Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - GAZA

Liên Âu kêu gọi Israel và Hamas “tạm dừng giao tranh” vì lý do nhân đạo ở dải Gaza

Họp thượng đỉnh tại Bruxelles vào hôm qua, 26/10/2023, lãnh đạo 27 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu đã cố tạm gác các bất đồng quan điểm về cuộc xung đột Israel-Hamas để thông qua một tuyên bố không nói đến vấn đề ngừng bắn hay hưu chiến mà chỉ kêu gọi các bên chấp nhận các cuộc “tạm dừng giao tranh” vì lý do nhân đạo và mở các hành lang nhân đạo cho phép đưa hàng cứu trợ đến người dân ở dải Gaza.

Các lãnh đạo Liên Âu họp báo ở Bruxelles, Bỉ, ngày 27/10/2023.
Các lãnh đạo Liên Âu họp báo ở Bruxelles, Bỉ, ngày 27/10/2023. AP - Virginia Mayo
Quảng cáo

Từ Bruxelles, đặc phái viên RFI Anastasia Becchio tường trình:

“Cuộc thảo luận đã kéo dài năm tiếng đồng hồ. Theo một nhân chứng, tranh luận diễn ra một cách bình tĩnh và lịch sự. Văn bản chung cuộc là kết quả của sự thỏa hiệp giữa 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, vốn có quan điểm rất khác nhau trên hồ sơ Israel-Hamas.

Các nước như Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland nhấn mạnh trên nhu cầu tạm dừng giao tranh vì lý do nhân đạo. Những nước khác, chẳng hạn như Đức, Cộng Hòa Séc và Áo, không đồng ý, cho rằng các từ ngữ như vậy có thể hạn chế quyền tự vệ của Israel và cho phép Hamas tập hợp lại lực lượng.

Rốt cuộc, bản tuyên bố chung không sử dụng từ ngữ “tạm dừng” giao tranh chung chung, mà là cụm từ “những cuộc tạm dừng” - ở số nhiều - và từ ngữ “các hành lang nhân đạo” để cung cấp viện trợ cho Gaza.

Bản tuyên bố 19 điểm của EU nói rõ: “Liên Hiệp Châu Âu sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực để bảo vệ dân thường, hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp cận thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế, nhiên liệu và nơi trú ẩn, bảo đảm rằng viện trợ này sẽ không bị các tổ chức khủng bố tước đoạt”.

Liên Âu cũng nhấn mạnh rằng họ ủng hộ việc tổ chức một “hội nghị hòa bình quốc tế”, sẽ diễn ra “trong thời gian tới đây”, nhưng không cho biết chi tiết. Ngày 28/10, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, sẽ tới Cairo, Ai Cập để triển khai hướng này.”

Tranh cãi Israel-Ả Rập tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

Còn tại New York, nhân cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về tình hình chiến sự tại vùng Cận Đông, Israel  và các nước Ả Rập vào hôm qua đã cáo buộc nhau một cách gay gắt.

Ngoại trưởng Jordanie Ayman Safadi thay mặt cho 22 quốc gia thuộc nhóm Ả Rập tố cáo Israel biến Gaza thành “địa ngục trên Trái Đất”. Đối với ngoại trưởng Jordanie: “Quyền tự vệ không phải là giấy phép giết người mà không bị trừng phạt, hình phạt tập thể không phải là tự vệ mà là tội ác chiến tranh”.

Cuộc tấn công của Hamas hôm 07/10 vào miền nam Israel đã khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, theo số liệu của chính quyền Tel Aviv. Nhưng kể từ đó đến nay, Israel đã không ngừng tấn công vào Gaza. Theo bộ Y Tế của chính quyền Hamas tại dải Gaza, đã có hơn 7.000 thường dân Palestine bị chết vì các trận pháo kích của Israel.

Jordanie đã cho lưu hành một dự thảo nghị quyết sẽ được đưa ra biểu quyết hôm nay,27/10, chủ yếu tập trung vào tình hình nhân đạo, kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” và cho hàng cứu trợ nhân đạo được tự do vận chuyển đến Gaza, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên… bảo vệ dân thường”. Tuy nhiên văn kiện không đề cập đến các cuộc tấn công của Hamas.

Đại sứ Israel Gilad Erdan đã chỉ trích: “Những người viết nghị quyết nói rằng họ quan tâm đến hòa bình, nhưng những kẻ sát nhân suy đồi đã gây ra cuộc chiến thậm chí còn không bị nhắc đến”. Đại sứ Israel không ngần ngại khẳng định rằng vị trí của bản nghị quyết sắp được bỏ phiếu là trong “ thùng rác của lịch sử”.

Sau khi Hội Đồng Bảo An đã bộc lộ rõ sự chia rẽ, không thông qua được 4 nghị quyết về cuộc chiến giữa Israel và Hamas trong vòng chưa đầy hai tuần, các nước Ả Rập hy vọng sẽ thành công tại Đại Hội Đồng LHQ, nơi tương quan lực lượng có lợi cho họ và không quốc gia nào có quyền phủ quyết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.