Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Chiến tranh công nghệ : Trung Quốc dùng « Bọ Kirin 9000 » thách thức Mỹ

Đăng ngày:

« Kirin 9000 » có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Tháng 9/2023 Hoa Vi giới thiệu điện thoại thông minh cao cấp với chíp điện tử có kích cỡ 7 nano mét, « 100 % Made in China ». Mục tiêu là chứng minh Trung Quốc vẫn đủ sức thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ mà không cần linh kiện bán dẫn hay công nghệ, máy móc của Mỹ và đồng minh.

Điện thoại Hoa Vi Mate 60 trong một cửa hàng ở Thượng Hải. Ảnh ngày 08/10/2023.
Điện thoại Hoa Vi Mate 60 trong một cửa hàng ở Thượng Hải. Ảnh ngày 08/10/2023. © ALY SONG / REUTERS
Quảng cáo

Phải đánh giá như thế nào về « thành tích » của Hoa Vi, con chim đầu đàn trong ngành công nghệ viễn thông Trung Quốc chỉ vài năm sau khi bị Washington trừng phạt và bị cấm tiếp cận với chíp điện tử của Mỹ, với công nghệ của Hoa Kỳ và với cả máy móc sản xuất « bọ » của các đồng minh thân thiết với Washington ? Hay như trong mọi cuộc chiến, « chiến tranh tuyên truyền » và « chiến tranh tâm lý » cũng nằm trong chiến thuậtcủa Bắc Kinh để đánh bại đối phương ?

RFI tiếng Việt mời nhà nghiên cứu Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, trả lời các câu hỏi trên.

Là tâm điểm cuộc đọ sức về công nghệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, tập đoàn Hoa Vi tháng 8/2023 thông báo sau ba năm khó khăn, doanh thu và tiền lãi đã « tăng lên trở lại ». Vài tuần sau cũng Hoa Vi thông báo phát hành « điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới có chức năng liên lạc qua ảnh vệ tinh » và hơn thế nữa, đây là sản phẩm đầu tiên của Hoa Vi sử dụng chíp điện tử « 100 % do Trung Quốc chế tạo ».

Niềm tự hào của công nghệ Trung Quốc

Với sản phẩm mới và « cao cấp này » Hoa Vi muốn chứng minh vẫn là một trong ba nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu của thế giới bên cạnh Apple của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc. Nhưng không chỉ có thế. Điện thoại Mate 60 Pro còn là « tủ kính » về công nghệ của tập đoàn Trung Quốc này và là công cụ để thách thức Hoa Kỳ như nhà nghiên cứu Julien Nocetti, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI phân tích.  

Julien Nocetti  : « Mate 60 Pro là điện thoại thông minh hoàn toàn của Trung Quốc, sử dụng chip điện tử Trung Quốc cỡ 7 nano mét và đây là một sản phẩm cao cấp và Hoa Vi muốn chứng minh là họ đã vượt qua được một ngưỡng quan trọng về mặt công nghệ, bởi vì cho đến nay chip của Trung Quốc ở vào khoảng từ 12 đến 14 nano, trong lúc điện thoại Apple đời mới nhất của Mỹ dùng bọ cỡ 3 nano mét. Đành là 7 nano vẫn còn là những con bọ quá lớn, nhưng đó cũng là một tiến bộ đáng kể của các tập đoàn Trung Quốc. Song bài học quan trọng hơn cả là Trung Quốc đang chứng minh là họ có thể vượt lên trên cả những biện pháp trừng phạt của Mỹ để tiến gần đến những công nghệ mới và có thể sản xuất những linh kiện điện tử tinh vi nhất. Qua đó Hoa Vi và đối tác SMIC muốn chinh phục thêm những thị trường mới, muốn chiêu dụ những khách hàng mới không muốn bị lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Thông điệp thứ hai của Bắc Kinh là các biện pháp trừng phạt của Mỹ không có hiệu quả ».

Chiến lược để thoát vòng vây của Mỹ

Năm 2019 chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump ban hành một loạt các biện pháp nhằm cản đường Hoa Vi « tiếp cận với chip thế hệ mới nhất » với các công nghệ và máy móc hiện đại nhất để sản xuất bọ điện tử và linh kiện bán dẫn. Nhưng khi trình làng điện thoại thông minh « cao cấp » Mate 60 Hoa Vi cho thấy khả năng thích nghi trong một môi trường bất thuận lợi. Julien Nocetti viện IFRI giải thích thêm về quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đó không chỉ riêng gì của Hoa Vi mà của cả « một mảng công nghệ high tech Trung Quốc.

Julien Nocetti : « Để chống chọi được với những đòn trừng phạt của Mỹ, Hoa Vi đã đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực khác. Đứng đầu trong số đó là ngành công nghệ bán dẫn. Trước khi bị Hoa Kỳ trừng phạt, Hoa Vi trông cậy vào chip và các linh kiện điện tử tiên tiến nhất của tất cả các nơi trên thế giới. Nhưng sau đợt trừng phạt thứ nhì năm 2019, trực tiếp nhắm vào các nguồn cung cấp cho Hoa Vi thì công ty Trung Quốc này đã biết phòng thân. Thứ nhất là tăng tốc mua vào rất, rất nhiều linh kiện bán dẫn để dự trữ. Bước thứ nhì là tập trung mở rộng quan hệ với các công ty quốc gia. Hoa Vi đặc biệt chú ý đến SMIC. Đương nhiên là nhà cung cấp Trung Quốc này còn thua kém những tên tuổi lớn như là TSMC của Đài Loan hay các công ty khác của Mỹ. Chíp điện tử của hãng SMIC còn ‘to’ và chưa được tinh vi như của những hãng kia ».

Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 23/08/2023 tiết lộ Hoa Vi chưa bao giờ « đầu hàng » trước các đòn trừng phạt của Washington hay có ý định « bỏ cuộc trên các thị trường phương Tây ». Từ 2018/20219 hãng này với sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc đã « bí mật » gây dựng nhiều nhà máy sản xuất chíp điện tử và linh kiện bán dẫn. Năm 2022 Hoa Vi đầu tư 30 tỷ đô la cho kế hoạch này.  Trả lời RFI tiếng Việt nhà nghiên cứu Julien Nocetti thận trọng hơn và lưu ý về yếu tố chính trị trong hồ sơ này.

Julien Nocetti : « Đứng bên ngoài, thật khó để xác định là Hoa Vi đã có ngấm ngầm xây dựng các nhà máy sản xuất bọ điện tử hay không. Chỉ biết rằng từ nhiều năm qua, căng thẳng đã nhiều lần diễn ra giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Kể từ 2018 trở đi, Hoa Vi phòng thân bằng cách mua thật nhiều trang thiết bị tránh để chuỗi sản xuất bị gián đoạn.  (Remontée B5) Bên cạnh đó, nếu căn cứ vào tin từ hãng thông tấn Bloomberg thì Hoa Vi đã đầu từ hơn 30 tỷ đô la để xây dựng các nhà máy sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Đó là một số tiền rất lớn không phải ai cũng có thể huy động được. Do vậy rõ ràng đây là cả một chính sách của Trung Quốc và đằng sau Hoa Vi là nhà nước Trung Quốc ».

Theo thẩm định của báo tài chính Financial Times, năm 2022 Hoa Vi nhận 1,5 tỷ đô la trợ cấp của chính phủ. Còn theo nghiên cứu của viện IFRI trong 10 năm chính quyền Trung Quốc đã dành hẳn 150 tỷ đô la cho mục tiêu « tự chủ về công nghệ cao ».

Về mặt chính thức Mỹ và Hoa Vi nói riêng, và với các tập đoàn công nghệ cao Trung Quốc nói chung mạnh mẽ tuyên bố « cắt đứt » bang giao nhưng trong thế giới mở rộng và toàn cầu hóa rất khó để thẩm định những đóng góp « gián tiếp » của các công ty trung gian, các quỹ đầu tư nước ngoài vào « chip điện tử 100 % do Trung Quốc chế tạo »

Chiến tranh tâm lý 

Hoa Vi, tủ kính công nghệ của Trung Quốc, trình làng điện thoại thông minh cao cấp để thách đố Hoa Kỳ nhưng giới trong ngành tỏ vẻ hoài nghi. Tuy đã long trọng giới thiệu « sản phẩm mới » nhưng hãng này lại rất mơ hồ về chức năng và những thông tin kỹ thuật « vượt trội » của mặt hàng hoàn toàn sản xuất tại Trung Quốc.

Một dấu hiệu khác nữa là chính Hoa Vi báo trước điện thoại Mate 60 Pro chỉ để cung cấp trên thị trường nội địa. Theo quan điểm của Julien Nocetti điều này chứng tỏ Trung Quốc không đủ khả năng để sản xuất « đại trà » bởi không có đủ chip điện tử đời mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhưng ít ra thì những thông báo về doanh thu tăng nhanh, hay những thành công trong lĩnh vực công nghệ làm tăng uy tín của Hoa Vi làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả các biện pháp trừng phạt cả khía cạnh kỹ thuật lẫn thương mại của Mỹ nhắm vào Trung Quốc nói chung. 

Julien Nocetti : «Trừng phạt về mặt công nghệ và thương mại có hiệu quả hay không ? Liệu rằng chúng ta cần thẩm định lại và áp dụng các biện pháp trừng phạt trong  bối cảnh một chiến lược toàn diện hơn hay không ? Theo tôi, chúng ta chỉ trông thấy tác động đối với một số những sản phẩm phổ thông, như điện thoại thông minh, hay trang thiết bị mạng 5G … Nhưng điều ít ai biết đến là tác động trừng phạt đối với ngành phát triển công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Chúng ta không biết được rằng nếu Mỹ không ngăn chận Trung Quốc tiếp cận với công nghệ cao thì những con bọ điện tử hiện đại nhất cả Đài Loan hay Hoa Kỳ có bị được dùng để chế tạo drone, trong bị cho tàu chiến hay cho các hệ thống chống tên lửa của Trung Quốc hay không … Đây là một mảng rất quan trọng mà chúng ta không có nhiều thông tin để có thể đưa ra những kết luận đáng tin cậy. Giới nghiên cứu lệ thuộc vào những thông tin từ phía Mỹ cung cấp. Nhưng điều quan trọng ở đây là trên mặt trận công nghệ, chúng ta đang đứng trước một thế giới lưỡng cực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ».

Có thể rút ra ít nhất ba bài học qua việc Hoa Vi « dềnh dang » giới thiệu sản phẩm mới là điện thoại thông minh Mate 60 với con bọ 7 nano mét Kirin 9000.

Thứ nhất, dù muốn hay không, Trung Quốc có khả năng thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Hoa Kỳ, Bắc Kinh có hẳn một chiến lược và những phương tiện tài chính dồi dào để « độc lập » với chíp của Âu, Mỹ. Thứ hai đây không đơn thuần là một cuộc tranh giành thị trường điện thoại thông minh mà là cả một cuộc đấu trí về « chính trị » và « an ninh » giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và thứ ba là về kỹ thuật, thương mại hay kinh tế, rất khó để « cắt đứt » liên hệ giữa các công ty của bất kỳ một quốc gia nào với phần còn lại của thế giới. Trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung cũng vậy : Một bộ áo giáp có dày đến đâu đi chăng nữa vẫn có thể bị những mũi tên của đối phương chọc thủng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.