Vào nội dung chính
SYRIA

Đàm phán hòa bình Syria : Đối lập chấp nhận tham gia

Sau bốn ngày lưỡng lự, hôm qua 29/01/2016, đối lập Syria quyết định tham gia cuộc đàm phán với mục tiêu chấm dứt nội chiến tại Syria, được tổ chức ở Genève dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Theo Reuters, Ủy ban đàm phán Syria (HCN) gồm 17 thành viên lên đường tới Genève hôm nay.

Nhà hòa giải Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan De Mistura phát biểu tại hội nghị hòa bình Syria ở Genève, Thụy Sĩ ngày 29/01/2016.
Nhà hòa giải Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan De Mistura phát biểu tại hội nghị hòa bình Syria ở Genève, Thụy Sĩ ngày 29/01/2016. REUTERS/Denis Balibouse
Quảng cáo

Theo nhiều nhà quan sát, mục tiêu đặt ra rất lớn, nhưng hy vọng tìm được thỏa hiệp giữa chính quyền Syria và đối lập là hết sức mong manh. Bất đồng trước hết khiến đối lập Syria lưỡng lự trước khi quyết định tham gia đàm phán là tình hình hết sức tồi tệ tại Syria, nơi nhiều khu vực dân cư bị quân chính phủ vây hãm. Theo Chương trình Lương thực của Liên Hiệp Quốc (PAM), tổng cộng 18 khu vực bị vây, hơn 4,6 triệu người không hoặc gần như không được trợ giúp nhân đạo.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình:

« Đối lập được sự hậu thuẫn của Ả Rập Xê Út khẳng định đã nhận được bảo đảm của Washington và Ryad, là các yêu cầu nhân đạo sẽ được xem xét. Đây là điều khiến đối lập Syria quyết định tới Genève.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin từ Liên Hiệp Quốc, được báo chí Liban dẫn lại, ngoại trưởng John Kerry không đưa ra bất cứ bảo đảm nào, mà chỉ hứa hẹn. Lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu đối lập tới Genève để đưa lên bàn đàm phán các đòi hỏi của mình. Ông Kerry hứa hẹn ủng hộ và giúp đỡ họ. Các đòi hỏi nhân đạo của đối lập Syria là ngừng ném bom vào các khu dân cư, và cứu trợ được đưa đến các địa điểm bị vây hãm.

Về phần mình, chính quyền Syria có vẻ thoải mái hơn. Phái đoàn Damas tới Genève hôm qua và đã gặp đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc, Staffan De Mistura. Lãnh đạo phái đoàn, đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, Bachar Al Jaafari, tái khẳng định : các đàm phán tại Genève cần được tiến hành mà không có các điều kiện tiên quyết, và cuộc chiến chống khủng bố phải là ưu tiên.

Các đàm phán giữa Damas và đối lập Syria sẽ bắt đầu vào thứ Hai, 01/02/2016, tức trễ hơn hai ngày. Thời gian đàm phán dự kiến sẽ là 6 tháng. Tuy nhiên, rõ ràng là lập trường của Damas và đối lập Syria trong hiện tại không thể dung hòa. Cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để hai bên có thể tìm ra các mẫu số chung ».

Trả lời RFI, chuyên gia về Syria Thomas Pierret, giảng viên Đại học Edibourg, Scotland, giải thích vì sao đối lập Syria không muốn đàm phán cho đến phút cuối cùng :

« Sở dĩ đối lập tìm cách kháng cự bằng mọi cách là vì họ có cảm giác đang rơi vào một chiếc bẫy. Bị các cường quốc đưa đẩy vào bàn đàm phán, trong khi hiện tại tương quan sức mạnh trên chiến trường rất có lợi cho chế độ Damas, cho Nga và Iran. Đối lập Syria có ấn tượng là lực lượng này sẽ là biến số duy nhất bị điều chỉnh, trong khi Damas sẽ không chấp nhận bất cứ nhân nhượng nào, vì đơn giản là chính quyền Syria không cần (…). Tương lai sẽ được quyết định trên chiến trường và các thương lượng sẽ chỉ mang lại rất ít thay đổi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.