Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nga không thể né lệnh trừng phạt quốc tế nhờ tiền ảo

Đăng ngày:

Để tránh lệnh trừng phạt quốc tế do xâm chiếm Ukraina, Nga không thể trông cậy vào tiền ảo. Matxcơva còn nhiều nghi vấn về tiền điện tử và lo sợ đồng rúp, một đồng tiền pháp định bị các loại tiền mã hóa đe dọa. Chuyên gia về tiền ảo, Hugo Estecahandy, Viện Nghiên Cứu Pháp về Địa Chính Trị - IFG nêu bật những yếu tố cho thấy còn quá sớm để khẳng định rằng tiền ảo giúp Nga giải tỏa các biện pháp cấm vận của phương Tây.  

Bitcoin không cho phép Nga lách lệnh trừng phạt quốc tế.
Bitcoin không cho phép Nga lách lệnh trừng phạt quốc tế. AP - Kin Cheung
Quảng cáo

Iran hay Bắc Triều Tiên do bị quốc tế trừng phạt vì phát triển vũ khí hạt nhân, đã dùng tiền ảo để lách các biện pháp cấm vận của quốc tế, vậy liệu rằng nước Nga của tổng thống Vladimir Putin có thể làm như vậy được hay không ? Trả lời ban tiếng Việt RFI Hugo Estecahandy thuộc Viện Nghiên Cứu Pháp về Địa Chính Trị Pháp - IFG trước hết lưu ý đến khác biệt cơ bản về trọng lượng của Bắc Triều Tiên chẳng hạn so với nước Nga trên bàn cờ thương mại quốc tế. Estecahandy nghiên cứu về các hoạt động « đào tiền ảo » trong vùng Siberia. Anh có mặt tại Matxcơva khi nổ ra chiến tranh Ukraina và đã phải chuyển công tác Nga sang Ouzbekistan, một nước Trung Á từng thuộc về Liên Xô cũ.

Hugo Estecahandy : « Nga chưa phải là Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã phát triển một hệ thống chuyên đánh cắp tiền mã hóa, có hẳn một đội ngũ tin tặc làm việc cho Nhà nước Bắc Triều Tiên nhằm mục đích này, dù vậy đây cũng chỉ là một trong những giải pháp cho phép Bắc Triều Tiên vẫn thu về ngoại tệ cho dù kinh tế quốc gia đông bắc Á này bị phong tỏa từ nhiều thập niên qua. Trường hợp của nước Nga hoàn toàn khác : Cho đến rất gần đây, kinh tế Nga hoàn toàn hòa nhập với thế giới cả về mậu dịch lẫn tài chính ». 

Tránh vơ đũa cả nắm

Khác với Bắc Triều Tiên hay Iran, Nga là một quốc gia với 144 triệu dân, với 1.500 tỷ đô la GDP, ngành xuất nhập khẩu chiếm gần một nửa tổng sản phẩm nội địa. Matxcơva gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới từ năm 2012, là nguồn xuất khẩu thứ 16 trên toàn thế giới và đứng thứ 21 trong số các quốc gia nhập khẩu. Về hàng hóa, năm 2020 Nga xuất khẩu hơn 330 tỷ đô la, theo thống kê của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Ngân Hàng Trung Ương Nga hiện đang nắm giữ 640 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ mà phần lớn là bằng đô la và euro (đồng nhân dân tệ Trung Quốc chiếm 17 %). Kể từ khi khai mào chiến tranh Ukraina, Hoa Kỳ và Liên Âu cùng nhiều đồng minh châu Á đã lập tức ban hành lệnh phong tỏa tài sản của Nga ở nước ngoài, cắt đứt gần như toàn bộ giao thương với Nga. Nga bị cấm cửa hệ thống giao dịch ngân hàng quốc tế SWIFT.

Kịch bản dùng tiền ảo thay thế đô la nghe qua có vẻ hấp dẫn. Song, dùng các loại tiền ảo để thu vào hàng chục, hàng trăm triệu đô la xuất khẩu dầu hỏa, lúa mì … là « điều không tưởng » theo đánh giá của nhà nghiên cứu Estecahandy viện IFG. Chỉ riêng hóa đơn về dầu khí, tùy theo giá thị trường, mỗi ngày Liên Hiệp Châu Âu phải mua vào từ 500 đến 800 triệu đô la năng lượng của Nga. Với khối lượng ngoại tê to lớn như vậy, Nga khó có chuyển sang dùng Bitcoin hay bất cứ một đơn vị tiền ảo nào khác.

Dù vậy từ vài ngày trước khi tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraina trên các mạng mua bán tiền ảo, một khối lượng lớn những đơn vị tiền ảo như Bitcoin, Tether hay USDT … đã được mua vào với đồng rúp của Nga. Giá một đồng Bitcoin tăng 10 % trong một tuần lễ, theo như quan sát của Coinbase và Binance, hai trung tâm môi giới tiên ảo trên mạng. Hugo Estecahandy trên đài RFI phân biệt rõ vấn đề ở « nhiều cấp khác nhau ».

Hugo Estecahandy : « Không thể có chuyện chính quyền Nga hay các định chế ngân hàng Nga tung ra hay thu vào những khối tiền khổng lồ mà không ai hay biết. Dù vậy vất đề đặt ra ở nhiều cấp. Matxcơva không thể dùng tiền ảo để thanh toán hóa đơn với các đối tác thương mại quốc tế. Những nhân vật nổi tiếng bị phương Tây trừng phạt, bị phong tỏa tài sản không thể dùng tiền ảo để chuyển tiền ra nước ngoài hay đưa tài sản từ ngoại quốc về Nga. Ngân Hàng Trung Ương Nga cũng không thể dùng tiền điện tử để đưa một phần các khoản dự trữ ở nước ngoài về Nga với hy vọng lách lệnh trừng phạt quốc tế, bởi như vậy thì không khác gì là nhìn nhận đồng rúp mất tính chính đáng. Do vậy không thể tính đến chuyện các đơn vị tiền điện tử thay thế đồng rúp, toàn bộ các hoạt động tài chính, ngân hàng và thương mại của Nga sử dụng tiền ảo ».

Nhưng ở cấp cá nhân thì khác và trong khuôn khổ hạn hẹp của kinh tế vi mô, thì khác. Chuyên gia Pháp cho biết thêm về những gì anh đã trải qua trong những ngày còn công tác tại Matxcơva sau khi chiến tranh Ukraina bùng nổ :

Hugo Estecahandy : « Cách này vài ngày khi còn ở Nga tôi đã trông thấy cảnh tượng dân chúng bị hạn chế trong việc rút tiền mặt và từ đó đã nảy sinh ra nhiều sáng kiến ở cấp cá nhân. Sáng kiến thứ nhất kể từ khi phương Tây trừng phạt, số lượng tiền ảo được mua bằng đồng rúp đã tăng mạnh. Điều đó có nghĩa là dân Nga đua nhau mua vào tiền ảo, nhất là các loại tiền được gọi là stable coins. Đó là những đơn vị tiền điện tử có giá trị được gắn vào đồng đô la Mỹ, vào đồng tiền chung châu Âu hay là vào giá vàng. Điều đó cho thấy công luận Nga đề phòng khả năng đồng rup mất giá. Sáng kiến thứ hai tôi được chứng kiến là một số người Nga đã dùng tiền ảo như một phương tiện để mua bán. Đơn giả là vì họ bị giới hạn khi cần rút tiền mặt bằng đồng rúp, và người Nga cũng biết là đồng rúp sẽ bị mất giá. Nhưng xin nhắc lại, cả hai sáng kiến xoay qua việc dùng tiền ảo thay thế cho đồng rúp chỉ phổ biến ở quy mô nhỏ, ở cấp cá nhân mà thôi ». 

Nguyên tắc của tiền ảo

Trở lại với thể thức vận hành của một đồng tiền ảo vốn được các tổ chức tội phạm dùng để « rửa tiền », hay một số quốc gia sử dụng : Tại sao truyền thông quốc tế quả quyết rằng, tiền ảo giúp Nga thoát lệnh trừng phạt của phương Tây ?

Hugo Estecahandy : « Bởi vì tiền ảo đã được hình thành để lách luật, để không bị phụ thuộc vào hệ thống tài chính đang hiện hành, thí dụ như hệ thống giao dịch giữa các  ngân hàng quốc tế SWITF hay hệ thống thẻ tín dụng Visa, Mastercard… Đồng tiền ảo được biết đến nhiều nhất là Bitcoin. Đơn vị tiền tệ này đã được tạo ra để lách những biện pháp kiểm soát của chính phủ, của các định chế ngân hàng ở cấp quốc gia và quốc tế. Đồng tiền này cho phép mọi người dùng để thanh toán trên mạng và như vậy, về nguyên tắc, và chỉ là về nguyên tắc thôi, không một cơ quan chức năng nào có thể áp đặt các khung pháp lý với những người sử dụng tiền ảo».

Trên thực tế, ngay cả các mạng giao dịch tiền ảo cũng bị kiểm soát và theo dõi chặt chẽ. Các cơ quan quản lý tiền tệ của Âu, Mỹ biết rõ danh tính những người « ra lệnh » mua vào hay bán ra Bitcoin. Một tuần lễ sau khi quân đội Nga xâm lăng Ukraina giám đốc điều hành Coinbase thông báo « cấm cửa » 25.000 tài khoản mua bán tiền ảo trên mạng này từ các « thân chủ Nga ». Binance cũng đưa ra quyết định tương tự cho dù điều đó « hoàn toàn ngoài ý muốn » của Binance, bởi áp đặt các biện pháp « kiểm soát các luồng mua bán tiền ảo trái ngược với nguyên tắc hoạt động cơ bản của thế nào là một đồng tiền crytocurrency ».

Lập trường của Nga về tiền ảo ?

Một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra ở đây là tiền ảo có được sử dụng một cách phổ biến tại Nga hay không ? Bởi dường như tới nay còn nhiều mâu thuẫn trong lập trường của Matxcơva về tiền ảo.

Hugo Estecahandy : « Đây là một câu hỏi rất phức tạp. Từ 4-5 năm nay, trong nội bộ giới lãnh đạo ở Nga vẫn chưa tìm được đồng thuận chung về vấn đề khuôn khổ pháp lý nào để quản lý tiền ảo, về việc sử dụng công cụ thanh toán này … Ngân hàng Trung Ương thì chủ trương rúp là đơn vị tiền tệ quốc gia duyn nhất nhằm bảo đảm quyền tự chủ của Nga trong lĩnh vực tiền tệ trên toàn lãnh thổ.  Trái lại một số bộ thì có thiên hướng xoay sang tiền mã hóa để mang lại một làn gió mới cho kinh tế Nga. Nhưng đó là ở thời ký trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina ».  

Nhà nghiên cứu người Pháp này nhắc lại, mới chỉ tháng Giêng 2021 Nga cho phép tư nhân « đào tiền » ảo, được quyền mua vào hay bán ra mọi đơn vị tiền mã hóa. Nhưng Matxcơva cấm sử dụng các đơn vị tiền tệ này như một phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Nga, chẳng hạn như để mua xe, trả tiền học tư cho con em.

Đến tháng Giêng năm nay Ngân Hàng Trung Ương Nga công bố một bản báo cáo kêu gọi chính phủ cấm các hoạt động « đào tiền ảo ». Định chế này đánh giá đây là « mầm mống đe dọa đến các khoản tiết kiệm của các hộ gia đình Nga và có nguy cơ làm dấy lên các hoạt động tài chính phi pháp ». Cũng trong báo cáo này, Ngân Hàng Trung Ương đề nghị chính phủ phát triển dự án đồng rúp điện tử. Đó là một đồng tiền pháp định, do Ngân Hàng Trung Ương phát hành và quản lý. Matxcơva thiên về giải pháp phát hành một đồng rúp điện tử theo mô hình đồng nhân dân tệ điện tử Trung Quốc. Tuy vậy dự án của Nga còn trong giai đoạn phôi thai

Hugo Estecahandy giải thích Nga muốn mở rộng vai trò của đồng tiền điện tử, với điều kiện Nhà nước và Ngân Hàng Trung ương kiểm soát toàn bộ về chính sách tiền tệ ngay cả trong thời đại kỹ thuật số. Dù vậy có thể tạm thời rút ra hai kết luận : thứ nhất là chiến tranh Ukraina làm lộ rõ tầm mức quan trọng của tiền ảo cho dù các loại tiền đó chưa và không thể giúp Nga giảm bớt tác động trừng phạt. Thứ hai là không chỉ thu gọn trong lĩnh vực tiền ảo, mà các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số đang đóng một vai trò hàng đầu khi nổ ra chiến tranh.

Tạp chí kỳ tới của RFI sẽ tập trung vào vai trò then chốt của các công nghệ mới trong chiến tranh mà xung đột Ukraina là bài toán trắc nghiệm đầu tiên.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.