Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - AN NINH

OSCE họp thượng đỉnh tại Kazakhstan

Hôm nay, 01/12/2010, lần đầu tiên kể từ 1999, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, OSCE, họp thượng đỉnh tại Astana, thủ đô Kazakhstan, với mục đích chính là tái lập lòng tin giữa 56 thành viên. Theo tổng thống Kazakhstan, Nursultan Abishuly Nazarbayev, Hội nghị thượng đỉnh này là một dấu hiệu về sự hồi sinh của OSCE.

Tổng thống Kazakhstan (trái) và tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, tại Thượng đỉnh OSCE - Astana, ngày 01/12/2010
Tổng thống Kazakhstan (trái) và tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, tại Thượng đỉnh OSCE - Astana, ngày 01/12/2010 Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Tổng thống Kazakhstan kêu gọi thành lập « một không gian an ninh chung được bao bọc bởi bốn đại dương là Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Ấn Độ Dương ». Trong khi đó, lãnh đạo các nước thành viên kêu gọi OSCE tiến hành cải tổ mạnh mẽ.

Tiền thân của OSCE là Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu, CSCE, được thành lập vào tháng bẩy năm 1973 và sau đó được đổi thành OSCE từ tháng giêng năm 1995. Ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tổ chức này có mục đích ban đầu là tạo thuận lợi, thúc đẩy đối thoại giữa các khối nước. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ và khối Xã hội Chủ nghĩa tan rã, vai trò của OSCE trở nên mờ nhạt.

Ông Marc Perrin de Brichambeau, tổng thư ký OSCE thừa nhận là giữa các nước thành viên không có sự tin tưởng và không có quyết tâm chung. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hiện đại hóa OSCE cũng như cách thức và hình thức hành động, bởi vì tổ chức này đã bắt đầu mất đi tiềm năng của mình.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi OSCE phải đưa ra những biện pháp cụ thể để bảo vệ an ninh trên mọi lĩnh vực và ở khắp mọi nơi, đồng thời tổ chức này cũng cần phải thể hiện vai trò của mình tại Afghanistan. Nước Pháp, qua đại diện là thủ tướng François Fillon, cảm ơn Kazakhstan đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vì đây là sáng kiến của Paris, đưa ra cách nay hai năm khi xẩy ra cuộc xung đột vũ trang Nga-Gruzia. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thì chính quyền Astana tỏ thái độ không hài lòng về sự vắng mặt của tổng thống Nicolas Sarkozy.

Mặc dù tất cả các thành viên đều đồng ý phải cải tổ OSCE để thích ứng với những thách thức của thế kỷ 21, giới quan sát cho rằng do hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận chung, Hội nghị thượng đỉnh Astana khó thông qua được những biện pháp cụ thể. Tổng thư ký OSCE cho AFP biết là thậm chí chưa có gì chắc chắn Hội nghị sẽ ra được thông cáo chung.

Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ đã phê phán OSCE tổ chức Hội nghị tại Kazakhstan, một quốc gia trung Á thiếu vắng dân chủ dưới sự lãnh đạo độc tài của tổng thống Nazarbayev, trong khi đó, ưu tiên hàng đầu của OSCE là bảo đảm sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ.

Điều trớ trêu là chính OSCE thường xuyên phê phán Kazakhstan không tổ chức bầu cử tự do, đảng của tổng thống chiếm giữ toàn bộ số ghế tại Nghị viện và tổng thống tự cho mình quyền miễn trừ tư pháp vĩnh viễn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.