Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - DI DÂN- VENEZUELA

Di dân Quốc tế : Lượng người Venezuela ra đi đã lên đến mức báo động

Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) hôm qua 24/08/2018 cảnh báo, hiện tượng người dân Venezuela đổ xô ra khỏi nước đã lên đến mức báo động, có thể so sánh với tình trạng di dân ở Địa Trung Hải hiện nay.

Một gia đình Venezuela chạy tị nạn tại trung tâm đón tiếp ở biên giới Peru, ngày 24/08/2018.
Một gia đình Venezuela chạy tị nạn tại trung tâm đón tiếp ở biên giới Peru, ngày 24/08/2018. REUTERS/Douglas Juarez
Quảng cáo

Luồng người Venezuela bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực tràn ngập các nước láng giềng. Colombia, Ecuador và Pêru tuần tới sẽ họp tại Bogota (Colombia) để tìm kiếm một giải pháp. Riêng Ecuador và Pêru gần đây đòi hỏi người Venezuela muốn vào lãnh thổ nước họ phải trình hộ chiếu thay vì chỉ cần thẻ căn cước như trước đây.

Tư pháp Ecuador hôm qua, thứ Sáu 24/08/2018 đã cho tạm ngưng lại quy định, tổ chức ra một hành lang nhân đạo, huy động vài chục xe buýt để giúp di dân đi tiếp. Tuy nhiên hạn chót là đến nửa đêm hôm qua, sau đó cánh cửa sẽ đóng sập lại trước những con người khốn khổ này.

Từ Huaquillas ở vùng biên giới, thông tín viên Eric Samson:

Trong số hàng ngàn người xếp hàng ở biên giới, Kimberly thuộc một nhóm gồm sáu người lớn và bốn trẻ em. Bà khẩn cấp rời khỏi Venezuela hôm thứ Tư 22/8, vẫy xe đi nhờ và xin thức ăn để cố gắng sang được Peru trước khi các quy định nhập cư bị siết chặt. Bà thở phào nhẹ nhõm : không có hộ chiếu, nhưng bà đã đến nơi trước giờ quy định.

Kimberly kể : « Chúng tôi đã được phép đi qua biên giới đúng lúc. Tại đây chúng tôi sẽ tắm rửa cho bọn trẻ, cho chúng ăn một ít, rồi tiếp tục đi về hướng Lima. Chúng tôi chẳng biết sẽ làm gì, nhưng vẫn tiếp tục đi, phó mặc số phận cho trời đất ».

Gina Benavides thì hy vọng tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Peru, sẽ không còn đòi hỏi hộ chiếu - vốn rất khó xin được ở Venezuela - để tránh làm cho di dân thêm khổ nhọc.

Bà nói : « Gia đình không thể đoàn tụ được, đôi khi người mẹ có thẻ căn cước đã hết hạn, người cha thì có hộ chiếu còn các con không có giấy tờ gì cả. Trên thực tế, người dân đành bó tay. Họ đành chọn cách vượt qua biên giới bất hợp pháp, với nguy cơ rơi vào tay các đường dây buôn người ».

Đây là mối nguy mà hiện nay tất cả di dân phải đối đầu, nhưng họ vẫn tiếp tục đổ đến khu vực biên giới dù không có hộ chiếu hợp lệ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.