Vào nội dung chính
NGA - NAVALNY - TANG LỄ

Nga : Hàng ngàn người dự tang lễ nhà đối lập Alexeï Navalny

Mặc dù chính quyền Nga ban hành các biện pháp an ninh chặt chẽ, hàng ngàn người dân ở thủ đô Matxcơva vẫn đến dự tang lễ nhà đối lập Nga Alexeï Navalny hôm qua 01/03/2024. Đoàn người đến vĩnh biệt ông Navalny chết trong tù hôm 16/02 tập hợp trước nhà thờ nơi cử hành tang lễ theo truyền thống Chính Thống Giáo và nhất là ở hai bên đường vào nghĩa trang Borissovo. Trong số này có đại sứ của nhiều nước phương Tây.

Cảnh sát Nga quan sát đoàn người trước nghĩa trang Borisovo, phía nam thủ đô Matxcơva tiễn đưa nhà đối lập A. Navalny. Ảnh ngày 01/03/2024.
Cảnh sát Nga quan sát đoàn người trước nghĩa trang Borisovo, phía nam thủ đô Matxcơva tiễn đưa nhà đối lập A. Navalny. Ảnh ngày 01/03/2024. AP
Quảng cáo

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh những người dân Nga « can đảm », « vì tự do », dám tiễn Navalny, kẻ thù chính trị của Vladimir Putin đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên mạng xã hội X, ông Macron viết « Di sản Alexeï Navalny vẫn còn mãi mãi ».

Tại Matxcơva, những người ủng hộ ông hô vang : « Alexeï Navalny, chúng tôi không bao giờ quên », « Không bao giờ tha thứ »« Nói "Không" với chiến tranh ». Gần 130 người bị câu lưu tại 19 thành phố trên toàn quốc, theo tổ chức phi chính phủ OVD - Info.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường thuật về tang lễ của một nhà đấu tranh Nga đã được cả thế giới theo dõi :

"Linh cữu của Alexeï Navalny được đóng lại và hạ huyệt trong tiếng nhạc. Chỉ có một số ít người được chứng kiến sự kiện này và cũng rất ít người đã được dự thánh lễ ở nhà thờ.

Phần còn lại là những cư dân trong khu vực hay những người từ các vùng Mourrmansk, Volgirad tập hợp về đây, đủ mọi lứa tuổi. Họ đứng xếp hàng ở ngoài nghĩa trang, sau những hàng rào để tiễn biệt Alexeï Navalny lần cuối. Một người đàn ông giải thích « Giữa ý thức lương tâm và sự sợ hãi, thì những người đến đây đã chọn nghe theo lương tâm của mình ».

Một phụ nữ đứng trong đám đông nói với chúng tôi : « Người dân Nga đang trải qua một thời kỳ kinh hoàng. Họ bị đàn áp. Chính sách đàn áp đó không đến nỗi như dưới thời của Stalin, nhưng người dân Nga sống trong sợ hãi và có rất nhiều công an canh gác, có nhiều rào cản. Chúng tôi biết là nhiều người bị bắt giữ chỉ vì họ đặt hoa trên các tượng đài, không cần tham gia vào bất kỳ một cuộc tập hợp hay biểu tình nào. Chính quyền muốn hù dọa, nhưng chúng tôi  vẫn đến đây bởi vì Navalny là một anh hùng. Ông ấy đã đấu tranh vì tất cả. Thậm chí những người từng không ủng hộ Alexeï Navalny cũng có mặt ngày hôm nay. Tôi không ủng hộ Nalany, nhưng tôi muốn vinh danh lòng can đảm của ông ấy và Alexeï Navalny tượng trưng cho hy vọng ».

Khuôn mặt đau buồn của những người tại đây bỗng trở nên rạng rỡ hơn. Họ vỗ tay rồi hô to tên ông Alexeï Navalny, sau đó mạnh dạn hô vang : « Chúng tôi sẽ không quên và không tha thứ », « Putin là kẻ sát nhân ». Bất chấp sự hiện diện của cảnh sát chống bạo động, của vệ binh quốc gia và một số người đã bị câu lưu, nhiều khẩu hiệu mang màu sắc chính trị như : « Không chiến tranh », « Không với Putin » hay « vì một nước Nga tự do » vẫn vang lên.

Từ đầu chiến tranh Ukraina, chưa bao giờ lại có đông người trên đường phố thủ đô Matxcơva, tay cầm hoa, bày tỏ xúc động đến như thế".

Nhiều tiếng nói đối lập Nga bị đưa vào danh sách « tay sai cho nước ngoài »

Cũng hôm qua 01/03, chính quyền Nga đưa vào danh sách đen một số nhân vật, trong đó có nhà văn nữ Ludmila Oulitskaïa, 81 tuổi. Bà đang sống lưu vong tại Đức. Ludmila Oulitskaïa nhiều lần lên án chính quyền Matxcơva xâm chiếm Ukraina và là một tiếng nói bảo vệ cộng đồng LHBT. Tác phẩm Sonietchka của bà đoạt giải thưởng văn học Pháp Médicis năm 1996. Đạo diễn Ilya Khrzhanovsky và tổ chức phi chính phủ Memorial cũng đã bị đưa vào danh sách những người hoạt động cho nước ngoài. Theo giới quan sát chính quyền Putin thẳng tay đàn áp giới văn nghệ sĩ Nga. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.