Vào nội dung chính
MỸ - CHÍNH TRỊ

Trump : Tiếp nối truyền thống biệt lập và thực dụng Mỹ

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump là một nhân vật gây phản ứng hết sức trái ngược tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. Các quyết sách của người sắp lãnh đạo nước Mỹ vẫn được coi là điều hết sức khó dự đoán, hai tháng trước ngày ông Trump vào Nhà Trắng. Nhật báo Libération hôm nay giới thiệu góc nhìn của nhà chính trị học Pháp Viện Sciences-Po – Paris, khẳng định Donald Trump chắc chắc sẽ chọn con đường, vừa tiếp tục truyền thống biệt lập lâu đời của nước Mỹ, vừa tỏ ra thực dụng chừng mực, vừa khẳng định sức mạnh quân sự trên trường quốc tế khi cần thiết...

Hình ảnh hài hước về ông Donald Trump
Hình ảnh hài hước về ông Donald Trump Ảnh : Creative Commons
Quảng cáo

Mở đầu bài phân tích, nhà chính trị học Pierre Grosser muốn cảnh tỉnh bạn đọc về nguy cơ trộn lẫn tình cảm yêu ghét, hy vọng của bản thân với các quan điểm chính trị thường rất phức tạp. Theo ông, đối với « những ai mơ đến một nước Mỹ không còn phân biệt chủng tộc và không còn phân biệt giới tính, với đại biểu là Barack Obama và Hillary Clinton, những người đó sẽ coi ông Trump như là một người da trắng trọng nam khinh nữ, phân biệt chủng tộc, sẵn sàng khạc ra những lời lẽ bài ngoại, phản động đủ loại. Trong khi đó, những ai cho rằng Obama quá mềm yếu trong các vấn đề quốc tế, và chờ đợi nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới như xưa, thì cho rằng tân tổng thống là người không hiểu biết về các vấn đề chính trị thế giới và bỏ mặc các đồng minh ».

Theo nhà chính trị học Pháp, nhiều người đã gán cho bà Clinton hình ảnh của người có thể hiện thực hóa ước mơ chấn hưng phương Tây, mà bỏ qua những hành động của nhà Clinton, vốn « bị phê phán rất mạnh ». Nhiều người chủ trương một « quá trình toàn cầu hóa khác » rất nhớ là Clinton và những người bạn phố Wall (Wall Street) đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng tài chính, lợi dụng cuộc khủng hoảng của châu Á và Trung Quốc những năm 1997-1998, để buộc nhiều quốc gia « phải mở cửa nhiều hơn cho các thị trường vốn ».

Chủ nghĩa cơ hội Trump

Nếu như đường lối của Clinton rất dễ đoán trước, thì dự đoán được chính sách của Donald Trump hoàn toàn không dễ. Tuy nhiên, tác giả cũng phác họa một vài đường nét ứng xử chính của tổng thống tương lai của nước Mỹ. Đó là ông Trump rất có khả năng sẽ hành xử theo lối cơ hội, khi thì quay trở lại với « chủ nghĩa biệt lập, chống người nhập cư » (đặc biệt mạnh tại Mỹ trong những năm 1880 đến 1920), khi thì tỏ ra « thực dụng chừng mực », khi thì « dùng quân sự để khẳng định sức mạnh », và thậm chí đôi khi sẽ được thúc đẩy bởi một lập trường đối lập thiện - ác triệt để theo quan điểm tân bảo thủ. Rất có thể là ông Trump cũng sẽ noi gương Ronald Reagan khi tăng cường chi phí quân sự, giảm thuế (đặc biệt cho người giầu), khiến nợ nần của Hoa Kỳ tăng vọt.

Theo nhà chính trị học Pháp, để hiểu đúng hành xử của ông Trump trong tương lai, cần phải hiểu đúng lịch sử quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới. Nước Mỹ truyền thống không bao giờ chấp nhận tuân thủ các hiệp ước quốc tế và các tổ chức quốc tế, cho dù các tổ chức ấy có được Mỹ cổ vũ. Đảng Cộng Hòa thường xuyên cho rằng không thể tài trợ cho Liên Hiệp Quốc, khi định chế này bị các nước khác sử dụng làm diễn đàn để phê phán Mỹ. Theo tác giả, có một ảo tưởng về sự gắn bó giữa lợi ích của Mỹ với lợi ích của phương Tây và thế giới tự do, thậm chí trật tự quốc tế, trong khi các lợi ích thực sự của Hoa Kỳ rất có thể chỉ giới hạn vào việc bảo vệ lãnh thổ và sự cân bằng toàn cầu giữa các thế lực mạnh nhất hành tinh, cân bằng những không gian ảnh hưởng giữa các trung tâm quyền lực…

Với Barack Obama, nước Mỹ bắt đầu hướng đến một « chủ nghĩa quốc tế mang tính tự do », đồng thời ưu tiên cho « các cải cách trong nước », để có thể một lần nữa đưa Hoa Kỳ trở thành một tấm gương với thế giới.

Nhưng Donald Trump thì chắc chắn sẽ tiếp tục lập trường của « một nước Mỹ đơn phương » - giống như tổng thống Bush trước đây – chỉ có điều hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực.

Tuy nhiên, nhà chính trị học Pháp cũng rất thận trọng khi dừng các dự đoán ở đây, bởi theo ông, chính sách của tổng thống Mỹ tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào các phản ứng của « bộ máy an ninh, các lợi ích kinh tế, tài chính sâu xa của chính Hoa Kỳ ». Nhà chính trị học Viện Sciences-Po nhắc lại rằng các trận chiến đầu tiên của tân tổng thống sẽ là trong nội bộ, giai đoạn mở đầu của nhiệm kỳ Obama cho thấy, thay đổi người đại diện cho nước Mỹ, thì dễ hơn là thay đổi thực sự đường lối của nước Mỹ.

Bắt thăm tham gia chính trị : Hơi thở mới cho nền dân chủ châu Âu

Trong bối cảnh, các nền dân chủ phương Tây, trước hết là châu Âu, phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Nhiều suy nghĩ hướng đến chủ đề : làm thế nào để cải thiện cách vận hành của nền dân chủ, vốn chỉ dựa vào nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, thông qua các cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý. Mục thảo luận của báo Le Monde giới thiệu ý kiến của nhà văn, nhà sử học và bình luận chính trị Hà Lan David Van Reybrouck, qua bài « Hãy sáng tạo lại nền dân chủ châu Âu ».

Theo ông, thắng lợi của lãnh đạo dân túy Trump tại Mỹ hay vụ Anh Quốc rút khỏi châu Âu là các ví dụ cho thấy « con đường nguy hiểm » mà các nền dân chủ phương Tây đang sử dụng : Đó là quy giản dân chủ vào việc bỏ phiếu. Việc khư khư bám giữ lấy các phương tiện dân chủ đại diện mà ông cho là « lỗi thời » có thể sẽ dẫn Liên Hiệp Châu Âu đến chỗ sụp đổ, bởi, một mặt do sự trỗi dậy của các phong trào cực đoan dân túy, dân tộc chủ nghĩa, mặt khác là sự mệt mỏi của xã hội. Đe dọa lớn nhất đối với châu Âu không phải từ bên ngoài, mà là từ bên trong.

Nhà sử học Hà Lan khuyến nghị áp dụng mô hình bắt thăm, để chọn các công dân tham gia ý kiến trong các vấn đề hệ trọng của toàn xã hội. Đây là trường hợp bắt đầu thí điểm tại Ailen từ ít năm nay, và có những dấu hiệu thành công. Điều này cũng từng được sử dụng trong các nền dân chủ cổ đại Hy Lạp, hay các tiểu quốc thành bang nước Ý thời Phục Hưng, được coi là phương tiện huy động sự đóng góp của dân chúng vào sự phát triển của đất nước và ổn định chính trị trong nhiều thế kỷ.

Ý nghĩa của biện pháp này là nó cho phép mọi người dân bình thường đều có cơ hội tham gia, thu nhận thông tin, trang bị hiểu biết, đối thoại, và có ý kiến về các vấn đề hệ trọng của xã hội. Theo tác giả, kinh nghiệm này cũng có thể áp dụng cho toàn thể Liên Hiệp Châu Âu.

Ví dụ : mỗi nước bốc thăm chọn 100 công dân. Toàn bộ những người này tập hợp lại trong vài ngày, trong thời gian đó, tất cả đều được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, để trả lời cho câu hỏi : Làm thế nào để Liên Hiệp Châu Âu trở nên dân chủ hơn ? Trong vòng ba tháng, 20 đại biểu của mỗi nước, cũng dựa trên bắt thăm, sẽ họp lại tại Bruxelles, để đúc kết một danh sách 25 điểm ưu tiên cho chính sách tương lai của toàn khối.... Các đề xuất sau đó sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. 

Việc các công dân tham gia chủ động vào các vấn đề hệ trọng có thể cho phép đối phó có hiệu quả, ví dụ như với chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, với đầy những "luận điệu dối trá"... 

Bầu cử tổng thống Pháp : Cuộc đọ sức Fillon-Juppé

Trong đời sống chính trị Pháp, cuộc bỏ phiếu vòng một để chọn ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử năm tới trong các đảng cánh hữu và trung hữu là một sự kiện quan trọng.

Trong cuộc bỏ phiếu vòng hai, những người đi bầu sẽ phải chọn giữa hai cựu thủ tướng Fillon và Juppé. Le Figaro chạy tít : « Bầu cử sơ bộ : Tranh luận căng thẳng trước vòng hai ». Tờ báo thiên hữu ghi nhận cựu thủ tướng Fillon đang ở thế thượng phong, khi nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt từ phía cựu tổng thống Sarkozy, người vừa bị loại khỏi cuộc đua. Trong khi đó, phe ủng hộ ông Juppé phê phán quan điểm của đối thủ Fillon là « phi thực tế ». Tuy nhiên, theo Le Figaro, hai đối thủ thực ra giống nhau về cơ bản, trong một loạt các vấn đề như chế độ làm việc 35 giờ, chế độ hưu trí, thuế TVA…, khác biệt chỉ trên một điểm, đó là trong vấn đề giảm số lượng công chức, với chênh lệnh là 200.000 người.

Le Figaro chất vấn, liệu sự khác biệt nhỏ nhoi như vậy có đáng để những người ủng hộ cựu thủ tướng Juppé phê phán đối thủ Fillon là « ủng hộ quan điểm siêu tự do », giống như các phê phán của những người thuộc đảng Xã Hội, hay không ? Le Figaro nhấn mạnh : những người cánh hữu không mong muốn cuộc tranh luận giữa hai đối thủ, nhưng thuộc cùng một « gia đình », có thể mang lại lợi thế cho tổng thống đảng Xã Hội François Hollande.

Trong khi đó, tờ báo thiên tả Libération nhấn mạnh đến điều ngược lại, đó là khác biệt giữa cương lĩnh chính trị của hai ứng cử viên nói trên là hết sức lớn. Cựu thủ tướng Fillon bị coi là người « thiên hữu » nhiều hơn. Trang nhất Libération in hình gương mặt ông Fillon, với bộ tóc dài và đôi bông tai của thủ tướng cánh hữu Anh Quốc nổi tiếng, bà Margaret Thatcher, với hàng tựa « Tôi, tổng thống… ». Libération vạch ra một loạt lĩnh vực, mà nếu đắc cử tổng thống, ông Fillon sẽ tiến hành, với hệ quả là hủy hoại « một phần lớn các thành quả » mà nước Pháp đã đạt được trong thập niên 1940. Tờ báo thiên tả cũng lưu ý đến những liên hệ của cựu thủ tướng Fillon với « một phong trào chính trị Công Giáo, rất tích cực và hung hãn » tại Pháp.

Báo Le Monde, về phần mình, có quan điểm trung lập hơn, khi nhấn mạnh là : « ưu điểm của cuộc bầu cử sơ bộ này là cho phép (cử tri) lựa chọn giữa hai triết lý chính trị : giữa một cánh hữu theo kiểu Thatcher và một cánh hữu theo kiểu (cựu tổng thống Pháp) Chirac. Vòng hai đang diễn ra sẽ là dịp hai dự án chính trị này có dịp đối chọi với nhau, không bị ảnh hưởng bởi những lời lẽ kích động, mà ứng cử viên Sarkozy từng sử dụng làm vũ khí ». Đối với Le Monde, xét về mặt này, « đây là điều tốt lành cho nền dân chủ ».

Trung Quốc : Cỗ máy chính trị không cho phép xuất hiện tiếng nói bất đồng

Nhìn sang Trung Quốc, báo Libération chú ý đến cuộc bầu cử địa phương vừa diễn ra tại Trung Quốc tuần trước. Khoảng 900 triệu cử tri Trung Quốc trực tiếp tham gia bầu chọn 2,5 triệu đại diện. Về chủ đề này, tờ báo có bài « Ở Trung Quốc, việc ra ứng cử tại địa phương không phải là điều dễ ».

Libération nhận xét : việc các ứng cử viên ra ứng cử độc lập là điều rất hiếm tại quốc gia độc đảng này (riêng tại Bắc Kinh, có khoảng 70 người), và các ứng cử viên độc lập thường xuyên bị chính quyền truy bức, thậm chí câu lưu trong một vài ngày. Gần như tất cả các ứng cử viên độc lập đều bị loại vì lý do này hoặc khác. Libération dẫn lại trường hợp một phóng viên ảnh và một nhà báo của hãng thông tấn AP bị cả chục người đeo mặt nạ ngăn chặn khi tìm cách tiếp xúc với một ứng cử viên độc lập.

Tờ báo Pháp nhấn mạnh : « Để vận hành, hệ thống chính trị hình tháp của Trung Quốc không cho bất cứ một tiếng nói bất đồng nào, có thể xuất hiện làm trục trặc cái cơ chế đã được chính quyền bôi dầu mỡ trơn tru ». Những người đắc cử, thực chất tất cả do chính quyền chấp thuận, sẽ bầu các đại diện cấp tỉnh, để rồi các đại diện cấp này sẽ bầu đại biểu quốc hội, những người được cử ra để phê chuẩn việc ông Tập Cận Bình tái cử chủ tịch Nước lần thứ hai năm 2018.

Hạn chế năng lượng hóa thạch : Châu Âu vượt Hoa Kỳ

Trong lĩnh vực môi trường, báo kinh tế Les Echos có bài viết nhấn mạnh đến sự cách biệt rất lớn giữa các tập đoàn dầu mỏ châu Âu và Bắc Mỹ. Theo CDP, một xếp hạng doanh nghiệp và môi trường rất có uy tín trên thế giới, 5 vị trí đầu bảng xếp hạng thuộc về các tập đoàn châu Âu. Ví dụ : tập đoàn Pháp Total, xếp thứ ba, đã hướng mạnh sang sử dụng khí đốt thay cho dầu mỏ, một nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng.

Tiếng nói của CDP có ý nghĩa quan trọng, các kết luận của cơ quan tư vấn này được cung cấp cho 827 định chế đầu tư quốc tế, với tổng số vốn là 90.000 tỉ euro, chiếm gần một phần ba cổ phiếu toàn cầu.

Les Echos lo ngại, với chính quyền Donald Trump, các nỗ lực hướng các tập đoàn dầu mỏ lớn như ExxonMobile và Chevron sang mô hình năng lượng ít ô nhiễm hơn sẽ gặp nhiều trở ngại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.