Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Chính phủ Úc trước bê bối lạm dụng tình dục trong chính trị

Đăng ngày:

Chính phủ Úc trước bê bối lạm dụng tình dục trong chính trị ; Thượng đỉnh One Ocean Summit « quên » nạn đánh bắt cá quá mức ; Liên Hiệp Châu Âu đầu tư lớn vào chất bán dẫn ; Tấm thảm tái hiện Guernica trở lại Liên Hiệp Quốc. Trên đây là những chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Ảnh minh họa : Thủ tướng Úc Scott Morisson ngày 11/02/2022. Ông Morisson chính thức xin lỗi Brittany Higgins, nạn nhân bị cưỡng bức năm 2019 trong văn phòng ở Nghị Viện của một bộ trưởng.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Úc Scott Morisson ngày 11/02/2022. Ông Morisson chính thức xin lỗi Brittany Higgins, nạn nhân bị cưỡng bức năm 2019 trong văn phòng ở Nghị Viện của một bộ trưởng. AP - Darrian Traynor
Quảng cáo

Chính phủ Úc vẫn đang phải đối mặt với tai tiếng lạm dục tình dục, sau khi một nữ nhân viên tiết lộ hồi tháng 01/2021 đã bị cưỡng bức tại văn phòng ở Nghị Viện của một bộ trưởng năm 2019. Sự dũng cảm của bà Brittany Higgins đã giúp nhiều nạn nhân khác đưa ra ánh sáng tình trạng kéo dài nhiều năm trong chính phủ và thường bị ém nhẹm trong « văn hóa im lặng ».

Công luận Úc bàng hoàng về vụ cưỡng bức trong chính phủ, nhưng còn sốc hơn về áp lực mà bà Brittany Higgins phải chịu từ cấp trên để bà không đi báo cảnh sát trước kỳ bầu cử năm 2019. Rất nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra để yêu cầu những biện pháp khẩn cấp.

Hơn một năm sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, ngày 08/02/2022, thủ tướng Úc Scott Morrison đã trực tiếp xin lỗi nạn nhân Brittany Higgins :

« Một hệ sinh thái, một văn hóa đã cắm rễ trong suốt vài chục năm qua, trong đó sự sỉ nhục, quấy rối, phẫn nộ, thậm chí đôi khi là bạo lực đã trở thành bình thường. Điều này cần phải thay đổi, để những người đến đây làm việc có thể yên tâm làm việc, như cũng phải diễn ra ở bất kỳ nơi làm việc nào ở Úc ».

Tuy nhiên, phát biểu của thủ tướng Úc bị coi như « những lời nói gió bay »« có rất ít điều được thay đổi » kể từ khi Brittany Higgins công bố vụ việc. Cuộc tranh luận ở quy mô quốc gia về bạo hành tình dục cũng không tiến triển. Brittany Higgins cho biết « không muốn sự đồng cảm » của ông Morrison « với tư cách là một người cha »« muốn ông sử dụng quyền lực với tư cách thủ tướng ».

Rất nhiều nữ cộng tác viên khác trong chính phủ đã dũng cảm theo gương Brittany Higgins để tố cáo nạn lạm dụng tình dục trong chính trường. Nhiều cuộc điều tra được tiến hành, trong đó theo báo cáo 450 trang của ủy viên điều tra Kate Jenkins, cứ một trên ba người đang làm việc ở Nghị Viện và những nơi khác của chính phủ liên bang là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục công sở.

Ngày 09/02, khi được hỏi về những tiến triển trong vấn đề này ở chính phủ, thủ tướng Úc cho biết một kế hoạch 10 năm và nhiều biện pháp khác đang được nghiên cứu.

Thượng đỉnh One Ocean Summit « quên » nạn đánh bắt cá quá mức

Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích phá hoại đa dạng sinh học và vét cạn tài nguyên các đại dương, kể cả ở những vùng biển xa xôi như gần khu bảo tồn biển của quần đảo Galápagos, cách bờ biển Ecuador 1.000 km. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt quá mức lại không được đề cập trong thượng đỉnh One Ocean Summit, kết thúc hôm 11/02/2022 tại thành phố Brest, phía tây Pháp.

Những vùng biển ở châu Phi cũng đối mặt với tình trạng tương tự trong khi các nước trong vùng lại thiếu phương tiện giám sát. Trả lời RFI ngày 10/02, bà Lamina Essemlali, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Sea Shepherd, giải thích :

« Vấn đề đánh bắt vượt giới hạn ở châu Phi, trong đó có vịnh Guinea nơi chúng tôi có mặt thường xuyên từ nhiều năm nay, vừa mang tính môi trường, vừa mang tính xã hội vì trên thực tế, có rất nhiều tầu cá nước ngoài, trong đó có cả tầu cá châu Âu đánh bắt quá mức ở các vùng biển châu Phi.

Hiện nay, Liên Hiệp Châu Âu là vùng nhập khẩu nhiều cá nhất. Hơn một nửa khối lượng này đến từ các nước đang phát triển, chủ yếu là từ châu Phi. Vì thế, điều quan trọng là phải đánh động được công luận châu Âu và Pháp về xuất xứ những nguồn cá này. Tiếp theo, nhiệm vụ của chúng tôi là hạn chế tình trạng đánh bắt quá mức, hỗ trợ phương tiện hàng hải cho các chính phủ châu Phi muốn bảo vệ vùng biển và kiểm tra những khu vực đó.

Ví dụ về chuyến kiểm tra đầu tiên của chúng tôi ở Gabon, tại những vùng đánh bắt cá ngừ, có thể tóm tắt tình hình này. Chúng tôi đã kiểm tra một tầu đánh cá ngừ của Pháp, tầu có giấy phép đánh bắt nhưng chủ tầu ngạc nhiên : « Từ 20 năm nay, tôi vẫn đánh bắt cá ở Gabon, nhưng đây là lần đầu tiên tôi bị kiểm tra ». Do đó, hoàn toàn có thể thấy sự thiếu vắng trừng phạt do không có phương tiện kiểm tra các khu vực đánh bắt dồi dào, nơi cung cấp cho các thị trường châu Âu ».

Liên Hiệp Châu Âu đầu tư lớn vào chất bán dẫn

Dịch Covid-19 cho thấy rất nhiều điểm yếu của các nước phương Tây phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở châu Á, trong đó có chip điện tử, một bộ phận không thể thiếu trong máy tính, ô tô… Ngày 08/02/2022, Ủy Ban Châu Âu đề xuất kế hoạch 43 tỉ euro để tái công nghiệp hóa và nghiên cứu lĩnh vực chất bán dẫn tại châu Âu.

Trả lời RFI ngày 09/02, bà Emilie Jolivet, giám đốc phụ trách Bán dẫn, Bộ nhớ và Máy tính cho văn phòng cố vấn Yole Developpement ở Lyon, nhận định :

« 43 tỉ đô la là khoản tiền rất lớn. Ngân sách này có cho phép tái khởi động sản xuất tại châu Âu để tự cung tự cấp và cung ứng cho mọi linh kiện điện tử không ? Câu trả lời là « không » nhưng sẽ giúp châu Âu trở lại cuộc đua. Nếu so sánh ngân sách đó với kế hoạch của Washington, được thông báo gần 52 tỉ đô la, có thể thấy là chúng ta cũng ngang tầm với Mỹ.

Theo tôi, ý tưởng của Liên Hiệp Châu Âu là khuyến khích các công ty, như Intel, TSMC, chuyển một phần hoạt động sản xuất về châu Âu và dĩ nhiên là sẽ kéo theo hiệu ứng hồi sinh toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn châu Âu.

Cũng cần phải biết là chúng ta cũng có rất nhiều công ty vô địch về sản xuất thiết bị cho việc sản xuất chip điện tử, như ASML ở Hà Lan hoặc những công ty nhỏ hơn chuyên sản xuất thiết bị tại châu Âu và điều đó có thể sẽ giúp tái khởi động lĩnh vực chip điện tử ».

Theo ông Thierry Breton, ủy viên thị trường nội địa, các nước châu Âu phải tự chủ để có thể cạnh tranh vì đã quá tin vào các nguồn cung ứng trên thế giới. Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tại Bruxelles nhắc lại chỉ có khoảng 10% chip điện tử trên thị trường thế giới được sản xuất tại Liên Hiệp Châu Âu, đáp ứng chưa đầy một nửa nhu cầu của khối. Kế hoạch đề ra hai mục tiêu chính là tài trợ cho nghiên cứu và xây dựng những nhà máy khổng lồ để từ giờ đến cuối thập niên, châu Âu phải chiếm được 20% thị phần chất bán dẫn, vừa nhằm cung ứng nhu cầu công nghiệp của khối, vừa có khả năng xuất khẩu.

Tấm thảm tái hiện tác phẩm Guernica trở lại Liên Hiệp Quốc

Tác phẩm Guernica nhắc lại những kinh hoàng của chiến tranh trở lại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York vào đúng lúc tình hình biên giới Nga-Ukraina sôi sục, Matxcơva điều quân tập trận rầm rộ ở ba mặt biên giới, bao vây nước láng giềng. Sau một năm ngậm ngùi chia tay tấm thảm tái hiện Guernica, ngày 05/02/2022, Liên Hiệp Quốc hân hoan đón tác phẩm trở lại vị trí ban đầu trong suốt 35 năm : ở lối vào Hội Đồng Bảo An.

Danh họa Picasso từ chối bán bản gốc Guernica cho gia đình tỉ phú Mỹ Rockefeller nhưng đề xuất một giải pháp khác : Tái hiện Guernica trên thảm. Đây là tấm thảm đầu tiên, trong tổng số ba phiên bản, được họa sĩ người Tây Ban Nha cho phép và được xưởng dệt Pháp Jacqueline de La Baume-Dürrbach thực hiên năm 1955. Từ năm 1984, tác phẩm được gia đình Rockefeller cho Liên Hiệp Quốc mượn… cho đến năm 2011.

Thông tín viên RFI Carrie Nooten tại New York giải thích :

« Tin vui ngày càng hiếm ở Liên Hiệp Quốc, nhưng tin này thì lại được hoan nghênh nhiệt liệt : Gia đình Rockefeller quyết định lại cho Liên Hiệp Quốc mượn tấm thảm tái hiện tác phẩm Guernica.

Được treo trên cửa của Hội Đồng Bảo An trong 35 năm, tác phẩm như luôn nhắc nhở các nhà ngoại giao phải làm mọi cách để tránh những thảm khốc của chiến tranh. Nelson Rockefeller, cựu phó tổng thống Mỹ là người cho Liên Hiệp Quốc mượn tác phẩm và cũng chính ông là người đã hiến đất để xây dựng trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York.

Thế nhưng năm 2021, con trai của ông đã đòi lại tấm thảm khiến nhiều nhà ngoại giao bất bình. Một số khác từng lo đó là một dấu hiệu mất niềm tin vào định chế thế giới này. Lúc đó, tổng thư ký Antonio Guterres vừa tỏ lòng biết ơn vì tác phẩm nổi tiếng trên nằm trong bộ sưu tập của Liên Hiệp Quốc vừa « kinh hoàng » nhìn tác phẩm bị tháo xuống. Từ một năm qua, bức tường vẫn để trống.

Con trai của Nelson Rockefeller không cho biết điều gì khiến ông đổi ý nhưng ông dự định sẽ tặng tấm thảm đó cho một Quỹ Di sản Lịch sử Quốc gia ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.