Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hàng ngàn lao động nhập cư chết không rõ lý do ở các quốc gia vùng Vịnh

Đăng ngày:

Hàng ngàn lao động nhập cư thiệt mạng ở các quốc gia vùng Vịnh do điều kiện lao động khắc nghiệt. Di dân “chết nóng” trong xe tải ở Texas, thảm kịch di dân kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ. Phần Lan tăng cường đội ngũ lính dự bị. Pháp đưa ra bản án nặng nhất với tội phạm trong vụ khủng bố 13/11/2015. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này.  

Công nhân làm việc tại Dubai, Ả Rập Xê Út, 22/12/2015.
Công nhân làm việc tại Dubai, Ả Rập Xê Út, 22/12/2015. AP - Kamran Jebreili
Quảng cáo

Mỗi năm, khoảng 10 000 lao động từ Nam Á và Đông Nam Á thiệt mạng tại Ả ập Xê Út, Quatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Oman, theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ FairSquare.  

Công nhân không những bị trả lương tệ bạc mà còn phải đối mặt với điều kiện lao động không an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ như ô nhiễm không khí, thời tiết nóng khắc nghiệt và đôi khi bị bắt làm việc quá sức, lâu dần, dẫn đến mắc các bệnh mãn tính.  

Theo báo cáo, trong vòng 8 năm qua, nguyên nhân cái chết của các công nhân nhập cư được cho là từ bệnh tim, khi phải làm việc trong thời tiết nóng, dẫn đến đột quỵ vì sốc nhiệt, tuy nhiên trên giấy chứng tử chỉ ghi là “chết tự nhiên” hoặc đột quỵ chứ không nêu rõ lý do đằng sau. 

Hàng nghìn công nhân đến lao động tại khu vực này mỗi năm, làm những việc mà công dân nước sở tại từ chối như trong ngành dầu khí, xây dựng, dọn dẹp hoặc thu gom rác thải. Họ bị giữ tịch thu hộ chiếu, đối xử thậm tệ và phải làm việc dưới thời tiết nóng đến 40 độ C. Trên kênh truyền hình Pháp, France 24 như sau, giám đốc của tổ chức nhân quyền FairSquare cho biết thêm: “Công nhân nhập cư phải làm việc 12 giờ đến 14 giờ mỗi ngày. Và họ được trả lương rất thấp. Khoảng 10 người ở trong một phòng và chỉ có hai nhà vệ sinh. Nhiệt độ cao và độ ẩm khiến điều kiện sống và làm việc trở nên khắc nghiệt hơn. Chúng tôi không chắc bao nhiêu người chết vì nắng nóng, bởi vì chính quyền không điều tra nguyên nhân cái chết của lao động nhập cư. Tuy nhiên chúng tôi biết rằng có ít nhất 50 000 lao động nhập cư thiệt mạng từ 5 năm qua.”  

Trước thềm Cúp bóng đá thế giới 2022 mà Qatar đăng cai tổ chức, nhiệt độ trong tuần qua đã lên đến 50 độ C tại nhiều khu vực. Tổ chức nhân quyền Amnesty International kêu gọi liên đoàn bóng đá Pháp gây sức ép, buộc Qatar phải tăng cường biện pháp bảo vệ người lao động, nhất là đối với lao động nhập cư đang ngày đêm làm việc trên các công trường chuẩn bị cho giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. 

Thảm kịch di dân kinh hoàng nhất nước Mỹ 

Tại Hoa Kỳ, một sự kiện đã khiến công luận xôn xao trong tuần qua: ít nhất 51 di dân thiệt mạng, cả trẻ em và người lớn, chủ yếu đến từ Trung và Nam Mỹ. Thi thể của của họ được tìm thấy trong một xe tải hạng nặng, đỗ trên một con đường vắng vẻ ở San Antonio, bang Texas Hoa Kỳ. Nguyên nhân tử vong là vì mất nước và sốc nhiệt do thời tiết nóng, xe tải không có điều hoà. Thảm kịch di dân kinh hoàng nhất nước Mỹ từ 20 năm qua diễn ra chỉ vài tuần sau vụ thảm sát ở trường học tiểu học Ulvalde đã khuấy đảo bầu không khí chính trị ở bang Texas. Phe Cộng Hoà buộc Joe Biden phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Thông tín viên RFI Thomas Harms từ Houston cho biết thêm: 

Chỉ chưa đầy 45 phút sau phát hiện kinh hoàng, trên trang mạng Twitter, thống đốc bang Texas Greg Abbott cáo buộc tổng thống Mỹ là người phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Các phương tiện truyền thông lần lượt đăng tải thông điệp của Abbott : “Những người này chết là do Biden. Đó là hậu quả của chính sách mở cửa biên giới của ông ta”. 

Một phát biểu tương tự của cựu giám đốc cơ quan hải quan và nhập cư dưới thời cựu tổng thống Trump cũng được loan tải bởi những người cùng phe với Abbot trên kênh truyền hình Mỹ Fox News : “Những chuyện đã xảy ra là do chính sách của Biden cho phép ký kết các thoả thuận về nhập cư, càng nhiều người vượt biên thì càng có nhiều người bỏ mạng”. 

Vào năm 2017, 10 di dân đã thiệt mạng trong một xe tải ở San Antonio và người có quyền lực lớn thứ hai ở Texas, Dan Patrik cũng đã gây hấn với phe thuộc đảng Dân Chủ, với cùng luận điểm. Nhưng lúc đó, Donald Trump vẫn ở Nhà Trắng : “Các chính sách của chính quyền Obama và các chính sách của đảng Dân Chủ nhằm mở cửa biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ phạm tội (buôn người), và đó là những kẻ không quan tâm đến mạng người”. 

Thế nhưng, trên thực tế, chính quyền Biden hiện vẫn giữ nguyên tất cả các chính sách liên quan đến nhập cảnh từ thời Donald Trump. Một số chính sách được giữ lại là do lựa chọn, một số khác là theo lệnh của tòa án. Cụ thể là Luật số 42, có hiệu lực cùng với luật về Covid, cho phép trục xuất người di cư trước khi họ có thể xin tị nạn.” 

Lính dự bị Phần Lan sẵn sàng cho lệnh tổng động viên 

Trong tuần vừa qua, một sự kiện quốc tế khác đáng chú ý đó là việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối. Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraina, hai quốc gia đã từ bỏ quy chế trung lập duy trì từ hàng trăm năm qua và nộp đơn vào NATO từ tháng Năm (18/05/2022). Lãnh đạo Liên minh Jen Stoltenberg cho biết hồ sơ thành viên của hai quốc gia có thể được xét duyệt nhanh chóng. Tuy nhiên, cần phải có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên, nhất là từ Thổ Nhĩ Kỳ.  

Tại Phần Lan, với 1300 km đường biên giới chung với Nga, các đơn đăng ký tình nguyện tham gia chương trình tự vệ đã tăng lên gấp 10 lần từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra. Quốc gia 5,5 triệu dân chuẩn bị đội ngũ lính dự bị khổng lồ, sẵn sàng ứng chiến nếu bị tấn công. Từ thủ đô Helsinki, thông tín viên RFI Fédéric Faux tường trình : 

Đây là cuối tuần cuối cùng trong đợt huấn luyện quân sự ở phía đông của đất nước, nhưng Henri Noussianinen thấy như mới chỉ bắt đầu từ hôm qua. Anh cho biết : “ Chúng tôi đã ôn lại các chiến thuật dàn quân, phối hợp với các nhóm khác nhau. Chúng tôi cũng được huấn luyện bắn súng và các hoạt động trinh sát vào ban đêm. Khi luyện tập bắt đầu, mọi người đều rất tập trung”. 

Henri một nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, hay lui tới các quán bar ở thủ đô Helsinki, đúng là rất khó có thể tưởng tưởng rằng anh đang mặc trang phục quân nhân và nằm bò dưới những cây bạch dương. Tuy nhiên, Henri lại là một chỉ huy rất năng động của Stadin Sissit, đội quân dự bị của Helsinki, một trong 327 tổ chức lính dự bị của Phần Lan, cho phép nước này có thể điều động ngay lập tức 280 000 quân nếu bị tấn công. Lính dự bị được đào tạo đọc bản đồ, sử dụng tên lửa chống tăng. Trong tổ chức mà Henri tham gia, họ cũng được đào tạo nhu thuật (Jujitsu). Loại võ cổ truyền có xuất xứ từ Nhật Bản này khá đặc biệt, khi phải đối đầu với kẻ thù có vũ khí. Sĩ quan huấn luyện đội lính dự bị giải thích : “Đây là khẩu súng Glock 17 . Và chúng ta phải làm gì trong trường hợp này. Tôi đưa cùi trỏ vào mặt đối thủ và đây chính là điểm yếu của anh ta”.  

Ngay từ tuần đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraina, các đơn đăng ký tình nguyện tham gia chương trình tự vệ gia tăng, từ 600 lên đến 6000 đơn mỗi tuần”. 

Khủng bố Bataclan 2015 : Toà tuyên án phạt nặng nhất 

Tại Pháp, phiên toà xét xử vụ khủng bố 13/11/2015  “đẫm máu nhất tại Pháp” kết thúc vào thứ Tư, 29/06. Vụ tấn công khủng bố đã tước đi sinh mạng của 131 người và làm hàng trăm người bị thương. Toà đại hình đặc biệt ở Paris đưa ra các bản án từ hai năm tù đối với tội danh nhẹ nhất cho đến tù chung thân và không có khả năng giảm án đối với phần tử khủng bố duy nhất còn sống sót Salah Abdeslam. Đây là bản án nặng nhất trong luật hình sự Pháp. 13 năm sau khi loại bỏ án tử hình (1981), luật hình sự Pháp đưa ra bản án này vào năm 1994, trong vụ xét xử một tội pháp giết người và ấu dâm đồng thời có tiền án về tội xâm hại tình dục.

Cho đến nay, chỉ có 4 người lãnh án này, đối với các tội phạm như giết người hàng loạt và hiếp dâm. Tòa bác bỏ biện hộ của Salah Abeslam, theo đó, bị cáo không kích hoạt khối thuốc nổ mang trên người, nhưng thực ra là do khối thuốc nổ không hoạt động. Ngoài ra, Abdeslam lãnh án tù nặng nhất luật hình sự pháp không phải vì tội khủng bố gây ra cái chết của hơn 100 người mà là vì có ý định tấn công, sát hại người thi hành công vụ.  

Cuộc sống yên bình tại biên giới chia cắt Nam - Bắc bán đảo Triều Tiên 

Nhìn sang châu Á, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gia tăng khi Bắc Triều Tiên liên tục bắn thử tên lửa. Seoul và Washington hợp tác, lên kế hoạch đáp trả nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động khiêu khích thử vũ khí hạt nhân. Đường lối lãnh đạo và chính sách trong quan hệ với láng giềng của tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol càng làm cho căng thẳng leo thang. Tại làng Tongil Chon ở Hàn Quốc, cách khu vực Phi quân sự, biên giới được canh gác nghiêm ngặt nhất trên thế giới, với các loại pháo binh, tên lửa, vũ khí nằm dọc hai bên, cũng như hàng trăm nghìn binh sĩ, cuộc sống của cư dân làng Tongil Chon dường như vẫn yên bình. Thông tín viên RFI Nicolas Rocca cho biết thêm : 

“Cách một giờ chạy xe từ phía bắc Seoul, bên bờ sông Imjin chia cắt Nam - Bắc Triều Tiên, những rào thép gai và các trạm quan sát quân sự che khuất tầm nhìn ra những ngọn núi của láng giềng Cộng Sản. 

Đi thêm vài km nữa, tại một trạm kiểm soát, nhiều binh lính kiểm tra cẩn thận giấy tờ tuỳ thân. Không khí nặng nề, trái ngược với bầu không khí ở làng Tongil Chon, ngôi làng với cái tên mang nghĩa “thống nhất” (Tongil Chon nghĩa là thống nhất). Tại cổng vào làng, Chae Soon Soo, một cư dân đầu đội mũ ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi. Ông nói : “Mọi thứ đều ổn cả, cuộc sống của chúng tôi ở đây khá là tốt đẹp”. 

Sinh ra ở làng Tongil Chon, ông Chae năm nay 83 tuổi và không có ý định sống một nơi nào khác. Dường như ông cũng chẳng quan tâm đến các vụ thử tên lửa liên lục địa hay ý định thử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ông cho biết : “Tôi không quá lo lắng khi họ thử tên lửa hay những thứ khác, bởi vì nếu như chiến tranh xảy ra, tất cả mọi người trên bán đảo Triều Tiên đều chết hết chứ không chỉ riêng làng tôi, dù ở miền Bắc hay Nam. Nếu như xung đột không được giải quyết bằng vũ khí hạt nhân, trong trường hợp này họ sẽ sử dụng vũ khí thông thường. Do vậy, ở đây chúng tôi không quá lo lắng”. 

Tại ngôi làng, có một nhà thờ, một trường học và các ngôi nhà nằm trước cột cờ Hàn Quốc, rất khó có thể hình dung ra ngay từ cái nhìn đầu tiên, rằng chúng tôi đang ở ngay bên lề của vùng chiến sự. Thế nhưng 400 cư dân của làng đã quen thuộc với sự hiện diện của quân đội. Ông Lee Wan-pae, làm trưởng thôn từ 20 năm nay cho biết : “Dân làng ở đây thường xuyên sống trong cảnh căng thẳng. Bắc Triều Tiên ở ngay cạnh đây. Nhưng họ đã quen với điều này vì họ đã trải qua rất nhiều thời khắc khó khăn, ví dụ như khi cây cầu nối giữa hai nước bị cắt đứt. Ngay dưới chân chỗ chúng tôi đang đứng, trước kia từng là hầm chứa lúa mì. Chúng tôi đã phải sống tạm trong đó một thời gian. Nhưng cuộc sống đã cải thiện. Cách nay vài năm, các loa phát thanh tuyên truyền được lắp đặt ở cả hai bên bờ biên giới, thực sự là rất ồn ào”. 

Đằng sau trưởng thôn, cờ Bắc Triều Tiên phấp phới trước làng Ki Jong-dong. Hai ngôi làng bị ngăn cách bởi đường biên giới rộng 4 km và dài 250 km, lấp đầy mìn và động vật. Cả hai đều có cùng lịch sử. Ngôi làng được tạo ra để cho láng giềng thấy sự giàu có của đất nước. Trưởng thôn cho biết thêm : “ Tongil Chon từng là ngôi làng với cư dân nhưng trong chiến tranh mọi người đã bị sơ tán. Vào năm 1973, lúc đó Bắc Triều Tiên phát triển hơn Hàn Quốc. Chính phủ muốn phô trương sự thịnh vượng của đất nước, đã cho xây dựng 80 ngôi nhà mới trên quả đồi này và các nông trại khác nhau để người dân có thể sinh sống. Trong khi những người sinh ra ở làng sống trong 40 ngôi nhà, còn 40 ngôi nhà còn lại là dành cho quân đội nghỉ hưu. Lịch sử của làng đã bắt đầu như vậy.” 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.