Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬP CƯ

Khủng hoảng nhập cư : Châu Âu tăng viện trợ cho các trại tị nạn Cận Đông

Sau khi đạt được thỏa thuận trong gang tấc về việc phân bổ 120.000 người tị nạn, thượng đỉnh bất thường của lãnh đạo 28 nước Châu Âu (EU) sau nửa đêm hôm qua, 23/09/2015, đã thống nhất chi thêm ít nhất một tỉ euro để hỗ trợ các trại tị nạn ở Cận Đông, đồng thời tăng cường bảo vệ biên giới Châu Âu, để đối phó với làn sóng nhập cư.

Đoàn người xếp hàng chờ trước điểm đăng ký xin tị nạn tại biên giới Hy Lạp và Macédonia ngày le 23/09/2015.
Đoàn người xếp hàng chờ trước điểm đăng ký xin tị nạn tại biên giới Hy Lạp và Macédonia ngày le 23/09/2015. AFP/NIKOLAY DOYCHINOV
Quảng cáo

Thông điệp chung của thượng đỉnh bất thường của EU, sau hơn 6 giờ thương lượng, là việc tiếp nhận người tị nạn không thể làm ồ ạt, và Châu Âu cần bảo vệ đường biên giới của mình. Thượng đỉnh Châu Âu muốn đưa ra một tiếng nói chung của khối 28 nước, sau nhiều tuần trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Thông tín viên Quentin Dickinson tường trình từ Bruxelles : 

« Mục tiêu mà lãnh đạo 28 nước nhất trí trong cuộc thượng đỉnh đêm qua là giữ được nhiều chừng nào tốt chừng ấy người tị nạn Syria và Irak tại các trại tạm trú ở Trung Cận Đông, để không để họ mạo hiểm tính mạng tìm đường đến Châu Âu.

Điều này được thực hiện trước hết với việc cải thiện tình trạng nơi ở, điều kiện vệ sinh, phân phối thực phẩm, và tất nhiên là việc tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường. Vì mục tiêu này, Châu Âu chi thêm một tỷ euro, nâng tổng chi phí lên gần 10 tỷ euro.

Một kế hoạch chủ yếu khác là thiết lập các ‘‘hotspot’’, tức các trung tâm tiếp nhận, chọn lọc và tạm giữ. Một loạt trung tâm như vậy sẽ được lập ra tại các nước đầu tiên tiếp nhận người di cư tìm nơi tị nạn, nhất là Ý và Hy Lạp. Các trung tâm này có mục tiêu phân người nhập cư thành hai nhóm. Thứ nhất là những người mà yêu cầu tị nạn có khả năng được cứu xét, còn nhóm kia là những người trên thực tế không phải trốn chạy bất cứ đe dọa nào. Những người thuộc nhóm thứ hai sẽ được nhanh chóng bị đưa trả về nước ».

Chủ tịch Quỹ Robert Schuman, Jean-Dominique Giuliani, nhắc lại chính sách hỗ trợ của Châu Âu đối với các quốc gia láng giềng với Syria hoàn toàn không phải là mới, vấn đề là tính khẩn cấp của khủng hoảng hiện nay đòi hỏi tập trung vào hướng này nhiều hơn các nỗ lực tài chính và chương trình hợp tác.

Theo Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, các hotspot tại Ý và Hy Lạp sẽ được thành lập từ đây đến cuối năm. Hiện tại, một số trung tâm kiểu như vậy đã tồn tại, nhưng vấn đề là trong tương lai chúng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung của Châu Âu.

Tuy nhiên, chặng đường giải quyết khủng hoảng tị nạn còn « rất xa vời », từ Berlin, hôm nay, ngay sau thượng đỉnh bất thường, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo như vậy. Lãnh đạo chính phủ Đức nhấn mạnh trước Quốc hội rằng giải pháp thực sự phải bao gồm «một thể thức ổn định trong việc phân chia người tị nạn giữa các quốc gia thành viên ».

Hungary mở hành lang để người tị nạn từ Croatia sang Áo

Trên thực địa, làn sóng người tị nạn tiếp tục đổ về Châu Âu. Riêng tại biên giới với Croatia, Hungary ghi nhận 10.046 người mới đến hôm qua, mức kỷ lục kể từ đầu khủng hoảng. Budapest chấp nhận mở một hành lang để người tị nạn quá cảnh để sang Áo. Tại Áo, gần 6.000 người xin tị nạn đã từ Hungary sang hôm qua. Riêng từ nửa đêm đến 4 giờ sáng nay, giờ quốc tế, có 2.200 người.

Căng thăng gia tăng giữa Croatia và Serbia (hai quốc gia nằm ngoài Liên Hiệp Châu Âu), khi hai nước quyết định đóng dần đường biên giới. Bị quá tải với khoảng 44.000 người tị nạn hiện nay, Croatia muốn Serbia hướng làn sóng di cư sang phía Hungary và Rumani.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.