các cập đoàn xe hơi của châu Âu, mà đứng đầu là Đức, cũng được các chính phủ trợ giúp rất nhiều. Thế còn nhìn từ phía Bắc Kinh, hai chữ « trợ giá » không có ý nghĩa gì nhiều, như giải thích của Jean François di Meglio: Trung Quốc chi tiền cho các tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp với dụng ý chinh phục thị trường quốc tế ngoài Hoa Lục

« Lực đẩy chính của một nền kinh tế tự do là khi một đồng vốn bỏ ra chúng ta phải thu về được bao nhiêu lãi. Đối với Trung Quốc trong một thời gian dài, các doanh nghiệp không phải lo huy động vốn, vốn để sản xuất coi như được cho không bởi vì do Nhà nước cung cấp. Các công ty quốc doanh không bắt buộc phải làm ăn có lời. Chỉ cần những công ty đó chinh phục được thêm thị phần ở hải ngoại là đủ. Nếu nhìn vấn đề dưới góc độ này thì phải nói Trung Quốc đã quá thành công, tức là chi tiền ra để thu phục thị trường quốc tế ».

Vỡ mộng với Trung Quốc

Song trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị phức tạp hiện tại, Trung Quốc cần đến Liên Âu. Điều này giải thích cho một số cử chỉ hòa hoãn của Bắc Kinh trước thượng đỉnh song phương. Chẳng hạn như Trung Quốc miễn visa nhập cảnh cho công dân 5 nước trong Liên Hiệp Châu Âu, hay nới lỏng các biện pháp hà hiếp Litva bởi Vilnius bênh vực Đài Loan…. Có điều Liên Hiệp Châu Âu nay « không còn ngây thơ » trước những lời đường mật của Bắc Kinh

Giáo sư Grosser, trường Khoa học Chính Trị Paris, phân tích :

« Đúng là đã có lúc Liên Âu ngây thơ, nhưng phải nói là vào thời điểm 2008/2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh đến nhiều quốc gia tại châu lục này và nhất là đến đầu thập niên 2010, nên nhiều thành viên của Liên Hiệp Châu Âu đã cả tin vào Trung Quốc. Chủ yếu là các nước Nam Âu và Đông Âu. Hơn một chục năm sau, chính những nước này thất vọng khi thấy thành quả không nhiều, điển hình là Hy Lạp với các dự án đầu tư khai thác cảng biển… Uy tín của Trung Quốc đối với công luận châu Âu giảm dần từ một vài năm trở lại đây. Để rồi các nước vùng Baltic chẳng hạn bắt đầu lên tiếng ủng hộ Đài Loan và nhiều thành viên khác trong Liên Âu thì thận trọng hơn với Bắc Kinh. Hợp tác giữa Trung Quốc với 17 nước ở Trung và Đông Âu, nhóm mang tên 17+1, không đem lại những thành quả như mong đợi ».     

Tuy nhiên, trước mắt, Trung Quốc hài lòng với một cán cân thương mại « bất cân đối » và bất lợi cho châu Âu. Như giám đốc Asie Centre, ông Di Meglio nhận định, trong mọi trường hợp Liên Hiệp Châu Âu vẫn ở thế yếu khi đối thoại với Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.