Vào nội dung chính
COP28

COP28: Mục tiêu giảm năng lượng hóa thạch được đưa vào dự thảo thỏa thuận

Thế giới phải cắt giảm, thậm chí ngưng sử dụng các năng lượng hóa thạch, đó là mục tiêu được đưa vào bản dự thảo thỏa thuận được công bố hôm nay, 01/12/2023, tại Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP28 ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Dubai, tâm điểm của hội nghị khí hậu COP28. Ảnh ngày 30/11/2023.
Dubai, tâm điểm của hội nghị khí hậu COP28. Ảnh ngày 30/11/2023. AP - Kamran Jebreili
Quảng cáo

Do Anh Quốc và Singapore soạn thảo, tài liệu này sẽ là cơ sở để các nhà thương thuyết của gần 200 quốc gia thảo luận với nhau nhằm chính thức thông qua từ đây đến khi kết thúc hội nghị ngày 12/12. Theo hãng tin AFP, tâm điểm của các cuộc thương lượng là chọn lựa giữa hai từ “cắt giảm” (phase-down, theo tiếng Anh) hay “ra khỏi” (phase-out) các năng lượng hóa thạch. 

Tài liệu được công bố có ghi rõ đề xuất về việc cắt giảm hay từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá, nguồn năng lượng gây ô nhiễm nặng nề.

Thật ra, văn bản này coi như là bản tổng kết những gì mà thế giới đã thực hiện kể từ Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Một báo cáo tổng kết mang tính kỹ thuật đã được công bố đầu tháng 9/2023 báo động là các nước đã không hành động đầy đủ để kìm giữ mức tăng nhiệt độ của trái đất, không vượt quá 2°C, thậm chí không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vào đầu tháng 10/2023, Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận giữa các nước còn nhiều bất đồng về phương cách đạt được mục tiêu mà Hiệp định Paris đề ra. 

Trong hai ngày 1 và 2/12/2023 hơn 140 lãnh đạo các nước, trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lần lượt phát biểu tại hội nghị COP28, trình bày những cam kết mới về chống biến đổi khí hậu, tránh cho nhân loại đến cuối thế kỷ phải sống với một nhiệt độ cao hơn 2,5°C đến 2,9°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Theo thông báo của điện Elysée (phủ tổng thống Pháp) tại Dubai, ông Macron sẽ thông báo sáng kiến thúc đẩy các nước đang trỗi dậy nhanh chóng từ bỏ than đá. Cụ thể, kế hoạch này nhằm hỗ trợ các nước đầu tư ồ ạt vào các năng lượng sạch (tái tạo hay hạt nhân) và chuyển đổi các nhà máy điện than hiện có.

Theo các chuyên gia của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu-GIEC, để đạt được mục tiêu mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5%, lượng khí phát thải trên toàn cầu từ đây đến 2030 phải được cắt giảm đến 43% so với năm 2019. Vấn đề là hiện giờ lượng khí phát thải vẫn chưa lên đến đỉnh điểm, trong khi năm 2023 được coi sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận cho tới nay. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.