Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - BA LAN

Lãnh đạo Ba Lan từ chức hàng loạt, sau bê bối nghe lén

Hôm nay, 11/06/2015, chỉ vài tháng trước bầu cử Quốc hội Ba Lan, Chủ tịch Quốc hội Radoslaw Sikorski và ba bộ trưởng của chính phủ trung hữu nằm trong số các lãnh đạo cao cấp phải từ chức, sau khi hàng nghìn trang tài liệu điều tra về các vụ nghe trộm bất ngờ được đưa lên mạng.

Chủ tịch Quốc hội Ba Lan từ chức sau một bê bối nghe lén
Chủ tịch Quốc hội Ba Lan từ chức sau một bê bối nghe lén REUTERS/Slawek Kaminski/Agencja Gazeta/Files
Quảng cáo

Thông tín viên Damien Simonart tường trình từ Varsava :

« Các vụ nghe trộm bất hợp pháp, với thời lượng tổng cộng hàng trăm giờ, đã được các nhân viên một số nhà hàng tại Varsava thực hiện, trong vài năm nay. Trong số những người bị nghe lén, có Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Radoslaw Sikorski, vào thời điểm đó là Ngoại trưởng. Người này đã đưa ra nhận định hợp tác giữa Ba Lan và Hoa Kỳ là ‘‘vớ vẩn’’, hay có những bình luận thô bạo về chính sách Châu Âu của Thủ tướng Anh David Cameron.

Vụ nghe trộm này - được tiết lộ dần dần qua báo chí - đã trở thành đối tượng của một cuộc điều tra. Đầu tuần này, một doanh nhân người Ba Lan đã công bố một cách bất hợp pháp trên các mạng xã hội 2.500 trang tài liệu liên quan đến điều tra. Vụ việc gây tai tiếng đến nỗi ba bộ trưởng, các Bộ Y tế, Thể thao và Tài chính, cùng với Chủ tịch Quốc hội, phải từ chức.

Trước bầu cử Quốc hội Ba Lan bốn tháng, vụ bê bối này là một đòn chí tử đối với phe tự do, cầm quyền từ 8 năm nay, vốn đã chịu thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống trước đó. Đảng Quyền lợi và Công lý có lập trường bảo thủ và phong trào chính trị, do ca sĩ rock Pawel Kukiz theo quan điểm vô chính phủ dẫn dắt, rất có khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh cử tháng 9 tới ».

Nữ Thủ tướng Ewa Kopacz thay mặt đảng cầm quyền chuyển lời xin lỗi tới công dân Ba Lan. Người đứng đầu chính phủ đề nghị Chưởng lý Andreij Seremet từ chức, do nhân viên của cơ quan này để lọt các hồ sơ điều tra ra ngoài. Theo báo chí Ba Lan, vụ việc này cho thấy « sự yếu kém của Nhà nước ». Viện công tố và các cơ quan liên quan đáng lẽ có thể đã ngăn chặn việc rò rỉ thông tin, nhưng họ đã không làm vì nhiều lý do cho đến nay không rõ. Trong số các tài liệu bị lộ, có dữ liệu cá nhân của khoảng 40 nhân viên tình báo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.