Vào nội dung chính
ĐỨC - THỔ NHĨ KỲ

Diệt chủng Armenia : Berlin muốn công nhận, Ankara tức giận

Quốc Hội Đức ngày 02/06/2016 sẽ bỏ phiếu một nghị quyết công nhận nạn diệt chủng Armenia. Thế nhưng, văn kiện này đã khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, chỉ trích kịch liệt trong bối cảnh mối quan hệ Đức-Thổ đã trở nên căng thẳng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) cùng với các bộ trưởng tưởng niệm những người Armenia đã thiệt mạng, tại Quốc Hội Đức ngày 24/04.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) cùng với các bộ trưởng tưởng niệm những người Armenia đã thiệt mạng, tại Quốc Hội Đức ngày 24/04. AFP PHOTO / JOHN MACDOUGALL
Quảng cáo

Dự thảo nghị quyết của nghị viện Đức, có tên : « Kỷ niệm và tưởng niệm nạn diệt chủng người Armenia và những cộng đồng thiểu số theo Thiên Chúa Giáo cách đây 100 năm », do các nhóm đại biểu chiếm đa số tại Hạ Viện (thuộc các đảng bảo thủ CDU/CSU và SPD) và đảng Xanh đề xuất. Rất có nhiều khả năng, dự thảo này sẽ được thông qua.

Ngày 01/06/2016, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhận định cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện Đức là hành động « phi lý » và phải để lịch sử cho các nhà sử học nghiên cứu. Ankara luôn bác bỏ cụm từ « diệt chủng » và nhận định đó là một cuộc nội chiến tại vùng Anadolu, cùng với nạn đói đã gây nên cái chết cho 300 đến 500.000 người Armenia và cũng chừng đó người Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan đã điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel để bày tỏ « những quan ngại » của mình và kêu gọi « lương tri » của người Đức. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh : « Nếu văn kiện trên được thông qua, điều đó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Đức, đất nước có đến 3 triệu công dân Thổ sinh sống và đồng thời là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối NATO ». Thế nhưng, thủ tướng Đức có thể đích thân tham gia bỏ phiếu dự thảo nghị quyết trên.

Theo nội dung văn bản mà AFP có được, Hạ Viện Đức (Bundestag) « lấy làm tiếc về các hành động mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thời đó đã gây ra, đã dẫn đến việc hành quyết gần hết người dân Armenia ». Hạ Viện Đức cũng hối tiếc « về vai trò của đế chế Đức, với tư cách là đồng minh quân sự chính của đế chế Ottoman, đã không phản ứng để ngăn chặn tội ác chống nhân loại này ».

Việc Hạ Viện khởi xướng văn bản này là một bước mới cho việc công nhận nạn diệt chủng song diễn ra đúng lúc quan hệ Đức-Thổ đang trở nên căng thẳng vì nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề di dân, yêu cầu miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ hay yêu cầu sửa đổi luật chống khủng bố của chính quyền Ankara.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.