Vào nội dung chính
NGA - UKRAINA - KHỦNG BỐ

Nga hướng dư luận về khả năng thánh chiến Hồi giáo có ‘‘cơ sở’’ tại Ukraina

Bất chấp việc tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (Daech) đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố ở ngoại ô Matxcơva, khiến ít nhất 130 người chết, tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn không nhắc đến vai trò của Daech. Ngược lại, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga hôm nay, 25/03/2024, đã công khai tỏ ý nghi ngờ về việc Daech đứng sau vụ khủng bố, đồng thời hướng dư luận về khả năng thánh chiến Hồi giáo ‘‘có cơ sở’’ tại Ukraina.

People lay flowers at the stele "Russia" in memory of the victims of a shooting attack at the Crocus City Hall concert venue outside Moscow, in Donetsk, Russian-controlled Ukraine, March 23, 2024.
Người dân đến đặt hoa tại bia đá « nước Nga » để tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố trong nhà hát ở Crocus, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 23/03/2024. REUTERS - Alexander Ermochenko
Quảng cáo

Reuters cho hay, trong bài trả lời báo Komsomolskaya Pravda, bà Maria Zakharova đã chất vấn chính quyền Mỹ: ‘‘Các vị có chắc chắn vụ này là do Daech hay không ? Các vị có thể xem xét lại điều này hay không ?’’. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga khẳng định mục tiêu của Washington, khi phổ biến quan điểm về việc tổ chức Nhà Nước Hồi giáo là thủ phạm, là nhằm che đậy các ‘‘căn cứ’’ của thánh chiến Hồi giáo ở Kiev, đồng thời nhắc lại rằng Washington đã từng ủng hộ các lực lượng thánh chiến Hồi giáo (mujahideen) trong cuộc chiến chống lại quân đội Liên Xô tại Afghanistan thập niên 1980.

Chế độ Putin không phủ nhận vai trò của Daech, tuy nhiên cả tổng thống Putin và bộ Ngoại Giao Nga đều muốn hướng mối nghi ngờ về phía Ukraina. Trong phát biểu hôm qua, tổng thống Nga nhấn mạnh đến việc 4 nghi phạm khủng bố đã bị bắt giữ tại vùng Bryansk, cách Matxcơva khoảng 340 km về phía tây nam, trên đường chuẩn bị vượt biên sang Ukraina.

Bà Emilia Koustova, một chuyên gia về lịch sử Nga và Liên Xô tại Đại học Strasbourg (Pháp), trên đài Franceinfo hôm qua, 24/03/2024, ghi nhận, các phương tiện truyền thông thân cận với điện Kremlin trong hai ngày cuối tuần qua, ‘‘đã cố gắng kết nối hai chuyện vốn rất khác biệt’’. Thứ nhất là việc Daech đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố và việc các thủ phạm đến từ Trung Á và thứ hai là việc chính quyền Nga tìm cách quy kết cho Ukraina là ‘‘bên đứng sau và tạo điều kiện’’ cho vụ khủng bố diễn ra.

Chuyên gia Emilia Koustova nhấn mạnh cho dù truyền thông thân cận với điện Kremlin có thể không hoàn toàn áp đặt được quan điểm coi Ukraina có vai trò trong vụ khủng bố, thì ít nhất họ cũng gieo rắc được một không khí ‘‘bán tín bán nghi’’ trong xã hội Nga. Nếu chỉ dừng ở mức như vậy, điều này cũng đã có lợi cho chế độ Putin. Bởi một khi không có thông tin rõ ràng về sự thực, dân chúng sẽ sẵn sàng ‘‘khoán trắng’’ cho chính quyền trách nhiệm phân định đúng sai, đây là điều mà ‘‘đông đảo người Nga đã lựa chọn’’. Vị chuyên gia Đại học Strasbourg cảnh báo là vụ khủng bố này có thể dùng để biện minh cho các cuộc tấn công ‘‘tàn bạo hơn, ồ ạt và nguy hiểm hơn chống lại Ukraina và người dân nước này’’ sắp tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.