Vào nội dung chính
QUỐC TẾ-KHỦNG BỐ-ĐIỂM BÁO

Daech đúc tiền "dinar vàng" để gây ảnh hưởng

Một nhà nước thì phải có đồng tiền riêng. Đây cũng là điều tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech muốn khẳng định. Mùa hè năm 2015, tổ chức khủng bố này đã chính thức tung đồng tiền mới, đồng « dinar vàng », được đúc từ vàng thật. Điều đó cho thấy, IS đang tiến hành một cuộc chiến tiền tệ chống lại tờ đô-la xanh, và muốn thiết lập một trật tự tiền tệ mới trong thế giới Hồi giáo. Les Echos số ra ngày 19/11/2015 cho rằng « Daech đúc tiền để củng cố tầm ảnh hưởng của mình ».

Ảnh chụp màn hình Twitter. Tổ chức khủng bố Daech muốn đưa ra hệ thống đồng tiền riêng dinar (vàng), dirham (bạc) và bạc cắc (đồng).
Ảnh chụp màn hình Twitter. Tổ chức khủng bố Daech muốn đưa ra hệ thống đồng tiền riêng dinar (vàng), dirham (bạc) và bạc cắc (đồng).
Quảng cáo

Bằng việc thay thế đồng livre Syria và đồng dinar Irak, nhóm khủng bố này đang gia tăng ảnh hưởng của mình trên những vùng lãnh thổ chiếm được và muốn để lại một « dấu ấn không thể phai mờ ». Daech tự khẳng định là một nhà nước thật sự có đủ quyền đúc đồng tiền riêng. Đồng tiền đó đã được hình thành, dựa theo hình mẫu đồng « dinar vàng », một đồng tiền được lưu hành hồi thế kỷ VII, đời Quốc vương Hồi giáo đệ tam Abd Al Malik, vị quốc vương đầu tiên đúc tiền có in hình của mình với các câu kinh Coran.

Theo đó, hệ thống tiền tệ của IS bao gồm : hai đồng vàng 1 dinar (4,25 gramme vàng, tương đương với 164 đô-la) và 5 dinar (820 đô-la) ; 3 đồng xu bạc – 1,5 và 10 dirhams và cuối cùng là những xu bằng đồng. Tất cả các đồng tiền này đều được thể hiện bằng những biểu tượng rất rõ ràng : một bản đồ thế giới, vùng cai trị tương lai của Daech, một tháp thánh đường – Al Aqsa tại Jerusalem, một trong những mục tiêu chinh phục thành phố Thánh quan trọng nhất của Daech.

Theo giải thích của Les Echos, chính việc chiếm được thành phố Mossoul của Irak hồi tháng 6/2014 đã cho phép IS sở hữu được một phần lớn tiền mặt và vàng dự trữ trong ngân khố Irak, ước tính trị giá 425 triệu đô-la. Trên thực tế, tổ chức khủng bố này đã dự tính đúc tiền riêng cách đây một năm. Theo các tin tức nghe lén được, hay bắt được từ những trao đổi trên các tài khoản Twitter và Ask.fm, chi phí để đúc đồng tiền mới này ước tính khoảng 100 triệu bảng Anh. Điều đó cũng có nghĩa là thiết bị dùng để đúc tiền có thể xuất xứ từ Anh quốc.

Những đồng tiền đầu tiên dường như được xuất xưởng vào mùa xuân năm nay và tổ chức khủng bố này có lẽ đã đem đi trao đổi với một số dịch vụ ngoại hối tại Irak. Les Echos cho biết đầu tháng 10/2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 6 người cùng với các thiết bị dùng để đúc tiền cho Daech.

« Daech giàu sụ nhờ đa dạng hóa nguồn thu nhập »

Để đúc tiền phải cần đến nhiều tiền, ngoài giải thích chiếm được ngân hàng trung ương của Irak ở Mossoul, tổ chức khủng bố này phải còn có nhiều nguồn thu khác. Về điểm này, Les Echos có bài giải thích khác rất chi tiết đề tựa : « Dầu hỏa, buôn lậu, tống tiền : Làm thế nào Daech tự cấp vốn và đúc tiền ».

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS – Daech khẳng định họ « giàu sụ là nhờ đa dạng hóa các nguồn thu nhập của mình », trong đó bán dầu khí, buôn cổ vật, và tống tiền là những nguồn thu chính yếu của tổ chức này. Với 8 điểm khai thác dầu tại Irak và Syria, theo ước tính của Daveed Gartenstein-Ross, một chuyên gia về tài chính của quân khủng bố thuộc Foudation for Defense of Democraties tại Washington với mức bán 30-40 đô-la/ thùng dầu thô so với giá thị trường 100 đô-la thì mỗi ngày IS thu về từ một đến hai triệu đô-la.

Nguồn thu tài chính lớn thứ hai, ngang ngửa với dầu khí là thuế. Tổ chức này cũng muốn được xem như là một Nhà nước có những thuộc tính một bộ máy cầm quyền : tiền tệ riêng và thu thuế chẳng hạn. Chỉ có điều nguồn thu thuế đó lại được thể hiện dưới hình thức tống tiền theo kiểu mafia để đổi lấy sự an toàn cho bản thân và gia đình. Thêm vào đó là thu từ việc tịch biên gia sản của người dân (những người bỏ của chạy trốn quân khủng bố hay tiền phạt vi phạm các quy định của tổ chức này) hoặc là cướp bóc các hàng cứu trợ từ các chính phủ Irak và Syria. 

Daech kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn, nằm dọc theo thung lũng sông Tigrisvà Euphrate. Đây cũng là vùng đất màu mỡ phì nhiêu. Theo ước tính, mỗi năm Daech thu được khoảng 200 triệu đô-la từ thu hoạch lúa mì và đại mạch, được bán ra thị trường chợ đen.

Về buôn lậu cổ vật, cho đến giờ vẫn chưa thể nào khẳng định. Nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, nguồn thu từ buôn lậu cổ vật mỗi năm mang về cho tổ chức khủng bố trên dưới 100 triệu đô-la. Bên cạnh những nguồn thu chính trên còn phải kể đến những khoản đóng góp từ các nhà hảo tâm nước ngoài. Theo chính quyền Bagdad, đây mới chính là nguồn thu quan trọng nhất của Daech từ rất lâu nay, đến từ nhiều nước như Ả Rập Xê Út, Qatar . Hiện nguồn thu này đã bị giảm xuống, chỉ còn khoảng 40 triệu đô-la/năm.

Cuối cùng là nguồn thu từ bắt cóc tống tiền. Số tiền thu được từ hoạt động này cũng ngang bằng với các khoản quyên góp từ nước ngoài 35-45 triệu đô-la/năm. Theo các nguồn tin y tế Irak, dường như được Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc xác nhận, thì tổ chức khủng bố này cũng rất tích cực trong hoạt động buôn nội tạng người, được lấy từ các tù binh, lính chết trận hay tù nhân bị thương. Vẫn theo tổ chức của Liên Hiệp Quốc này, hiện vẫn còn hơn 250.000 phụ nữ và trẻ em vẫn bị giam giữ rồi bị đem bán.

Khủng bố tại Paris : Tình báo Châu Âu bị chỉ trích mạnh mẽ

Vụ tấn công của lực lượng cảnh sát RAID ngày hôm qua tại Saint-Denis, giết chết « ít nhất hai tên » khủng bố đã trở thành chủ đề thời sự nóng trên các mặt báo Pháp. Le Monde đưa tin thông báo trên trang nhất : « Truy lùng những phần tử thánh chiến ». Lực lượng an ninh săn lùng Abdelhamid Abaaoud, được cho là kẻ chủ mưu của loạt khủng bố Paris cách đây năm ngày.

Với Le Figaro, « Cú đánh đầu tiên của cảnh sát dành cho những tên khủng bố thánh chiến » đã thành công. Trong đợt tấn công này, cảnh sát cũng đã kịp thời dập tắt một âm mưu tấn công mới sắp được thực hiện.

Nhưng Les Echos trên trang nhất cũng nhắc nhở là mối « Đe dọa thường trực ». Bởi vì vào thời điểm phát hành báo, trong số các thi thể quân khủng bố và những người bị bắt, các nhà chức trách vẫn chưa tìm thấy được kẻ chủ mưu Abdelhamid Abaaoud lẫn Salah Abdeslam, một trong những thủ phạm vụ tấn công.

Vậy Abdelhamid Abaaoud là ai mà lực lượng an ninh Pháp đang truy lùng gắt gao ? Với nụ cười tươi, gần như dễ mến là những gì độc giả cảm nhận được từ tấm ảnh trên trang nhất của Libération. Nhưng đối với nhật báo thiên tả này, đây lại là « Gương mặt của nỗi khiếp hãi ».

Abdelhamid Abaaoud là kẻ chủ mưu các vụ tấn công khủng bố đẫm máu hôm thứ Sáu 13/11/2015. Libération trích khẳng định từ nhật báo Mỹ Washington Post cho biết là Abdelhamid Abaaoud dường như đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công của cảnh sát hôm qua. Tờ báo viết : « Kẻ được cho là chủ mưu của các vụ khủng bố tại Paris vừa qua đã bị hạ sát ngày hôm qua trong đợt tấn công của các lực lượng cảnh sát ». Tờ nhật báo Mỹ còn khẳng định « thông tin trên được cung cấp từ hai quan chức cao cấp của Châu Âu ».

Tuy nhiên điều làm cho tờ Libération lo lắng nhất chính là sự yếu kém của các cơ quan tình báo Châu Âu. Tờ báo chỉ trích rằng : « Việc kẻ chủ mưu các vụ tấn công khủng bố hôm 13/11 có mặt trong khu vực phụ cận với Paris từ nhiều năm nay,hiện đang bị truy lùng gắt gao lộ rõ những khe hỡ trong ngành tình báo của Châu Âu ».

Tờ báo đặt câu hỏi : « Làm thế nào Abdelhamid Abaaoud, một trong những tên thánh chiến cực đoan nguy hiểm nhất của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã có thể ẩn náu ngay cửa ngỏ Paris ? […] Đàng sau việc tổ chức loạt khủng bố tại Pháp và Châu Âu, tên thánh chiến mang quốc tịch Bỉ, từng đến Syria vào năm 2013, lại có thể thực hiện hai chuyến đi-về giữa Bỉ và ‘vương quốc Hồi giáo’ cho đến tận đầu năm 2015.

Hành động tham gia vào loạt khủng bố 13/11 và khả năng có mặt tại vùng Ile-de-France cho thấy đó là một thất bại nặng nề cho các cơ quan chống khủng bố của Châu Âu, nhất là của Pháp ».

Về điểm này, nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng không mấy nhẹ lời, còn bồi thêm là : « Chúng ta vẫn chưa biết được là Abdelhamid Abaaoud, được cho là đầu não của các vụ khủng bố hôm thứ Sáu, có nằm trong số những tên khủng bố bị giết chết trong căn hộ tại Saint-Denis hay không ».

Nhật báo đặt ra một loạt các câu hỏi : « Thế nhưng, làm thế nào nhân vật hung tàn này, vốn dĩ đã có tên trong danh sách, từng bị kết án và bị truy lùng lại có thể thoát được sự giám sát của các cơ quan tình báo của nhiều nước Châu Âu từ nhiều tháng nay ? Làm thế nào bạn bè, kể cả người thân, những người mà cơ quan tình báo nắm rõ hồ sơ lại có thể ra vào thoải mái ? Hai người trong số này đã từng bị cảnh sát Bỉ gần đây thẩm vấn. Thậm chí cảnh sát Bỉ còn cho là những người này không có biểu hiện ‘đe dọa’ nào. ».

Tờ Le Parisien cũng lên tiếng báo động : « Tất cả các cuộc điều tra gần đây cho thấy nhiều người, dù là có tên trong danh sách đen hay dưới lệnh truy nã quốc tế, đều từ Syria về mà không gặp khó khăn gì. Một sự đi lại quá dễ dàng đến bất ngờ. Một khi vào được không gian Schengen, những người này có thể đi - về giữa Bỉ và Pháp bằng xe ô-tô, mua một lượng lớn vũ khí, chế tạo áo mang chất nổ, thuê phòng khách sạn và căn hộ… mà không hề bị phát hiện ».

Washington : Bắc Kinh nên dừng xây đảo nhân tạo

Vụ vây bắt khủng bố tại ngoại ô phía bắc Paris hầu như lấn át mọi tin tức thời sự khác. Riêng vẫn trên nhật báo Les Echos có hai bài quan tâm đến tình hình Châu Á. Liên quan đến thượng đỉnh APEC diễn ra tại Manila, nhật báo chú ý đến việc « Washington thúc ép Bắc Kinh ngừng xây đảo nhân tạo ».

Bất chấp đề nghị của Trung Quốc không đề cập đến hồ sơ Biển Đông tại thượng đỉnh APEC, Tổng thống Mỹ đã lên tiếng kêu gọi « những giải pháp sáng tạo hơn nhằm hạ nhiệt căng thẳng » giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Tổng thống Mỹ, giải pháp đó phải bao gồm cả việc « cam kết chấm dứt mọi đòi hỏi chủ quyền khác, chấm dứt xây mới và quân sự hóa ». Hoa Kỳ cho rằng luật quốc tế cấm có những đòi hỏi lãnh thổ xung quanh những đảo nhân tạo được xây dựng trên những bãi đá ngầm.

Ngay tức thì, Chủ tịch Trung Quốc có lời đáp trả, khẳng định « những đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông là những vùng lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa, do tổ tiên trao lại. Người dân Trung Quốc sẽ không để một ai xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và các quyền và lợi ích liên quan tại Biển Đông ».

Theo nhận định của Les Echos, không biết đúng hay sai, nhưng các nước nằm trong khu vực này ngần ngại đối đầu trực tiếp chống lại Bắc Kinh. Tờ báo trích phân tích của ông Paul Gruenwald, kinh tế gia của Standard&Poor’s khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng « Các nước này, tất cả đều bị lệ thuộc vào Trung Quốc ».

Ngoài ra, không chỉ có mình Trung Quốc mới tiến hành cải tạo các bãi đá, mà cả Philippines, Việt Nam cũng có những công trình xây dựng nhằm xác quyết chủ quyền của mình.

Miến Điện : Chuyển tiếp dân chủ - một hành trình dài

Cũng trên tờ Les Echos nhưng liên quan đến Miến Điện, hậu bầu cử. Sau thắng lợi áp đảo của Aung San suu Kyi, giai đoạn chuyển tiếp sẽ đầy chông gai. Ê-kíp lãnh đạo mới hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong công tác điều hành. Và trong số những chủ đề nóng bỏng, đó là phải xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong bài phân tích đề tựa « Miến Điện : hành trình dài đi đến chuyển tiếp chính trị », nhật báo kinh tế này cho rằng hầu hết các thành viên trong đảng của nhà đối lập đều không có kinh nghiệm để lãnh đạo. Hơn nữa bộ máy hành chính hiện hành lại rất thân cận với quân đội. Như vậy, ê-kíp lãnh đạo mới sẽ phải cần rất nhiều thời gian để tạo ra dấu ấn riêng của mình.

Đương nhiên với thắng lợi áp đảo lần này, « Quý bà Răngun » sẽ không cần phải đàm phán với bất kỳ đảng phái nhỏ nào để thành lập một chính phủ liên minh. Thế nhưng, nhật báo lưu ý thấy là những năm gần đây, bà Aung San Suu Kyi có những tuyên bố rất hòa giải với các đối thủ, đôi khi có nguy cơ làm hoen rỉ hình ảnh của bà. Sự gần gũi của bà với các cựu tướng lĩnh của bà nhiều lúc gây lầm tưởng là có sự thông đồng.

Nhưng giờ đây bà có rộng đường để xử lý quá trình chuyển tiếp trong cùng một trạng thái tâm lý. Giờ còn phải chờ xem « Quý bà » sẽ sẵn sàng hợp tác với các cựu tướng lĩnh tới đâu và các thỏa hiệp sẽ nằm trong những lãnh vực nào.

Thứ nhất, trong lãnh vực kinh tế, các tay trùm tư bản, bất kể đó là Trung Quốc hay Miến Điện, từ lâu đã quen làm việc với chính quyền hiện tại. Như vậy, trong cùng một lúc, ê-kíp lãnh đạo mới phải xử lý hiện trạng hiện nay lẫn mối quan hệ với Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, đây là một trong những bãi săn đuổi chiến lược ưa thích nhất. 

Ngay khi biết được thắng lợi của Đảng Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ, Bắc Kinh đã vội vàng gởi lời chúc mừng « thành công » của cuộc bầu cử tại Miến Điện, nhưng không hề nói đến bà Aung San Suu Kyi. Bởi một lẽ rất đơn giản, từ nhiều thập niên nay, Trung Quốc không ngừng ủng hộ tập đoàn quân sự.

Câu hỏi đặt ra liệu Răngun có đến gõ cửa Bắc Kinh để tìm nguồn tài trợ hay đầu tư hay không ? Tờ báo cho rằng Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu các tập đoàn xây dựng hòng có thể tìm kiếm những cơ hội tai một đất nước mà các cơ sở hạ tầng đều trong tình trạng rất đáng lo. Đây cũng một trong những chủ đề trong quá trình vận động tranh cử của LND.

Ngoài ra còn có nhiều nhiệm vụ khó khăn khác đang đợi chính phủ mới đó là hệ thống giáo dục và y tế. Cuối cùng là vấn đề « sắc tộc ». Miến Điện có đến 130 sắc tộc thiểu số, theo như con số chính thức. Nhiệm vụ của bà Aung San Suu Kyi là phải hòa giải được mối quan hệ của bà với một số sắc tộc như người Rohingya chẳng hạn, có đến hơn một triệu người.

Ngoài sự mong đợi, trong đợt bầu cử lần này, Aung San Suu Kyi đã thu được nhiều phiếu tại các bang sắc tộc thiểu số. Thắng lợi sẽ chỉ được trọn vẹn một khi có chính phủ mới. Nhưng từ đây đến đó, do tính chất « kỳ ngoặc » của hệ thống chính trị Miến Điện, đảng LND của bà vẫn phải đóng vai trò đối lập cho đến khi chính phủ hiện nay mãn nhiệm. Dấu hiệu cho thấy « quá trình chuyển tiếp, nếu như nó đang vận hành, cũng chỉ mới là sự khởi đầu mà thôi », tờ báo kết luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.