Vào nội dung chính
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Con người không bình đẳng trước biến đổi khí hậu

Bất bình đẳng là hiện tượng thường thấy trong xã hội loại người. Thế nhưng khoảng cách giầu nghèo lại lộ rõ khi ta tính đến vấn đề biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố hôm nay, 02/12/2015, nhân ngày thứ ba của Hội nghị Thế giới về Khí hậu COP21 tại Paris, những người nghèo nhất trên hành tinh chỉ thải ra 10% lượng khí gây ô nhiễm, nhưng lại là thành phần phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

Theo tổ chức Oxfam, biến đổi khí hậu làm cho dân nghèo nhất phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất - AFP /Lionel Bonaventure
Theo tổ chức Oxfam, biến đổi khí hậu làm cho dân nghèo nhất phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất - AFP /Lionel Bonaventure
Quảng cáo

Trong bản phúc trình mang tựa đề « Bất bình đẳng cùng cực và lượng khí thải CO2 », tổ chức Oxfam cho rằng : « Nếu muốn Hiệp định Paris xứng đáng với kỳ vọng, các chính phủ sẽ phải làm một điều gì đó cho những người không có gì ».

Các vấn đề về bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo là trung tâm của các cuộc thảo luận tại Paris. Theo tổ chức Oxfam, « biến đổi khí hậu gắn bó hữu cơ với bất bình đẳng kinh tế : Đó là một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do người giàu thải ra, nhưng tác hại mạnh nhất nơi người nghèo ».

Oxfam khẳng định : 10% của những người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm về hơn một nửa lượng khí CO2 thải ra, trong khi nửa nghèo nhất của thế giới chỉ chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải gây ô nhiễm.

Trong khi việc tính toán lượng khí thải CO2 thường căn cứ vào mức sản xuất chung ở cấp độ từng quốc gia, nghiên cứu của Oxfam tập trung vào việc phát thải khí CO2 liên quan trực tiếp đến tiêu dùng cá nhân, và như vậy cũng tính đến sản phẩm nhập khẩu.

Báo cáo cho thấy là mỗi cá nhân nằm trong số 1% của những người giàu nhất 1% trên thế giới, « sản sinh bình quân một lượng CO2 cao hơn gấp 175 lần lượng khí thải của một cá nhân trong số 10% nghèo nhất. »

Và Oxfam chứng minh rằng ngay cả khi lượng khí thải của các nước lớn đang trỗi dậy tăng lên rất nhanh chóng - Trung Quốc hiện trở thành nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới – lượng khí thải « gắn liền với các phương thức tiêu thụ của những người giàu nhất ở những nước này vẫn thấp hơn nhiều so với những người giàu tại các nước như trong khối OCDE chẳng hạn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.