Vào nội dung chính
ISRAEL

Cựu tổng thống Israel Peres qua đời, người Palestine dửng dưng

Cựu tổng thống Israel Shimon Peres, người đã ba lần làm Thủ tướng Chính phủ và đã được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 1994, đã qua đời vào sáng sớm hôm nay, 28/09, thọ 93 tuổi. Cả thế giới đã tỏ lòng thương tiếc người được ghi nhớ là đã cố mang lại hòa bình giữa Israel và Palestine dù không thành công.

Cựu tổng thống Israel Shimon Peres, năm 2016.
Cựu tổng thống Israel Shimon Peres, năm 2016. REUTERS/Baz Ratner
Quảng cáo

Phải nhập viện 3/09 vừa qua sau một cơn đột quỵ, ông Shimon Peres, vị tổng thống thứ chín của Israel (2007-2014), đã qua đời vào lúc 3 giờ 40 phút sáng nay tại một bệnh viện lớn nhất của Israel gần Tel Aviv. Theo yêu cầu của gia đình ông, thông tin về cái chết của ông chỉ được loan báo vài giờ sau đó.

Năm nay 93 tuổi, ông là người cuối cùng trong số những người sáng lập nước Israel, từng tham gia vào một cuộc chiến của Nhà Nước Do Thái.

Về ông, có lẽ thế giới sẽ nhớ nhiều nhất là việc trong tư cách ngoại trưởng, cùng với thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ông đã đàm phán hòa bình với chủ tịch tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat và đã ký kết Hiệp Định Oslo năm 1993. Một năm sau ông cùng với hai đối tác được trao giải Nobel Hòa Bình. Thế nhưng với vụ ông Rabin bị ám sát vào năm 1995, nền hòa bình ở vùng Cận Đông đã tan thành mây khói.

Nguồn tin ông Peres qua đời đã gây xúc động mạnh tại Israel, nhưng đã được người Palestine tiếp nhận một cách thờ ơ. Từ thành phố Ramallah, vùng Cisjordanie của người Palestine Thông tín viên RFI Nicolas Ropert ghi nhận :

"Người Palestine đã biểu lộ thấy một thái độ dửng dưng nhất định sau khi tin ông Shimon Pérès qua đời được thông báo.

Đối với họ, cựu tổng thống Israel dĩ nhiên là người đã thương thảo và ký kết Hiệp định Oslo với Tổ Chức Giải Phóng Palestine. Thế nhưng, đó là điều đã diễn ra cách nay hơn 20 năm, và hiện đang bị chỉ trích dữ dội. Nhà nước Palestine vẫn là một dự án mơ hồ, và người Palestine không muốn là chỉ được quyền tự trị trên 20% lãnh thổ vùng Cisjordanie của họ.

Cựu khôi nguyên của giải Nobel Hòa Bình cũng đã cố góp phần hòa giải hai dân tộc Israel và Palestine sau khi rời chính trường, ví dụ như bằng cách tổ chức các trận bóng đá giữa trẻ em Israel và Palestine.

Thế nhưng, do quyết định từ chối trục xuất những người định cư Do Thái đầu tiên, đặc biệt ở thành phố Hebron vào năm 1968, Shimon Peres đối với người Palestine đã trở thành một lãnh đạo Israel đầu tiên đã chấp nhận việc người Do Thái định cư tại Palestine.

Sau đó, khi làm bộ trưởng quốc phòng trong thập niên 1970, ông đã hợp pháp hóa một số vùng định cư, và theo người Palestine, đã góp phần tạo nên tình trạng hiện nay với gần 500.000 người định cư Israel sống trên các vùng lãnh thổ Palestine. "

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.