Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Venezuela: Chính phủ và đối lập gián tiếp đàm phán thông qua trung gian quốc tế

Các đại diện của chính phủ Venezuela và phe đối lập mới đây đã có những cuộc thảo luận riêng rẽ với ba nhà trung gian hòa giải nước ngoài tại nước Cộng hòa Dominica nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay tại Venezuela. Theo nhà tổ chức, các cuộc họp trên diễn ra trong khuôn khổ Liên Minh Các Quốc Gia Nam Mỹ (Unasur).

Người ủng hộ đối lập biểu tình đòi tổ chức trưng cầu dân ý phế truất tổng thống Nicolas Maduro tại Caracas, ngày 25/05/2016.
Người ủng hộ đối lập biểu tình đòi tổ chức trưng cầu dân ý phế truất tổng thống Nicolas Maduro tại Caracas, ngày 25/05/2016. REUTERS/Marco Bello
Quảng cáo

Hãng tin AFP ngày 29/05/2016, trích thông cáo của tổng thư ký khối Unasur, cho biết hai bên đã làm việc riêng rẽ với cựu thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, tổng thống Dominica Leonel Fernandez và tổng thống Panama Martin Torijos. Mục đích là để nghiên cứu bối cảnh tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia giữa một bên là đại diện chính phủ Venezuela và bên kia là phe đối lập mà đại diện là các đảng thuộc Liên Minh Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ (MUD).

Unasur đánh giá : « Các cuộc họp này khẳng định mong muốn đàm phán của cả hai phía », đồng thời cho biết đã đề xuất lịch trình các cuộc đàm phán mới để « lên kế hoạch đáp ứng những yêu cầu của mỗi bên ».

Trước đó, ba nhà trung gian đã đến thủ đô Caracas để làm việc với tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và phe đối lập, chiếm đa số tại Nghị Viện.

Phe đối lập Liên Minh Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về bãi chức tổng thống Maduro, người kế nhiệm tổng thống Hugo Chavez và giữ nhiệm kỳ đến năm 2019. Theo kết quả nhiều cuộc thăm dò, phần lớn người dân Venezuela muốn tổng thống Maduro từ chức. Tuy nhiên, phe tổng thống đã bác bỏ.

Về phần mình, trong một bản thông cáo, phe đối lập Liên Minh Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ đã liệt kê những điều kiện để tham gia đối thoại với phía tổng thổng với mục đích « tìm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay ».

Ngoài điều kiện tổ chức trưng cầu dân ý, còn phải kể đến yêu cầu trả tự do cho các nhà đối lập bị bắt trong thời gian diễn ra khủng hoảng, chấm dứt « việc trấn áp chính trị » « chấp nhận hàng cứu trợ của quốc tế về dược phẩm, lương thực để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ». Cuối cùng là yêu cầu « tìm ra được những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng do tình trạng tham nhũng và do mô hình kinh tế chỉ gây ra nghèo đói ».

Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn trên thế giới song hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá dầu giảm. Từ năm 2013, đất nước bị thiếu lương thực-thực phẩm và thuốc men. Quốc gia Nam Mỹ này cũng có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới : 180,9% vào năm 2015 và có thể lên tới 700% theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.