Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Ra khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraina, Nga có lợi

Đăng ngày:

Thiếu 33 triệu tấn lúa mì và ngô của Ukraina trong một năm, một phần nhân loại có nguy cơ bị đói kém hay không ? Nga rút khỏi thỏa thuận "hành lang ngũ cốc Ukraina" ai có lợi ? Matxcơva biến lúa mì, phân bón thành những phương tiện để mặc cả với các quốc gia muốn tránh xảy ra nạn đói.

Ảnh minh họa : Một người đàn ông bán ngũ cốc ở chợ Dawanau, Kano, Nigeria, ngày 14/07/2023.
Ảnh minh họa : Một người đàn ông bán ngũ cốc ở chợ Dawanau, Kano, Nigeria, ngày 14/07/2023. AP - Sunday Alamba
Quảng cáo

Như đã biết trước, Nga đình chỉ Sáng kiến ngũ cốc trên Biển Đen hôm 17/07/2023. Đấy từng là cửa ngõ cho phép Ukraina xuất khẩu 33 triệu tấn nông phẩm - chủ yếu là lúa mì và bắp - từ 12 tháng vừa qua. Trong những ngày tiếp theo, Matxcơva liên tục oanh kích vào các kho ngũ cốc của Ukraina ở khu vực Odessa, miền nam, hướng ra Biển Đen. Nga không chỉ "đóng cửa" hành lang ngũ cốc ở Biển Đen mà còn phát động chiến dịch tiêu hủy các kho ngũ cốc, nông phẩm của Ukraina. Những cơ sở hạ tầng của Ukraina ở Odessa và kể cả trên sông Danube trở thành mục tiêu oanh kích của quân đội Nga. Kiev thông báo 60.000 tấn, rồi thêm 40.000 tấn ngũ cốc thành tro, bụi.

Ở cách Matxcơva hơn 9.000 cây số, Mohamed Nor, một thương gia buôn bán ngũ cốc tại Mogadiscio, thủ đô Somalia bên châu Phi giải thích, ông cầu nguyện hòa bình cho Ukraina chóng được vãn hồi, bởi "100 % người Somalia tiêu thụ các sản phẩm làm từ lúa mì. Mất lối ra Biển Đen, nông phẩm của Ukraina bị kẹt lại, thì giá thực phẩm ở Somalia sẽ tăng lên cao". Từ ngày 17/07/2023 " giá một bao lúa mì 50 kg đang từ 20 đô la đã tăng lên đến gần 30 đô la một bao".

"Cơn khát trong sa mạc"

Không chỉ có Somalia miền đông châu Phi trông chờ Biển Đen chóng lại được bình yên. Nhu cầu tiêu thụ lúa mì của khu vực Bắc Phi và Trung Đông hiện cao hơn gấp 6 lần so với hồi thập niên 1960. Nhập khẩu bảo đảm hơn 40 % nhu cầu tiêu thụ trong khu vực. Hơn 1/3 xuất khẩu lúa mì của thế giới là đổ về Bắc Phi và Trung Đông. Liban và Yemen phải nhập khẩu đến 90 % lúa mì để cung ứng nhu cầu nội địa. 

Về phía các nguồn cung cấp, Nga và Ukraina là hai "cột trụ". Từ 2016 Liên Bang Nga trở thành một trong những nguồn xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đài Quan Sát trực thuộc Phòng Thương Mại Pháp- Nga tại Matxcơva ghi nhận 2017 Nga đạt sản xuất 84 triệu tấn lúa mì - mức cao chưa từng thấy - hơn phân nửa trong số đó là dành để xuất khẩu. Ukraina cũng là một đối tác chính của thế giới trong lĩnh vực này : trước chiến tranh, Ukraina xuất khẩu 33 triệu tấn lúa mì và 42 triệu tấn bắp.

Một đòn thao túng thế giới

Trong bối cảnh một phần của thế giới lệ thuộc đến như vậy vào lúa mì và ngũ cốc nhập khẩu, mà Nga và Ukraina lại là hai nguồn cung cấp quan trọng nhất, rồi Biển Đen là cửa ngõ "đưa 30 % nông phẩm của Ukraina và Nga ra thế giới", việc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraina đơn giản là một đòn thao túng công luận quốc tế.

Trên đài truyền hình Arte hôm 19/07/2023 Emmanuel Veron, chuyên gia về quan hệ quốc tế trường Hải Quân -Ecole Navale và tại Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO phân tích :

"Đây một cách để bắt bí thiên hạ. Vladimir Putin đang bị dồn vào chân tường trong cuộc chiến Ukraina nên ông khai thác những chiến thuật khác bên cạnh các phương tiện quân sự. Matxcơva dùng lúa mì để gia tăng sức ép với cộng đồng quốc tế. Nga phân loại các đối tác qua việc thông báo hỗ trợ một số quốc gia ở châu Phi, nhưng quên hẳn các nước ở Trung Đông. Theo tôi những tuyên bố kiểu này nhằm nhắc nhở công luận rằng Nga vẫn làm chủ cuộc chơi và vẫn còn có nhiều lá chủ bài để đối thoại với phần còn lại của thế giới".

Emmanuel Veron bên Viện INALCO và Trường Hải Quân Pháp muốn nhắc đến thông báo của Vladimir Putin nhân thượng đỉnh Nga-Châu Phi tại Saint Petersburg hôm 27-28/07/2023 : Matxcơva hào phóng loan báo "tặng không" 50.000 tấn ngũ cốc cho 6 nước châu Phi - dù rằng đó chỉ là một giọt nước trong số 55 triệu tấn xuất khẩu cho cả năm 2022. Nhưng từ ba tuần nay, không thấy Matxcơva tỏ thiện chí giúp đỡ khu vực Trung Đông - mà Yemen và Liban là hai quốc gia cần được hỗ trợ. 

Matxcơva đi tìm thị trường cho ngũ cốc Nga bị tồn kho

Nhìn từ phía nhà chính trị học Vera Grantseva, chuyên gia về Nga, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. Paris, việc Matxcơva rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen trước hết là vì mục tiêu kinh tế :

"Có 14 nước hiện rất lệ thuộc vào nông phẩm của Nga và Ukraina. Điều này hết sức quan trọng đối với Vladimir Putin vì ông biết là có thể dùng lúa mì, ngũ cốc để phục vụ lợi ích của mình. Rút khỏi thỏa thuận hành lang ở Biển Đen cũng là cách để đẩy mạnh xuất khẩu nông phẩm của Nga. Hơn thế nữa Matxcơva muốn là qua đó cộng đồng quốc tế phải nới lỏng các biện phát trừng phạt Nga, tức là từng bước vô hiệu hóa các biện pháp cấm vận Nga, giảm bớt áp lực về kinh tế ".

Vera Grantseva giải thích thêm về thỏa thuận ngũ cốc mà Ukraina và Nga đã ký kết dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc và qua trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022. Theo bà, quốc tế nhắc nhiều là "hành lang ngũ cốc" trên Biển Đen cho phép xuất khẩu 33 triệu tấn nông phẩm của Ukraina ra thế giới, nhưng ít ai chú ý đến vế liên quan đến nước Nga. Thỏa thuận này bảo đảm cho chính quyền Matxcơva xuất khẩu ngũ cốc trong một giai đoạn 3 năm. Chính nhờ thỏa thuận này mà nông phẩm của Nga đã dễ dàng "tràn ngập" thị trường thế giới trong một năm vừa qua.

Nông phẩm, công cụ chính trị của Matxcơva

Cũng tại Saint Petersburg, chủ nhân điện Kremlin đã tận dụng diễn đàn Nga-Phi một mặt tuyên bố tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, lúa mì để hỗ trợ các "nước bạn", mặt khác ông biện minh cho việc rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bởi "không một điều kiện nào liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga được thỏa mãn". Đó là do "lỗi của phương Tây". Tổng thống Nga cũng đã khẳng định "chưa đầy 3 % nông phẩm xuất khẩu qua hành lang Biển Đen" được chuyển đến các nước nghèo, "hơn 70 % được dành để bán cho các quốc gia có thu nhập cao, chủ yếu là Liên Âu".

Lập tức Liên Hiệp Quốc (https://www.un.org/en/black-sea-grain-initiative/data?_gl=1*kpw4lh*_ga*MTcxMzMyOTU4MS4xNjg0NTA1NzUy*_ga_TK9BQL5X7Z*MTY4OTU5NTI0My4zLjEuMTY4OTU5NjkyMi4wLjAuMA) phản bác những thông tin trên qua một loạt thống kê cho thấy 43 % trong số gần 33 triệu tấn ngũ cốc Ukraina xuất khẩu qua ngả Biển Đen nhờ "hành lang an toàn" nói trên, đã được giao cho các nước đang phát triển. Đi sâu hơn vào chi tiết, thì trong số những quốc gia "đang phát triển" ấy, được hưởng lợi hơn cả là Trung Quốc. Vẫn theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh mua vào gần 8 triệu (trên tổng tố 33) tấn ngũ cốc của Ukraina trong năm vừa qua nhờ "hành lang ngũ cốc Biển Đen".

Nga cần giải quyết gấp 12,5 triệu tấn lúa mì tồn kho

Do vậy giới quan sát trong ngành không ngần ngại lên án Matxcơva bóp méo thông tin với dụng ý chính trị. Về phần Damien Vercambre, cơ quan tư vấn Inter-Courtage được Le Monde trích dẫn, chuyên gia này cho rằng Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen bởi đang có khoảng 12,5 triệu tấn lúa mì đang "tồn đọng" trong các nhà kho và cần gấp rút tìm được các nguồn tiêu thụ trước mùa thu hoạch 2023 sắp mở ra. Nga có một lợi thế đó là bán lúa mì với giá “rẻ nhất trên thế giới”

Nhưng sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng Vladimir Putin hành động vì lợi ích của giới nông dân Nga. Chuyên gia Emmanuel Veron cho rằng Matxcơva khai thác là bài nông phẩm để "mặc cả" hay "đánh đổi" lấy những nhượng bộ khác :

Tương quan lực lượng mà Vladimir Putin đang đặt ra cho thấy hai điều. Thứ nhất là nhiều quốc gia Hồi giáo Ả Rập, nhiều nước châu Phi và Trung Cận Đông rất dễ bị động vì yếu tố lương thực. An ninh lượng thực của các khu vực này dễ bị đe dọa. Điểm thứ nhì là nền ngoại giao của Nga đã nhìn xa hơn vế lương thực, thực phẩm. Thí dụ như với châu Phi, điện Kremlin đã và đang đàm phán ráo riết về những hồ sơ khác để đổi lấy lúa mì, ngũ cốc của Nga. Thế rồi khi đẩy một phần nhân loại vào cảnh đói kém, gây bất ổn trong xã hội ở châu Phi và Cận Đông, đẩy hàng chục ngàn người phải di tản sang châu Âu đó cũng là cách gián tiếp để Nga gia tăng áp lực với phương Tây”.

Chuyên gia về Liên Bang Nga, trường Khoa Học Chính Trị Paris, Vera Grantseva ghi nhận, tương tự như dầu hỏa, khí đốt, lúa mì cũng là công cụ cho phép điện Kremlin chia rẽ tình đoàn kết của Liên Âu, đánh vào quyền lợi của nông dân tại một số thành viên như là Ba Lan hay Rumanie, Bulgarie… để làm giảm thiểu nhiệt tình của những quốc gia này trong việc yểm trợ Ukraina.

"Putin muốn khuynh đảo Liên Âu, đó là chiến lược ông đã theo đuổi từ nhiều năm nay. Gây bất ổn trong Liên Âu bằng mọi cách, nào là chiến tranh thông tin, và giờ đây dùng lúa mì Ukraina để khuấy động 5 nước đông Âu. Tôi nghĩ đây không phải là tính toán ban đầu của Kremlin nhưng rõ ràng đã dấy lên hiềm khích đối với lúa mì của Ukraina vào thời điểm mà quốc gia này đang cần được giúp đỡ. Nga đã chia rẽ đoàn kết trong Liên Âu".

Nạn đói đang rập rình ? 

Trở lại với câu hỏi việc Nga không triển hạn thỏa thuận ngũ cốc Ukraina có nguy cơ lại đẩy thế giới vào một giai đoạn bất ổn về lương thực, thực phẩm hay không, giới phân tích đưa ra nhiều quan điểm khác nhau.

Arthur Portier thuộc cơ quan tư vấn chuyên về nông phẩm, AGRITEL trụ sở tại Paris, giải thích :

"Thực ra ở cấp quốc tế, có đủ lúa mì để bảo đảm nhu cầu cho nhân loại. Nga là nguồn xuất khẩu lớn nhất thế giới. Matxcơva đã cho xuất khẩu 55 triệu tấn trong số 95 triệu thu hoạch được trong vụ mùa năm 2022. Điều đó càng khiến nước Nga của ông Vladimir Putin có trọng lượng trên bàn cờ nông phẩm thế giới. Câu hỏi còn lại là hàng có đến tay người tiêu dùng hay không. Một điều chắc chắn là cùng một lúc chúng ta không thể quay lưng lại với hai nguồn sản xuất lớn là Nga và Ukraina. Vấn đề còn lại là thỏa thuận hành lang ở Biển Đen bị đình chỉ trong bao lâu. Hiện tại Pháp xuất khẩu 50 % mức sản xuất tức là có thể lấp được phần nào vào chỗ trống lúa mì và ngũ cốc của Ukraina trên thị trường thế giới, nhưng nông phẩm của Pháp đắt hơn so với của Nga hay Ukraina. Dù sao đi nữa thì đó chỉ là một giải pháp tạm thời. Chúng ta không đủ sức thay thế Ukraina cung cấp thực phẩm cho thế giới một cách lâu dài". 

Về phần Sébastien Abis, giám đốc Club Demeter, một tổ chức quy tụ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm lưu ý : lần đầu tiên từ đầu chiến tranh Ukraina, "không có bất kỳ một cuộc thương lượng nào ở hậu trường" về nông phẩm. Trung Quốc, vốn hưởng đến gần 25 % nông phẩm của Ukraina xuất khẩu nhờ hành lang ở Biển Đen từ tháng 7/2022 nay đã chuyển sang mua ngô của Brazil thay thế cho nguồn cung cấp Ukraina. Nga thì liên tục oanh kích các cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Ukraina ở Odessa. Phía Kiev không ngần ngại dùng drone tấn công cảng Novorosiysk của Nga một trong những hải cảng quan trọng nhất để đưa nông phẩm của Nga ra thế giới : Trong những điều kiện đó, trên nguyên tắc, giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao lên trở lại. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.