Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Drone hải chiến Ukraina : Ác mộng của Hạm đội Hắc Hải Nga ?

Ba tầu chiến Nga dường như đã bị drone hải chiến của Ukraina nhấn chìm ở Hắc Hải chỉ trong hơn một tháng. “Ba thành công đầu tiên của drone do Ukraina sản xuất, dù hơi trễ”, theo Alexandre Sheldon-Duplaix, đồng tác giả cuốn Flotte de combat (Hạm đội chiến đấu), nhưng có thể tạo thành bàn đạp để Kiev triển khai đông đảo như Matxcơva điều quân đến chiến đấu ở Ukraina.

Ảnh minh họa : Tầu đổ bộ Nga Caesar Kunikov đi qua eo biển Dardanelles ở Thổ Nhĩ Kỳ để đến Địa Trung Hải, ngày 04/10/215. Tầu đã bị drone hải chiến Magura V5 của Ukraina đánh chìm ngày 14/02/2024 ở Hắc Hải.
Ảnh minh họa : Tầu đổ bộ Nga Caesar Kunikov đi qua eo biển Dardanelles ở Thổ Nhĩ Kỳ để đến Địa Trung Hải, ngày 04/10/215. Tầu đã bị drone hải chiến Magura V5 của Ukraina đánh chìm ngày 14/02/2024 ở Hắc Hải. AP - Burak Gezen
Quảng cáo

Theo cơ quan tình báo quân sự Ukraina (GUR), kỳ tích gần đây nhất là vụ đánh chìm tầu tuần tra Serguei Kotov hiện đại nhất của Nga vào sáng sớm 05/03/2024, ngoài khơi thành phố Feodosia ở Crimée, gần cầu Kertch nối Hắc Hải với biển Azov. Tầu dài 96 mét, được thiết kế tàng hình và chỉ mới hoạt động từ năm 2021. Một tháng trước đó, drone hải chiến của Ukraina cũng đánh đắm hai chiến hạm khác của Nga : Tầu đổ bộ Tseza-Kunikov ngày 14/02 và tầu hộ tống Ivanovets ngày 01/02.

Bộ Quốc Phòng Nga không bình luận thông tin của Ukraina về tầu tuần tra Serguei Kotov. Tuy nhiên, nhiều blogger quân sự Nga đã xác nhận thiệt hại và cho biết thủy thủ đoàn được cứu sống. Nếu thông tin được một nguồn tin độc lập kiểm chứng, vụ tấn công gần đây nhất đánh dấu thành công mới của drone hải chiến Magura V5 hoàn toàn do Ukraina sản xuất.

Magura V5 : Sản phẩm “cây nhà lá vườn”

Magura V5 (tên đầy đủ : Maritime Autonomous Guard Unmanned Robotic Apparatus) được điều khiển bằng video từ xa, rất linh hoạt, có tốc độ đến 90 km/giờ. Chuẩn tướng “Hunter”, cơ quan phản gián quân đội Ukraina, được trang Euronews trích dẫn ngày 06/03, cho biết :

“Đây là một loại drone có khả năng bay trên biển và năng lực đã được cải thiện đáng kể. Nó có trọng tải hơn 1 tấn, hoạt động trong phạm vi lên tới 1.100 km. Tôi không thể cho biết thêm về những thông số khác, nhưng chúng tôi triển khai một chiến lược dựa trên loại thiết bị phổ biến có khả năng chở nhiều loại vũ khí thú vị này”.

Dài 5,5 mét, rộng 1,5 mét, có thân thủy động lực và khả năng cơ động, Magura V5 có khả năng gần như tàng hình nhờ được trang bị một bộ định vị GPS, gắn nhiều camera và chuyển được hình ảnh cho người điều khiển. Giá của loại drone hải chiến này khoảng 250.000 đô la. Ngoài nhiệm vụ theo dõi, Magura V5 có thể trở thành drone tự sát, gây thiệt hại lớn cho đối thủ, như trường hợp tầu tuần tra Serguei Kotov có giá đến 65 triệu đô la.

Chính quyền Kiev giữ bí mật số lượng Magura V5 hiện có. Được Kiev công bố lần đầu vào cuối tháng 07/2023, phiên bản Magura V5 lúc đó có khả năng chở 320 kg thuốc nổ và hoạt động trong khoảng 800 km. Tuần trước, Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) đã chính thức công bố phiên bản mới nhất trong hạm đội drone và đặt tên thành phố “Avdiivka” cho chiếc đầu tiên. Điều đặc biệt là ngân sách để sản xuất phiên bản mới này hoàn toàn do quyên góp. Các công ty Ukraina, các nhà hảo tâm quốc tế và người dân Ukraina, thông qua nền tảng gây quỹ UNITED24, đã góp hơn 7 triệu euro để có thể đặt mua 35 chiếc.

Thực ra, drone hải chiến này từng làm nhiệm vụ ở Hắc Hải, nhưng lúc đó còn là bản thử nghiệm. Theo tóm lược của trang Le Figaro ngày 11/03, loại drone hải chiến này đã góp phần làm hỏng chiến hạm Đô đốc Makarov ngày 29/10/2022, lúc đó đang thay soái hạm Moskva bị đánh chìm tháng 04/2022, tiếp theo đến lượt chiến hạm Đô đốc Essen, tàu quét mìn Ivan Golubets, tàu hộ tống Samun, tầu tuần tra Pavel Derzhavin và tầu trinh thám Vladimir Kozitsky. Drone Magura V5 còn góp phần lớn trong vụ tấn công ngoạn mục thứ hai vào cầu Crimée ngày 17/07/2023.

Drone hải chiến Magura V5 hoàn toàn do Ukraina sản xuất. Ảnh do bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraina cung cấp ngày 09/09/2023.
Drone hải chiến Magura V5 hoàn toàn do Ukraina sản xuất. Ảnh do bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraina cung cấp ngày 09/09/2023. AP - Daniyar Sarsenov

Ác mộng của Nga

Ukraina, quốc gia không có hạm đội, đã buộc được Hạm đội Hắc Hải Nga rút bớt khỏi khu vực nhờ các đợt tấn công bằng tên lửa hoặc drone hải chiến, nhằm mở lại “hành lang ngũ cốc”. Song song đó, quân đội Ukraina còn phát triển chương trình mang tên “Fury” để cải tạo những loại drone hải chiến tinh vi hơn và có thể tái sử dụng. Về lý thuyết, Hải Quân Ukraina còn lâu mới có được trọng lượng như đối thủ Nga, cho nên phải sử dụng tên lửa và drone để gây thiệt hại cho đội tầu của Nga.

Nhà sử học hàng hải Alexandre Sheldon-Duplaix, được trang Sud-Ouest trích dẫn, nhắc lại : “Ban đầu, drone tấn công với tốc độ cao nhưng bị phát hiện. Từ giờ, chúng áp sát từ từ, không để bị nhìn thấy”. Vì một drone không thể đánh chìm một chiến hạm nên Ukraina phóng cả một đội drone. Vẫn theo nhà sử học Pháp, điều đáng ngạc nhiên là Nga không tìm ra được cách đối phó. Vào thế kỷ 20, các tầu thiết giáp đã giăng lưới chống ngư lôi khi thả neo. Gần đây hơn, quân đội Mỹ đã trang bị súng máy trên các tàu để có thể tự vệ trước kiểu tấn công này. Ukraina không có hạm đội, nhưng nhờ drone và tên lửa, họ đã gây ra tổn thất đáng kể cho Nga, khiến họ phải chuyển tàu đi và giảm số đơn vị đóng ở Crimée”.

Theo Ukraina, khoảng 1/3 tầu chiến của Hạm đội Hắc Hải “không còn khả năng gây hại”. Mục tiêu này được chánh văn phòng tổng thống Ukraina, Andri Iermak, tái khẳng định trên mạng Telegram : “Hạm đội Nga ở Hắc Hải là một biểu tượng cho sự chiếm đóng của Nga. Hạm đội này không được quyền có mặt tại bán đảo Crimée của Ukraina”.

Tổng cộng 11 trên tổng số 51 chiến hạm Nga ở Hắc Hải bị trúng drone, theo thống kê của trang Le Figaro. Về trọng tải, Ukraina đã phá hủy 26.000 tấn của hạm đội có tổng trọng tải 121.000 tấn, và gây thiệt hại cho 13.000 tấn, tương đương lần lượt với 11% và 21%. Nếu diễn giải theo trọng tải thì 33% Hạm đội Hắc Hải đã bị phá hủy hoặc bị hư hỏng, đúng với cách tính “1/3” của Ukraina. Chỉ riêng soái hạm Moskva đã chiếm khoảng 10%. Đây chính là thành công của chiến lược đánh du kích hải quân được Kiev áp dụng ngay khi bị Nga xâm lược và phá hoàn toàn hạm đội cũ kĩ của Ukraina.

Ukraina gia tăng chiến tranh du kích trong năm 2024 ?

Dù các vụ tấn công của Ukraina gây ra nhiều thiệt hại, Hạm đội Hắc Hải Nga vẫn mạnh và luôn có khả năng phóng những tên lửa hành trình tầm xa vào lãnh thổ Ukraina. Những căn cứ không quân Nga ở Crimée vẫn hoạt động và liên tục đón những chiến đấu cơ hoạt động yểm trợ các cuộc tấn công trên bộ ở trong vùng. Tuy nhiên, loạt tấn công thành công của Ukraina nhắm vào các chiến hạm, cũng như những phương tiện quân sự khác ở trong vùng đã buộc Hạm đội Hắc Hải Nga lui vào thế thủ, hạn chế phần nào năng lực phản công.

Theo trang Euronews ngày 06/03, dù bộ Quốc Phòng Nga thường im lặng về những vụ tấn công bằng drone và tên lửa của Ukraina nhắm vào lực lượng hải quân, các blogger và bình luận viên quân sự Nga đã mạnh mẽ chỉ trích bộ chỉ huy chậm chạp và đáp trả thiếu cứng rắn trước mối đe dọa đó. Vẫn theo một số blogger này, dường như đô đốc Viktor Sokolov, tư lệnh Hạm đội Hắc Hải, bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố, đã bị cách chức vào tháng 2 sau hàng loạt vụ tấn công bằng drone của Ukraina. Hải Quân Nga buộc phải cẩn trọng vì những chiến dịch của họ bị tác động, nhất là một số chiến hạm đã phải rút khỏi Crimée để trú bên phía Novorossiysk.

Có lẽ Nga sẽ còn phải hứng chịu nhiều trận đánh du kích trong năm 2024, vì sẽ có hàng nghìn drone tầm xa được sản xuất trong khi hoạt động này đã tăng gấp 120 lần trong năm 2023. Trả lời Reuters ngày 12/02, bộ trưởng Kỹ thuật số Mykhailo Fedorov nhấn mạnh : “Loại drone tự sát tầm xa được mở rộng, có tầm hoạt động từ 300, 500, 700 và 1.000 km. Loại này không hề tồn tại cách đây 2 năm”.

Khác với Nga, nơi mà nhà nước kiểm soát hoàn toàn việc sản xuất drone, Ukraina cho phép các công ty tư nhân tham gia sản xuất. Ukraina hiện có khoảng 10 công ty sản xuất được các loại drone có thể bay tới Matxcơva hoặc Saint-Petersburg. Các công ty khởi nghiệp về công nghệ quân sự được trợ cấp khoảng 2,5 triệu đô la thông qua sáng kiến BRAVE1 được chính phủ triển khai năm 2023. Số tiền này dự kiến được tăng lên gấp 10 trong năm 2024.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.