Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Nga đe dọa vị thế trung lập của Ireland

Đăng ngày:

Những đòn tấn công trả đũa dữ dội giữa Nga và Ukraina. Thế trung lập của Ireland bị Nga đe dọa. Tại Đài Loan, Lại Thanh Đức thắng cử, một mối nguy cho quan hệ Mỹ - Trung? Kim Jong Un hung hăng, bán đảo Triều Tiên có xảy ra chiến tranh ? Hồng Hải dậy sóng nhưng Trung Quốc phản ứng dè dặt. Tại châu Âu, người nông dân « nổi giận ». Trên đây là những chủ đề thời sự đáng chú ý trong tháng Giêng năm 2024.

Ảnh minh họa: Tầu ngầm Rostov-na-Donou của Nga lớp Kilo chạy bằng diesel tại eo biển Bosphore, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 13/02/2022.
Ảnh minh họa: Tầu ngầm Rostov-na-Donou của Nga lớp Kilo chạy bằng diesel tại eo biển Bosphore, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 13/02/2022. © OZAN KOSE / AFP
Quảng cáo

Người dân Ukraina không được bình an đón Giao Thừa và Năm Mới. Trong nhiều ngày liên tiếp từ cuối năm 2023 tới đầu năm 2024, Nga đã ồ ạt không kích nhiều thành phố lớn của Ukraina, trong đó có thủ đô Kiev. Chỉ riêng từ ngày 29/12/2023 tới ngày 02/01/2024, Ukraina cho biết Nga đã sử dụng tổng cộng hơn 500 tên lửa và drone bắn phá Ukraina.

Khác với mùa đông năm vừa rồi, lần này Nga đặc biệt sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phá hủy các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraina. Giới chuyên gia còn nói đến một chiến lược làm hao mòn hệ thống phòng không, làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn pháo của Ukraina vào lúc nước này đang gặp khó khăn do các nguồn chi viện quân sự từ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đang gặp bế tắc.

Ireland : Mắt xích yếu của Liên Âu ?

Cuộc chiến tại Ukraina làm lộ rõ một mắt xích yếu khác của Liên Hiệp Châu Âu : Ireland, theo truyền thống, là một nước trung lập. Tuy nhiên, thời gian gần đây một tầu ngầm của Nga đã bị Hải quân Anh truy đuổi ra khỏi cảng biển Cork, phía nam đất nước.

Nguyên nhân là vì hải quân Ireland không có đủ các phương tiện cần thiết để phòng vệ. Sự việc làm dấy lên cuộc tranh luận về tính trung lập của đất nước. Thông tín viên đài RFI, Clémence Pénard tại Dublin giải thích :

« Chiến dịch ở Cork diễn ra cách nay đã sáu tháng nhưng tình tiết vụ việc gần đây mới được tiết lộ, và những vụ việc như vậy dọc theo những bờ biển của Ireland ngày càng phổ biến, làm dấy lên nhiều nghi ngờ nghiêm trọng về năng lực giám sát các vùng lãnh hải của đất nước. Theo Karl Berry, cựu sĩ quan hải quân Ireland, hiện là thành viên Quốc hội, thì hải quân nước này chỉ có thể điều hai trong số 8 tàu chiến ra biển. »

Hơn nữa, do không có thiết bị dò tìm bằng sóng âm, hải quân nước này không những không có khả năng phát hiện tàu ngầm của Nga hay bất kỳ nước nào khác, cũng như là tàu trên mặt nước. Ireland không trang bị tên lửa trên tàu chiến cũng không có hệ thống phòng không.

Cũng theo Clémence Pénard, hồi năm rồi, bốn tàu chiến Nga bị phát hiện băng qua vùng đặc quyền kinh tế đất nước. Tất cả những điều đó cho thấy nhu cầu cấp thiết bổ sung tàu chiến cho Ireland. Nhưng vấn đề ở đây là thiếu nhân lực. Hải quân Ireland cần đến 1.100 thủy thủ để có thể hoạt động luân phiên nhưng hiện chỉ có được khoảng từ 700-750 người.

« Để cải thiện việc tuyển dụng, chính phủ thông báo tăng tiền trợ cấp cho thủy thủ đoàn mỗi khi ra biển. Từ cuối tháng Giêng này, các thủy thủ sẽ nhận 130 euro/ngày sau 10 ngày liên tiếp trên biển, tức tăng gấp đôi so với trước đây. »

Tính trung lập của Ireland bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giành độc lập đối với Vương Quốc Anh, và hàm chứa nhiều yếu tố quan trọng chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa quân phiệt. Nhưng cũng giống như nhiều nước châu Âu trung lập khác, chiến tranh tại Ukraina đã làm xáo trộn các lá bài ngoại giao và rất có thể thúc đẩy Ireland xem xét lại vị thế của mình.

Theo Karl Berry, đây là điều không bình thường. Ireland có một thỏa thuận an ninh với Vương Quốc Anh. Không quân Hoàng gia Anh giám sát không phận nước này. Ireland là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu không có radar quân sự.

« Năm 1949, Ireland đã từ chối gia nhập NATO, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương mà Vương quốc Anh là thành viên. Và giờ cũng không có chuyện theo chân Thụy Điển và Phần Lan tham gia Liên minh. Tại quốc gia có khoảng năm triệu dân, công luận vẫn bám chặt với chính sách phi liên kết.

Tuy nhiên, mối đe dọa Nga tại những vùng lãnh hải Ireland rất có thể thay đổi tình hình. Chúng gây xôn xao dư luận và nhiều binh sĩ kêu gọi lập riêng vị trí bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ. Vị trí này hiện do ngoại trưởng Michael Martin, kiêm giữ chức vụ này. »

Lại Thanh Đức thắng cử, quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng ?

Bất chấp các hành động dọa dẫm từ Trung Quốc, ông Lại Thanh Đức, ứng viên đảng Dân Tiến DPP, có chủ trương giữ nguyên trạng, đã về đầu với 40% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử ngày 15/01/2024. Nhiều nhà quan sát cho rằng, thắng lợi lần thứ ba liên tiếp của đảng Dân Tiến là « đòn đau », một « cú tát » cho Bắc Kinh, thì số khác nhận định rằng việc ông Lại Thanh Đức đắc cử hẳn chưa là một « thất bại » của Trung Quốc cộng sản.

Với 40% lá phiếu ủng hộ, ông Lại Thanh Đức trở thành một « tổng thống của thiểu số và yếu thế » theo như nhận định của Alex Wang trên trang mạng Conflit. Cuộc bỏ phiếu đã cho thấy có đến 60% cử tri Đài Loan, không đồng tình với các chủ trương của đảng Dân Tiến, và ủng hộ đối thoại rộng lớn, hòa dịu hơn với Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong dài hạn.

Tuy nhiên, điều khiến giới phân tích đặc biệt quan tâm đến là kết quả bầu cử này sẽ ảnh hưởng ra sao đến mối quan hệ Trung – Mỹ? Ngay khi có kết quả bầu cử, tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng khẳng định « không ủng hộ Đài Loan độc lập ». Theo nhà quan sát độc lập Alex Wang, phản ứng này cho thấy nguyên thủ Mỹ lo ngại những hành động thái quá của những người chủ trương độc lập cho Đài Loan có thể làm tổn hại đến những nỗ lực hòa dịu với Trung Quốc mới được bắt đầu nhân kỳ thượng đỉnh APEC ở San Francisco.

Daniel Larison, cựu biên tập viên cao cấp cho tạp chí The American Conservation, cộng tác viên thường trực cho Quincy Institute for Responsible Statecraft, một trung tâm cố vấn của Mỹ, trụ sở tại Washington, dự báo rằng đối thoại xuyên eo biển sẽ khó được nối lại, căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng như là giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ ở mức cao trong tương lai gần. 

Chiến thắng của DPP có thể khuyến khích những người theo đường lối cứng rắn ở Washington theo đuổi chính sách hung hăng và khiêu khích hơn đối với Trung Quốc, và như vậy, khả năng Bắc Kinh sử dụng các chiến thuật cưỡng bức sẽ nhiều hơn. Thắng lợi của Lại Thanh Đức « có thể sẽ làm cho những động lực tiêu cực » trong mối quan hệ Mỹ - Trung « thêm tồi tệ ».

Nhà nghiên cứu người Mỹ cảnh báo, tất cả giờ phụ thuộc vào cách thức tân lãnh đạo Đài Loan xử lý mối quan hệ với Mỹ trong những năm tới. Những nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ của ông Lại Thanh Đức có nguy cơ dẫn đến những phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, đẩy các bên đến gần một cuộc khủng hoảng mới nhiều hơn !

Đe dọa của Bắc Triều Tiên : Phô trương hay là thực tế ?

Tại bán đảo Triều Tiên, năm mới 2024 chứng kiến một Kim Jong Un hiếu chiến hơn bao giờ hết : Từ sửa đổi Hiến Pháp, ồ ạt bắn thử tên lửa, dọa biến Hàn Quốc thành « biển lửa » thậm chí phá bỏ tượng đài biểu tượng cho thống nhất đất nước.

Vậy những lời dọa dẫm hung hăng này là một sự phô trương hay là thực tế ? John Feffer, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách, trên trang mạng Responsible Statecraft, cho rằng thế giới cần xem xét những tuyên bố trên của Kim Jong Un một cách nghiêm túc.

Thứ nhất là bối cảnh địa chính trị. Cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga, cuộc tấn công của Israel trên dải Gaza, mưu toan tấn công Guyana của Venezuela, hay như các cuộc oanh kích của Mỹ nhắm vào nhiều mục tiêu ở nước ngoài từ lực lượng Houthi ở Hồng Hải cho đến các chỉ huy của Iran ở Syria… cho thấy các đường biên giới dường như là không còn bất khả xâm phạm như trước.

Thứ hai, việc Washington phải tập trung chính sách đối ngoại cho Ukraina và dải Gaza mà không tiếp tục hợp tác với Bình Nhưỡng có thể khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã từ bỏ cách tiếp cận mặc định là chung sống ít nhiều hòa bình để phát động một cuộc tấn công chống Hàn Quốc.

Theo hai nhà quan sát Bắc Triều Tiên lâu năm là Robert Carlin và Siegfried Hecker, Bình Nhưỡng dường như đang đi theo lô-gic của Hamas : Bị giam hãm trong « nhà tù lộ thiên » ở Gaza, phe Hamas quyết định không còn gì để mất. Giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, điều hành một đất nước nghèo khó với thành tích nhân quyền khủng khiếp, có thể cho rằng họ cũng đã hết lựa chọn.

Thứ ba, ông John Feffer cảnh báo chớ có ảo tưởng với lập luận rằng những hành động và lời lẽ hiếu chiến của Kim Jong Un là nhằm trông chờ kết quả bầu cử ở Mỹ và Hàn Quốc để có thể nối lại đàm phán ở thế thượng phong. Cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga là một bài học kinh nghiệm đau đớn.

Hầu hết các nhà phân tích đều hiểu sai lời lẽ hiếu chiến và các động thái chuẩn bị quân sự của tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối năm 2021, khi cho rằng đó chỉ là một nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý của phương Tây và để có được một vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán. Những quan niệm thông thường về khả năng răn đe của lực lượng nổi trội – như Israel, NATO, Hàn Quốc – giờ đã trở nên lỗi thời tại một thế giới mà các nhà lãnh đạo ngày càng bất ổn và các đường biên giới ngày càng bị vi phạm.

Cuối cùng, nhà nghiên cứu người Mỹ này nhắc lại năm xưa để phát động cuộc tấn công miền nam ngày 25/06/1950, Kim Nhật Thành – ông nội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, đã tìm cách thuyết phục Stalin, giành sự ủng hộ của Liên Xô. Ngày nay, quan hệ Nga – Triều được thắt chặt hơn bao giờ hết. Chuyến thăm Bình Nhưỡng sắp tới của tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tạo ra thế cân bằng theo cách này hay cách khác trong cuộc thảo luận với Bắc Triều Tiên về chiến tranh hay hòa bình !

Hồng Hải : Trung Quốc « ung dung » nhìn Mỹ, Anh đánh Houthi

Từ trung tuần tháng 11/2023, lực lượng nổi dậy người Houthi ở Yemen, tiến hành hơn 30 cuộc tấn công nhắm vào các tầu hàng đi qua Hồng Hải, đặc biệt là những tầu thuyền được cho là có liên hệ với Israel, nhằm bày tỏ tình liên đới với người dân Palestine ở dải Gaza.

Để bảo vệ tự do lưu thông hàng hải Hoa Kỳ thành lập một liên minh và mở nhiều cuộc không kích nhằm vào nhiều điểm quân sự của phe Houthi ở Yemen. Điều đáng chú ý là Trung Quốc, nước có nhiều mối quan hệ ngoại giao, chính trị và lợi ích kinh tế cũng như là quân sự (có căn cứ quân sự ở Djibouti) lại có những phản ứng rất chừng mực.

Làm thế nào giải thích cho thái độ này của Bắc Kinh ? Trên làn sóng RFI, nhà nghiên cứu Camille Lons, chuyên gia địa chính trị vùng Vịnh, thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR) nhận định :

« Trên thực tế, chúng ta đang trở lại với lập trường cơ bản của Trung Quốc, tỏ ra rất cẩn trọng về việc triển khai chính trị và quân sự ở Trung Đông. Ý tôi là, Trung Quốc, dù lợi ích của họ bị tác động đôi chút do những gì đang xảy ra ở Hồng Hải, Bắc Kinh nghĩ rằng hiện tại tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, rằng lợi ích của Bắc Kinh là Mỹ chịu trách nhiệm chính bảo đảm an ninh khu vực.

Và ngoài ra, họ có lợi khi để Mỹ sa lầy một chút ở Trung Đông. Điều đó cũng làm trệch hướng khả năng hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương. Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục duy trì các mối quan hệ kinh tế với vùng, mà không gặp rủi ro vướng vào vấn đề địa chính trị ở Trung Đông. » 

Liên Hiệp Châu Âu : Khi người nông dân « nổi giận »…

Giới chức Liên Hiệp Châu Âu những ngày đầu năm 2024 bất ngờ đối mặt với « cơn phẫn nộ » của nông dân ở khắp nơi trong khu vực từ Pháp, Đức, Ba Lan, Rumani… Các hiệp định tự do thương mại, chính sách hỗ trợ Ukraina, các tiêu chuẩn về môi trường là tâm điểm của mọi chỉ trích. Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Pascal de Lima, kinh tế gia tại CGI Business Consulting, giải thích thêm :

« Nông dân Pháp đầu tư nhiều khoản to lớn cho các tiêu chuẩn môi trường. Ngoài việc tốn nhiều tiền, họ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh cho cùng một loại sản phẩm : Thịt gà Ukraina chẳng hạn, trong khi những tiêu chuẩn đó không được tuân thủ, giá thấp hơn rất nhiều. Nông dân Pháp phải chịu thiệt thòi và không có việc làm.

Rồi còn có một làn sóng bảo hộ kinh tế. Có lẽ chúng ta cũng nên áp dụng làn sóng chủ nghĩa bảo hộ này trong lĩnh vực nông nghiệp và khôi phục thuế hải quan để bảo vệ nông sản Pháp, những loại sản phẩm mà Pháp có những lợi thế thật sự đáng kể.

Chỉ cần chúng ta thương lượng lại các thỏa thuận tự do mậu dịch. Hoa Kỳ luôn làm điều này với Liên Hiệp Châu Âu. Vì vậy, chúng ta cần làm y như vậy và lùi lại một chút ở cấp độ châu Âu để bảo vệ các thế mạnh của mỗi nước trong Liên Hiệp. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.