Vào nội dung chính
TỊ NẠN - CHÂU ÂU

Châu Âu chia rẽ về đối sách với làn sóng người tị nạn

Các diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Châu Âu đã nêu bật sự chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu giữa khối nước Trung Âu và phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. Dấu hiệu điển hình là hai cuộc họp song song mở ra vào hôm qua 04/09/2015 : Tại Praha là hội nghị của Thủ tướng 4 nước Trung Âu được liệt vào diện « khước từ người tị nạn » - Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan – còn tại Luxembourg là cuộc họp Ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu, chủ trương phân bổ một cách bắt buộc số người tị nạn cần tiếp nhận cho từng thành viên.

Khắp nơi trong Liên Hiệp Châu Âu, người dân bày tỏ tình đoàn kết với người tị nạn. Trong ảnh, tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 04/09/2015.
Khắp nơi trong Liên Hiệp Châu Âu, người dân bày tỏ tình đoàn kết với người tị nạn. Trong ảnh, tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 04/09/2015. REUTERS/Gustau Nacarino
Quảng cáo

Theo ghi nhận của Đặc phái viên RFI Quentin Dickinson tại Luxembourg, trong cuộc họp của mình, sau khi phân tích kết quả Hội nghị diễn ra tại Praha, Ngoại trưởng các nước đã không tránh khỏi bất bình trước các bình luận hàm ý chống chính sách người tị nạn mà Liên Hiệp Châu Âu chủ trương.

« Từ xa, Ngoại trưởng các nước Tây Âu đã dành một phần của buổi tối hôm qua để phân tích kỹ lưỡng các kết quả của hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Praha của một kiểu mặt trận từ khước người nhập cư, tập hợp lãnh đạo bốn nước Trung Âu - Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc – đều là thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Nội dung chủ yếu của bản tuyên bố kết thúc hội nghị Praha hầu như không có gì đáng chỉ trích, thậm chí còn có những điểm phù hợp với lập trường của chính họ.

Bốn quốc gia Trung Âu chẳng hạn, đã nhận định rằng cần phải tăng cường kiểm soát tại biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Châu Âu, gia tăng nỗ lực theo dõi những mạng lưới buôn người. Các nước này cũng ghi nhận là Châu Âu còn thiếu nghiêm trọng các trung tâm tiếp nhận để đăng ký từng người nhập cư, ngay khi họ đến nơi và mở cho mỗi người một hồ sơ riêng.

Các nhận định kể trên không khác gì quan điểm được nêu bật tại Luxembourg.

Tuy nhiên, các phát biểu bằng miệng mà các lãnh đạo Trung Âu đã đưa ra sau khi Hội nghị Praha kết thúc đã không được mấy hưởng ứng. Lãnh đạo chính phủ Ba Lan chẳng hạn đã khẳng định rằng vì chủ quyền đất nước, Ba Lan phải tự mình quản lý cuộc khủng hoảng người nhập cư. Thủ tướng Slovakia thì bác bỏ mọi ràng buộc, thúc ép, trong lúc đồng nhiệm Séc của ông phản đối mọi quyết định phân bổ quota người nhập cư giữa các nước Liên Hiệp Châu Âu ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.