Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Vai trò trung gian hòa giải của Qatar trong xung đột Israel-Hamas

Đăng ngày:

Quốc gia vùng Vịnh Qatar, vốn là nơi cho phép Hamas đặt văn phòng chính trị, đã đứng ra làm trung gian hòa giải như thế nào trong xung đột giữa Israel-Hamas ? Các công ty vận tải Ba Lan chặn các cửa khẩu biên giới với Ukraina, lên án các tài xế Ukraina cạnh tranh không công bằng. Ý đạt được thỏa thuận với Albanie, dời người nhập cư vào Ý đến một nước không thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Trên đây là các chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này. 

Le secrétaire d'État américain Antony Blinken, à gauche, rencontre le Premier ministre et ministre des Affaires étrangères du Qatar, Cheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani, deuxième à gau
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani, tại Amman, Jordanie, ngày 04/11/2023. AP - Jonathan Ernst
Quảng cáo

Tình hình chiến sự giữa Israel và Hamas vẫn là chủ đề được quốc tế quan tâm. Đáng chú ý là nỗ lực của Qatar trong tuần vừa qua, tiếp tục đứng ra làm trung gian đàm phán giữa hai bên để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và yêu cầu Hamas trao trả các con tin bị bắt giữ từ ngày 07/10/2023. 

Từ khi xung đột nổ ra, theo trang thông tin độc lập NPR của Mỹ, với sự phối hợp với Hoa Kỳ và Ai Cập, Qatar đã đàm phán với Israel và Hamas để những người nước ngoài bị mắc kẹt ở Gaza có thể rời khỏi vùng lãnh thổ này qua ngõ biên giới với Ai Cập. Giống như một số quốc gia Ả Rập khác, Qatar chưa công khai lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel, nhưng quốc gia dầu mỏ này lại là một trong những nước vùng Vịnh đầu tiên thiết lập quan hệ thương mại chính thức với Israel vào những năm 1990. Tuy nhiên phòng thương mại của Israel ở Qatar đã bị đóng cửa từ năm 2009 và hiện hai bên không còn quan hệ ngoại giao chính thức nào. 

Về cuộc xung đột Israel – Palestine, trả lời RFI Pháp ngữ, ông Majed Al Ansari, cố vấn của thủ tướng Qatar, cho biết họ đã thiết lập các kênh liên lạc từ hơn 10 năm qua khi Hoa Kỳ và các đối tác của Qatar yêu cầu nước này liên lạc với Hamas. Qatar, một đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, đã cho phép Hamas mở một văn phòng chính trị ở nước này và đàm phán trực tiếp với các đại diện của tổ chức Hồi Giáo này ở Doha. 

Tuy nhiên, Qatar cũng bị cáo buộc tài trợ cho khủng bố. Một báo cáo của Israel chỉ ra rằng Doha đã gửi hơn 1 tỷ đô la đến Gaza trong thập kỷ qua. Kể từ khi Gaza bị Israel phong toả vào năm 2007, Qatar cũng đã hỗ trợ trả lương cho hàng chục ngàn giáo viên, bác sĩ, công chức người Palestine ở vùng lãnh thổ này. Quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh cũng gửi vật liệu xây dựng đến Gaza khi các cơ sở hạ tầng bị phá huỷ trong các cuộc chiến trước đó.  

Cố vấn của thủ tướng Qatar, ông Majed Al Ansari, đã bác bỏ cáo buộc “hỗ trợ cho khủng bố”Ông giải thích với RFI Pháp ngữ:” Mỗi một xu chi cho việc tái thiết và cải thiện tình hình ở Gaza đều có sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc làm việc tại Gaza. Hơn nữa, tất cả các viện trợ này đều phải thông qua Israel, không có khoản tiền nào được chuyển thẳng tới Gaza mà không qua các cửa khẩu, ngân hàng do Israel quản lý. Do vậy không thể buộc tội chúng tôi tài trợ cho Hamas, như vậy thì chẳng khác nào buộc tội Israel…Chúng tôi thực hiện vai trò của mình, giúp tạo ra một không khí hoà bình ở khu vực này.” 

Các tài xế chặn xe tải từ Ukraina vào Ba Lan 

Về thời sự châu Âu, từ hôm thứ Hai, 06/11, tài xế của nhiều công ty vận tải Ba Lan đã chặn ba cửa khẩu giữa Ukraina và Ba Lan để phản đối sự cạnh tranh được cho là không công bằng từ phía các doanh nghiệp của nước láng giềng đang có chiến tranh. Từ Vacxava, thông tín viên RFI Martin Chabal cho biết thêm thông tin :  

Các tài xế xe tải người Ba Lan, xuống xe, mặc lên áo gilet vàng, chặn những chiếc xe Ukraina đi qua biên giới để vào Ba Lan. Theo các tài xế này, từ khi các quy định về biên giới của châu Âu được dỡ bỏ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraina sau cuộc xâm lược của Nga, thu nhập của người dân Ba Lan đã bắt đầu giảm đi. 

Hàng chục doanh nghiệp vận tải Ba Lan chặn các cửa khẩu ở biên giới với Ukraina, yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu tái lập các quy định và hệ thống cấp giấy phép đối với các công ty vận tải Ukraina đi vào Ba Lan. Các tài xế Ba Lan cho biết không thể cạnh tranh lại với các tài xế từ Ukraina vì họ được trả lương thấp hơn, chi phí bảo trì xe tải ở Ukraina cũng rẻ hơn.

Đây là một điểm căng thẳng mới giữa Ukraina và Ba Lan sau căng thẳng về ngũ cốc Ukraina. Các nông dân Ba Lan trước đó đã chặn những con đường đến từ Ukraina vì ngũ cốc nhập từ Ukraina làm ngũ cốc ở Ba Lan mất giá. Các hãng vận tải gặp tình trạng tương tự, nhưng lần này Vacxava xác nhận không thể có hành động gì vì Liên Hiệp Châu Âu là bên quản lý quy định của thị trường. Về phần mình, chính quyền Kiev kêu gọi mọi người bình tĩnh, và hy vọng rằng các cuộc đình công này sẽ không kéo dài.” 

Theo AFP, Ukraina cho biết, tính đến ngày 09/11, khoảng 20 000 phương tiện bị chặn lại ở hai đầu biên giới. Nhiều tài xê Ba Lan “cắm trại” trong xe. Tại cửa khẩu Dorohusk, ông Rafal Mekler, đồng tổ chức cuộc biểu tình này cho biết “chỉ muốn tái lập các quy định về cạnh tranh công bằng”. Cuộc biểu tình cũng khiến giao thông giữa Ukraina và Ba Lan bị tắc nghẽn tại cửa khẩu Hrebenne và Korczowa. Tuy nhiên, các tài xế khẳng định vẫn cho phép các ô tô cá nhân và phương tiện chở viện trợ quân sự và nhân đạo tới Ukraina.  

Ý đạt thỏa thuận chuyển di dân đến Albanie 

Vẫn về thời sự châu Âu, tại Ý, trước tình trạng di dân ồ ạt đổ vào nước này, (hơn 145 000 người từ đầu năm nay, so với 88 000 người cùng kỳ năm 2022), chính phủ của thủ tướng Georgia Meloni đã ký một thỏa thuận với Albanie hôm thứ Hai, 06/11/2023, nhằm xây dựng các trung tâm tiếp đón người tị nạn. Thông tín viên RFI Anne Le Nir tường trình từ Roma :  

Thỏa thuận giữa thủ tướng Ý Giorgia Meloni và đồng nhiệm Albanie Edi Rama tại thủ đô Roma có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng từ nhập cư cho nước Ý. 

Theo thỏa thuận được ký tại điện Chigi, trụ sở của chính phủ Ý, những người đã được các tàu tuần duyên Ý vớt sẽ được chuyển tới Albanie, ngoại trừ một số trường hợp như những người dễ bị tổn thương, phụ nữ có thai. 

Hai “trung tâm tiếp đón” sẽ được xây dựng do Ý chi trả kinh phí và quản lý,  để lo về các thủ tục xin tị nạn hay hồi hương. Các trung tâm có thể đi vào hoạt động từ mùa thu năm sau và có khả năng xử lý đến 36000 người di cư

Thủ tướng  Albanie Edi Rama cũng đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ hơn từ lãnh đạo Ý đối với hồ sơ xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của nước này. Hồ sơ ứng viên của quốc gia Balkan này đã chính thức được chấp thuận từ tháng 6/2014. Đảng đối lập chính trong chính phủ Ý, đảng Dân Chủ, đã nhanh chóng phản ứng, coi đây là một thỏa thuận “sai lầm nguy hiểm”. 

Theo Reuters, cụ thể, Ý dự trù xây dựng một cơ sở tiếp đón ở cảng Shëngjin của Albania để tiếp nhận những thuyền nhân mà lực lượng tuần duyên Ý đã vớt trên biển (chứ không phải do tàu của các tổ chức phi chính phủ vớt lên) và một cơ sở khác trong đất liền để giam giữ họ. Việc chuyển những người di dân từ Ý tới Albanie sẽ mất khoảng hai đến ba ngày bằng đường biển. Les Echos cho biết các lãnh đạo châu Âu chỉ được thông báo vào phút cuối về thỏa thuận này. Họ bày tỏ quan ngại liệu Ý và Albanie, quốc gia chưa phải là thành viên của Liên Âu có tôn trọng các quy định hiện hành về người nhập cư hay không ? Thỏa thuận này cũng gặp chỉ trích từ tổ chức Amnesty International và các tổ chức nhân quyền khác.  

ZARA Canada bị cáo buộc sử dụng lao động cưng bức người Duy Ngô Nhĩ

Tại Canada, vào đầu tuần này, khoảng 30 tổ chức dân sự đã kiện hãng thời trang ZARA Canada về việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ tại các nhà máy ở Tân Cương, Trung Quốc. Đây là hãng thời trang thứ 8 hoạt động tại Canada bị cáo buộc như vậy. Cơ quan thanh tra về trách nhiệm doanh nghiệp hôm thứ Hai, 06/11, đã thông báo mở một cuộc điều tra.  

Từ Montréal, thông tín viên RFI Pascale Guericolas tường trình : 

“Theo điều tra của cơ quan thanh tra Canada về trách nhiệm của doanh nghiệp (OCRE), vấn đề được đề cập đến là những mối quan hệ của Zara Canada với 3 doanh nghiệp Trung Quốc. Đây là tổ chức chuyên giám sát nhằm bảo đảm các doanh nghiệp Canada tôn trọng các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về quyền con người. Báo cáo của tổ chức này đã nêu ra việc Zara Canada sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Một số nhà máy đặt tại vùng Tân Cương, nơi sinh sống của người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, có thể đã coi thường luật lao động. Theo báo cáo, Zara Canada đã biết được tình hình nói trên tại các nhà máy đó, nhưng đã không đưa ra biện pháp thích hợp nào để xử lý tình trạng này từ tháng 05/2019. 

Cơ quan thanh tra Canada đã nhiều lần muốn chuỗi cửa hàng Zara cộng tác nhưng không được đáp ứng. Zara Canada cho rằng đơn kiện về các hoạt động của hãng này là không thể chấp nhận được và không có cơ sở. Tuy nhiên điều này không ngăn cản cơ quan thanh tra Canada tiếp tục điều tra”. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.