Vào nội dung chính
TIN VẮN

TIN TỔNG HỢP

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI
Quảng cáo

(AFP) - Biến đổi khí hậu và các đợt nắng nóng sẽ khiến giá thực phẩm tăng cao. Đây là kết quả một nghiên cứu được các nhà khoa học trường đại học Postdam của Đức và Ngân hàng trung ương châu Âu công bố hôm 21/03/2024 trên tạp chí Communications Earth and Environnment, dựa trên số liệu về giá cả và điều kiện khí hậu của 121 quốc gia trong giai đoạn 1996-2020. Tác động thay đổi tùy theo mùa và các vùng. Châu Phi và Nam Mỹ, vốn là những khu vực nắng nóng hơn, sẽ bị tác hại nhiều hơn. Mùa hè nắng nóng giá thực phẩm cũng tăng cao hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa chứng minh được tác động giữa biến đổi khí hâu và chi phí sinh hoạt khác của các hộ gia đình, ngoài giá điện.

(AFP) - Năm 2023, mực nước ở các đại dương tăng « vọt » so với năm 2022. Mực nước đại dương đã tăng mạnh, 0,76 cm, chỉ sau một năm, do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu. Theo dữ liệu từ các trạm quan sát vệ tinh, mực nước biển đã tăng tổng cộng 9,6 cm so với năm 1993. Lý do chính là Trái đất bị hâm nóng khiến băng tan chảy làm dâng mực nước đại dương, đồng thời khi đại dương hấp thụ hơi nóng thì thể tích cũng tăng theo.

(AFP) - Thượng viện Pháp không phê chuẩn Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Âu và Canada (CETA)Quyết định hôm 21/03/2024 của Thượng Viện Pháp bị xem như đòn trở ngại cho chính quyền Macron khi ngày bầu cử lập pháp châu Âu đang đến gần (09/06/2024). Hiệp định sẽ được bỏ phiếu lại tại Hạ Viện vào ngày 30/05. Nếu không được Nghị Viện các nước thành viên thông qua, hiệp ước không thể được Bruxelles phê chuẩn. 

(AFP) - Tiền lãi từ tài sản Nga bị phong tỏa ở châu Âu được dùng mua vũ khí cho Ukraina. Tối 21/03/2024, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí sử dụng khoảng 90% của 3 tỉ đô la tiền lãi năm 2024 để mua vũ khí cho Ukraina. Một tỉ đầu tiên được chuyển cho Kiev « ngay ngày 01/07 » vì là vấn đề « khẩn cấp », theo nhận định sáng 22/03 của thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. Liên Hiệp Châu Âu dự kiến sẽ có « khoản tiền tương tự trong những năm tới » để chuyển cho Ukraina, bất chấp những đe dọa của Matxcơva kiện Liên Âu. Cũng trong tối 21/03, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã đồng ý cấp cho Kiev một khoản vay mới, 880 triệu đô la sẽ được chuyển trong những ngày tới, nâng tổng số tiền FMI cho Ukraina vay lên thành 5,4 tỉ đô la.

(AFP) - Việt Nam : VinFast thu hồi gần 6.000 ô tô điện. Ngày 22/03/2024, Cục đăng kiểm, trực thuộc bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam, xác nhận thông tin thu hồi số xe trên của dòng VF5 Plus, chỉ được bán trên thị trường Việt Nam vì sự cố liên quan đến đèn pha, « có thể gây nguy hiểm cho lái xe và những xe khác lưu thông trên đường ». Đây là một trở ngại mới cho VinFast đang cố trở thành một nhà sản xuất xe ô tô uy tín.

(RFI) – Mỹ kiện tập đoàn Apple. Chính phủ Mỹ cho biết đã đệ đơn kiện ngày 21/03/2024 vì tập đoàn có trụ sở ở California có hoạt động ngăn chặn cạnh tranh, duy trì độc quyền liên quan đến iPhone. Trong thông cáo, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ giải thích « Người tiêu dùng không phải trả giá cao hơn vì những công ty (công nghệ) vi phạm quy định về cạnh cạnh ». Ngoài Mỹ, Apple cũng đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện tương tự trên khắp thế giới.

(NHK) – Nhật hợp tác công nghệ với liên minh quân sự AUKUS để đối phó với Trung Quốc. Theo thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, Kurt Campbell, hôm nay, 22/03/2024, trong thượng đỉnh tháng 4 tới tại Washington, thủ tướng Nhật sẽ có thể thảo luận về hợp tác này với tổng thống Hoa Kỳ. Ông Kurt Campbell cho biết cụ thể Nhật có thể hợp tác với liên minh Mỹ - Anh – Úc trong các công nghệ robeot và tin học, vì các mục tiêu bảo vệ an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

(Reuters – SCMP) – Biển Đông : Hải cảnh Trung Quốc báo động hơn 30 người Philippines ‘‘xâm nhập’’ một rạn san hô ở Trường Sa. Hôm qua, 21/03/2024, thông báo của phát ngôn viên Hải cảnh Trung Quốc cho biết 34 người Philippines, không rõ là dân thường hay quân nhân, xâm nhập rạn san hô Tiexian, mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở phía bắc quần đảo Trường Sa. Rạn san hô nằm vài cây số cách đảo Thị Tứ, Philippines kiểm soát.  Phía Trung Quốc không cho biết nhóm người trên có bị bắt hoặc bị trục xuất hay không.

(AFP) - Đàm phán hòa bình cho Ukraina: Đặc sứ Trung Quốc thừa nhận ‘‘hố sâu ngăn cách’’ giữa Kiev và Matxcơva. Đặc sứ Trung Quốc về giải pháp chính trị cho chiến tranh tại Ukraina Lý Huy (Li Hui), trong cuộc họp báo hôm nay 22/03/2024 tại Bắc Kinh, cho biết cả Nga và Ukraina đều khẳng định ‘‘cần chấm dứt chiến tranh thông qua thương lượng hơn là bằng vũ khí’’, nhưng lập trường giữa hai bên còn quá khác biệt. Ông Lý Huy vừa có chuyến công du châu Âu mươi hôm đầu tháng 3/2024. Cho đến nay, Bắc Kinh thường xuyên bị các nước phương Tây chỉ trích vì lập trường không lên án các hành động xâm lược Ukraina của Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.