Vào nội dung chính
MỸ - PAKISTAN

Mỹ muốn một thỏa thuận hạt nhân với Pakistan

Đe dọa nhãn tiền lớn nhất từ Pakistan là vấn đề hạt nhân, theo nhiều chuyên gia. Theo tờ The New York Times, được trang i24 news dẫn lại, chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng có được một thỏa thuận an toàn hạt nhân với Pakistan, nhằm hạn chế khả năng vũ khí hạt nhân bị phát tán khỏi Pakistan. Sau hồ sơ Iran, vấn đề hạt nhân Pakistan đang nổi lên như một vấn đề cấp thiết.

Hội kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Nhà Trắng, 22/10/2015.
Hội kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Nhà Trắng, 22/10/2015. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Bên cạnh vấn đề gây áp lực để lực lượng Taliban Afghanistan đàm phán với chính phủ Kabul - nội dung chính trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Pakistan với Tổng thống Obama mới đây tại Washington - một dự án thỏa thuận về an toàn hạt nhân là chủ đề được hai phía ráo riết thương lượng trước chuyến công du của Thủ tướng Pakistan ngày 22/10.

Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại vũ khí hạt nhân chiến thuật (tức bom A), mà Pakistan có trong tay, lọt vào tay các nhóm khủng bố, hoặc các phong trào Hồi giáo cực đoan. Bom A là một vũ khí mà Hoa Kỳ phát triển trong thời gian chiến tranh lạnh để ngăn ngừa nguy cơ Liên Xô xâm chiếm châu Âu.

Pakistan có thể bán vũ khí hạt nhân cho Ả Rập Xê Út

Hồi tháng 5 vừa qua (tức trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm 5+1 với Iran), Hoa Kỳ cho biết rất có khả năng Ả Rập Xê Út sẽ mua vũ khí hạt nhân của Pakistan. Nhiều cơ quan tình báo đã nói đến một thỏa thuận đã được thông qua giữa Ryad và Pakistan, theo đó ít nhất một đầu đạn hạt nhân sẽ được bán cho Ả Rập Xê Út, nếu Iran sở hữu được bom nguyên tử.

Ngay trước khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã khẳng định vấn đề hạt nhân Pakistan cần được giải quyết. Đa số các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng Pakistan là mối đe dọa lớn nhất xét về phương diện nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, đa số các nỗ lực để giải quyết vấn đề này vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Tuy nhiên, các chuyên gia bên ngoài nắm được hồ sơ này rất hoài nghi về khả năng chính quyền Pakistan đặt ra các giới hạn cho vũ khí hạt nhân, vốn được coi là một niềm tự hào dân tộc, và một vũ khí phòng ngự thực sự trước Ấn Độ, cũng là một cường quốc hạt nhân.

Trong một phát biểu tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif khẳng định quan hệ Pakistan và Ấn Độ là "một thách thức hết sức nhạy cảm và khẩn cấp". Pakistan kêu gọi Hoa Kỳ hậu thuẫn để không làm cho căng thẳng leo thang tại Nam Á.

Cha đẻ vũ khí hạt nhân Pakistan từng cố vấn cho Iran

Hồi tháng 7, trong một bức điện thư gửi từ Islamabad đến truyền thông Mỹ, một nhà khoa học nguyên tử Pakistan, tiến sĩ Abdul Qadeer Khan – người được coi là cha đẻ của vũ khí hạt nhân Pakistan – khẳng định Hoa Kỳ và các đồng minh đã cứu Teheran khỏi một thảm họa với thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết. Nhiều chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng, Pakistan đứng đằng sau chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên.

Chuyên gia Simon Henderson, Viện Washington về chính trị Cận Đông, ghi nhận : 5.000 máy ly tâm IK-1 mà Iran được quyền giữ lại là phiên bản của các máy ly tâm R-1 của Pakistan. Chuyên gia nói trên khẳng định quan hệ giữa Iran và Pakistan về hạt nhân là điều rất cần được điều tra sâu hơn. Theo một số giới chức Hoa Kỳ, thì Iran, Libya, Hàn Quốc và kể cả Trung Quốc đã từng trả hàng triệu đô la để ông Khan thẩm định các chương trình hạt nhân quân sự của các nước này.

Năm 2013, sau các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong một cuộc phỏng vấn với Fox New, cha đẻ vũ khí hạt nhân Pakistan tuyên bố chính ông đã lập kế hoạch cho chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Các chuyên gia Mỹ khẳng định công nghệ chế tạo bom nguyên tử nhỏ cỡ 6, 7 kiloton đã được Pakistan chuyển giao cho Bắc Triều Tiên từ đầu những năm 1990.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.