Vào nội dung chính
ANH - CHÂU ÂU

Brexit : Liên Hiệp Châu Âu có thể kéo dài hạn chót

Các cuộc đàm phán về Brexit giữa Bruxelles và Luân Đôn có thể kéo dài sau ngày 29/03/2019, thời hạn theo quy định để Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Để tạo điều kiện cho Nghị Viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit, Bruxelles sẵn sàng cung cấp thêm bảo đảm cho Anh Quốc.

Trưởng đoàn đàm phán Liên Âu Michel Barnier họp báo tại Bruxelles, ngày 19/03/2018.
Trưởng đoàn đàm phán Liên Âu Michel Barnier họp báo tại Bruxelles, ngày 19/03/2018. Photo: Emmanuel Dunand/AFP
Quảng cáo

Ông Michel Barnier, nhà thương thuyết của Liên Hiệp Châu Âu, đã khẳng định như trên trong bài phỏng vấn được nhiều báo châu Âu đăng ngày 02/03.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles Quentin Dickinson giải thích :

« Khó khăn chủ yếu, đó là một mặt, phải dung hòa được đường biên giới bên ngoài trong tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, giữa vùng Bắc Ailen (thuộc Anh) và nước Cộng Hòa Ailen (thành viên Liên Hiệp Châu Âu) ; mặt khác là sẽ không có bất kỳ trạm hải quan nào dọc đường biên giới này, chiểu theo các Thỏa thuận mang tên « Thứ Sáu Tuần Thánh », ký năm 1998, cho phép chấm dứt 30 năm nội chiến ở Bắc Ailen.

Trong khi chờ đợi một giải pháp dựa vào các công nghệ cao (có thể giúp cho việc kiểm soát việc qua lại biên giới, một cách dễ dàng, không gây phiên hà), mà người Anh muốn tin tưởng, hoặc một thỏa thuận chung về tự do trao đổi thương mại hậu Brexit, Bruxelles muốn Luân Đôn chấp nhận một khu vực được coi "vùng an toàn" (backstop) nhằm duy trì vùng Bắc Ailen (thuộc Anh) trong không gian kinh tế Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Anh ủng hộ Brexit lại nghi ngờ rằng sự dàn xếp này, vốn hiện chỉ là tạm thời, sẽ có hiệu lực vĩnh viễn và vùng Bắc Ailen sẽ không còn nằm trong quỹ đạo của Vương Quốc Anh nữa.

Trong những giờ gần đây, người đứng đầu phái đoàn thương thuyết của Liên Hiệp Châu Âu, ông Michel Barnier, thử đưa ra một cơ hội cuối cùng : Đó là thảo ra một bản tuyên bố giải thích về vấn đề biên giới này, giữa Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc, có tính ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó Bruxelles và Luân Đôn phải tái khẳng định tính chất tạm thời của giải pháp mang tên "vùng an toàn" ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.