Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

SVB- Credit Suisse : Một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới ?

Đăng ngày:

Trong hai ngày họp 21-22/03/2023 Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED phải dập tắt những hoài nghi về mức an toàn của các ngân hàng Mỹ. Các giới chức tiền tệ khẳng định vụ ngân hàng SVB phá sản « đã thuộc về quá khứ ». Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse thoát nạn nhờ được UBS mua lại. Hai tín hiệu khả quan đó chưa đủ để trấn an giới đầu tư.

Thương hiệu của Swiss banks Credit Suisse và UBS trên 2 tòa nhà ở Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh chụp ngày 18/03/2023.
Thương hiệu của Swiss banks Credit Suisse và UBS trên 2 tòa nhà ở Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh chụp ngày 18/03/2023. AP - Michael Buholzer
Quảng cáo

Lo ngại khủng hoảng từ Mỹ lan tới phần còn lại trên thế giới tái phát dù rằng Silicon Valley Bank -SVB là ngân hàng đứng hạng thứ 16 ở Mỹ, ít được công chúng biết đến. SVB chủ yếu là ngân hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) cấp hơn 200 tỷ tín dụng cho các thân chủ : 200 tỷ đô la tín dụng là một « giọt nước » nếu so sánh với trọng lượng của ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ là JPMorgan Chase.

Tại cái nôi tài chính của Thụy Sĩ là Zurich, Credit Suisse tiếp tục trong tâm bão. Hai trường hợp của SVB và Credit Suisse không trực tiếp liên hệ với nhau nhưng cũng đủ để khuấy động các sàn chứng khoán trên thế giới và trở thành tâm điểm khóa họp của FED. Hai sự kiện đó đang gây thêm khó khăn cho các ngân hàng trung ương trên thế giới khi đang cần tăng lãi suất chỉ đạo trong mục tiêu chống lạm phát.  

Không dễ dập tắt những đám cháy đang âm ỉ bùng lên từ ba yếu tố : nghi ngờ về hiệu quả các cơ chế giám sát hoạt động ngân hàng của Mỹ, tăng lãi suất chỉ đạo chống lạm phát và kịch bản các mạng xã hội châm ngòi cho một khủng hoảng ngân hàng lan nhanh và lan rộng từ Mỹ, thế giới không kịp trở tay.

Credit Suisse thoát nạn nhưng đẩy ngành tài chính Thụy Sĩ vào bước « vô định »

Tại Thụy Sĩ, ngân hàng lớn nhất UBS chính thức thông báo mua lại Credit Suisse với giá là 3 tỷ franc (gần tương đương với 3 tỷ đô la Mỹ). Một khi thủ tục hoàn tất, tổ hợp UBS-Credit Suisse quản lý hơn 5.000 tỷ đô la vốn đầu tư, một số tiền lớn hơn gấp gần 6 lần so với GDP của Thụy Sĩ (800 tỷ đô la năm 2021 theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới). Chính quyền Thụy Sĩ, cũng như các giới chức ngân hàng tại BCE (Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu) hay Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ  hoan nghênh quyết định nói trên.

Nhưng trên các sàn chứng khoán tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 20/03/2023 cổ phiếu của các ngân hàng tại Paris hay Frankfurt và cả ở Zurich tiếp tục trượt giá cho đến gần cuối ngày. Cố phiếu của cả Credit Suisse (-66 %) lẫn UBS (- 12 %) cùng mất giá mạnh.

Truyền thông Thụy Sĩ nói đến « một ngày đen tối » cho ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse bị UBS « nuốt chửng » với giá « rẻ như bèo » hơn 3 tỷ đô la. Chính giới ở Berne cho rằng thương vụ này làm xấu đi thêm hình ảnh của Thụy Sĩ, một cột trụ tài chính trên thế giới. Nhìn từ phía các nhà đầu tư, việc UBS thâu tóm Credit Suisse đặt ra nhiều vấn đề.

Thứ nhất UBS đang rất thịnh vượng, lãi hơn 7 tỷ đô la trong năm vừa qua, Credit Suisse sẽ là một « gánh nặng » cho UBS và đó là điều mà các cổ đông của UBS không mong muốn.  

Điểm thứ hai là do gấp rút « cứu nguy » Credit Suisse, các cổ đông của UBS đã không được tham khảo ý kiến. Có hàng loạt những câu hỏi chưa được giải đáp chẳng hạn như mua lại Credit Suisse ảnh hưởng như thế nào về nhân sự, về cách tổ chức lại các hoạt động của UBS. UBS có 200 chi nhánh trên thế giới, Credit Suisse là 95 và hiện diện tại khoảng 50 quốc gia khác nhau. Chắc chắn là sau cuộc « hôn nhân miễn cưỡng này » sẽ có một số văn phòng đại diện của cả đôi bên phải đóng cửa.

Điểm cuối cùng gây lo ngại là trọng lượng quá lớn của UBS và Credit Suisse sau này. Như vừa nói 5.000 tỷ đô la là một số tiền lớn gần gấp 6 lần so với GDP của Thụy Sĩ. Để so sánh, GDP của Pháp trong năm 2022 là 3.200 tỷ đô la.

Ngành ngân hàng Mỹ vẫn trong « chảo lửa »

Nhìn sang Hoa Kỳ, tình hình vẫn « sôi sục ». Mười ngày sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản đã có thêm hai ngân hàng khác (Silvergate Bank và Signature Bank chuyên về tiền ảo) đã bị khai tử và một ngân hàng thứ ba là First Republic Bank (trụ sở tại San Francisco-California) đang hấp hối dù đã được nhiều đối tác hỗ trợ, cấp 30 tỷ đô la tiền mặt để có thể tiếp tục cầm cự. Trở lại với điểm khởi đầu từ khi ngân hàng SVB tại bang California, chuyên phục vụ ngành công nghệ ở thung lũng Silocon phá sản. Trên đài RFI Pháp ngữ sáng lập viên công ty tư vấn tài chính Global Sovereign Advisory, trụ sở tại Paris, bà Anne Laure Kiechel trước hết nhấn mạnh đến nét đặc thù của ngành công nghệ cao, của các start-up và liên hệ của số này với ngành tài chính ngân hàng.

Anne Laure Kiechel  : « SVB là một ngân hàng chuyên tập trung vào các công ty khởi nghiệp trong thung lũng công nghệ bang California là Silicon Valley. Đây là một tính toán mang tính rủi ro cao khi mà một ngân hàng nhắm vào một lĩnh vực, một loại khách hàng duy nhất trên một phương diện rất đặc biệt là công nghệ cao. Hơn nữa các start up có một đặc điểm. Đó là những thực thể cần huy động vốn để phát triển, nhưng lại cần thời gian để kiếm ra lời. SVB chủ yếu cấp tín dụng cho các công ty khởi nghiệp bằng vốn ủy thác của thân chủ. Khi mà Cục Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất chỉ đạo lâp tức trị giá tài sản của tất cả các ngân hàng đều bị giảm sụt. Nói một cách dễ hiểu, đối với một ngân hàng thương mại, việc Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất chỉ đạo là tin xấu. Đó là sự thật đối với bất kỳ một nhà băng nào ở khắp mọi nơi trên thế giới ».

Theo thẩm định của các giới chức tài chính Mỹ, chỉ cần FED tăng lãi suất chỉ đạo 0,25 điểm, trị giá tài sản của SVB giảm đi mất một tỷ đô la. Từ 2021 Ngân Hàng Tung Ương Mỹ -Cục Dự Trữ Liên Bang đã nhiều lần tăng lãi suất chỉ đạo. Lãi suất đó đang từ gần như 0 % đã tăng lên thành 4,25 %.

Vết dầu loang ?

Do chỉ giao dịch với giới trong ngành công nghệ, SVB dùng tiền ủy thác của khách hàng đầu tư mua công trái phiếu của chính phủ Mỹ, đó là những công trái phiếu « dài hạn ». Khi cần ngăn chận lạm phát như mọi ngân hàng trung ương trên thế giới Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo. Những người ký gửi tiền vào SVB muốn rút lại vốn, đầu tư nơi khác, chóng kiếm lời hơn. SVB rơi vào hoàn cảnh « thiếu hụt tiền mặt -bank-run » khi mà nhiều thân chủ cùng muốn rút tiền một lúc. 

Anne Laure Kiechel : « Một khi biết là đang rơi vào bẫy do lãi suất chỉ đạo tăng lên và không có được những công cụ để bảo vệ vững chắc, giới lãnh đạo của SVB đã cuống lên. Họ đã phải bán đổ bán tháo công trái phiếu đang nắm giữ để có đủ tiền mặt, đáp ứng nhu cầu vay mượn từ phía các công ty khởi nghiệp. SVB lỗ nhiều trong các thương vụ tài chính này. Họ mất hàng triệu bạc. Cho nên phải huy động thêm vốn để lấp vào chỗ trống. Nhưng SVB không đủ sức huy động thêm các nhà đầu tư, không vay thêm được trên thị trường tài chính. Công luận bắt đầu lo ngại và mất tin tưởng vào ngân hàng SVB. Trong ngành ngân hàng, chữ tín là yếu tố quan trọng hàng đầu. SVB rơi vào cái vòng luẩn quẩn và lại phải bán thêm các công trái phiếu đang nắm giữ. Tài sản của SVB bốc hơi».

Tương tự như Credit Suisse ngân hàng Mỹ SVB cũng đã bất lực khi cần huy động thêm vốn. Tuy nhiên có một khác biệt lớn : Credit Suisse là 1 trong số 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, hiện diện trong nhiều lĩnh vực (từ địa ốc đến bảo hiểm, công nghiệp dược phẩm….). Trái lại SVB đã bỏ tất cả các trứng vào một giỏ công nghệ. Nhờ đó « khủng hoảng » của SVB tương đối được giới hạn trong thế giới công nghệ cao và ở thung lũng Silicon, bang California. Sáng lập viên cơ quan tư vấn tài chính Global Sovereign Advisory từng làm việc tại ngân hàng Lehman Brothers Anne Laure Kiechel so sánh :  

Anne Laure Kiechel : « Hiện tại hệ thống ngân hàng không bị đe dọa và chúng ta không ở trong tình trạng như hồi 2008 với vụ ngân hàng Lehman Brothers. Để so sánh, hai ngân hàng này có trọng lượng hoàn toàn khác nhau, SVB chỉ đứng hàng thứ 16 trong số các ngân hàng ở Mỹ với hơn 200 tỷ đô la tài sản. Khác với Lehman Brothers, hoạt động của Silicon Valley Bank giới hạn trong một lĩnh vực là công nghệ với những khách hàng khoanh vùng ở bang California. Do vậy bị phá sản, SVB không gây ra hiệu ứng đô mi nô, không kéo theo những ngân hàng khác, những lĩnh vực khác vào khủng hoảng. Thêm vào đó từ 2008 Mỹ đã thắt chặt luật kiểm soát các hoạt động ngân hàng. Có điều chính quyền Trump năm 2018 đã nới lỏng đạo luật mang tên Dodd -Frank để rồi một số định chế tài chính của Hoa Kỳ như SVB lọt lưới giám sát của các cơ quan nhà nước ».

Tạm tránh được hiện tượng đổ dàn

Trước mắt cổ phiếu các ngân hàng, nhất là tại châu Âu tiếp tục mất giá nhưng không trong thế « rơi tự dọ » như hồi 2008 sau khi Lehman Brothers thông báo phá sản. Nhưng không chắc là ngành ngân hàng đã thoát hiểm.

Laurence Nardon, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp nêu lên những yếu tố như sau. Sau vụ SVB phải đóng cửa, từ tổng thống Hoa Kỳ đến lãnh đạo Cục Dự Trữ Liên Bang, từ bộ trưởng Tài Chính đến giám đốc  FIDC (Cơ Quan Bảo Hiểm Ký Thác Liên Bang trực thuộc chính phủ Liên Bang Mỹ có trọng tránh giám sát và bảo chứng các khoản tiền ủy thác ở các ngân hàng) đều gia sức trấn an công luận về mức độ an toàn của các ngân hàng Mỹ. Tác động khá thành công nhưng một cuộc khủng hoảng tiềm tàng khác dấy lên từ Credit Suisse ở Thụy Sĩ.

Hai sự kiện nói trên kiến công luận nghi ngờ về tính hiệu quả của các cơ chế giám sát, ngành tài chính ngân hàng của Mỹ, của châu Âu tránh để kịch bản Lehman Brothers tái diễn kéo theo nhiều ngân hàng khác vào vòng xoáy khủng hoảng. SVB với chưa đầy 250 tỷ vốn nên đã  « thoát lưới » giám sát của các giới chức ngân hàng Mỹ.

Sẽ có thêm bao nhiêu trường hợp tương tự như SVB nữa trong bối cảnh lạm phát tiếp diễn và các ngân hàng trung ương sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất chỉ đạo ? Đó là yếu tố thứ hai khiến ngành ngân hàng trong thế bị động.

Lý do thứ ba là trong thời đại kỹ thuật số, thông tin được truyền tải nhanh chóng trên các mạng xã hội, SVB rơi vào tâm bão khi rộ lên trên các mạng xã hội những lời đồn đoán về mức độ an toàn của tập đoàn ngân hàng này. Lập tức các thân chủ vôi vã rút tiền khỏi SVB và tập đoàn này rơi vào vòng luẩn quẩn không hồi kết.

Đâu đó theo bà Nardon thuộc viện IFRI mạng xã hội cũng là một yếu tố gây ra khủng hoảng ngân hàng ở bang California.

Trong trường hợp của Credit Suisse, một tuyên bố vụng về của lãnh đạo ngân hàng này khi ông thanh minh rằng « không liên hệ với SVB » cộng thêm với quyết định không sai của môt trong hai nhà tài trợ chính cho Credit Suisse là ngân hàng Ả Rập Xê Út được diễn giải như một tín hiệu là đối tác Trung Đông này mất tín tưởng vào ngân hàng Thụy Sĩ, đã đổ dầu vào lửa.   

Ba yếu tố nói trên cộng lại tạo nên một nỗi lo về mặt tâm lý mà tới nay các phân tích, thống kê dù là khả quan vẫn chưa đủ sức tái tạo niềm tin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.