Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Nghệ sĩ và mạng xã hội trong bóng đêm đại dịch

Đăng ngày:

Năm 2020 là một nốt trầm với làng âm nhạc khi hàng loạt tên tuổi lớn đã ra đi hoặc công bố nhiễm bệnh Covid-19. Nhờ có mạng xã hội, khán giả tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin của nghệ sĩ để ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng gây không ít phiền toái cho nghệ sĩ và khán giả.

Pink, ca sĩ người Mỹ, tại lễ trao giải Brit ở Luân Đôn, Anh, ngày 20/02/2019.
Pink, ca sĩ người Mỹ, tại lễ trao giải Brit ở Luân Đôn, Anh, ngày 20/02/2019. © AP - Joel C Ryan
Quảng cáo

Những mất mát do Covid-19

Không gì đau xót hơn khi chứng kiến các ngôi sao chúng ta yêu mến qua đời vì dịch bệnh. Đó là trường hợp của giọng ca vàng nhạc Việt, ca sĩ Lệ Thu vĩnh viễn chia tay khán giả ở tuổi 78. Bà tên thật là Bùi Thị Oanh, đã trút hơi thở cuối cùng khi không qua khỏi chống chọi với bạo bệnh. Giọng hát gắn liền với bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn Như cánh vạc bay xuyên thời gian và không gian.

Để mô tả cuộc đời và sự nghiệp của Lệ Thu, chỉ cần gói ghém một từ duy nhất : Buồn, từ chuyện gia đình, tình cảm và dồn nén trong tiếng hát u sầu trên sân khấu. Bà trải qua ba cuộc hôn nhân đổ vỡ và chọn cuộc sống đơn độc đến cuối đời. Nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ “Giọng hát Lệ Thu chất chứa nỗi niềm một trái tim không trọn vẹn trong tình yêu”.

Khác với nghệ sĩ cùng thời như Khánh Ly hay Thái Thanh, tên tuổi của Lệ Thu không đóng đinh với một tác giả nào. Tiếng hát Lệ Thu góp phần kiến tạo sức sống của các nhạc phẩm vượt thời gian như Mùa Thu Chết, Mười năm tình cũ, Xin còn gọi tên nhau, Hạ Trắng, Cát Bụi.

Điểm đặc biệt ở tiếng hát Lệ Thu là sự làm chủ cảm xúc và độ chân thật rung lên trong cuống họng ở từng câu hát. Đại dịch có thể cướp đi sinh mạng ca sĩ tuổi thất thập nhưng không phá bỏ ký ức về giọng ca uẩn ức, buồn man mác trong liên khúc Nắng Thủy Tinh - Nhìn Những Mùa Thu đi.

Ở bình diện rộng hơn, năm 2020 đánh dấu sự mất mát với hàng loạt nghệ sĩ lớn. Charles Pride, nghệ sĩ Mỹ gốc Phi đầu tiên được vinh danh ở Country Hall of Fame qua đời ở tuổi 86. Charles xuất bản nhiều album, tiêu thụ đến 25 triệu album với các ca khúc được yêu thích như Someone loves you honey (Một ai đó yêu em), Kiss an Angel Good Morning, Is Anybody Goin' to San Antone, Mountain of Love.

Nhìn chung, yếu tố tuổi tác cộng thêm bệnh lý nền là nguyên nhân khiến cho các ngôi sao luống tuổi chịu chung số phận với Pride. Ví dụ như nhà soạn nhạc đề cử giải Grammy, William Pursell ở tuổi 94, nhạc công chơi saxophone jazz Lee Konitz 92 tuổi, Ellis Marsalis 85 tuổi, qua đời do biến chứng viêm phổi từ Covid-19. Tuy nhiên, cái chết của những ngôi sao U50 cho thấy biến chứng của dịch bệnh rất khó lường như trường hợp DJ Black N Mild mới 44 tuổi hay ngôi sao rapper đang nổi Fred the Godson mới có 35 tuổi. Theo thống kê, toàn cầu có trên 96 triệu ca nhiễm và hơn 2 triệu ca tử vong tính đến hết ngày 19/1/2021.

Chia sẻ hay bảo vệ sự riêng tư về bệnh dịch?

Bên cạnh nỗi đau mất mát những cây đại thụ âm nhạc, phần lớn các nghệ sĩ muốn cảnh báo việc coi thường tính mạng bản thân và sức khỏe cộng đồng. Nhiều nghệ sĩ chủ động thông báo về tình trạng bản thân.

Pink, nữ ca sĩ R&B/pop, là người đầu tiên lên tiếng về dịch bệnh trên Twitter và Instagram. Sau khi kiểm tra dương tính với virus corona, toàn bộ gia đình ca sĩ đã cách ly tại nhà và tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sỹ. Tấm gương của nữ ca sĩ 41 tuổi đáng được khen ngợi vì phát ngôn chuẩn mực, cộng thêm hành động nhân ái quyên góp 1 triệu đô la ủng hộ lực lượng y tế phục vụ cho Covid-19.

Vô hình chung, mạng xã hội Instagram hay Twitter trở thành phương tiện truyền thông để các nghệ sĩ giao lưu với khán giả về triệu chứng và quá trình phục hồi. Pink thẳng thắn chia sẻ : “Mọi người cần biết rằng bệnh dịch ảnh hưởng tới tất cả người già, trẻ em, khỏe mạnh hay ốm yếu, giàu hay nghèo. Chúng ta cần phải được kiểm tra Covid để bảo vệ trẻ em, gia đình, cộng đồng”.

Chung cảnh ngộ với Pink, các ngôi sao khác như Babyface, Gloria Estefan, hay Placido Domingo đều lựa chọn bộc bạch việc nhiễm bệnh trên mạng xã hội với các fan. Trong tháng 12 năm 2020, nữ ca sĩ Gloria Estefan chia sẻ trên mạng xã hội về tình huống cô nhiễm Covid-19. Hơn thế, Estefan nhấn mạnh việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là rất cần thiết : “Tôi chỉ ra đường vào ngày duy nhất 30 tháng 10, có đeo khẩu trang khi đi ăn tối với gia đình. Tuy nhiên ở nhà hàng, một vài người đến sát bên tôi khi tôi đang ăn và vỗ vào vai tôi. Họ không hề đeo khẩu trang và ở cự ly rất gần”.

Nam danh ca giọng tenor, Placido Domingo nhiễm bệnh sớm hơn, vào tháng 3. Tuy gây lo ngại cho các fan về tuổi tác, ông chứng tỏ là một tấm gương về trách nhiệm xã hội. Domingo chia sẻ : “Tôi cầu xin mọi người cực kỳ thận trọng, tuân thủ hướng dẫn về rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách 6 feet và hãy ở nhà nếu có thể”.

Với Andrea Bocelli, nam danh ca đấu tranh giữa việc bảo vệ quyền riêng tư cho gia đình ông và minh bạch thông tin. Cụ thể, một vài người trong gia đình Bocelli bị nhiễm tháng 3/2020 nhưng đến cuối tháng 5 ông mới chia sẻ trên Facebook. Điều này nói lên mối lo ngại của những nghệ sĩ tên tuổi với phát ngôn về Covid-19. Liệu họ có bị phân biệt đối xử hay nhận được sự cảm thông khi công bố thông tin nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán?

Mạng xã hội, tin giả và đại dịch Covid-19

Nỗi sợ về dịch bệnh chưa chắc đáng lo như các thông tin thiếu xác thực lan truyền trên mạng xã hội. Oái oăm hơn, thông tin liên quan tới tình hình sức khỏe các nghệ sĩ khiến cho các fan hâm mộ không khỏi phân vân. Ví dụ nữ diễn viên Tanya Roberts, ngôi sao bộ phim James Bond - A view to kill (Tầm sát thương), đã chết đi, sống lại do Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp, hồi đầu tháng 1/2021.

Việc chặn tin hay dán nhãn mác độc hại của các nhà cung cấp mạng xã hội rất khác biệt. Twitter tỏ ra nhanh nhạy hơn hẳn so với Facebook, Instagram, Youtube. Kể từ tháng 3/2020, Twitter áp dụng dán nhãn cảnh báo về 3 mức độ nguy hiểm : Thông tin sai lệch, Phát ngôn gây tranh cãi, Phát ngôn chưa kiểm chứng.

Ngược lại, Facebook hay Instagram vẫn chậm chạp trong việc kiểm soát các thông tin, mãi đến tháng 7 và tháng 12 mới chính thức áp dụng. Điển hình vào tháng 7/2020, ngôi sao Madonna đã phát ngôn về nhiễm bệnh của cô cũng như vac-xin trên Instagram với hơn 15,4 triệu người theo dõi. Cô chia sẻ vac-xin đã có sẵn trong nhiều tháng nhưng vẫn giữ bí mật. Hơn thế nữa, bà hoàng nhạc pop đính kèm video của nhà vật lý Stella Immanuel khen ngợi sử dụng thuốc hydroxychloroquine như thuốc đặc trị virus corona. Video này lan truyền mạnh và phải ít lâu sau Instagram mới chính thức gỡ bỏ. Đến tháng 8, Facebook tuyên bố đã xóa bỏ 7 triệu bài và dán nhãn hơn 98 triệu bài liên quan tới Covid-19 từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Mạng xã hội dần trở thành con dao hai lưỡi trong đại dịch Covid-19. Nó đóng vai trò phương tiện kiếm tiền lẫn truyền thông cho nghệ sĩ buộc phải giãn cách xã hội. Trái lại, nó có thể là mầm mống lan truyền cho các tin độc hại liên quan tới sức khỏe, tính mạng nghệ sĩ.

Câu chuyện về Covid-19 chưa thực sự hạ màn trong năm 2021 khi xuất hiện nhiều nhân tố mới như biến chủng tại Anh hay lựa chọn vac-xin mang màu sắc chính trị. Điều khán giả cần chính là âm nhạc từ trái tim và trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ hơn là phát ngôn mang dấu ấn cá nhân trên Instagram hay Twitter.

(Theo Billboard, Washington Post, Forbes)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.