Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Vở nhạc kịch Pháp Nhà thờ Đức Bà Paris ra mắt khán giả Mỹ

Đăng ngày:

Hơn 20 năm sau ngày thành công tại Pháp, vở nhạc kịch ''Notre Dame de Paris'' (Nhà thờ Đức Bà Paris) lần đầu tiên được trình diễn tại sân khấu Broadway, New York. Theo nhật báo Le Journal de Montréal, hơn 2.500 khán giả Mỹ đã dành cho vở nhạc kịch này nhiều tràng pháo tay nồng nhiệt, nhân buổi ra mắt tác phẩm hôm 13/07/2022 tại trung tâm Lincoln Center.

Đêm ra mắt vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà ở nhà hát David H. Koch, trung tâm Lincoln Center, New York, Mỹ, ngày 13/07/2022.
Đêm ra mắt vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà ở nhà hát David H. Koch, trung tâm Lincoln Center, New York, Mỹ, ngày 13/07/2022. © AP - Andy Kropa
Quảng cáo

Buổi ra mắt này mở màn cho một đợt biểu diễn kéo dài trong 12 ngày (từ hôm 13/07 đến 25/07) tại nhà hát David H. Kock thuộc trung tâm Lincoln. Nội dung tác phẩm không còn gì xa lạ đối với công chúng ở Pháp, trong khi khán giả Mỹ khám phá bản phóng tác cho sân khấu. Câu chuyện về mối tình đơn phương của Thằng Gù Quasimodo dị dạng nhưng nhân hậu dành cho cô gái du mục đẹp tuyệt trần Esmeralda. 

Ra đời vào năm 1998 dưới ngòi bút của hai tác giả Luc Plamondon (lời) và Richard Cocciante (nhạc), vở nhạc kịch tiếng Pháp được phóng tác từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của văn hào Victor Hugo. Cũng như phiên bản điện ảnh từng ăn khách trên màn ảnh lớn vào năm 1956 (với Gina Lolobrigida và Anthony Quinn trong vai chính), phiên bản chuyển thể thành nhạc kịch cũng thành công vượt bậc trong hơn hai thập niên qua.

Nhà thờ Đức Bà Paris từng ra mắt khán giả tại 23 quốc gia

Thật vậy, ''Notre Dame de Paris'' (Nhà thờ Đức Bà Paris) từng được đưa đi biểu diễn tại 23 nước trên thế giới, trong 9 ngôn ngữ khác nhau. Vở nhạc kịch từng được phóng tác sang tiếng Anh (2000), rồi sau đó tiếng Tây Ban Nha (2001), tiếng Ý cũng như tiếng Nga (2002), tiếng Hàn (2007), tiếng Hà Lan (2010), tiếng Ba Lan (2016) và phiên bản phóng tác gần đây nhất là tiếng Quan thoại (2017). Theo hãng tin AFP, tính tổng cộng đã có 5.000 buổi trình diễn trong hơn hai thập niên liền. Nhân vòng lưu diễn năm 2018 đánh dấu 20 năm ngày tác phẩm ra đời, vở nhạc kịch đã thu hút hơn 9 triệu lượt khán giả (trong đó có 3 triệu người xem tại Pháp).

Theo nhạc sĩ Richard Cocciante đồng tác giả có mặt trong đêm ra mắt vở nhạc kịch, sự hiện diện của "Notre Dame de Paris" trên sân khấu New York là điều đáng mừng vì cánh cửa Broadway không mở ra một cách dễ dàng. Dù thành công ở nhiều quốc gia khác, nhưng đoàn diễn viên vẫn phải gắng hết sức mình để có thể chinh phục khán giả Mỹ, nổi tiếng là khó tính do họ được xem rất nhiều tác phẩm sâu sắc với lối dàn dựng cực kỳ công phu.

New York mở màn cho vòng lưu diễn Bắc Mỹ

Điều đáng ghi nhận, theo hãng tin AFP là mặc dù từng được phóng tác sang tiếng Anh, nhưng vở nhạc kịch "Notre-Dame de Paris" lại được biểu diễn tại Lincoln Center bằng tiếng Pháp. Phiên bản gốc được giới thiệu ở New York đi kèm với phụ đề tiếng Anh, được chiếu trên màn hình lớn đặt ở hai bên sân khấu cho phép công chúng tiện bề theo dõi diễn tiến câu chuyện. Cả hai tác giả cũng như đoàn diễn viên đều tin tưởng rằng tính phổ quát của tác phẩm cùng với những giai điệu lọt tai có thể chinh phục con tim khán giả, bất kể rào cản ngôn ngữ. Sau các đêm diễn đầu tiên, vở nhạc kịch đã được giới báo chí khen ngợi...

Theo đánh giá của các nhà phê bình, tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris 2022 là một phiên bản hoàn chỉnh với gần 25 năm kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu. Sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả là bước khởi đầu khả quan cho vòng lưu diễn Bắc Mỹ, sau nhà hát Lincoln Center ở New York đoàn diễn viên Notre-Dame de Paris sẽ lên đường lưu diễn Canada, trong đó có các chặng dừng tại New Brunswick và Québec. Theo báo Le Journal de Montréal, ngoại trừ Daniel Lavoie tham gia vở kịch (vai linh mục Frollo) từ đợt biểu diễn đầu tiên vào tháng 9 năm 1998 (cũng như Bruno Pelletier trong vai Gringoire), phần lớn còn lại trong đoàn kịch đều là những gương mặt trẻ.

Notre Dame de Paris : Các phiên bản tiếng Việt

Thành phần diễn viên đã được chọn lựa kỹ lưỡng, tạo ta một êkíp vững tay nghề, lối hát điêu luyện, cách diễn thuần thục. Trong đó có ca sĩ người Liban Hiba Tawaji trong vai người đẹp Esmeralda, Angelo Del Vecchio vào vai Thằng Gù Quasimodo, Yvan Pedneault trong vai Phœbus, Emma Lépine đóng vai Fleur de Lys, hầu hết đều là ca sĩ đến từ vùng Québec. Dĩ nhiên, khán giả Pháp vẫn chưa quên các ca sĩ Pháp từng làm nên tên tuổi của vở kịch như Hélène Ségara, Patrick Fiori và nhất là nam danh ca Garou với vai diễn để đời của Thằng Gù Quasimodo si tình. Phiên bản 2022 chinh là dịp để cho công chúng khám phá thêm những tài năng mới.

Ngoài việc thu hút 9 triệu lượt khán giả, ''Notre Dame de Paris'' còn thành công ngoạn mục trên thị trường đĩa hát. Tác phẩm trọn bộ ''Nhà thờ Đức Bà Paris'' đã bán gần 19 triệu album phòng thu, tạo ra nhiều bản nhạc quen thuộc như Vivre, Cour des Miracles, Danse mon Esmeralda… Nhạc phẩm Vivre từng được Céline Dion ghi âm bằng tiếng Anh thnh ca khúc Live (for the one I love)

Riêng hai nhạc phẩm nổi tiếng nhất là Le Temps des Cathédrales (Thời xây thánh đường) và nhất là bài mang tựa đề Belle (Giai nhân) từng lập kỷ lục số bán tại Pháp với hơn 3 triệu bản. Cả hai giai điệu này đều từng được đặt thêm lời Việt. Le Temps des Cathédrales trở thành "Cho đêm không còn buồn" qua cách đặt lời của tác giả Khúc Lan, phần trình bày của Don Hồ. Còn Belle (Tuyệt sắc) từng được tác giả Thái Thịnh đặt lời Việt và được thể hiện thành công qua ba giọng ca Trần Thái Hòa, Thế Sơn và Trịnh Lam. Trên sân khấu Broadway, bỗng vang lừng từ đây, tiếng chuông Notre-Dame de Paris. với bao hy vọng tràn đầy. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.