Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAK - CĂNG THẲNG

Tấn công các cơ sở Iran tại Irak : Quan hệ Mỹ - Irak sẽ thêm tồi tệ ?

Irak và Syria ngày 03/02/2024 lần lượt lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công trả đũa do Mỹ tiến hành nhắm vào các lực lượng tinh nhuệ của Iran và các nhóm vũ trang thân Iran trên lãnh thổ của hai nước này. Chiến dịch quân sự này của Mỹ đã khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thường dân.

Members of an Iraqi Shiite militant group attend a funeral for the group members who were killed by a U.S. air strike, in Baghdad, Iraq, Sunday, Feb. 4, 2024. The U.S. Central Command said in a statem
Buổi tang lễ của các thành viên trong nhóm vũ trang theo hệ phái Shia tại Irak thiệt mạng trong cuộc không kích của Hoa Kỳ, Hình ảnh ngày 04/02/2024 tại AP - Hadi Mizban
Quảng cáo

Theo AFP, Mỹ đã triển khai khoảng 900 quân nhân ở Syria và 2.500 binh sĩ ở Irak. Sau cuộc tấn công, chính quyền Damas tuyên bố « việc lực lượng Mỹ chiếm đóng nhiều nơi trên lãnh thổ Syria sẽ không thể kéo dài ». Còn tại Bagdad, giới chức lãnh đạo lên án « một sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ Irak » và đã cho triệu mời đại diện lâm thời Mỹ ở Bagdad để trao « công hàm phản đối ».

Trong khi đó, Matxcơva cáo buộc Washington « gieo rắc hỗn loạn » ở Trung Đông và đã đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào thứ Hai, 05/02 về vấn đề này.

Theo phân tích từ nhà địa chính trị vùng Cận Đông, Fabrice Balanche, giảng viên trường đại học Lyon II, với ban tiếng Pháp đài RFI, chiến dịch trả đũa này của Mỹ có nguy cơ làm xấu thêm mối quan hệ giữa Washington và Bagdad, vốn dĩ đang yêu cầu triệt thoái quân khỏi Irak tức thì.

« Chính phủ Iraq của Mohammed Chia al-Soudani, vốn dĩ thân Iran, đã chính thức yêu cầu Mỹ và liên quân chống Daech rút các lực lượng về nước. Hiện tại, ông không gây áp lực quá lớn vì trong các nhóm chính trị Irak, họ vẫn cần dựa vào phương Tây để làm đối trọng một chút với Iran. Nhưng những cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các nhóm dân quân tự vệ người Irak theo hệ phái Shia, trên lãnh thổ Irak, càng thúc đẩy chính phủ Irak yêu cầu Mỹ triệt thoái quân ngay lập tức. Và nếu Hoa Kỳ đi quá xa trong việc trả đũa, rõ ràng sẽ có nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình chống Mỹ ở Irak đòi Mỹ phải rút quân tức thì. Và như vậy Washington sẽ không còn câu giờ được nữa vì chiến lược của ông Biden vẫn là cố gắng kéo dài thời gian, ít nhất cho đến cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 ở Mỹ, để tỏ ra bản thân không phải một kẻ đã bỏ rơi Irak vào tay người Iran. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.