Vào nội dung chính
ĐỨC

Thủ tướng Đức gặp khó khăn trong việc lập chính phủ liên minh

Từ sau bầu cử Quốc Hội Đức ngày 24/09/2017, thủ tướng Merkel tuy đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ tư, nhưng đang trong thế yếu, nên gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập một chính phủ liên minh. Hai đối tác lớn hiện tại của lãnh đạo Đức là đảng Dân Chủ Tự Do FDP và đảng Xanh đang "mặc cả" với thủ tướng Angela Merkel, đặc biệt là trên các hồ sơ nhậy cảm, như chính sách đón nhận người nhập cư vào Đức, hay kinh tế chung của châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel họp báo tại trụ sở đảng CDU một ngày sau bầu cử Quốc Hội ngày 25/09/2017.
Thủ tướng Đức Angela Merkel họp báo tại trụ sở đảng CDU một ngày sau bầu cử Quốc Hội ngày 25/09/2017. REUTERS
Quảng cáo

Trả lời đài RFI tiếng Việt, ông Nguyễn Chi Chính, một người sống lâu năm tại thành phố Leipzig, phân tích về những trở ngại mà thủ tướng Merkel phải vượt qua.

07:24

Ông Nguyễn Chi Chính tại Leipzig

 

Nguyễn Chi Chính : Thủ tướng Merkel gặp nhiều khó khăn do, thứ nhất là kết quả cuộc bầu cử hôm 24/09/2017n cho thấy : Hai đảng lớn của Liên minh chính phủ đương thời đều thua nặng. Bà Angela Merkel vì mất phiếu quá nhiều, ở thế thua lại không có nhiều lựa chọn cho việc lập chính phủ mới.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội liên bang Đức lần này  đã làm đảo lộn toàn khung cảnh chính trường nghị viện Đức và đặc biệt là sự thắng thế của đảng AfD, đạt 13% phiếu, chiếm 93 ghế, đứng vị trí thứ 3 trong Quốc Hội.

AfD - Alternative für Deutschland- tạm dịch tên "Sự lựa chọn khác cho nước Đức". Trên địa bàn chính trị, AfD đứng ở phía hữu đến cực hữu, tựa như đảng Front National của bà Mairine Le Pen ở Pháp.

Liên đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU/CSU mất 8,5% phiếu, có 246 ghế. Còn đảng Dân Xã Hội Dân Chủ SPD do ông Martin Schulz lãnh đạo, mất 5,2% có 153 ghế.

Tuy vẫn là đảng dẫn đầu, nhưng bà Merkel không hề vui. Người ta thấy nét mặt của bà rất lo âu, ngay sau khi nghe tin ông Martin Schulz tuyên bố SPD chấm dứt hợp tác chính phủ, rút về lãnh đạo phe đối lập.

Mất đối tác liên minh ưng ý nhất là SPD, là lý do thứ hai dồn bà Angela Merkel vào tình thế khó khăn. Bà chỉ còn duy nhất một khả năng : Chính phủ liên hiệp Jamaika.

Tức là đảng Dân Chủ Tự Do FDP và Đảng Xanh sẽ tham chính cùng với liên đảng CDU/CSU trong một Chính phủ liên hiệp 4 bên. Người ta gọi là "liên hiệp Jamaika" vì các màu đen vàng xanh của các đảng này, tựa như quốc kỳ xứ Jamaika.

RFI : Cánh tự do và đảng Xanh có nhng đòi hỏi, xung khắc nào trên những vấn đề chính, thứ nhất là liên quan đến nội tình của Đức, và thứ hai là trong chính sách chung với Châu Âu

Nguyễn Chi Chính : Đây là điều chưa thể nói rõ ràng được, vì một lẽ đơn giản là các bên chưa ai công bố điều gì cả về đòi hỏi cũng như "giá cả" của mình. Suốt cả tuần qua báo chí và các đài cũng chỉ ghi nhận việc ông bộ trưởng tài chính Wolgang Schäuble từ chức, để sẽ sửa soạn đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc Hội liên bang, điều này được xem như dấu hiệu bà Merkel đang sắp xếp nhân sự sẵn sàng cho một liên minh Jamaika.

Đảng Xanh tuyên bố sẵn sàng tham chính và đã cử được một đoàn đại biểu thương thảo. Còn đảng FDP chưa lên tiếng hay rục rịch gì.

Tuy nhiên trong một chương trình Talksow đài ARD, phó chủ tịch FDP ông Wolgang Kubicki và chủ tịch đảng Xanh Cem Özdemir có vẻ như rất sẵn sàng hợp tác. Đấy là dấu hiệu cho thấy tuy hai đảng này không đồng quan điểm trên nhiều khía cạnh, nhưng rất quan tâm đến việc tham gia chính quyền, bày tỏ thiện ý trao đổi.

Thực tế thì có khá nhiều khác biệt giữa hai đảng này. Cơ bản một bên chủ trương tự do nhiều hết mức cho kinh tế thị trường, đại diện cho tầng lớp trí thức, doanh nhân, cánh hữu. Còn Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường, đối với kinh tế thị trường hơi có quan điểm thiên tả. đảng CSU được xem là Cánh hữu của liên minh cơ đốc. Giữa 4 đối tác này, có thể nói cách biệt "cả chân trời".

Trên vấn đề nhập cư và tị nạn, FDP có thể nhân nhượng với đảng Xanh bảo vệ quyền tị nạn chính trị cho dân từ các vùng bị đe dọa mạng sống, đồng thời đòi cải tổ luật tị nạn nhân đạo hơn luật hiện nay. Đảng Xanh muốn có luật cho người nhập cư hợp pháp và an toàn vào Đức và Âu châu. Bảo đảm cho người tị nạn được phép lao động, đồng thời tăng quỹ cho công tác hỗ trợ hội nhập. Hai đảng FDP và đảng Xanh sẽ có thể đứng cùng một phía để phản đối đòi hỏi khắt khe của đảng CSU trong hồ sơ này, như phải "giới hạn số lượng" người nhập cư, một đòi hỏi bị nhiều phía từ chối. Thật ra CSU mới là người có đòi hỏi "khó nuốt" trong hồ sơ tị nạn và nhập cư.

Phía Đức chắc sẽ đồng thuận rằng vấn đề tị nạn như hiện nay, lâu dài phải được cả khối Âu châu thống nhất gánh vác, và cần có chính sách, biện pháp khắc phục nguyên nhân làm phát sinh làn sóng tị nạn, chứ không phải chỉ có biện pháp đóng cửa hay mở cửa.

Về môi trường, đảng Xanh chủ trương tiến tới xử dụng năng lượng tái tạo, một cách triệt để. Nghĩa là nhanh chóng dừng khai thác điện bằng than đến năm 2030, trong khi FDP đắn đo thiệt hại kinh tế hơn là môi trường và sức khỏe, sẽ không dễ gì đồng ý.

Về kinh tế tài chính, đường lối của đảng Xanh khá thiên tả, muốn có một "trật tự mới" cho thị trường tài chính. Tăng cường kiểm soát, và cấm đầu cơ tài chính rủi ro… của ngân hàng. Điều này có lẽ hợp với yêu cầu của Khối Liên Hiệp Châu Âu, có điều cần thống nhất biện pháp gì. Trong khi có thể FDP sẽ rất chú tâm bảo vệ "quyền lợi" cho nước Đức hơn ?

RFI : Paris và có lẽ nhiều thủ đô khác trong Liên Hiệp Châu Âu, chú ý đến nhân vật sẽ được chỉ định vào chức vụ bộ trưởng Tài Chính sắp tới của thủ tướng Đức, vì nhân vật này sẽ có tiếng nói quyết định cho kinh tế chung trong khu vực. Vậy ai có nhiều khả năng lên thay thế bộ trưởng  Wolgang Schäub ?

Nguyễn Chi Chính : Trong suốt mấy năm vừa qua Âu châu với cơn khủng hoảng nợ công người ta buộc phải chú ý đến bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schäuble. Dân chúng những nước "vay nợ" nhìn ông như một "hung thần giữ của". Thật rất oan cho vị chính khách căn cơ, tận tụy và đầy kinh nghiệm này. Ai sẽ là người giữ chìa khóa hòm tiền của nước Đức trong chính phủ mới ? Cho đến nay chưa thấy bóng dáng, dù lờ mờ, của nhân vật này. Câu hỏi khó có giải đáp ở thời điểm quá sớm hiện nay, vì còn có nhiều ẩn số chưa lộ diện.

Việc ra đi của Schäuble cũng được ngầm hiểu rằng bà thủ tướng Merkel sẽ giao bộ quan trọng bậc nhất này cho đối tác, có thể là FDP. Phó chủ tịch FDP Wolfgang Kubicki đã tự gợi ý tên mình, tuy nhiên chủ tịch đảng Tự Do Christian Lindner sẽ không bỏ qua cơ hội này, ông là người có tham vọng lớn để dành chức bộ trưởng Tài Chính trong chính phủ mới. Nếu điều này thành hiện thực, chương trình cải tổ Liên Hiệp Châu Âu của tổng thống Pháp Macron về tài chính sẽ gặp sức cản.

Tóm lại việc thành lập chính phủ mới sẽ là một hành trình phức tạp và thách thức cho bà Merkel trong vài tháng tới đây. Hiến pháp Đức không quy định thời hạn bắt buộc phải thành lập chính phủ. Angela Merkel sẽ không vội vàng trong việc này. Cách nay 4 năm, chính phủ liên hiệp CDU/CSU với SPD đã cần đến 10 tuần lễ liên tục thương thảo, cho đến trước Giáng Sinh, chính phủ mới mới ra mắt.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.