Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HUNGARY

Cảnh sát Trung Quốc tại Hungary : Quan hệ khăng khít giữa Bắc Kinh và Budapest

Bộ trưởng Nội Vụ Hungary vừa xác nhận cảnh sát Trung Quốc sẽ được phép tuần tra trên lãnh thổ Hungary, trong khi Liên Hiệp châu Âu (EU) vẫn cáo buộc Bắc Kinh tìm cách giám sát cộng đồng người Hoa ở hải ngoại bằng mọi cách. Nhưng đối với thủ tướng Hungary Viktor Orban, đây là bước chuyển tiếp hợp lý của của mối quan hệ với Trung Quốc từ 10 năm qua.

Một « đồn công an » Trung Quốc ở Budapest, được cho là đang hoạt động mà bộ Nội Vụ Hungary không hay biết. Ảnh chụp ngày 27/10/2022. Theo Safeguard Defenders, hiện có ít nhất 54 « đồn công an » bất hợp pháp của Bắc Kinh trên khắp châu Âu.
Một « đồn công an » Trung Quốc ở Budapest, được cho là đang hoạt động mà bộ Nội Vụ Hungary không hay biết. Ảnh chụp ngày 27/10/2022. Theo Safeguard Defenders, hiện có ít nhất 54 « đồn công an » bất hợp pháp của Bắc Kinh trên khắp châu Âu. AP - Anna Szilagyi
Quảng cáo

Các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc sẽ có mặt trên lãnh thổ một quốc gia Liên Hiệp châu Âu, đó là điều mà bộ Nội Vụ Hungary xác nhận với trang tin Telex vào ngày 06/03/2024. Đây sẽ là điều chưa từng xảy ra ở EU, vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Bruxelles và Bắc Kinh không hề tốt đẹp.

Khả năng cảnh sát Trung Quốc tuần tra ở Hungary đã được nhật báo Die Welt của Đức tiết lộ vài ngày trước đó. Tờ báo đề cập đến một điều khoản của thỏa thuận hợp tác an ninh Trung-Hung mới được ký kết vào tháng 2 trong cuộc gặp ở Budapest giữa bộ trưởng Công An Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) và người đồng cấp Hungary.

Giám sát người Hoa ở nước ngoài

Nhưng ngoài xác nhận của bộ Nội Vụ Hungary, không có thông tin chi tiết chính thức nào được đưa ra về đường hướng của hợp tác này. Zsuzsanna Vegh, nhà phân tích chuyên về các nước Trung Âu của Quỹ Marshall, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đức, nhấn mạnh : “Chúng tôi không biết khi nào, ở đâu hoặc tại sao cảnh sát Trung Quốc sẽ tiến hành những cuộc tuần tra này.” Tamas Matura, người sáng lập Viện Nghiên cứu châu Á-Trung Âu và là chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc và Hungary, cho biết thêm : “Đây là một ví dụ khác về sự thiếu minh bạch của chính phủ Hungary.”

Sự hiện diện của cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc trên lãnh thổ Liên Hiệp châu Âu là một chủ đề nhạy cảm, và dường như Hungary không phải là quốc gia đầu tiên bật đèn xanh cho cảnh sát Trung Quốc. Từ năm 2015 đến năm 2019, các sĩ quan cảnh sát Ý và Trung Quốc đã phối hợp tuần tra tại Roma, Milan, Turin và Padoue.

Nhân đại dịch Covid-19, Ý đã chính thức chấm dứt những cuộc tuần tra chung này. Vụ bê bối liên quan đến các đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc được đặt ở một số nước phương Tây, trong đó có Ý, Pháp và Hungary, đã khiến Roma rất cảnh giác về những vấn đề này. Giống như các nước châu Âu khác, Roma coi sự hiện diện của cảnh sát Trung Quốc là một công cụ để Bắc Kinh giám sát và kiểm soát cộng đồng người Hoa một cách hiệu quả hơn.

Nhưng trong vụ bê bối này, Budapest đã phản ứng không giống các nước châu Âu khác với việc hoàn toàn im lặng. Zsuzsanna Vegh lưu ý chính phủ Orban đã “từ chối xác nhận sự tồn tại của hai đồn cảnh sát bí mật trong nước”.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc chuẩn bị quay trở lại lãnh thổ EU thông qua Hungary.

Có lợi cho hoạt động tuyên truyền

Richard Turcsanyi, chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc và EU tại Viện Nghiên cứu châu Á-Trung Âu ở Bratislava, Slovakia, khẳng định những cuộc tuần tra thưa thớt này “sẽ không thay đổi tình hình an ninh” đối với cộng đồng người Hoa ở Hungary.

Hiện có hơn 18.000 người Trung Quốc sống ở Hungary, theo số liệu chính thức, tức gần gấp đôi so với 10 năm trước. Richard Turcsanyi ước tính : “Trung Quốc có các phương tiện giám sát hiệu quả hơn so với các sĩ quan cảnh sát, có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tuần tra, chủ yếu ở các khu du lịch của Budapest.”

Theo ông Turcsanyi, thông báo của bộ Nội Vụ Hungary chủ yếu tuyên truyền cho chính phủ Trung Quốc lẫn chính phủ Orban. Richard Turcsanyi nhấn mạnh : “Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh có thể sử dụng hình ảnh của các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc ở Budapest để cho thấy tầm quan trọng của những hoạt động đóng góp cho sự an toàn của du khách Trung Quốc ở nước ngoài.”

Bắc Kinh đã chọn đúng thời điểm để tiến hành hoạt động tuần tra này khi “số lượng du khách Trung Quốc đến thăm Hungary đã tăng gấp ba kể từ năm 2019”, theo Tamas Matura.

Về phần mình, thủ tướng Orban “có thể sử dụng điều này để tái khẳng định sự gần gũi với Bắc Kinh, đồng thời cho Bruxelles và Washington hiểu rằng Hungary là một quốc gia có chủ quyền và có thể phát triển chính sách ngoại giao của riêng mình đối với Trung Quốc, kể cả trong các vấn đề an ninh”, Richard Turcsanyi nhấn mạnh.

Thông báo từ phía Budapest cũng nằm trong khuôn khổ chủ nghĩa thân Trung Quốc mà Viktor Orban thể hiện từ hơn 10 năm qua. Jakub Jakobowski, phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông ở Vacxava, Ba Lan, giải thích : “Ông Orban luôn khẳng định tương lai của Hungary nằm ở phía Đông. Ông ấy đặt cược Trung Quốc sẽ trỗi dậy và trở thành cường quốc hàng đầu vào thế kỷ 21. Do đó, Budapest phải chú tâm đến mối quan hệ với Bắc Kinh.”

Theo Tamas Matura, cho đến nay, những nỗ lực ngoại giao, tập trung vào hợp tác kinh tế, “đã không mang lại nhiều lợi ích cho Hungary”.

Viktor Orban và lá bài Trung Quốc

Nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi. Tamas Matura cho biết “đã có thông báo về việc Trung Quốc đầu tư hơn 10 tỷ đô la vào Hungary”. Bắc Kinh cam kết tài trợ xây dựng tuyến đường sắt mới giữa Budapest và Beograd (Serbia). Bắc Kinh cũng có ý định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện lớn nhất châu Âu cho thương hiệu BYD của Trung Quốc và sẽ khởi động nhà máy sản xuất pin điện.

Tamas Matura nhấn mạnh “có tin đồn Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Hungary trong năm nay”. Đây sẽ là lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc công du Hungary kể từ năm 2009, khi ông còn là phó chủ tịch nước.

Jakub Jakobowski lưu ý Viktor Orban có thể tự hào về việc “cuối cùng bắt đầu gặt hái được thành quả từ chính sách ngoại giao của ông”. Tuy nhiên, các chuyên gia được France 24 phỏng vấn nhấn mạnh các cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra ở Hungary, liệu tất cả các dự án lớn này có thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế Hungary, hay sẽ phục vụ lợi ích của các công ty Trung Quốc có liên quan.

Tamas Matura lưu ý việc cảnh sát Trung Quốc có thể hiện diện trên đường phố Budapest hoặc bất kỳ nơi nào khác trong nước là “dấu hiệu của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”. Nhưng Zsuzsanna Vegh nhấn mạnh đây cũng “có thể là điều đáng lo ngại, đặc biệt đối với Hungary”.

Một quốc gia châu Âu khác, nhưng không thuộc Liên Hiệp châu Âu, là Serbia, đã bật đèn xanh cho cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên lãnh thổ của mình. Zsuzsanna Vegh cho biết hợp tác an ninh này “đã thúc đẩy Serbia mua các camera giám sát của Trung Quốc được trang bị phần mềm nhận dạng khuôn mặt và lắp đặt chúng ở Beograd. Liệu điều này có xảy ra ở Budapest hay không ?” Theo bà Vegh, làm như vậy là xâm phạm quyền riêng tư của người dân Hungary.

Việc thắt chặt quan hệ Trung Quốc - Hungary cũng là tin xấu đối với phần còn lại của Liên Hiệp châu Âu. Jakub Jakobowski giải thích : “Viktor Orban rất thành thạo trong việc sử dụng lá bài Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Bruxelles, một cách hết sức thực dụng.” Thủ tướng Hungary thường xuyên dùng quyền phủ quyết để bác các nghị quyết chính trị của châu Âu có thể làm mất lòng Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Tamas Matura nhấn mạnh “khi đề cập đến các vấn đề kinh tế, Hungary cho đến nay vẫn cẩn trọng để không gây tổn hại đến lợi ích của châu Âu và đặc biệt là Đức”. Tuy nhiên, chuyên gia này băn khoăn rằng việc Bắc Kinh đầu tư hàng tỷ đô la vào Hungary có sẽ làm thay đổi cục diện hay không.

Nguồn : France 24

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.