Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - LUẬT PHÁP - THIÊN NHIÊN

Luật Khôi phục Thiên nhiên, bước tiến ‘‘lịch sử’’ của Liên Âu năm 2023

Trong lĩnh vực môi trường, đối với Liên Âu trong năm 2023 có một biến chuyển không thể bỏ qua: Khối 27 nước thông được một dự luật hướng đến khôi phục gần như toàn bộ các vùng thiên nhiên bị hủy hoại, ước tính chiếm khoảng 70% diện tích của khối. Bộ Luật Phục Hồi Thiên Nhiên (Nature Restoration Law) được đánh giá là "lịch sử", đã được Nghị Viện Châu Âu, Hội Đồng Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu - bộ ba định chế quyền lực của châu Âu - thông qua hồi đầu tháng 11/2023.

Giới bảo vệ môi trường tập hợp bảo vệ dự luật ''Phục Hồi Thiên Nhiên'' trước Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, ngày 11/07/2023, một hôm trước ngày Nghị Viện bỏ phiếu.
Giới bảo vệ môi trường tập hợp bảo vệ dự luật ''Phục Hồi Thiên Nhiên'' trước Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, ngày 11/07/2023, một hôm trước ngày Nghị Viện bỏ phiếu. GREENS/EFA GROUP via REUTERS - GREENS/EFA GROUP
Quảng cáo

Theo thông cáo của Hội Đồng Châu Âu, đại diện cho 27 nước thành viên, luật mới sẽ ‘‘bắt buộc’’ các nước trong khối từ đây đến năm 2030 phải có các biện pháp để khôi phục ít nhất 20% diện tích đất đai và không gian biển toàn Liên Âu, tỷ lệ này sẽ phải được tăng dần lên 60% vào năm 2040 và 90% vào năm 2050.  Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Châu Âu, hơn 80% đất đai tự nhiên hiện đang trong tình trạng ‘‘tồi tệ’’, do đô thị hóa, ô nhiễm, khai thác quá mức.

‘‘Bắt buộc’’ khôi phục thiên nhiên bị hủy hoại

Theo dự luật này, các quốc gia thành viên Liên Âu sẽ có hai năm để thảo ra kế hoạch quốc gia nhằm thực thi các mục tiêu nói trên, không chỉ nhằm bảo vệ các hệ sinh thái đã có, mà còn khôi phục các hệ sinh thái đã bị tổn thất, như các vùng đất ẩm ướt, các đồng cỏ, hay các vùng cồn cát… Các quốc gia châu Âu sẽ phải bảo vệ đất chống sói mòn, giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu trước 2030, khôi phục và nối kết trở lại khoảng 25.000 km sông ngòi trên toàn khối, bảo vệ các thảm thực vật để giúp các loài côn trùng thụ phấn – đang trên đà diệt chủng - có nơi sinh sống trở lại. Luật yêu cầu các quốc gia châu Âu trồng thêm tổng cộng khoảng 3 tỷ cây xanh trước năm 2030.

Dự luật khôi phục thiên nhiên của Liên Âu được chính thức đưa ra hồi tháng 6/2022, hướng đến các mục tiêu tương tự như Thỏa thuận về đa dạng sinh học COP15 2022 của Liên Hiệp Quốc (hội nghị Côn Minh – Montréal), nhằm hãm lại đà sụp đổ của đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ sinh giới, và tham gia vào việc hạn chế biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Ủy Ban Môi trường Nghị Viện Châu Âu Pascal Canfin, nghị sĩ đảng Renew (Phục Hưng), khẳng định ‘‘tự hào về kết quả lịch sử này, cho phép xác định các quy tắc có tầm vóc và khả thi cho tất cả’’. Ông Canfin là một trong những trụ cột của cuộc tranh đấu để luật Khôi phục Thiên nhiên được thông qua tại châu Âu.

Tuy nhiên, hồi mùa hè vừa qua, dự luật - vốn được coi là trụ cột trong Thỏa ước chuyển sang nền kinh tế xanh của Liên Âu – đã đứng trước nguy cơ bị loại bỏ tại cửa ải lớn đầu tiên : Lần bỏ phiếu thứ nhất tại Nghị Viện Châu Âu. Nếu luật bị bác, uy tín của toàn Liên Âu, với tư cách khối các nước đi đầu nhân loại trong công cuộc chuyển đổi sang kinh tế xanh, sẽ bị thách thức nghiêm trọng.

Sự cản phá quyết liệt của đảng cánh hữu

Vì sao việc thông qua bộ luật này lại khó khăn như vậy? Luật khôi phục thiên nhiên của Liên Âu bị đảng cánh hữu Nhân Dân Châu Âu (PPE) cản phá quyết liệt, ngay từ khi dự luật mới được đưa ra. Đảng lớn nhất tại Nghị Viện Châu Âu nhận được sự ủng hộ của các đảng cực hữu và một bộ phận đảng Renew. Lý do chủ yếu mà phe phản đối đưa ra là việc bộ luật mới bắt buộc phục hồi các hệ sinh thái có thể gây tác hại nghiêm trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, nghề đánh bắt hải sản, hay lâm nghiệp.

Đài France 24, trong bài tổng thuật về chủ đề này nhan đề ‘‘Phục Hồi Thiên Nhiên: Nghị Viện Châu Âu thông qua một văn bản luật sau một cuộc đấu lâu dài’’, nhấn mạnh, nếu như trong giới chuyên gia, việc phục hồi thiên nhiên như dự luật chủ trương đã nhận được ‘‘một sự đồng thuận rộng rãi’’, thì đã có ''một sự đối đầu quyết liệt về chính trị tại Nghị Viện Châu Âu’’. Chủ trương của đảng bảo thủ châu Âu PPE là bác bỏ hoàn toàn dự luật. Theo nhiều nhà quan sát, nếu như không có chiến tranh Ukraina và đại dịch Covid, việc thông qua dự luật có thể dễ dàng hơn nhiều. Phe bất đồng về dự luật gia tăng phản đối trong bối cảnh châu Âu đứng trước những thách thức ngày càng lớn về nhiều mặt.

Chỉ thiếu 12 phiếu phe chống đã bác bỏ được dự luật

Ngày 12/07/2023 vừa qua, Luật Phục Hồi Thiên Nhiên của châu Âu, do Ủy Ban Châu Âu đề xuất, đã vượt qua ‘‘cửa ải Nghị Viện’’. Chỉ thiếu có 12 phiếu, liên đảng cánh hữu và cực hữu châu Âu đã có thể chôn vùi được dự luật này. Các liên đảng cánh tả, môi trường và cánh trung châu Âu đã dồn sức cứu dự luật. Riêng trong ngày 12/07, Nghị Viện Châu Âu đã trải qua nhiều cuộc bỏ phiếu liên quan đến Luật Khôi Phục Thiên Nhiên. 

Trước hết là một cuộc bỏ phiếu chính về đề xuất bác bỏ dự luật, do đảng cánh hữu PPE đưa ra. Đề xuất hủy bỏ dự luật bị bác với 324 phiếu chống và 312 phiếu thuận. Tiếp theo đó, các nghị sĩ châu Âu đã bỏ phiếu thông qua 140 đề nghị sửa đổi đối với dự luật, trước khi tiến hành bỏ phiếu lần hai để thông qua dự luật. Trong lần bỏ phiếu chính lần thứ hai, dự luật đã nhận được 336 phiếu thuận và 300 phiếu chống.

Giới khoa học đã nỗ lực vào cuộc để cứu vãn dự luật. Trước cuộc bỏ phiếu một tháng, ngày 13/06, hơn 3.300 nhà khoa học đã công bố một bức thư ngỏ bảo vệ dự luật, lên án một cuộc tấn công ‘‘không thể biện minh được’’ chống lại dự luật này, mà chủ yếu dựa trên việc tung tin giả, tin bóp méo. Bức thư ngỏ nói trên đã trình bày các căn cứ để bác bỏ 6 luận điểm chính, mà nhân danh chúng, phe chống dự luật đòi xóa bỏ. Trong số các luận điểm chính bị bác bỏ, có việc quy cho dự luật tội ‘‘làm mất an ninh lương thực’, luận điểm được đảng PPE phổ biến rộng rãi. Việc hàng nghìn nhà khoa học vào cuộc, với khoảng một triệu chữ ký ủng hộ của người dân, đã góp phần đáng kể giúp dự luật đứng vững, theo ông Patrick ten Brink, tổng thư ký European Environmental Bureau (EEB), liên minh 180 hiệp hội môi trường, thuộc 38 quốc gia trong đó có nhiều nước châu Âu.

Luật Phục Hồi Thiên Nhiên, bước đầu của hành trình chuyển hướng nền kinh tế

‘‘Hòa giải kinh tế với môi trường, bởi kinh tế cần đến môi trường’’ là tinh thần cối lõi của dự luật này. Trong hàng thế kỷ qua, mô hình kinh tế phát triển đi liền với tàn phá thiên nhiên, môi trường, đã được coi là chuyện bình thường, thậm chí là chuyện hiển nhiên. Đứng trước đà sụp đổ của các hệ sinh thái, con người bắt buộc phải nhận ra rằng một thiên nhiên trong lành, các hệ sinh thái khỏe mạnh là điều kiện cho sự sống con người, cho phát triển kinh tế. Bảo vệ thiên nhiên không hề mâu thuẫn với phát triển kinh tế, không hề ‘‘làm mất an ninh lương thực’’. Chính các hệ sinh thái đã cung cấp các dịch vụ vô cùng to lớn, mà khoa học giờ đây đang tìm cách xác định chính xác hơn.

Với việc thông qua bộ luật Phục Hồi Thiên Nhiên nói trên, Liên Âu – vốn là quê hương của công nghiệp hóa, của nền kinh tế lấy khai thác kiệt quệ thiên nhiên làm động lực – đã khẳng định quyết tâm bước vào hành trình gian nan chuyển hướng nền kinh tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.