Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TRỐN THUẾ

Châu Âu giăng lưới bắt các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế

Trò chơi "cút bắt" né thuế của các công ty đa quốc gia với doanh số hàng chục tỷ đô la từ nay phải chấm dứt. Trên đây là mục tiêu của Liên Hiệp Châu Âu qua các biện pháp chống nạn khai gian trốn thuế trong bối cảnh xảy ra tai tiếng thế kỷ "Panama Papers". Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu ?

Ủy Ban Châu Âu phát động chiến dịch bài trừ nạn trốn thuế. Ành chụp ngày 12/04/2016.
Ủy Ban Châu Âu phát động chiến dịch bài trừ nạn trốn thuế. Ành chụp ngày 12/04/2016. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Ủy Ban Châu Âu, do chủ tịch Jean Claude Juncker, nguyên là thủ tướng Luxembourg, lãnh đạo phát động chiến dịch bài trừ nạn trốn thuế. Bị lung lay trong vụ tai tiếng Luxembourg chứa chấp các tập đoàn trốn thuế lúc ông còn là thủ tướng, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cam kết " tiêu diệt " tệ nạn này trong Liên Hiệp Châu Âu.

Ngày 12/04/2016, lời hứa bắt đầu thực hiện với một loạt biện pháp chống khai man, trốn thuế trình với Nghị Viện Châu Âu. Cụ thể là nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia có doanh số từ 750 triệu euro trở lên, kể cả của Trung Quốc, Úc và Mỹ… phải công khai hóa lợi nhuận và tiền đóng thuế tại mỗi quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Các biện pháp này đã được các tổ chức phi chính phủ đòi hỏi từ lâu hầu chấm dứt tình trạng " đất lành chim đậu ", làm ăn ở khắp nơi nhưng khai thuế ở nước nhẹ thuế. Theo một kết quả nghiên cứu của Ủy Ban Châu Âu, chiến lược "cút bắt" này gây thất thu cho Liên Hiệp Châu Âu khoảng 70 tỷ euro mỗi năm. Một công ty trung bình, hoạt động tại một nước châu Âu, có thể phải đóng thuế nhiều hơn 30% một đại tập đoàn biết chọn nơi khai thuế.

Các biện pháp chống khai man và trốn thuế đã được chuẩn bị xong từ nhiều tuần qua nhưng việc công bố gây chú ý đặc biệt vì diễn ra trong bối cảnh vụ tai tiếng thế kỷ "Panama Papers", thiên đường thuế và công ty bình phong, bị lộ.

Một nguồn tin từ Bruxelles nhìn nhận dữ liệu của công ty luật Panama Mossack Fonseca đã tạo ra một xung lực cho Liên Hiệp Châu Âu.  Tuy nhiên, nỗ lực này không đủ làm hài lòng các tổ chức phi chính phủ chống tệ nạn trốn thuế.

Theo hiệp hội ONE, nếu các tập đoàn đa quốc gia vẫn tự do che giấu thông tin thì không thể nào biết họ hoạt động gì ở các thiên đường thuế và cơ chế tổ chức trốn thuế. Thế mà, các các biện pháp của Bruxelles chỉ có hiệu lực trong Liên Hiệp Châu Âu mà thôi.

Còn theo Oxfam, vụ "Panama Papers" cho thấy không phải chỉ có các đại tập đoàn mà nhiều công ty vừa, doanh số vài mươi triệu đôla cũng trốn thuế.

Một ẩn số nữa là liệu tất cả thành viên Châu Âu có triệt để thi hành hay không ?

Như trường hợp Panama, chỉ có 9 quốc gia trong số 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đưa vào danh sách đen.
Luxembourg còn mang tai tiếng là "thiên đường thuế" của tập đoàn Amazon, Starbucks, Fiat gây chấn động và năm 2014 thời chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker là thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính. Đây cũng là trường hợp của Ai Len và "trụ sở" của công ty máy tính Apple.

Bản thân nước Pháp, cũng bị Bruxelles nghi ngờ không mặn mà với các biện pháp mới cho dù tác giả là ủy viên Pierre Moscovici, cựu bộ trưởng có tiếng thanh liêm của tổng thống François Hollande. Trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, Pháp sợ mất tính cạnh tranh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.