Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Bị Hamas đánh úp, Israel thừa nhận sai lầm, củng cố phòng thủ và "trả thù" cho "ngày đen tối"

Đăng ngày:

Lực lượng Hồi Giáo Palestine Hamas đã khai thác thành công điểm yếu của Vòm Sắt (Iron Dome) - hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel được cho là có thể phá hủy đến 97% tên lửa. Khoảng 3.000 quả tên lửa dội xuống Israel chỉ trong hai ngày (07-08/10/2023), so với 4.360 quả trong 15 ngày cách đây hai năm.

Quân đội Israel điều xe tăng đến biên giới với dải Gaza, miền nam Israel, ngày 13/10/2023.
Quân đội Israel điều xe tăng đến biên giới với dải Gaza, miền nam Israel, ngày 13/10/2023. AP - Ariel Schalit
Quảng cáo

Điểm yếu này không phải mới được phát hiện. Ngành công nghiệp quốc phòng Israel có lẽ đã tìm được cách chống đỡ với hệ thống laser chống tên lửa Iron Beam. Trả lời RFI ngày 10/10, cố vấn hàng không Xavier Tytelman phân tích :

« Vũ khí này sử dụng tia laser, có khả năng chặn đạn pháo và đạn súng cối. Vũ khí này đã được thử nghiệm từ nhiều năm qua và trên nguyên tắc sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2023. Theo một số nguồn tin mà tôi có được và được chứng kiến, họ thấy rằng một số tên lửa và đạn pháo đã bị một vũ khí laser phá hủy. Và khi được triển khai ồ ạt, dù số đạn có bắn nhiều đến bao nhiêu, tất cả đều có thể bị bắn chặn ».

Chi phí cho hệ thống laser vẫn chưa được rõ trong khi hệ thống Vòm Sắt tiêu tốn vài trăm triệu đô la. Trái với hệ thống tối tân của Israel, rocket tự chế của Hamas có chi phí không quá 100 đô la.

Chính phủ Israel thừa nhận sai sót nghiêm trọng về an ninh

Tại sao một nhà nước siêu vũ trang và nổi tiếng về tình báo như Israel lại không dự đoán và nhất là không kịp trở tay ?

Cuộc tấn công của Hamas được phối hợp chặt chẽ bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng 07/10, đồng loạt theo ba hướng : đường bộ, đường không và đường biển. Trước tiên, Hamas dùng drone thả chất nổ xuống các chốt biên phòng Israel để phá camera và hệ thống phát hiện chuyển động. Sau đó, hàng nghìn tên lửa được phóng ồ ạt từ Gaza sang Israel. Cùng lúc đội dù lượn vượt qua hàng rào kiên cố được Israel đầu tư vài tỉ đô la để xây dựng, còn trên mặt đất là xe bán tải và xe máy vượt qua một đoạn hàng rào bị xe ủi phá hủy. Lực lượng tuần tra Israel lại không đông đảo vào hôm đó.

Trong chương trình thời sự tối 11/10, ông Pierre Servent, cố vấn quân sự của đài truyền hình Pháp TF1/LCI, giải thích : « Vì lúc đó là dịp lễ tôn giáo nên có nhiều quân nhân được nghỉ phép. Một số khác trước đó đã được điều đến vùng Bờ Tây (West Bank - Cisjordanie) để xử lý các vụ rối loạn. Thời gian tập hợp các đội quân tản mát khắp nơi đã tạo điều kiện cho lực lượng khủng bố Hamas có khoảng thời gian đáng kể ».

Phải mất 5 ngày sau khi Hamas tấn công đẫm máu, vài nghìn người chết ở cả hai phía, Israel mới thành lập được « chính phủ đoàn kết »« hội đồng chiến tranh ». Ngày 13/10, thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem cho biết sai lầm của chính phủ bắt đầu bị báo chí Israel công kích :

« Truyền thông Israel công bố một loạt thông tin về những sự kiện hôm thứ Bẩy (07/10) vừa qua. Trong đêm trước khi xảy ra cuộc tấn công, tình báo quân sự biết rõ các hoạt động dọc biên giới với Gaza. Họ cử một đội can thiệp đến đó. Những người thân cận với ông Netanyahu khẳng định chỉ một phút trước khi cuộc tấn công bắt đầu, thủ tướng mới được thông báo, chính xác là vào lúc 6 giờ 29 sáng hôm đó. Hiện giờ, cả phía chính trị gia và quân sự đổ lỗi cho nhau về thất bại khủng khiếp này. Tham mưu trưởng thừa nhận một sai lầm nghiêm trọng nhưng khẳng định không phải lúc nhắc đến. Nhiều bộ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm của chính phủ. Bộ trưởng Thông Tin không chần chừ, đã từ chức đêm qua »

Nga bị Ukraina cáo buộc hỗ trợ công nghệ quân sự cho Hamas

Đối với tổng thống Volodymyr Zelensky, cuộc xung đột Israel-Hamas và chiến tranh ở Ukraina có một điểm chung, đó là Nga. Trong buổi phỏng vấn với đài truyền hình Pháp France 2 tối 10/10, nguyên thủ Ukraina cáo buộc chính quyền Matxcơva « ủng hộ » phong trào Hamas tiến hành khủng bố Israel. Là khách mời đặc biệt trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO hôm 11/10, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây đến Israel để ủng hộ người dân, đồng thời lưu ý rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraina.

Theo chuyên gia hàng không Xavier Tytelman, khi trả lời RFI, dường như một số năng lực quân sự được phát triển trên mặt trận Ukraina, ví dụ drone thả bom, đã được lực lượng vũ trang Hamas sử dụng :

« Người ta biết là vào lúc đầu cuộc xung đột, có nhiều thành viên của các nhóm thánh chiến Hồi Giáo, cùng với người Syria, gia nhập quân đội Nga để có thể tham chiến chống Ukraina, nhưng thực ra, không thấy ai trên trận địa. Vì vậy người ta ngờ rằng dù là những người đó, kể cả thành viên lực lượng Fatah như họ tự nhận, đã đến Ukraina, nhưng không thấy họ tham chiến nên có thể là họ đã huấn luyện một số phương pháp, như sử dụng các loại drone nhỏ thả bom. Dĩ nhiên là có các chương trình huấn luyện được tổ chức ở bên ngoài.

Nhưng bàn tay của Nga chìa ra với Hamas là chuyện rõ ràng từ lâu với các loại vũ khí, kể cả tên lửa chống tăng 100% Nga nằm trong tay Hamas từ 10 năm nay, cũng như nhiều công nghệ, đạn pháo, drone đang được sử dụng công khai. Rõ ràng là hiện giờ rất nhiều người hướng sang Nga do những gì đang xảy ra bởi vì gây bất ổn trong vùng Trung Đông là ý đồ của Nga để phương Tây chuyển hướng viện trợ sang Israel thay vì tới Ukraina ».

Mỹ tái đầu tư vào khu vực Đông Địa Trung Hải

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến Israel ngày 12/10 để tái khẳng định « sự ủng hộ không lay chuyển » của Washington và hứa « cung cấp tất cả những gì Israel cần để tự vệ ». Ngoài cung cấp đạn dược, Mỹ điều tầu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đến đông Địa Trung Hải để yểm trợ cho đồng minh lịch sử. Trên đài RFI, nhà nghiên cứu Héloïse Fayet, Trung tâm nghiên cứu An ninh của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI, phân tích :

« Từ nhiều tháng qua, Mỹ tái đầu tư vào khu vực, dù là ở đông Địa Trung Hải hay vịnh Ba Tư nơi Hải Quân Mỹ đã giảm hiện diện mạnh từ những năm 2020-2021. Nhưng họ đã tái xuất hiện nhiều hơn từ vài tháng qua để đối phó với mối đe dọa Iran. Washington đặt ưu tiên là Iran, nhưng cũng có thể là cả Liban và gián tiếp hơn là Nga. Nga có nhiều hoạt động hàng hải ở đông Địa Trung Hải, không ủng hộ ra mặt lực lượng Hamas và thậm chí đôi khi tỏ ra khá gần gũi với Israel nhưng Nga cũng có thể tận dụng tình hình hiện nay để tiến hành những chiến dịch riêng của họ ở đông Địa Trung Hải. Vì vậy, khi điều đội tầu sân bay tác chiến đến, Mỹ thể hiện rằng khu vực này không được trở thành nơi trú ẩn cho đối thủ của Israel và Hoa Kỳ ».

Thường dân và con tin : Bia đỡ đạn cho Hamas ?

Hoa Kỳ, cũng như nhiều nước phương Tây, tuyên bố Israel có quyền « đáp trả » các vụ tấn công đẫm máu của Hamas, đồng thời lưu ý đến số phận của thường dân Palestine. Ngày 13/10, Israel ra lệnh cho người dân Palestine ở Gaza có 24 tiếng để di tản xuống phía nam, có thể chuẩn bị mở chiến dịch đổ bộ để « báo thù » cho « ngày đen tối » trong khi đã liên tục oanh kích Gaza trong những ngày vừa qua.

Rawan Shawa, 28 tuổi sống ở miền trung Gaza, có nhiều người thân chết trong trận oanh kích của Israel đêm 11/10. Trên đài RFI ngày 12/10, cô kêu gọi « phải ngừng ngay cơn ác mộng này » :

« Tôi quá sợ hãi, tôi không tài nào ngủ được cho đến khi kiệt sức. Tiếng ồn từ xe quân sự rồi cứ hai phút là tiếng bom dội xuống Gaza, thật là kinh khủng. Tiếng tên lửa, tiếng kêu gào của phụ nữ, mùi chết chóc bủa vây chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Đó không phải là cuộc sống bình thường. Cứ thử hình dung cảnh một người lúc bị tra tấn, lúc bị mất một phần cơ thể hay mất một người thân trong gia đình hoặc cứ hình dung ra cảnh một người cận kề với cái chết mà xem ! Đây là cuộc tấn công gây thương vong nhất từ trước đến giờ. Phải ngừng ngay cơn ác mộng này. Đây thật sự là địa ngục ».

Một tuần trôi qua, số phận những người bị Hamas bắt cóc mang về Gaza, trong đó có ít nhất 20 quốc tịch khác nhau, vẫn chưa rõ. Israel tuyên bố không đàm phán với Hamas mà sẽ « xóa sổ » lực lượng này dù hàng trăm con tin vẫn nằm trong tay lực lượng bị Israel coi là « khủng bố ». Một số nước Ả Rập tuyên bố sẵn sàng đứng ra đàm phán với Hamas, trong khi đó nhiều gia đình song tịch Pháp-Israel có người thân bị bắt cóc đã kêu gọi tổng thống Pháp Emmanuel Macron hỗ trợ.

Chị gái của Samuel Ben David Nagar là Céline, 32 tuổi có con mới 6 tháng, mất tích khi đến buổi hòa nhạc ngoài trời hôm 07/10 ở miền nam Israel, nơi quân Hamas bất ngờ tấn công sát hại và bắt cóc nhiều người. Samuel Ben David Nagar kể lại :

« Céline đến lễ hội âm nhạc đó cùng với cặp vợ chồng bạn thân. Vào khoảng 6 giờ 30, tên lửa bắt đầu bắn sang. Họ quay xe. Céline gọi điện cho chồng và bảo sẽ về nhà. Nhưng trên đường về, vì có quá nhiều tên lửa, nên họ phải dừng lại. Chị ấy lại gọi điện cho chồng, sau đó bảo « À, có quân nhân đến giúp tụi em rồi ! ». Nhưng thực ra không phải là lính Israel mà là những kẻ tàn bạo. Và từ đó chúng tôi không có tin tức của chị. Chúng tôi vẫn ngóng tin ».

Nền kinh tế Gaza mất thu nhập chính từ Israel

Để trừng phạt Hamas, Israel - nhà cung ứng năng lượng cho Gaza - đã phong tỏa khu vực này từ ngày 07/10. Nhiều nước cũng thông báo đình chỉ viện trợ, trong khi 80% người dân Gaza (trên tổng số hơn 2 triệu dân) phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế. Không điện, không nước, lương thực cạn dần, Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ người dân Palestine chịu « nạn đói ».

Trước khi Hamas tấn công Israel, tỉ lệ thất nghiệp ở Gaza đã rất cao, nghèo đói hoành hành. Trả lời đài RFI, kinh tế giá Israel Jacques Bendelac, chuyên gia về nền kinh tế Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, giải thích :

« Kinh tế của Gaza chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Phần lớn nông phẩm được xuất sang Israel, cũng như một phần công nghiệp như đồ gỗ hoặc một số sản phẩm nhỏ kiểu như vậy. Đó là một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Israel và viện trợ quốc tế. Cách đây không lâu có đến 20.000 công nhân từ Gaza đến Israel làm việc. Việc này giúp họ có nguồn thu khoảng 50 triệu đô la hàng tháng. Đối với họ, khoản tiền này rất lớn. Thế nhưng nguồn thu này bị cắt đột ngột cách đây 3 ngày ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.