Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Giải mã về lữ đoàn Hezbollah bị cáo buộc giết hại lính Mỹ ở Jordanie

Nhóm dân quân Irak thuộc lữ đoàn Hezbollah bị Washington cáo buộc thực hiện vụ tấn công khiến 3 người thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương ngày 28/01/2024 vào một căn cứ của Mỹ ở Jordanie là một minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng không nhỏ của Iran tại Irak. Lữ đoàn Hezbollah là nhóm vũ trang Irak có tầm ảnh hưởng thân Teheran, nhưng dường như không nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Baghdad.

Binh sĩ của lữ đoàn Hezbollah, ngày 21/11/2023.
Binh sĩ của lữ đoàn Hezbollah, ngày 21/11/2023. © AFP, Ahmad Al-Rubaye
Quảng cáo

Các cuộc oanh kích nhắm vào quân đội Mỹ ở Trung Đông đã đạt đến mức dữ dội chưa từng thấy kể từ vụ tấn công đẫm máu ngày 07/10/2023 của tổ chức Hamas vào Israel, làm nổ ra cuộc chiến giữa nước này và phong trào Hồi Giáo Palestine ở dải Gaza.

Kể từ giữa tháng 10/2023, lính Mỹ và binh sĩ thuộc liên minh chống thánh chiến Hồi Giáo đã phải hứng chịu 165 cuộc tấn công bằng drone và tên lửa nhắm vào các vị trí của họ ở Irak và Syria, nhưng những cuộc tấn công này không gây thiệt hại về nhân mạng.

Cuộc tấn công ngày 28/01 khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương tại một căn cứ hậu cần có tên là « Tháp 22 », nằm ở Jordanie, giáp biên giới với Syria, là một bước ngoặt của cuộc chiến.

David Rigoulet-Roze, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế (IRIS) và chuyên gia về Trung Đông, nhận định đây là điều chưa từng xảy ra kể từ khi nổ ra xung đột giữa Israel với Hamas và cho rằng « lằn ranh đỏ có khả năng đã bị vượt qua ». Bằng chứng là tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ đáp trả. Buổi tối xảy ra vụ tấn công ở Jordanie, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố sẽ « bắt tất cả những kẻ đứng sau vụ tấn công phải trả giá ».

Iran đã phủ nhận có dính líu đến cuộc oanh kích đẫm máu này, cuộc tấn công mà đến giờ vẫn chưa ai nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, hôm 29/01, Sabrina Singh, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho rằng cuộc tấn công mang « dấu ấn của Kataëb Hezbollah », dựa vào phương thức hoạt động của lữ đoàn này.

Nhà Trắng cũng chia sẻ quan điểm này và cho rằng lực lượng thuộc « Nhóm kháng chiến Hồi Giáo ở Irak » là nguồn gốc của vụ tấn công. Nhóm này « quy tụ » lữ đoàn Hezbollah, và phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Kirby, lưu ý hôm 31/01 trong một cuộc họp báo rằng cuộc tấn công đẫm máu « mang đậm dấu ấn » của nhóm vũ trang thân Iran.

Nghe lệnh của lãnh tụ tối cao Iran

David Rigoulet-Roze cho biết lữ đoàn Hezbollah không liên quan tới lực lượng Hezbollah ở Liban, và là một trong những lực lượng dân quân Irak « có mối liên hệ chặt chẽ nhất với Iran ». « Lực lượng này tuân theo nguyên tắc ‘velayat-e faqih’, tức là công nhận lãnh tụ tối cao Iran như lãnh đạo tối cao của chính họ. »

Cựu lãnh đạo lữ đoàn Hezbollah, Abu Mahdi al-Muhandis, đã bị hạ sát vào năm 2020 trong một cuộc oanh kích của Mỹ ở Baghdad cùng với vị tướng Iran đầy quyền lực Qassem Soleimani. Abu Mahdi al-Muhandis từng là cánh tay phải của tướng Soleimani.

Bị Washington trừng phạt và cho vào danh sách các nhóm « khủng bố », lữ đoàn Hezbollah cùng với Al-Noujaba, một lực lượng dân quân chống Mỹ quyết liệt khác, đã trở thành mục tiêu tấn công của Hoa Kỳ tại Irak trong những tuần vừa qua.

Hầu hết các cuộc tấn công nhắm vào Mỹ trong những tháng gần đây đều do « Nhóm kháng chiến Hồi Giáo ở Irak » thực hiện, trong đó có lữ đoàn Hezbollah và Al-Noujaba. Lực lượng gồm các chiến binh từ các nhóm vũ trang thân Iran cho biết thực hiện những cuộc tấn công nói trên nhằm ủng hộ người Palestine. Nhưng trên hết, lực lượng này kêu gọi sự rút lui của khoảng 2.500 lính Mỹ vẫn đang được triển khai ở Irak trong khuôn khổ liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS). Sau lời kêu gọi trên đi kèm với căng thẳng leo thang trong khu vực, chính phủ Irak đã tiến hành đàm phán với Washington để tìm cách ấn định về thời gian Hoa Kỳ rút quân.

Từng sát cánh cùng Washington trong liên minh chống thánh chiến

Trong số các « Nhóm kháng chiến Hồi Giáo ở Irak », lữ đoàn Hezbollah chắc chắn là lực lượng có tầm ảnh hưởng lớn nhất. David Rigoulet-Roze giải thích rằng lữ đoàn này liên kết với nhóm Hachd al-Chaabi, quy tụ các cựu quân nhân Irak thân Iran, thuộc các lữ đoàn « có vai trò vượt trội ». Thủ lĩnh hiện tại của lữ đoàn Hezbollah, Abu Fadak al-Muhammadawi, cũng là tham mưu trưởng của Hachd.

Hachd al-Chaabi được ra mắt vào tháng 06/2014 để hỗ trợ lực lượng Irak chống lại tổ chức Nhà nước Hồi Giáo. Cùng với liên minh chống thánh chiến do Washington dẫn đầu, nhóm Hachd đã góp phần vào sự sụp đổ của IS ở Irak vào năm 2017.

David Rigoulet-Roze cho biết thêm : « Có một liên minh mang tính khách quan giữa Hoa Kỳ và lực lượng dân quân Hachd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi Giáo. Hai lực lượng sát cánh chiến đấu bên nhau, một nhóm trên bộ, nhóm còn lại trên không. Nhưng sau năm 2017, Hachd đã dần để bộc lộ ADN của Iran, tức là quay sang chống Mỹ. »

Giờ đây, lực lượng Hachd quy tụ hàng chục nhóm lính nhỏ và hơn 160.000 thành viên, theo ước tính của AFP. Viện nghiên cứu Mỹ The Washington Institute ước tính số thành viên của Hachd lên tới 230.000 người. Nhưng cả nhà chức trách Irak lẫn Hachd đều không công khai về số binh sĩ của mình.

Về phần lữ đoàn Hezbollah, số lượng binh sĩ cụ thể vẫn là ẩn số. Theo David Rigoulet-Roze, con số này dao động từ 3.000 đến 30.000, bởi một số quân nhân thỉnh thoảng được huy động ra chiến trường.

« Chính phủ Irak không nắm quyền kiểm soát các nhóm lính này »

Đối mặt với sự gia tăng của các cuộc tấn công nhắm vào quân đội Mỹ trong những tuần gần đây, chính phủ Irak cảm thấy bị mắc kẹt trong làn đạn. Chính quyền Baghdad được dựng lên bởi liên minh gồm các đảng Hồi Giáo theo hệ phái Shia thân Iran và đa số trong quốc hội, bao gồm cả Hachd, nhóm có dân biểu từ năm 2018.

Về mặt lý thuyết, Hachd và các nhóm lính của họ, trong đó có lữ đoàn Hezbollah, là những lực lượng chính quy của đất nước, theo một đạo luật được thông qua vào năm 2016. David Rigoulet-Roze giải thích : « Nhưng đây phần lớn chỉ là hình thức, bởi trên thực tế, chính phủ không nắm quyền kiểm soát những nhóm lính này và họ có quyền tự chủ rất lớn. Điều này khiến thủ tướng Irak Mohamed Chia al-Soudani gặp không ít vấn đề. »

Sau những lời đe dọa của tổng thống Hoa Kỳ, người hứa sẽ trả đũa « gay gắt » và nhấn mạnh buộc Iran « phải chịu trách nhiệm » vì đã cung cấp vũ khí phục vụ cuộc tấn công giết hại lính Mỹ, lữ đoàn Hezbollah đã thông báo vào ngày 30/01 « đình chỉ » những hoạt động quân sự chống lại quân đội Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố có chữ ký của tổng thư ký Abu Hussein al-Hamidawi, lữ đoàn Hezbollah cho biết « đình chỉ các hoạt động quân sự và an ninh chống lại lực lượng chiếm đóng để tránh cho chính phủ Irak rơi vào thế khó xử ». Bởi đằng sau hậu trường, Iran chắc chắn đã can thiệp để xoa dịu mọi chuyện, sau khi Teheran nhận thấy về khả năng leo thang căng thẳng với Hoa Kỳ vượt tầm kiểm soát.

Nguồn : AFP, France 24

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.