Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Chiến tranh Ukraina: Nga lần đầu tiên thừa nhận ''tổn thất nặng nề''

Đăng ngày:

Phát ngôn viên điện Kremlin – nhân vật thân cận hàng đầu của tổng thống Nga Putin – có nhiều cuộc trả lời phỏng vấn dài với truyền thông phương Tây, tiếp tục phủ nhận các tội ác chiến tranh ở Ukraina, nhưng lần đầu tiên thừa nhận quân Nga tổn thất nặng nề.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga. REUTERS - EVGENIA NOVOZHENINA
Quảng cáo

Cộng Hòa Séc trở thành quốc gia đầu tiên của khối NATO giúp Ukraina xe tăng để chống Nga. Thủ tướng Hungary tuyên bố Budapest sẵn sàng làm nơi đối thoại giữa tổng thống Nga và nguyên thủ Ukraina để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn. Quân đội Nga tăng cường bắt cóc người tại các địa phương bị chiếm đóng, để ngăn cản những tiếng nói chống xâm lăng. Truyền thông Pháp, giới bảo vệ nhân quyền bắt đầu chú ý đến nạn binh lính Nga cưỡng hiếp người Ukraina. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tuần này.

***

Sau 6 tuần lễ gây chiến tại Ukraina, không lật đổ hay đánh bật được chính quyền của tổng thống Zelensky (mà tổng thống Nga lên án là « phát xít ») khỏi Kiev, chính quyền Matxcơva dường như đang chuyển qua giai đoạn mở chiến dịch ngoại giao để vãn hồi hình ảnh, trong bối cảnh Nga bị cộng đồng quốc tế nhất loạt lên án là kẻ xâm lược. Trong tuần lễ vừa qua, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã có hai cuộc trả lời phỏng vấn đáng chú ý với truyền thông phương Tây.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn thứ nhất với kênh truyền hình Anh Sky News dài gần 40 phút, ngày 07/04, phát ngôn viên của tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận « những tổn thất quân sự quan trọng », và đây là « một thảm kịch ghê gớm với chúng tôi ». Phát ngôn viên Peskov không cung cấp con số binh sĩ Nga thiệt mạng.

Truyền thông Pháp ghi nhận : Lần đầu tiên chính quyền Nga thừa nhận tổn thất lớn. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, số binh sĩ Nga tử trận ước tính từ 7.000 đến 15.000 người, cộng với con số binh sĩ bị thương khoảng 15.000 người. Số quân nhân bị loại khỏi vòng chiến đấu ước tính từ 20.000 đến 30.000. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài Pháp LCI, về tổn thất với quân Nga, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga cũng thừa nhận « thảm kịch ».

Thừa nhận thiệt hại nặng nề, nhưng chính quyền Nga vẫn khăng khăng khẳng định sẽ tiếp tục cuộc xâm lăng, mà Matxcơva gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt », để đạt được các mục tiêu, buộc chính quyền Ukraina chấp nhận nhiều nhân nhượng, nhất là về lãnh thổ (tại miền đông Ukraina và bán đảo Crimée).

Truyền thông Pháp ghi nhận các thực tế và những áp lực trong nước buộc ông Dmitry Peskov phải đưa ra thừa nhận như trên. Chính quyền tiếp tục kiểm duyệt, nhưng không thể bịt miệng hoàn toàn dân chúng. Báo La Croix cho hay, trong những ngày gần đây, tại nhiều khu vực ở Nga, đã có nhiều tang lễ quân nhân được tổ chức. Trang mạng điều tra iStories, bị bộ Nội Vụ Nga cấm từ đầu tháng 3, hôm 07/04, tiếp tục công bố một video cho thấy đám tang 55 quân nhân thuộc đơn vị lính dù 247, có thể đã bị tiêu diệt trong những ngày đầu tiên của chiến tranh tại Ukraina.

Giới cứng rắn Nga không coi là « tổn thất đáng kể »

Thông tin được phổ biến rộng rãi về số lượng quân nhân thiệt mạng lớn là một cái tát vào mặt chính quyền Nga, nhưng cũng có thể gây thêm thù hận, kích động tham vọng đế quốc Đại Nga. Rút quân khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kiev và miền bắc Ukraina, thừa nhận tổn thất nặng nề, không có nghĩa là chính quyền Putin đã thực sự xuống thang. Một bộ phận giới chóp bu Nga rất có thể sẽ nhân tình hình này kích động chủ nghĩa dân tộc, đồ thêm dầu vào lửa chiến tranh ở Ukraina.

Hôm 08/04, tức một ngày sau cuộc trả lời phỏng vấn của phát ngôn viên điện Kremlin, chủ tịch đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất, Andrey Turchak, chất vấn : « Thế nào là tổn thất đáng kể ? Và thế nào là tổn thất không đáng kể ? Liệu các nạn nhân của nạn diệt chủng ở vùng Donbass diễn ra từ 8 năm nay có phải là một thảm kịch đối với chúng ta không ? ». Ông Andrey Turchak nổi tiếng là một thành phần có quan điểm cứng rắn, trung thành với tổng thống Nga. Cáo buộc « diệt chủng » tại Donbass, không hề có bằng cớ, đã được tổng thống Nga đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lăng Ukraina.

Theo La Croix, trước đó một hôm, chủ tịch đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất đã đến một ngôi làng thuộc vùng Zaporijjia (hoàn toàn nằm ngoài vùng Donbass), để cắm cờ Nga thay cho quốc kỳ Ukraina, tại một trụ sở chính quyền Ukraina ở địa phương này.

Bắt cóc để buộc phải « cộng tác » với quân xâm lược

Chính quyền Nga dùng nhiều thủ đoạn để áp đặt quyền thống trị tại nhiều địa phương mới xâm chiếm được. Một trong các thủ đoạn khá phổ biến là « bắt cóc » để đe dọa trực tiếp nạn nhân, và gây tâm lý hoảng sợ trong xã hội. Thị trưởng thị xã Melitopol ở miền nam bị quân Nga bắt cóc hồi tháng trước, sau đó đã được trả tự do đổi lại việc Kiev thả tù binh Nga. Một số người tình nguyện gốc Melitopol, hiện phải lánh nạn sang Thành phố Zaporijjia, cách đó khoảng 150 km, đang làm việc thống kê người bị bắt cóc. Tổng cộng khoảng 30 người bị bắt cóc, và hiện còn 13 người mất tích.

Phóng sự của hai đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith từ khu vực gửi về :

« Giờ đây Svitlana Zalizetska đã sống xa Melitopol. Người phụ nữ này từng phụ trách biên tập một trang mạng thông tin của thành phố. Sau khi các lực lượng Nga đến đây, Svitlana đã bị chính quyền mới triệu tập, họ yêu cầu cô phải cộng tác. 

Svitlana kể lại : ''tôi đã nói với họ là tôi không cộng tác với lực lượng chiếm đóng, bởi vì tôi yêu Ukraina''. Nửa giờ sau cuộc nói chuyện này, tôi biết rằng họ đã đến tìm người thị trưởng và yêu cầu ông cộng tác. Thị trưởng Melitopol sau đó bị bắt làm con tin. Svitlana quyết định nhanh chóng rời khỏi Melitopol. Vào lúc đó quân Nga cũng đã bắt người bố của Svitlana làm con tin trong ba ngày.

Cô kể tiếp : ''Họ nói với tôi rằng họ sẽ chỉ thả bố tôi ra nếu tôi ngừng viết những điều độc ác về họ. Sau đó vào buổi tối, một người đàn ông tự xưng là Serhii đến nói với tôi rằng tôi phải chịu trách nhiệm về việc binh lính Nga bị giết, do các bài báo trên trang mạng tôi phụ trách''.

Còn cô Uliana Simonenko, thuộc nhóm của tòa thị chính phải rời khỏi thành phố khi quân Nga đến, hiện đang làm công việc thống kê các vụ bắt cóc do quân Nga tiến hành, và các cơ sở chính quyền địa phương chuyển sang theo Nga. Cô nói : ''Tại Melitopol, có một chính quyền tự phong, họ thành lập một bộ máy cảnh sát riêng. Đó là những người Ukraina cộng tác với Nga, phản bội lại đất nước''.

Đây là những người mà chính quyền Ukraina dự kiến sẽ xét xử về tội cộng tác với kẻ thù ».

Quân đội Nga : Dùng cưỡng hiếp như « vũ khí chiến tranh »

Ngoài bắt cóc, quân đội Nga cũng bị cáo buộc dùng cưỡng hiếp như một « vũ khí chiến tranh ». Trả lời đài France 24, luật gia Céline Bardet, nhà điều tra hình sự quốc tế, cho biết Hiệp hội phi chính phủ « We are Not Weapons of War » sẽ triển khai một nhóm các nhà tình nguyện để thu thập nhân chứng, đặc biệt là các nạn nhân, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân.

Bài « En Ukraine, le viol utilisé comme arme de guerre par l'armée russe, selon Kiev et plusieurs organisations », France Inter, 06/04/2022, dẫn chứng cứ trao đổi qua điện thoại của lính Nga kể chuyện với gia đình, phẫn nộ vì các hành động của đồng đội (mà an ninh Ukraina bắt được). Cũng bài viết này cho biết tổ chức bảo vệ nhân quyền La Strada Ukraine thu thập được 6 trường hợp nạn nhân. Theo La Strada Ukraine, 6 trường hợp này chỉ là « một giọt nước » nhỏ trong biển cả tội ác của quân đội Nga, đang dần dần hiện rõ, đặc biệt tại miền nam và vùng Donbass.

Đề xuất trung gian của thủ tướng Hung: Mừng ít, lo nhiều

Thêm một đề nghị làm trung gian đàm phán Nga – Ukraina, sau Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và một số nước khác. Thủ tướng Hungary Victor Orban, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội 03/04, trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga, đã ngỏ ý sẵn sàng làm trung gian cho cuộc đàm phán tìm giải pháp ngừng bắn. Nhưng sáng kiến của thủ tướng Hung gây mừng ít, lo nhiều.

Ông Orban thể hiện rõ là người gần gũi nhất với tổng thống Nga, trong số các lãnh đạo châu Âu, nhưng cũng là người có thái độ gần như là đối địch với tổng thống Ukraina. Chính quyền Hungary cũng bị nghi ngờ làm nội gián cho Nga. Thông tín viên Florence La Bruyère tường trình từ Budapest:

« Viktor Orban đã mời tổng thống Nga Vladimir Putin đến Budapest để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn với tổng thống Ukraina. Ông Orban nói : Tổng thống Nga đã nói với tôi là đồng ý, nhưng với một số điều kiện. Lãnh đạo Hungary cũng giảm tầm mức vai trò trung gian của Budapest : ‘‘Tôi không thể thương lượng để giúp cho các điều kiện này được đáp ứng, hai tổng thống Nga và Ukraina phải làm việc này’’.

Đóng vai trò trung gian, thủ tướng Hungary cũng từ chối lên án các tội ác ghê rợn tại Bucha, ở Ukraina. Thủ tướng muốn khẳng định quan điểm riêng, khác với làn sóng lên án của phương Tây nhắm vào chính quyền Matxcơva, và tiếp tục tìm cách phát triển quan hệ gần gũi với ông Putin. Hungary đã ký nhiều hợp đồng với Nga, và cũng tại Budapest đã thiết lập một ngân hàng đầu tư Nga đầy bí ẩn. Một ổ gián điệp, theo các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.

Một ví dụ khác về sự xích lại gần nhau giữa Hungary và Nga : cách đây ít hôm, một cơ quan truyền thông Hungary chuyên về điều tra (Direckt.36) tiết lộ, với nhiều tài liệu làm bằng chứng, cụ thể là các cơ quan an ninh Nga thông qua giới hacker, đã xâm nhập vào bộ Ngoại Giao Hungary. Như vậy, người Nga có thể đã tiếp cận được nhiều tài liệu mật của NATO.

Theo báo độc lập này, nổi tiếng với các điều tra nghiêm túc, thì chính phủ của ông Orban tuy biết việc này từ lâu, nhưng đã không hề phản đối chính quyền Nga (về phần mình, bộ Ngoại Giao Hungary cho rằng những cáo buộc nói trên là ‘‘dối trá’’) ».

Quốc gia NATO đầu tiên giúp Ukraina xe tăng, Nga chưa phản ứng

Căng thẳng tại Ukraina tập trung vào miền đông, nơi dự kiến sẽ diễn ra đối đầu dữ dội giữa quân Nga, chuẩn bị mở chiến dịch lớn, và lực lượng phòng vệ Ukraina. Chính quyền Kiev kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm nhiều vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạng nặng. Đầu tháng 4/2022 này, Cộng Hòa Séc trở thành quốc gia đầu tiên của khối NATO giúp Ukraina xe tăng để chống Nga.

Hỗ trợ Ukraina các vũ khí tự vệ là điều đã được phương Tây thực thi ít ngày đầu tiên sau khi Nga mở màn cuộc tấn công, nhưng các vũ khí tấn công, như tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu hay xe tăng, là điều cho đến gần đây khối NATO vẫn dè dặt do lo ngại leo thang quân sự với Nga.

Theo báo chí Pháp, Cộng Hòa Séc đã chuyển cho chính quyền Kiev nhiều vũ khí hạng nặng, trong đó có chiến xa T-72, theo mô hình thời Liên Xô. Chính quyền hai nước Cộng Hòa Séc và Slovakia (quốc gia láng giềng với Ukraina) cũng dự định sẽ mở các cơ sở công nghiệp quân sự, cho phép Ukraina sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị quân sự bị hư hại.

Theo đài Pháp TF1, bộ trưởng Quốc Phòng CH Séc, bà Jana Cernochova, đã xác nhận đợt viện trợ này vào ngày 05/04, nhấn mạnh là : vì lý do bí mật quân sự với Nga, sẽ không công bố cụ thể về các vũ khí được cung cấp. Đợt vũ khí viện trợ này của Cộng Hòa Séc đã được bàn thảo với các nước NATO. 

Theo thông tín viên của France Info, Julien Gasparutto, tại Bruxelles, Cộng Hòa Séc không chính thức thông báo về việc này, và Matxcơva trong hiện tại cũng chưa có phản ứng. Theo nhà báo France Info, nếu Cộng Hòa Séc tỏ ra dè dặt thì đó là vì đợt viện trợ này có thể là một « bước ngoặt » trong xung đột. Cho đến nay, khối NATO tránh viện trợ vũ khí « hạng nặng » cho Ukraina, để tránh bị Nga coi là một bên tham chiến, với hệ quả là có thể dẫn đến đụng độ trực tiếp NATO - Nga.

Thị trấn Borodyanka vùng Kiev, ngày 05/04/2022, sau khi quân Nga rút.
Thị trấn Borodyanka vùng Kiev, ngày 05/04/2022, sau khi quân Nga rút. AP - Vadim Ghirda

 

Trận chiến sống mái sắp tới, Putin cam kết không dùng hạt nhân

Ngày 07/04, trong cuộc họp với khối NATO tại Bruxelles, ngoại trưởng Ukraina kêu gọi NATO hỗ trợ nhiều hơn nữa về vũ khí, để đánh bật quân Nga. Lãnh đạo Ngoại Giao Ukraina nhấn mạnh : « Tôi đến đây chỉ để yêu cầu ba thứ : vũ khí, vũ khí và vũ khí. Vũ khí càng được cung cấp nhanh chóng, thì càng có nhiều sinh mạng được cứu sống, càng tránh được nhiều cuộc phá hủy ».

Theo tình báo Hoa Kỳ, cuộc xâm lược Nga tại Ukraina sẽ kéo dài nhiều tháng, trong lúc nhiều người tin rằng chính quyền Putin muốn nhanh chóng chấm dứt « chiến dịch quân sự đặc biệt », để ăn mừng ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, 09/05 (« phi phát xít hóa » tại Ukraina là chiêu bài mà chính quyền Nga đưa ra để biện minh cho « chiến dịch quân sự đặc biệt »). Những tuần lễ tới hứa hẹn sẽ « khủng khiếp » tại Donbass và các vùng phụ cận, miền đông Ukraina.

Có nguy cơ là quân đội Nga sẽ không từ phương tiện gì để giành thắng lợi, ngoại trừ bom hạt nhân chiến thuật. Chính quyền Putin để treo lơ lửng nguy cơ sử dụng bom hạt nhân cỡ nhỏ tại Ukraina trong hơn một tháng trời. Ngày 28/03, phát ngôn viên điện Kremlin, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Mỹ PBS, đã khẳng định rõ : không sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraina (khác với lập trường mập mờ trước đó một tuần).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.