Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

"Tam giác Nga - Trung - Triều" : Ẩn số lớn của năm 2024

Đăng ngày:

Thế giới bước vào năm 2024 với tiếng súng át tiếng pháo hoa. Ngay trước Giao thừa, quân Nga giáng xuống nước láng giềng Ukraina hàng chục tên lửa hành trình. Tại dải đất hẹp Gaza, bom đạn không ngớt, cuộc chiến của Israel chống Hamas tiếp diễn như ngày thường. Trước thềm Năm Mới, Bình Nhưỡng tuyên bố từ bỏ chính sách ‘‘tái thống nhất’’ với Seoul. Sẵn sàng hủy diệt Hàn Quốc là tuyên bố của Kim Jong Un ngay ngày đầu năm trong bối cảnh Mỹ-Hàn tập trận từ cuối năm ngoái vắt qua Năm Mới.

The Trilateral Frontier Memorial at the Observation Deck in the Fangchuan National Scenic Area Date 	15 September 2019
Quốc kỳ ba nước Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên tại một xã biên giới Trung Quốc, tỉnh giáp biên với Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 15/09/2019. © Wikimedia
Quảng cáo

Cuộc xâm lăng của Nga chống Ukraina dự kiến sẽ kéo dài. Tại Cận Đông, cuộc chiến Israel chống tổ chức Hamas có thể tiếp tục đến cuối năm, và có nguy cơ lan rộng ra khu vực. Tại Đông Bắc Á, Bắc Triều Tiên sẵn sàng cho chiến tranh. Chưa kể đến đụng độ có nguy cơ bùng phát tại Đài Loan và Biển Đông. Trong bối cảnh toàn cầu nói trên, quan hệ Mỹ - Trung cải thiện là một xu thế hòa dịu hiếm hoi.

Mỹ - Trung: Mừng 45 năm quan hệ, xung đột vẫn chực chờ bùng phát

Ngày đầu năm mới, lãnh đạo hai bên gửi điện mừng năm mới, cũng là mừng dịp kỉ niệm tròn 45 năm Washington và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết tình trạng quan hệ Mỹ - Trung cải thiện đôi chút trong lúc xung đột vẫn chực chờ bùng phát với Đài Loan là điểm nóng:

‘‘Hoa Kỳ đợi đến ngày mùng một tháng Giêng năm 1979, sau nhiều năm đàm phán, để công nhận chính quyền Trung Quốc của Mao Trạch Đông, và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Cuộc trao đổi điện mừng ngày đầu năm 2024 đã được chờ đợi. Ngoài những lời chúc mừng thông thường giữa hai nguyên thủ quốc gia, các thông điệp này còn đánh dấu sự cải thiện đôi chút quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm căng thẳng.

Trong cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 11 năm ngoái tại San Francisco, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đồng ý lập lại các kênh liên lạc khác nhau.Theo lãnh đạo Trung Quốc, những trao đổi cấp cao trong các lĩnh vực khác nhau sẽ tiếp tục trong năm nay. Ông Tập Cận Bình viết: “Lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh rằng sự tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi là con đường đúng đắn để Trung Quốc và Mỹ hòa hợp”.

Dĩ nhiên chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh đến vấn đề Đài Loan và nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, cũng được chính phủ Mỹ công nhận vào thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 45 năm trước. Các trao đổi Mỹ - Trung nói trên rốt cuộc đã diễn ra một ngày sau những lời chúc mừng năm mới mà Bắc Kinh gửi tới Matxcơva và Bình Nhưỡng.Theo truyền hình Bắc Triều Tiên, năm 2024 được chọn là “Năm hữu nghị Trung Hoa - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.

Đài Loan: Ba yếu tố khiến Mỹ - Trung khó xung đột

Về quan hệ Mỹ - Trung với tâm điểm là Đài Loan, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc Scott Kennedy, chuyên gia Mỹ đầu tiên trở lại Hoa lục kể từ đại dịch Covid-19, trong một bài bình luận đầu năm mới trên trang mạng của Viện CISI, nêu bật ba yếu tố căn bản khiến tình hình tại eo biển Đài Loan được là có khả năng giữ nguyên trạng, bất chấp các lời lẽ hăm dọa, các cuộc khẩu chiến.

Thứ nhất là là do sức mạnh quân sự của hai bên đối địch gia tăng, sức mạnh phòng thủ của Đài Loan được Mỹ và các đồng minh hỗ trợ khiến Bắc Kinh phải dè dặt, ngược lại Trung Quốc cũng có đủ sức mạnh nếu Đài Loan bị coi là ‘‘vượt qua lằn ranh đỏ’’ (theo quan điểm của Bắc Kinh). Điểm thứ hai là công luận Đài Loan đại đa số ủng hộ việc duy trì nguyên trạng trong thời gian trước mắt. Và thứ ba là, bất chấp quan hệ kinh tế sụt giảm, Mỹ - Trung vẫn còn có cả một mạng lưới rộng lớn ‘‘các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau phức tạp" liên quan đến tất cả các mặt của hai nền kinh tế, và với các nước khác. Xung đột nếu bùng nổ sẽ gây ra tổn thất vô cùng lớn, mà cả hai bên đều không muốn.

Chuyên gia Scott Kennedy hoan nghênh các nỗ lực Mỹ, Trung, trong năm vừa qua đã nỗ lực để giảm thiểu nguy cơ xảy ra những rủi ro tồi tệ nhất, ‘‘bao gồm việc tách rời hoàn toàn hai nền kinh tế và xung đột quân sự’’. Đặc biệt là chính quyền Biden đã vượt qua những thách thức lớn nhất, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi, lạm phát chậm lại, Quốc Hội đã thông qua những đạo luật quan trọng về việc làm, về cơ sở hạ tầng và công nghệ, tạo nền tảng vững chắc hơn cho kinh tế Mỹ những năm tới, quan hệ với các đồng minh châu Âu và châu Á được cải thiện đáng kể. Ám ảnh định mệnh về một vực thẳm đối đầu kinh tế toàn cầu và xung đột không tránh khỏi tạm thời lùi xa. Tuy nhiên, ông Scott Kennedy cũng nhấn mạnh quan hệ Đài - Trung luôn cần được ứng xử thận trọng, đặc biệt sau cuộc bầu cử tuần tới, để tránh tình hình xấu hơn.

Phải chăng Bắc Kinh ngầm duy trì ‘‘tam giác’’ Nga-Trung-Triều ?

Về mặt chính thức, Mỹ - Trung nối lại quan hệ, tìm cách không để xung đột bùng phát, nhưng  nhiều người bị nghi ngờ Bắc Kinh ngầm duy trì ‘‘Tam giác’’ Trung Quốc - Nga - Bắc Triều Tiên, một liên kết có ý nghĩa chiến lược toàn cầu, thách thức đáng sợ đối với các quốc gia đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ. Việc Matxcơva tiếp tục đánh Ukraina, việc Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng hủy diệt Hàn Quốc ngay trong dịp Tết, trong lúc trước thềm Năm Mới, việc Bắc Kinh hứa hẹn một năm hữu nghị Trung - Triều 2024, cũng như ‘‘siết chặt hợp tác chiến lược’’ Trung - Nga ắt không phải là chuyện tình cờ. Bán đảo Triều Tiên - với ảnh hưởng của Nga - chứ không hẳn Đài Loan có thể là nơi xung đột dễ dàng bùng phát hơn, tiếp theo Ukraina và dải Gaza.

Ngày 21/12 năm ngoái, Nga và Bắc Triều Tiên ký thỏa thuận ‘‘hợp tác quốc phòng toàn diện’’. Hợp tác chuyển sang tầm mức mới sau chuyến đi Nga của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hồi tháng 9. Cũng trong tháng này, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol tố cáo Matxcơva, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, giúp Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, đe dọa trực tiếp an ninh Hàn Quốc. Giữa tháng 11, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, trong cuộc họp với quan chức quốc phòng 17 quốc gia thuộc Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc bảo vệ Hàn Quốc (được duy trì từ thập niên 1950, sau chiến tranh Triều Tiên), đã lên án Matxcơva và Bắc Kinh giúp Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh quân sự bằng cách hỗ trợ lách trừng phạt của Hội Đồng Bảo An. Theo nhiều chuyên gia, nhờ Nga mà Bình Nhưỡng đã phóng thành công vệ tinh do thám cuối tháng 11/2023, cho phép nâng cao năng lực tấn công.

Ngược lại, nhiều người (đặc biệt là các chuyên gia Trung Quốc hoặc làm việc tại Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh chẳng được lợi gì khi liên minh với Nga và Bắc Triều Tiên. Tuần cuối của năm 2023, báo Hồng Kông South China Morning Post có bài nhấn mạnh đến thái độ dè dặt của Trung Quốc. Hàng loạt dẫn chứng được đưa ra, như Bắc Kinh đã im lặng trước lời mời của Nga để Bắc Triều Tiên tập trận chung, hay giữa tháng 12/2023, thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Pak Myong-Ho cùng đến Bắc Kinh nhưng hội đàm riêng rẽ với giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhìn chung, theo báo SCMP, Bắc Kinh muốn thể hiện là một quốc gia bảo vệ hòa bình, đứng ngoài các tranh chấp, một nhân tố ‘‘duy trì ổn định’’ tại Đông Bắc Á, và rất cần cải thiện quan hệ với phương Tây, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, để phát triển kinh tế. Chưa kể đến việc, với mỗi bên Nga và Trung Quốc, Bắc Triều Tiên có quan hệ rất khác biệt, muốn lợi dụng bên này để khắc chế bên kia, điều khiến ba bên không dễ ngồi chung bàn.

Ukraina, nạn nhân đầu tiên của ‘‘Liên minh Nga-Trung-Triều’’

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài Mỹ và Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng cảnh giác cao độ về các liên kết Nga - Trung - Bắc Triều Tiên, cho dù có thể không phải là một bộ ba thực sự. Bộ trưởng Quốc Phòng Phần Lan Antti Hakkanen ngày 12/12 cảnh báo việc ‘‘Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran và các đồng minh toàn cầu khác là mối đe dọa nghiêm trọng, lâu dài đối với châu Âu’’.

Matxcơva hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, hạt nhân, đổi lại Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí để Nga sử dụng trong cuộc xâm lăng Ukraina, theo các cáo buộc của Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Chuyên gia quân sự quốc tế Bruce W. Bennett, RAND International Security and Defense Policy Center, khẳng định nạn nhân trước hết của liên kết tay ba này là Ukraina. Cuộc chiến xâm lăng Ukraina khiến Nga siết chặt quan hệ với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các hỗ trợ đáng kể của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc có thể giúp Nga kéo dài cuộc chiến.  

Trung Quốc ‘‘tọa sơn quan hổ đấu’’

Chuyên gia Wooyeal Paik, phó giám đốc một viện nghiên cứu về Bắc Triều Tiên ở Seoul (Yonsei Institute of North Korean Studies), đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc trường Quân sự Pháp (IRSEM), đưa ra các nhận định đáng chú ý về hành xử khôn khéo, tinh vi của Trung Quốc. Bắc Kinh một mặt tránh trực tiếp cung cấp vũ khí cho Nga, mặt khác làm ngơ trước việc Bắc Triều Tiên và Nga tăng cường trao đổi vũ khí, công nghệ quân sự. Hệ quả là Nga tiếp tục có thêm vũ khí đánh Ukraina, sức mạnh quân sự Bắc Triều Tiên được cải thiện nhờ công nghệ Nga trong khi Trung Quốc không bị lên án là thủ phạm.

Sử gia Fyodor Tertitskiy, chuyên về Bắc Triều Tiên và là nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên của Đại học Kookmin, Seoul, Hàn Quốc, trong một bình luận hồi tháng 9 nhận định Bắc Kinh hoàn toàn có đủ khả năng tác động mạnh, để ngăn chặn các hợp tác Nga - Bắc Triều Tiên. Nhưng rút cục Trung Quốc chọn đóng vai ngồi im hưởng lợi. Bắc Kinh vui mừng khi ‘‘hai đồng minh chiếu dưới’’ góp phần chủ yếu và trực tiếp cho cuộc đối đầu của ‘‘liên minh an ninh bộ ba’’ (‘‘trilateral security alliance’’) với Nhật Bản - Hàn Quốc, và với các liên minh do Hoa Kỳ lập ra. 

Về ‘‘tam giác Nga-Trung-Triều’’, cũng có những góc nhìn khác. Nhà nghiên cứu Ấn Độ Abhishek Sharma, Đại học New Delhi, trong một bài viết cũng trên The Diplomat, chú ý đến mối liên hệ giữa các động thái siết chặt quan hệ bộ ba nói trên và việc Mỹ - Nhật - Hàn tăng cường hợp tác an ninh, cũng như chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Hoa Kỳ và các đồng minh Âu - Á thúc đẩy.

Kim Jong Un: Từ bỏ ‘‘tái thống nhất’’ để đối phó với ‘‘bất mãn nội bộ’’ ?

Về phản ứng tại Hàn Quốc sau việc giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyên bố từ bỏ học thuyết ‘‘tái thống nhất’’ với miền Nam trước thềm Giao thừa, từ Seoul, thông tín viên Trần Công ghi nhận:

"Bộ trưởng bộ Thống Nhất của Hàn Quốc, Kim Young-Ho, tuyên bố ngày hôm nay rằng việc Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thay đổi mạnh mẽ chính sách đối với Hàn Quốc tại cuộc họp toàn thể Đảng Lao động vào cuối năm 2023 là một nỗ lực ‘‘nhằm chuyển hướng sự bất mãn trong nội bộ về những khó khăn kinh tế và sự kế thừa quyền lực’’.

Theo những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, trong nội bộ chế độ "đang có những ý kiến rất tiêu cực về sự kế thừa quyền lực trong gia đình nhà Kim". Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) nhận định cô con gái Kim Ju-Ae của chủ tịch Kim Jong Un hiện đang là người kế nhiệm tiềm năng nhất. Việc người con gái chỉ mới hơn mười tuổi được chuẩn bị trở thành người kế vị có thể xem như là vấn đề gây ra những đánh giá tiêu cực nói trên trong nội bộ chế độ Bình Nhưỡng.

Theo ‘‘Khảo sát nhận thức về tái thống nhất năm 2022’’ của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, 53,4% số người được hỏi cho rằng thống nhất là cần thiết, giảm đáng kể so với 70,7% trong cuộc khảo sát năm 2018. Ngoài ra, khi được hỏi họ muốn sống ở quốc gia nào, 17% cho biết tại hai quốc gia như hiện tại, 52% cho biết tại hai quốc gia có quyền tự do đi lại và chỉ 18% muốn sống trong một quốc gia thống nhất. Theo nhà nghiên cứu Jang Yong-Seok, Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul, ‘‘đã đến lúc phải suy nghĩ và chuẩn bị một tiếp cận chiến lược mới.’’

Bất chấp thay đổi trong chính sách của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn bị ràng buộc bởi Hiến pháp coi lãnh thổ của nước này bao gồm toàn bộ bán đảo Triều Tiên, và thống nhất là mục tiêu của chính sách liên Triều. Bộ trưởng Thống Nhất Hàn Quốc, trong phát biểu trước đó ngày 02/01, khẳng định: ‘‘Nếu chế độ Bắc Triều Tiên thực sự muốn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thì không có cách nào khác ngoài việc đi theo con đường đối thoại’’, và cho biết Seoul sẵn sàng hỗ trợ kinh tế, nếu Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Quan chức nói trên cũng cảnh báo, thái độ hung hăng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên rút cục sẽ bị chặn đứng bởi ‘‘sức mạnh răn đe’’ Mỹ - Hàn, và cuối cùng Bình Nhưỡng sẽ không còn lựa chọn nào khác, và phải chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân.

‘‘Trật tự thế giới mới’’ mơ ước sau 1989 đã ‘‘cáo chung’’

Khép lại Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI đầu năm 2024, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị đặc san ‘‘Các vấn đề quốc tế’’ của La Documentation française tổng kết giai đoạn 30 năm hậu Chiến tranh Lạnh, vừa ra mắt (nhân kỷ niệm 20 năm ra đời trung tâm chuyên về địa chính trị quốc tế đại học Panthéon-Assas, mang tên nhà sử học bậc thầy Thucydide, người Hy Lạp). ‘‘Trật tự thế giới mới’’ mơ ước sau 1989 đã ‘‘hoàn toàn cáo chung’’ trong một thế giới rạn vỡ, thậm chí hỗn loạn ở nhiều nơi.  

Nhà cựu ngoại giao, nhà nghiên cứu Pháp Gilles Andréani, chủ trì đặc san nói trên, nhấn mạnh đến bốn sự thụt lùi nghiêm trọng, trong đó hai sự thụt lùi nghiêm trọng đầu tiên được nhắc đến là (1) các quốc gia tổ chức thành các nhóm đối kháng, thậm chí thù địch và (2) các tổ chức quốc tế không còn điều chuyển được các căng thẳng và thậm chí bị phản đối công khai bởi ngày càng đông đảo các nước (hai thụt lùi nghiêm trọng khác là : (3) các trao đổi kinh tế quốc tế ngày càng bị chính trị hóa và (4) sức mạnh gia tăng của các thế lực dân tộc chủ nghĩa và dân túy trên quy mô toàn cầu.

Các xung đột không ngơi nghỉ và căng thẳng gia tăng ngay ngày đầu năm mới nói trên thể hiện rõ cho các xu thế nói trên. Hệ thống quan hệ quốc tế đã không còn tiếp nối được các kinh nghiệm dàn xếp phi chính thức, giúp các khối quốc gia đối địch thời Chiến tranh Lạnh cùng tồn tại, trong lúc các cơ chế chính thức duy trì an ninh quốc tế không còn đủ sức hóa giải căng thẳng giữa các đại cường. Theo các chuyên gia, kể từ Liên Xô sụp đổ, nguy cơ đụng độ giữa các cường quốc chưa bao giờ lớn như hiện nay. Tình hình càng thêm nguy hiểm trong bối cảnh các nền dân chủ, trụ cột của trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, ‘‘đang ngày càng trở nên mong manh’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.