Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Nghe nhạc trực tuyến (streaming music) hay đĩa Vinyl?

Đăng ngày:

Câu chuyện xu hướng nghe nhạc bằng phương tiện gì đang làm dậy sóng truyền thông. Đại dịch Covid-19 khiến cho thị trường streaming music (nghe nhạc trực tuyến) bùng nổ. Tuy nhiên, xu hướng chơi đĩa than (vinyl records) đang âm thầm nóng lên từng ngày. Liệu lối nghe nhạc hiện đại có giết chết được thú chơi tao nhã ngày xưa?

Ca sĩ nhạc rap người Mỹ Lil Baby đứng đầu danh sách nghe nhạc trực tuyến với album My Turn đạt 3,9 tỷ lượt nghe theo yêu cầu trên stream music tính đến cuối năm 2020. Ảnh minh họa chụp trong chuyến lưu diễn tại Atlanta, Mỹ, ngày 19/01/2020.
Ca sĩ nhạc rap người Mỹ Lil Baby đứng đầu danh sách nghe nhạc trực tuyến với album My Turn đạt 3,9 tỷ lượt nghe theo yêu cầu trên stream music tính đến cuối năm 2020. Ảnh minh họa chụp trong chuyến lưu diễn tại Atlanta, Mỹ, ngày 19/01/2020. Robb Cohen/Invision/AP - Robb Cohen
Quảng cáo

Xu hướng nghe nhạc bằng music-streaming

Không thể phủ nhận được lợi ích và tính năng của kho nhạc trực tuyến của hàng loạt nhà cung cấp tên tuổi như Apple Music, Spotify… Người dùng có thể truy cập hàng triệu bài hát trong vài giây, tất nhiên với khoản phí cố định hàng tháng cho nhà cung cấp. Trước lợi ích tột bậc đó, quả táo khuyết Apple phải khai tử sản phẩm con cưng máy nghe nhạc sau hơn 20 năm ra mắt thị trường. Ipod là sản phẩm đột phá 20 năm trước, thay thế đĩa CD đang thông dụng lúc đó, khi nó có thể chứa hàng nghìn bài hát trong chiếc máy nhỏ gọn. Đi theo cùng năm tháng, sản phẩm Ipod giờ lỗi mốt với kho nhạc khổng lồ streaming music nhờ sự phát triển vũ bão của smart-phones, một biển kho ứng dụng và kết nối Internet 4G và sắp tới là 5G.

Trong thời đại dịch, xu thế streaming music càng như diều gặp gió khi hầu hết các nước đều cách ly xã hội, mọi người tìm thú vui giải trí nghe nhạc trực tuyến. Theo con số mới được tiết lộ, chỉ tính riêng ở Mỹ đã có 872,6 tỷ lượt nghe nhạc bằng streaming music, tăng 17% so với năm trước. Người thắng cuộc năm 2020 thuộc về rapper Lil Baby với album My Turn ra mắt tháng 2 năm 2020. Tính riêng cuối năm, album này đã đón nhận 3,9 tỷ lượt nghe theo yêu cầu trên stream music. Chỉ tính riêng bài hát thì The Box của Roddy Ricch có hơn 1,3 tỷ lượt nghe trên toàn nước Mỹ và trên toàn cầu, vinh dự thuộc về ca khúc WAP của Cardi B với Megan Thee Stallion.

Mặc dù giảm sút vào 2 tháng đầu tiên của lock down, việc sử dụng và truy cập streaming music được duy trì và nở rộ vào các tháng tiếp sau khiến cho tăng trưởng của streaming music vẫn được duy trì ở mức 17%. Và xu hướng này không chỉ diễn ra tại Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu. Theo số thống kê của MRC, nhu cầu nghe nhạc trực tuyến đã tăng tới 22,6% trong năm 2020. Đồng thời, MRC, đơn vị nghiên cứu, quy đổi số lượt nghe sang mức tiêu thụ album, thì My turn của Lil Baby vẫn giữ vị trí đầu bảng xếp hạng, tương ứng 2,63 triệu đơn vị album quy đổi. Nối gót là nữ ca sỹ Taylor Swift cùng album xuất sắc Folklore với 2,2 triệu album tương đương.

Sụt giảm của tải nhạc và tiêu thụ nhạc số (digital music)

Sự tiện lợi và đa dạng trong kho nhạc streaming music khiến cho nhu cầu tải nhạc và bán các album nhạc số trở nên khó khăn hơn. Tại Mỹ, số lượng tải nhạc giảm 22,3% xuống còn 301 ca khúc với doanh số 304 triệu đô la. Trong khi đó, mức độ sụt giảm tải nhạc là 19,2%. Xu hướng này tương đồng với công nghệ đám mây (cloud services) mà các hãng phần mềm lớn như IBM, Microsoft triển khai. Thay vì tải các phần mềm về, giờ đây người dùng lưu trữ hết trên các đám mây, tránh tốn kém bộ nhớ thiết bị.

Trong khi lượng tiêu thụ CD giảm rõ nét thì đĩa vinyl (đĩa than) lại có mức độ hấp thụ cao kỷ lục. Tính riêng tại Mỹ, lượng đĩa than tiêu thụ lên đến 27,5 triệu bản, tăng hơn 46,2% so với năm trước. Tại Anh, doanh số đĩa than cũng tăng hơn 10%, đẩy doanh số phá mốc 100 triệu bảng Anh.

Phải chăng đại dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi xu hướng tiêu dùng của người nghe nhạc? Cho dù các shop âm nhạc phải đóng cửa vì đại dịch, doanh số bán đĩa than online trên các kênh Amazon hay các hãng bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt. Xu hướng nghe đĩa vinyl thực chất đã bén rễ từ vài năm trước. Nhờ có đại dịch, tiêu thụ đĩa than được tiếp thêm động lực nhờ phân khúc khán giả sành sỏi. Đa phần họ hoài cổ, cầu kỳ và đòi hỏi mức độ tinh tế về âm thanh hơn là sự đơn giản, tiện lợi của kho nhạc streaming music.

Chỉ tính riêng tại Anh, album của ngôi sao alternative rock Ireland, Sinead O’Connor và ban nhạc pop thập niên 90, New Kids On The Block nhảy lên thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng âm nhạc. Đồng thời các ngôi sao disco/dance thịnh hành của 20-30 năm trước, Kylie Minogue được tận hưởng dư âm chiến thắng ngọt ngào với sản phẩm đĩa than.

Thú vị hơn nữa, băng cassette giờ cũng được ưa chuộng trở lại, tất nhiên, thị phần thua kém hơn so với đĩa than. Doanh số các album nhạc trên băng cassette đạt mốc 1 triệu bảng tại Anh, tăng hơn 85% so với năm trước. So với băng cassette và đĩa than, đĩa CD lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ tới hơn 30% tại Anh. Theo con số chưa chính thức, doanh số bán CD tại Anh có thể chỉ đạt 150 triệu bảng Anh, mức thấp nhất kể từ năm 1987. 

Bức tranh phân hóa thị trường âm nhạc

Nhìn một cách toàn diện, thị trường âm nhạc đang có sự phân hóa rất rõ nét. Trong khi streaming music hoàn toàn áp đảo xu thế nghe nhạc thì làn sóng hoài cổ với đĩa than vẫn trụ vững và tăng trưởng đều. Có vẻ như tiêu thụ đĩa CD hay tải nhạc được coi là kém hấp dẫn, nằm ngoài cuộc chơi giữa hai xu thế đang bùng nổ.

Vậy giữa streaming music và đĩa vinyl, đâu là điểm mấu chốt khiến cho người nghe nhạc phải lựa chọn?

Một bên chắc chắn thuộc về lớp thính giả hiện đại, trẻ trung, còn xu thế còn lại dành cho khán giả kỹ tính và hoài cổ. So với streaming music, chơi đĩa than khá tốn kém, đòi hỏi máy nghe nhạc, đặc biệt không thể nhảy bài tùy tiện như trên Spotify. Chất lượng âm thanh của đĩa vinyl vượt trội về độ trung thực. Độ rè, âm thanh có phần thô mộc hơn là âm nhạc số digital trơn tru. Ngoài ra, câu trả lời có thể nằm ở thể loại âm nhạc và độ tuổi của khán giả khi nhìn vào miếng bánh của từng sản phẩm. 

Đối với streaming music, thì rap/hip-hop vẫn là thể loại được ưa thích nhất với gần 1/3 lượt nghe, chiếm 28%. Tiếp theo là rock 19,5% và pop 12,9%. Lát cắt này có thể giúp chúng ta nghĩ rằng thế hệ Z là thượng đế của streaming music vì sự hiện đại, trẻ trung và yếu tố công nghệ luôn là thỏi nam châm thu hút họ.

Chuyển sang thị trường đĩa vinyl, không khỏi ngạc nhiên khi thấy tên các nghệ sỹ lọt trong top 10 album bán chạy nhất. Đó là chủ yếu là các nghệ sỹ pop/rock, jazz kỳ cựu với các album kinh điển đi cùng năm tháng. Ví dụ như nhóm Oasis với album Morning Glory (1995), ban nhạc kỳ cựu Fleetwood Mac với Rumours (1977), Back to Black (2006) của ngôi sao nhạc jazz quá cố Amy Winehouse. Trong top 10 này chỉ có album của Harry Style, ngôi sao trẻ đình đám nhất 2020 với phong cách thời trang ấn tượng trên tờ Vogue.

Khó có thể nói xu thế nào sẽ thắng thế trong 5 năm tới nhưng rõ ràng các nhà sản xuất âm nhạc đang là những người đau đầu nhất. Nếu phỏng vấn nghệ sỹ Don McLean, nối tiếng với ca khúc American Pie (1972), ông sẽ không hoài nghi một ngày âm nhạc thực thụ sẽ chết đi. Giờ đây, các ca khúc bất hủ vẫn được tìm kiếm tích cực trên kho nhạc streaming music hay đĩa vinyl theo phong cách hợp gu khán giả nhất.

(Theo Variety, The Guardian, Rollingstones)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.