Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Liệu Pháp có rút quân khỏi Niger ?

Đăng ngày:

Sau cuộc đảo chính tại Niger, hơn một ngàn lính Pháp liệu có phải rút ra khỏi nước này hay không ? Ukraina phản đối các cuộc “bầu cử giả” do Nga tổ chức ở các vùng đã chiếm đóng. Tại Mỹ, phe Cộng Hoà tiếp tục thất bại về ý định hạn chế quyền phá thai. Hàn Quốc siết chặt an ninh vì nạn đâm dao. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.  

Lính Pháp đến căn cứ quân sự ở Niamey, Niger, ngày 09/06/2021.
Lính Pháp đến căn cứ quân sự ở Niamey, Niger, ngày 09/06/2021. © AP/Jerome Delay
Quảng cáo

Cuộc đảo chính của quân đội, lật đổ tổng thống dân sự tại Niger hồi cuối tháng Bảy vẫn là chủ đề được công luận quốc tế quan tâm, nhất là căng thăng giữa Pháp và thuộc địa cũ. Hôm 09/08, quân đội Niger đã tố cáo Pháp xâm phạm không phận nước này, “giải phóng những kẻ khủng bố” nhưng Pháp đã nhanh chóng bác bỏ. Theo báo Le Monde, tuy Niger thông báo đóng cửa không phận, nhưng chuyến bay của Pháp nằm trong thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật với lực lượng Niger, chứ không có bất cứ ý định tấn công nào.    

Trong không khí bài Pháp ngày càng gia tăng tại quốc gia châu Phi này, Pháp đã tổ chức sơ tán công dân, nhưng 1500 lính Pháp vẫn hiện diện ở Niger thethỏa thuận với chính phủ của tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, để hỗ trợ nước này chống khủng bố.     

Từ nhiều năm qua, Niger cũng như các nước láng giềng trong khu vực, phải chiến đấu chống lại các phong trào khủng bố hoạt động ở Sahel và thường có liên kết với các tổ chức khủng bố như Al-Qaed hoặc Nhà nước Hồi giáo. Trong cuộc đảo chính ở Mali và Burkina Faso, lực lượng Pháp được triển khai ở các nước này đã phải rút đi không lâu sau đó, vì quân đội đảo chính phản đối sự hiện diện của lính Pháp.

Liệu Pháp có phải sớm rút quân khỏi Niger hay không ? Chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Montaigne, trả lời RFI Pháp ngữ cho rằng “câu trả lời có hay không, phụ thuộc vào các đàm phán hiện nay nhằm thiết lập lại trật tự hiến định ở Niamey, nhất là các đàm phán với Cộng đồng Kinh Tế Tây Phi (Cédéao). Nếu như cuộc đảo chính không được hợp pháp hóa, thì có khả năng lực lượng Pháp vẫn tiếp tục hợp tác với quân đội Niger. Tuy nhiên, nếu như phe quân đội đảo chính vẫn tiếp tục nắm quyền, thì có khả năng cao là binh lính Pháp sẽ phải sớm rời khỏi Niger”.  

Ukraina : "Các cuộc bầu cử giả" ở  Zaporijjia ? 

Trong tuần vừa qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã thừa nhận cuộc phản công chống lại Nga rất khó khăn. Hôm thứ Năm 10/08, giới chức Ukraina cho biết một toà nhà thường dân đã bị tấn công khiến ít nhất một người thiệt mạng và 9 người bị thương ở phía nam thành phố Zaporijjia. Tại thành phố có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Nga đã chiếm đóng một số khu vực và tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ Nga cách nay 11 tháng. Chính quyền do Nga dựng lên tại đây đã thông báo tổ chức bầu cử vào tháng Chín.

Theo trang The New Voice of Ukraine, hôm thứ Tư vừa qua, nghị sĩ Ukraina, ông Verkhovna Rada, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận kết quả các cuộc “bầu cử giả” tại các vùng chiếm đóng ở Donetsk, Luhansk, Zaporijjia và Kherson.  Quốc Hội Ukraina cũng đã kêu gọi cư dân tại các khu vực này “hãy bỏ phiếu trắng nếu phải đi bầu tại các cuộc “bầu cử bất hợp pháp”. 

Thông tín viên RFI đã xin được giấy phép tác nghiệp hiếm hoi từ chính quyền mà Nga dựng lên tại Zaporijjia, gửi về bài phóng sự :   

“Ủy ban bầu cử được thiết lập ngay từ tháng Giêng, hồ sơ của các ứng viên hiện vẫn đang được xem xét cho cuộc bầu cử vào tháng Chín. Matxcơva đã thông báo tổ chức cuộc bầu cử địa phương này vào tháng Sáu. Chính quyền địa phương cho biết gần nửa triệu người được kêu gọi đi bỏ phiếu, nhưng lần này, các cử tri không nhất thiết phải có hộ chiếu Nga.  

Sergey Alexandrovich Tolmachev, phó thống đốc vùng Zaporijjia được chính quyền Matxcơva bổ nhiệm, cho biết : « Hiện tại, thủ tục bỏ phiếu sẽ được đơn giản hóa. Mọi người có thể đi bầu với hộ chiếu Ukraina cũ, hoặc bất giấy tờ tùy thân nào khác. Tính đến nay, khỏang 350 000 hộ chiếu Nga đã được cấp. Quá trình này vẫn đang tiếp diễn và tôi cho rằng từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư 2024, tất cả mọi người có thể được cấp hộ chiếu Nga theo cách này hoặc cách khác, để có thể đi bầu ».   

Để đẩy nhanh hơn nữa chính sách cấp hộ chiếu Nga, Matxcơva chơi trò “nửa trừng phạt nửa khuyến khích”. Không có hộ chiếu Nga, lương hưu vẫn được cấp nhưng là ở mức tối thiểu, nhưng nếu có hộ chiếu Nga thì có thể tăng lên gấp đôi.  

Những ứng viên nào sẽ được giới thiệu cho dân chúng để làm đại diện dân biểu ? Là những người từ địa phương, hay đến từ Nga ? Bí ẩn này sẽ được tiết lộ vào ngày 17 tháng Tám. Trong khu vực vốn đã khá căng thẳng, với những rào chắn dựng trên đường, lệnh giới nghiêm cùng thiết quân luật, mọi người dồn sự chú ý về phía bắc, gần với sông Dniepr, nơi mà cuộc phản công ác liệt của Ukraina đang diễn ra.”    

Thất bại của phe Cộng Hòa về việc hạn chế quyền phá thai  

Nhìn sang châu Mỹ, trong tuần vừa qua, hôm 08/08, các cử tri của bang Ohio đã bác bỏ một cải cách mang tính quyết định đối với quyền phá thai tại bang này. Đây được xem là một thắng lợi của các nhà họat động ủng hộ quyền phá thai, và đảng Cộng Hoà một lần nữa lại thất bại. Yêu cầu được đề xuất bởi phe bảo thủ, nhằm cải cách Hiến Pháp tại bang này, khiến việc tổ chức và thông qua các cuộc trưng cầu dân ý trở nên phức tạp, đặc biệt là liên quan đến câu hỏi liệu có cho phép phá thai tự nguyện hay không.

Thông tín viên Loubna Anaki từ New York giải thích thêm :     

“Câu trả lời Không rất rõ ràng. Các cử tri của bang Ohio đã từ chối đề nghị nâng tỷ lệ phiếu thuận lên 60% để thông qua các sửa đổi Hiến Pháp. Họ muốn giữ quy định chỉ cần đa số đơn giản. Đây là một thất bại đối với phe Cộng Hòa, hiện đang lãnh đạo bang ở miền trung nước Mỹ này và trông đợi vào sự yên ắng của tháng Tám (khi mọi người đi nghỉ hè), để có tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp và giành chiến thắng cho đề xuất này.    

Nhưng phe bảo thủ đã không tính đến việc các cử tri, những người nhận thức được vấn đề thực sự của cuộc bỏ phiếu này : một cuộc trưng cầu dân ý được dự trù tổ chức vào tháng 11 sắp tới về vấn đề phá thai. Bởi vì, trong vòng chưa đến 3 tháng, người dân của Ohio sẽ phải quyết định muốn đưa luật phá thai vào trong Hiến Pháp của bang này hay không. Như vậy thì chỉ cần đa số đơn giản. Cũng chính vì điều này mà phe Cộng Hòa hy vọng có thể tránh được bằng việc sửa đổi các quy định.    

Kết quả của cuộc bầu cử đặc biệt này có thể sẽ gây tiếng vang tại các bang bảo thủ khác – cũng đang cố muốn hạn chế các quy định về trưng cầu dân ý theo cách tương tự, và cũng về các vấn đề liên quan đến phá thai.”    

Số phận của sông băng Aneto 

Nếu như các đám cháy tại đảo Hawai tiếp tục lan rộng, khiến hàng chục người thiệt mạng thì các đợt nắng nóng cực điểm khiến nhiệt độ tăng cao ở Tây Ban Nha cũng gây lo ngại, đặc biệt là liên quan đến dòng sông băng vĩnh cửu Aneto tan chảy với tốc độ bất ngờ. Một nghiên cứu do đài quan sát khí hậu châu Âu Copernicus, công bố hôm 08/08, đã báo động về thời gian “tồn tại” bị rút ngắn của dòng sông băng mang tính biểu tượng ở dãy núi Pyrenees, nằm trên đỉnh Aneto, cao 3404 mét so với mực nước biển, dày 50 mét và rộng 90 ha. Thông tín viên François Musseau từ Madrid tường trình :     

“Các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Băng trên núi Aneto tan chảy như tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Các hình ảnh được loan tải, cho thấy lượng băng đã giảm đi một cách bất ngờ. Vào năm 1982, tuyết vĩnh cữu trải dài bao phủ triền núi. 41 năm sau, lượng băng đã bị giảm đáng kể. Đến mức mà sự biến mất của băng tuyết đã được dự báo trước, bởi vì tuyết tan nhanh hơn dự kiến : thay vì biến mất vào năm 2050, tình huống này có thể xảy ra vào năm 2035, tức là chỉ hơn 10 năm nữa. Tình trạng đáng tiếc này không chỉ tiêu cực đối với sinh thái mà cả về quang cảnh, khiến ngọn núi trở nên nguy hiểm hơn. Vì khi tuyết tan, bề mặt núi bị bao phủ bởi một loại băng xám đen, hóa thạch và không bền. Hậu quả là việc leo núi rất nguy hiểm vì đinh giầy leo núi thông thường không thể bám chắc vào băng. Từ tháng 04/2023, lực lượng phòng hộ dân sự đã tiến hành hàng chục cuộc giải cứu. Cách nay vài ngày, một người leo núi đã bị ngã và bị thương nặng.”   

Hàn Quốc siết chặt an ninh vì nạn đâm dao 

Nhìn sang châu Á, tại Hàn Quốc, sau hàng loạt vụ đâm dao bất ngờ, chính quyền Seoul đã tăng cường an ninh. Riêng trong ngày 08/08, phòng điều tra mạng của cảnh sát Gyeonggi đã nhận được 49 báo cáo liên quan đến các bài đăng “thông báo sẽ giết người bằng dao” sau vụ“bạo loạn Bundang” .

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công giải thích thêm : 

“Cảnh sát Hàn Quốc hiện đã điều động xe bọc thép chống bạo động, vũ khí chuyên dụng chống đâm dao tại các khu vực bị đe dọa. Theo hãng tin KBS, cảnh sát đã bắt giữ 59 đối tượng, trong đó có 54% là thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Các đối tượng này đã viết trên mạng rằng, họ sẽ đâm dao tại lễ khai giảng, một số người dọa sẽ đâm dao ở các khu bể bơi, khu vui chơi giải trí.

Khởi đầu cho chuỗi sợ hãi này là vụ việc một người đàn ông 30 tuổi đã dùng dao đâm chết một thanh niên 20 tuổi, và làm 3 người khác bị thương ở ga tàu điện Sillim vào ngày 21/7/2023. Sau đó, liên tiếp xảy ra những vụ đâm người bằng dao vào ngày 03/08, tại trung tâm thương mại, khiến 13 người bị thương và 1 người phụ nữ ngoài 60 tuổi thiệt mạng.  

Vào ngày 04/08, một thanh niên đã về trường cấp ba cũ của mình và đâm nhiều nhát vào tay và mặt của một giáo viên. Sau đó là hàng loạt vụ bắt được người mang dao tại bến xe, siêu thị, và tàu điện ngầm.

Hàn Quốc được biết đến là một quốc gia an toàn với tỉ lệ vụ án giết người là 1.3/100000 dân, và rất hiếm khi xử phạt những bài viết ở trên mạng. Tuy nhiên sau hàng loạt vụ đâm dao ở tàu điện ngầm, siêu thị và trường học nên các cơ quan điều tra nhấn mạnh sẽ quy kết tội danh "chuẩn bị giết người", hoặc "cản trở người thi hành công vụ" đối với các đối tượng này, thay vì trước đây chỉ là tội đe dọa đơn thuần đối với những người đăng bài dọa đâm dao.”    

Trong tuần vừa qua, tình hình an ninh tại Hàn Quốc ngày càng căng thẳng khi gần 40 000 hướng đạo sinh từ khắp nơi trên thế giới đến tập huấn tại Busan và sẽ di chuyển đến Seoul. Tuy nhiên, chính quyền hiện vẫn chưa phải đối mặt với nạn đâm dao, mà phải bảo đảm an toàn cho các hướng đạo sinh trước cơn bão nhiệt đới Khanun vào đầu tuần này.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.