Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Anh Quốc: Hạ Viện tán đồng đề nghị bầu cử trước thời hạn

Vào hôm nay, 30/10/2019 Viện Quý Tộc (tức là Thượng Viện) Anh Quốc xem xét đề nghị của thủ tướng Boris Johnson về việc tổ chức bầu cử trước thời hạn, vào ngày 12/12 tới đây. Đề nghị này vào hôm qua 29/10 đã được Hạ Viện Anh tán đồng với đa số áp đảo: 438 phiếu thuận và 20 phiếu chống.

Ảnh chụp qua màn hình : Nghị Viện Anh công bố kết quả bỏ phiếu thông qua bầu cử trước thời hạn, Luân Đôn, ngày 30/10/2019.
Ảnh chụp qua màn hình : Nghị Viện Anh công bố kết quả bỏ phiếu thông qua bầu cử trước thời hạn, Luân Đôn, ngày 30/10/2019. HO / PRU / AFP
Quảng cáo

Thủ tướng Anh Boris Johnson rốt cuộc đã được toại nguyện và có thể hy vọng giành lại đa số tuyệt đối tại Hạ Viện, chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay và để thực hiện lời hứa đưa nước Anh ra khỏi châu Âu.

Tuy nhiên, theo Muriel Delcroix, thông tín viên RFI tại Luân Đôn, cuộc bầu cử không phải là không nguy hiểm đối với ông Johnson, cho dù thủ tướng Anh vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận:

Bị một Nghị Viện kiên quyết chọc gậy bánh xe với ý muốn làm chậm trễ càng lâu càng tốt tiến trình Brexit, ông Boris Johnson đã cạn kiệt giải pháp.

Và cũng như vậy, các đảng đối lập chống đối thỏa thuận Brexit của ông hay đơn giản là chống Brexit, sẽ phải đối mặt với nguy cơ thỏa thuận được thông qua và hy vọng về một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 tan thành mây khói.

Cuộc bầu cử trước thời hạn chớp nhoáng này, với vỏn vẹn 5 tuần lễ vận động vào mùa đông lạnh giá quả là không lý tưởng chút nào, nhưng sẽ cho phép tất cả các đảng có cơ may thay đổi cục diện chủ đề áp đảo của thời sự là vấn đề Brexit.

Được thêm uy tín vì đã thành công trong việc thương lượng lại thỏa thuận chia tay và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, thủ tướng Anh sẽ đặt lời hứa thực hiện Brexit vào trọng tâm cuộc vận động tranh cử, ngược lại với Công Đảng của ông Jeremy Corbyn. Ông này sẽ cố áp đặt chương trình xã hội, vốn đã giúp ông thành công trong cuộc bầu cử 2017.

Tuy nhiên đối với cả đảng Bảo Thủ lẫn Công Đảng, đây cũng là một cuộc đánh cược nguy hiểm. Họ sẽ phải đối đầu không khoan nhượng để duy trì hay giành thêm ghế, trước một bên là đảng Tự Do Dân Chủ và đảng muốn độc lập cho Scotland với thông điệp rõ ràng ủng hộ châu Âu, và bên kia là đảng dứt khoát đòi Brexit của Nigel Farage, chủ trương ra khỏi châu Âu mà không cần thỏa thuận.

Và chính đối thủ đáng gờm này, đại diện cho những người ủng hộ Brexit đang mệt mỏi, bực tức, sẽ ra sức nêu bật kẽ hở của những đảng không tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý và đưa đất nước vào tình trạng tê liệt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.