Vào nội dung chính
HUNGARY

Hungary: Trưng cầu dân ý về nhập cư không hợp lệ

Bất chấp tỷ lệ người tham gia bỏ phiếu thấp hơn mức quy định, cuộc trưng cầu dân ý vể chính sách nhập cư bị coi là không hợp lệ, thủ tướng Hungary vẫn tuyên bố đề xuất sửa đổi Hiến pháp trong Quốc hội. Phe đối lập lên tiếng yêu cầu ông Victor Orban từ chức khi cho rằng ông đã thất bại trong một cuộc trưng cầu dân ý được cho là “ đắt đỏ”.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, phát biểu sau cuộc trưng cầu dân ý  về quota người nhập cư. Ảnh tại Budapest, ngày 02/10/2016.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, phát biểu sau cuộc trưng cầu dân ý về quota người nhập cư. Ảnh tại Budapest, ngày 02/10/2016. REUTERS/Laszlo Balogh
Quảng cáo

Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn cho biết thêm chi tiết :

Cuộc trưng cầu dân ý do chính phủ Hungary đề xướng nhằm phản đối dự án tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch của Liên Âu đã bất thành do số cư dân đi bỏ phiếu chỉ ở mức 43,35%, tức là không đạt mức hơn 50% số cử tri đăng ký, phù hợp với dự đoán trước đó của giới bình luận.

03:27

TTV Hoàng Nguyễn -Budapest - 03/10/2016

Tuy nhiên, liên minh cầm quyền cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor, dường như theo một kịch bản đã tính toán trước, đã đồng loạt coi đây là một " chiến thắng vang dội ", " một vũ khí đủ mạnh mà cử tri Hung trao cho chính phủ Hung để bảo vệ Hungary ở Brussels bất cứ đâu ", v.v...

Viện cớ trong số những cử tri đi bỏ phiếu, có tới hơn 98% ủng hộ chính phủ trong việc bác bỏ sự tiếp nhận người tị nạn - mà ông Orbán gọi là " một kết quả tuyệt diệu ", nội các của Thủ tướng Orbán Viktor tuyên bố họ sẽ lập tức đề xuất việc sửa đổi Hiến pháp trong Quốc hội.

Ngược lại, phe đối lập thì coi đây là một thất bại nặng nề của đảng cầm quyền, một " cuộc thăm dò dư luận đắt đỏ " (ám chỉ gần 20 tỷ  tiền công quỹ đã bị tiêu tốn), và đòi thủ tướng Orbán cũng nội các phải từ chức, cũng như, kêu gọi các đảng đối lập cần ngồi ngay vào bàn đàm phán chuẩn bị cho kỳ bầu cử năm 2018.

Đặc biệt, đảng cực hữu JOBBIK, vốn có cùng quan điểm với liên minh cầm quyền trong việc bác bỏ sự tiếp nhận người tị nạn, thì đánh giá sự thất bại của cuộc trưng cầu là một thông điệp gửi tới cá nhân ông Orbán, rằng ông phải chịu trách nhiệm khi Hungary " mất mặt " tại Brussels.

Đáng chú ý là tỷ lệ phiếu bầu không hợp lệ rất cao, ở mức 6,31%, chứng tỏ cử tri đã quan tâm tới lời kêu gọi của một chính đảng trào lộng mang tên Chó Hai Đuôi, rằng " cần trả lời một cách dở hơi đối với một câu hỏi dở hơi ", và đã đi bầu với lá phiếu bất hợp lệ một cách có ý thức.

Sự bất thành của cuộc trưng cầu dân ý đáng chú ý ở chỗ, những dữ liệu thống kê cho thấy tại thủ đô Budapest và các thành phố lớn, nơi dân trí của cư dân cao hơn, và ngay cả tại những địa phương được coi là " sân nhà " của phe cánh hữu, tỷ lệ người đi bầu lại thấp ở mức đáng chú ý.

Những bình luận sơ bộ cho thấy, chiến dịch tuyên truyền chống người tị nạn của chính phủ - được thực hiện một cách thô thiển và liên tục từ nhiều tháng nay, hàm chứa nhiều điều mà báo chí Hung cho rằng dối trá, thêu dệt và " nửa sự thật " - đã trở nên phản cảm và thiếu thuyết phục.

Nhiều cử tri vốn dĩ không ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn, nhưng đã không đi bỏ phiếu vì cảm thấy họ bị định hướng và coi thường một cách thô bạo thông qua chiến dịch tuyên truyền đó. Sự dọa dẫm và nhằm vào những bản năng tối tăm nhất của con người, như vậy, đã không đạt kết quả.

Các nhà phân tích cũng thống nhất rằng, nhiều cử tri Hungary đã cảm thấy, cuộc trưng cầu lần này không nhằm vào lợi ích dân tộc, mà chỉ xuất phát từ mưu toan chính trị và lợi ích đảng phái. Một bóng ma (về nguy cơ người tị nạn tràn ngập nước Hung) đã được dựng ra, và nó là điều không có thực.

Cuộc trưng cầu, như thế, không có mục tiêu gì cụ thể và nắm bắt được. Dù có thể nói khác, nhưng nội các của Thủ tướng Orbán Viktor đã thua ngay trên sân nhà trong một cuộc chơi mà luật chơi do chính họ đề ra như nhận định của báo giới, và đây là điều chưa từng xảy ra với ông Orbán.

Đây cũng là một chỉ dấu đối với liên minh cầm quyền trrong giai đoạn từ nay tới bầu cử Quốc hội 2018 : họ sẽ phải cân nhắc chiêu bài tị nạn có thể lạm dụng được tới đâu, trong khi những vấn đề xã hội, dân sinh, đặc biệt là giáo dục, y tế và đồng lương cho giới công lực... đang là những vấn nạn lơ lửng trên đầu họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.