Vào nội dung chính
SYRIA

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo OCI muốn đình chỉ quy chế thành viên của Syria

Lãnh đạo các nước Hồi giáo họp Thượng đỉnh hôm nay 14/08/2012 tại thành phố Mecca, Ả Rập Xê Út để ra một quyết định mang tính biểu tượng lớn : đình chỉ quy chế thành viên của Syria trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) nhằm gây thêm sức ép lên Damas.

Một khu phố đổ nát ở Deraa, ngày 11/08/2012.
Một khu phố đổ nát ở Deraa, ngày 11/08/2012. REUTERS/Shaam News Network/Handout
Quảng cáo

Trong cuộc họp trù bị cấp bộ trưởng hôm qua tại Jeddan - Ả Rập Xê Út - chuẩn bị cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, Ngoại trưởng các thành viên OCI, tập hợp 57 quốc gia, đã đề nghị đình chỉ hoạt động của Syria trong tổ chức.

Tổng thư ký OCI, ông Ekmeleddin Ihsanoglu, trả lời báo chí, đã khẳng định một dự thảo nghị quyết về việc đình chỉ này đã được thông qua với tuyệt đại đa số phiếu. Văn kiện sẽ được đưa lên hội nghị Thượng đỉnh hôm nay để « chấp thuận ».

Theo AFP, Ả Rập Xê Út đã không tiếc công sức vận động các nước Hồi giáo ủng phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên Iran, đồng minh của chế độ Damas đã phản đối việc đình chỉ Syria. Ngoại trưởng Iran, Ali Akbar Salehi, nhấn mạnh trước báo chí là ông không tán đồng việc đình chỉ quy chế thành viên của bất kỳ nước nào. Trong trường hợp Syria, biện pháp này không giải quyết được gì. Algeri, một nước có trọng lượng trong OCI cũng tỏ ra dè dặt trước đề nghị đình chỉ Syria.

Đặc sứ Syria đến Bắc Kinh

Trong lúc đó, hôm nay một đặc sứ của chế độ Damas, bà Bouthaina Chaaban, cố vấn chính trị của Tổng thống Bachar Al Assad, đến Bắc Kinh để thảo luận về một giải pháp chính trị cho tình hình Syria.

Theo Tân Hoa Xã, bà Chaaban tiếp xúc với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì vào hôm nay. Hãng thông tấn Trung Quốc còn trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh : « Trung Quốc cũng mong muốn mời thành viên các nhóm đối lập Syria. »

Hôm qua, Washington khẳng định là không loại trừ một giả thuyết nào để buộc Tổng thống Bachar Al Assad ra đi. Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carnay, nói rõ: « Tổng thống và ê-kíp của ông không loại trừ một giả thuyết nào trong lúc mà Hoa Kỳ và các đối tác của Mỹ và dân chúng Syria, cố tìm một giải pháp cho việc chuyển tiếp chính trị ở Syria ».

Hiện nay theo AFP, có tin đồn về khả năng áp đặt một vùng cấm bay đối với Syria, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng không đề cập đến sự kiện này, mà nhấn mạnh rằng phương thức của Mỹ hiện nay là hỗ trợ phe nổi dậy bằng các phương tiện phi quân sự, sử dụng trừng phạt kinh tế để gây sức ép.

Còn tại chỗ, lãnh đạo hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, bà Valérie Amos đến Damas hôm nay, để thảo luận về tình hình trợ giúp nhân đạo với Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem, và chủ tịch Hồng Thập Tự Syria Abdel Rahmane Attar.

Tình hình chiến sự vẫn ác liệt ở Alep và Damas

Các khu phố Alep tiếp tục bị pháo kích vào hôm nay, quân đội sử dụng trực thăng bắn phá. Giao tranh diễn ra trên đường phố Seif Al Dawla, khu phố phía Tây Alep, nơi mà quân đội đã tiến vào hôm qua, nhưng vẫn gặp phải những chốt kháng cự.

Hôm qua, lực lượng nổi dậy loan báo một kỳ công : bắn hạ được một chiếc Mig 23 của không quân Syria ở vùng Deir Ezzor, miền Đông Syria, với một khẩu đại liên phòng không.

Trong một cuốn băng video đưa lên mạng, họ cho thấy cảnh bắt được người phi công. Người đàn ông cho biết là viên phi công xác nhận ông ta có nhiệm vụ dội bom thành phố Mouhassane, cũng ở phía Đông. Thế nhưng Thông tấn xã Nhà nước Syria, trích dẫn nguồn tin quân đội, dù công nhận chiếc máy bay bị rơi, nhưng cho đấy là do sự cố kỹ thuật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.