Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Bạo động chủng tộc tại Mỹ : Nhìn lại biến cố tháng 7/1919 ở Chicago

Đăng ngày:

Charlotte, Bắc Carolina, tháng 09/2016 ; Ferguson, Missouri, tháng 08/2014 ; lùi xa hơn một chút, Cincinnati, Ohio, tháng 04/2001; Miami, Florida, tháng 05/1980… Từ gần một thế kỷ nay, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với những vụ bạo động mang mầu sắc kỳ thị chủng tộc.

© Chicago History Museum
Quảng cáo

Ra đi tìm thiên đường mới

Cuộc nổi dậy đầu tiên của người da đen đã xẩy ra ở Chicago, Illinois, vào tháng 07/1919. Sự kiện này được giới nghiên cứu lịch sử chú ý vì đây là lần đầu tiên, người da đen dùng bạo lực đáp trả bạo lực. Trên đài RFI (*), sử gia Christophe Granger, thuộc Trung tâm nghiên cứu lịch sử xã hội thế kỷ 20, (Paris 1/CNRS) nhắc lại :

« Điểm khởi đầu là vào một ngày Chủ nhật, cuối tháng 07/1919, trời rất nóng. Một thiếu niên da đen, tên là William, lại xuất hiện trên một bãi tắm dành cho người da trắng. Một nhóm thanh niên da trắng đã chửi rủa và lao vào đánh đuổi, ném đá. Cậu bé da đen bỏ chạy, bám vào thành cầu và rơi xuống sông chết đuối. Những người da đen chứng kiện vụ việc đã yêu cầu viên cảnh sát ở đó bắt giữ các thủ phạm. Viên cảnh sát từ chối. Nhóm người da đen tức giận, tấn công viên cảnh sát.

Sau đó, nhiều tin đồn loan truyền trong cộng đồng người da đen, đặc biệt là ở Black Belt (Vành đai đen), người dân xôn xao, tức giận. Tối hôm đó, nhiều người da đen đã tụ tập gần bãi tắm, tấn công, đánh chết người da trắng nào đi qua đó. Bạo động bùng phát. Các nhóm thanh niên da trắng gốc Ailen đã đi vào Black Belt tấn công người da đen để trả thù ».

Theo giáo sư PapNdiaye, chuyên gia lịch sử Bắc Mỹ, thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, thì vào đầu thế kỷ 20, có rất ít người Mỹ gốc Phi ở Chicago, chưa đến 1% dân số thành phố này. Làn sóng nhập cư đổ vào Chicago và các thành phố công nghiệp lớn ở phía bắc nước Mỹ chỉ diễn ra trong thời kỳ Đại Chiến Thế Giới lần thứ nhất, khoảng 1916-1917, tức là hai năm trước khi xẩy ra cuộc bạo loạn.

Phần đông từ vùng châu thổ Mississippi tới. Một số đến từ Lousiana, Alabama. Vào thời điểm đó, những vùng phía nam nước Mỹ này bị khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nông nghiệp, ngành trồng bông thất bát. Và đó cũng là những nơi có tệ nạn phân biệt chủng tộc khốc liệt. Người da đen ra đi để tránh các vụ bạo hành, phân biệt chủng tộc, thoát khỏi cảnh đói nghèo, với hy vọng có được một vị trí mới, cuộc sống mới tại một vùng đất mới ở phương bắc.

Tan vỡ ảo vọng

Vào thời đó, Chicago là một thành phố công nghiệp lớn, có những lò sát sinh lớn, nhà máy luyện thép khổng lồ. Chicago thời đó là nơi sản xuất thép lớn nhất nước Mỹ, trên cả Pittsburgh, có những nhà máy sản xuất nông cụ nổi tiếng như McCormick và đủ loại hoạt động kinh tế, sản xuất. Do vậy, Chicago cần nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, không nhất thiết phải có tay nghề. Đó là những công việc nặng nhọc mà người da đen chấp nhận làm với đồng lương rẻ mạt.

Tuy nhiên, tình trạng này tạo ra sự cạnh tranh với những cộng đồng châu Âu, tới định cư tại Chicago từ vài năm trước đó. Các công đoàn không ưa thích người da đen từ phía nam tới vì họ bị mang tiếng là chấp nhận lương thấp, được giới chủ sử dụng để vô hiệu hóa các cuộc đình công. Ngoài yếu tố người da đen được quyền đi bầu cử tại Chicago, sử gia Granger cho biết thêm vì sao có đông đảo người da đen lại đến sinh sống tại đây :

« Vào thời đó, Đại Chiến Thế Giới lần thứ nhất vừa kết thúc. Một số đông người da trắng giải ngũ và quay lại làm việc. Đồng thời cũng có nhiều người da đen giải ngũ và họ muốn có một vị trí mới trong xã hội vì họ đã cầm súng chiến đấu như người da trắng trong chiến tranh. Mặt khác, cách tổ chức sắp xếp nơi định cư cho người da đen từ miền nam lên cũng có vấn đề. Họ bị dồn vào một chỗ trong thành phố. Thế nhưng, chính quyền lại không xây thêm nhà mới và người da đen đến thế chỗ những nơi mà người da trắng bỏ đi và dần dần ở đó, hình thành một khu vực người da đen, chỉ có người da đen ».

Theo ông Paul Schor, chuyên gia về văn minh Mỹ tại đại học Paris VII, chính sự tập trung đông đảo người da đen sống ở Chicago mà không được sắp xếp chu đáo chỗ ở là nguồn cội của mọi sự bạo động:

« Người ta có thể nói đến ghetto khi sắc dân ở đó chỉ là thiểu số trên phạm vi toàn quốc, nhưng lại chiếm đa số, thậm chí gần như toàn bộ khu vực này. Trong một thời gian ngắn, có rất nhiều người đến Chicago định cư. Một trong những vấn đề chính là không có nhà mới được xây thêm, bổ sung để đón tiếp nhóm cư dân mới này. Họ đến sinh sống tại nơi đã đông dân. Khi nhìn vào bản đồ đánh dấu những nơi xẩy ra các vụ bạo động, người ta nhận thấy là có nhiều vụ ở những nơi có cạnh tranh về nhà ở, giữa người da trắng và người da đen, một dạng chiến tranh giành giật, bảo vệ lãnh thổ. Như vậy, vấn đề nhà ở là rất quan trọng và đây cũng là một trong những nguyên nhân của vụ bạo động ở Ferguson. Tình hình hiện nay khác năm 1919, nhưng vấn đề nhà ở vẫn tồn tại ».

Cạnh tranh giữa cộng đồng người da đen và người gốc Ailen

Giáo sư PapNdiaye cho biết về quan hệ giữa các cộng đồng tại Chicago : Vào năm 1919, các nhóm thanh niên Ailen đi hàng đầu trong việc chống lại cộng đồng người da đen, vì có rất nhiều người Ailen tới định cư tại Chicago. Vào cuối năm 1848, hàng trăm ngàn người Ailen đã rời bỏ hòn đảo nơi đang có nạn đói khủng khiếp, còn gọi là « cuộc khủng hoảng khoai tây ». Họ không được đón tiếp tử tế vì bị coi là dân Công giáo, những kẻ nghiện rượu, vô dụng.

Có thể nói tình cảnh người nhập cư Ailen gần giống như dân da đen. Người ta đã từng coi dân Ailen là dân da đen châu Âu. Do vậy, họ muốn khác biệt với cộng đồng người da đen và tỏ ra rất hung hăng. Hơn nữa thành phố Chicago được sắp xếp, quản lý theo những quy định phân biệt chủng tộc bất thành văn và được những người nhập cư gốc Ailen, Litva áp dụng một cách triệt để. Họ huy động các câu lạc bộ thể thao với những thành viên là giới trẻ, tay cầm gậy bóng chày hoành hành trong thành phố.

Trong khi đó, chính quyền không làm gì và cuộc bạo loạn năm 1919 không làm thay đổi tình cảnh của người da đen ở Chicago. Một báo cáo được công bố năm 1923 cho thấy là không hề có một quyết định chính trị nào được đưa ra và khu vực sinh sống của người da đen không ngừng mở rộng trong những năm 1920. Trong những năm đại suy thoái, nhịp độ mở rộng của cộng đồng người da đen có chậm lại, việc nhập cư hầu như bị chững lại vì tỉ lệ thất nghiệp ở Chicago rất cao.

Trong thời gian đại chiến thế giới lần thứ hai, nhịp độ nhập cư lại tăng lên, và người da đen chiếm tới 30% tổng dân số thành phố Chicago trong những năm 1950. Tình hình không có gì tiến triển và phải đợi cho đến khi ông Harold Washington, thị trưởng da đen đầu tiên, được bầu lên vào đầu những năm 1980. Tóm lại, bạo loạn 1919 không dẫn đến những thay đổi đặc biệt nào ở Chicago. Thậm chí, tình hình sau đại chiến thế giới lần thứ nhất rất khó khăn và khốc liệt đối với người da đen tại Mỹ, nhất là tại Chicago.

Sự thờ ơ của cảnh sát: Một nguyên nhân khác của bạo động

Cuộc nổi dậy dẫn đến bạo loạn ở Chicago kéo dài 13 ngày, làm 38 người chết, trong đó 23 người da đen và 15 người da trắng, hơn 500 người thương. Theo giải thích của ông Granger, chính cảm giác không được cảnh sát bảo vệ đã dẫn đến cuộc bạo loạn này.

« Liên quan đến vai trò của cảnh sát, đây là một vấn đề phức tạp bởi vì có cả cảnh sát da đen, hơn nữa không nên khái quát hóa vấn đề. Trong trường hợp Chicago, thì cảnh sát vẫn hành xử theo truyền thống, như thông lệ. Họ có nhiệm vụ giữ gìn trật tự và không xía vô những cuộc ẩu đả có người da đen tham gia. Cảnh sát hoặc can thiệp muộn quá, hoặc không hành động.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng người da đen can thiệp, cầm vũ khí vùng lên chống trả. Họ không tin vào cảnh sát nữa. Điểm khởi đầu chỉ là việc một nhân viên cảnh sát từ chối can thiệp khi cậu bé da đen bị truy đánh, sau đó cảnh sát lại bắt những người da đen đến tố cáo nhóm thanh nhiên da trắng. Tất cả những điều đó làm cho cộng đồng người da đen suy nghĩ một cách đơn giản là họ không thể trông cậy vào cảnh sát. Ngoài ra, họ còn bị tấn công nên phải tự vệ.

Vấn đề tin đồn cũng rất quan trọng, rồi vai trò của báo chí, việc cảnh sát từ chối can thiệp, tất cả những yếu tố đó làm bạo động gia tăng ».

Về phần mình, chuyên gia Paul Schor nhấn mạnh, khác với miền nam nước Mỹ, vào năm 1919, tại thành phố Chicago, không có kỳ thị chủng tộc chính thức, hợp pháp. Thế nhưng, ai cũng biết là có một bản đồ vô hình xác định ranh giới giữa các cộng đồng. Người da đen không được ra khỏi ranh giới đó. Như vậy, cuộc bạo động Chicago có cội nguồn từ vấn đề lãnh địa, không gian của từng cộng đồng. Người da đen từ phía nam lên phía bắc vẫn tưởng là những chỗ không ghi « dành riêng cho người da trắng » thì họ vẫn được đến đó và họ đã phải trả giá bằng sinh mệnh của mình.

Cuộc nổi dậy của người da đen ở Chicago năm 1919, dẫn đến bạo động kéo dài nhiều ngày đưa ra một bài học cho ngày nay, không chỉ liên quan đến nước Mỹ mà cả những quốc gia khác : Nguyên nhân của các vụ bạo động sắc tộc không phải chỉ vì mất an ninh, tội phạm gia tăng. Phải chăng đó là triệu chứng của một xã hội bị rạn nứt nghiêm trọng thậm chí chia rẽ sâu sắc ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.