Vào nội dung chính
NGA - AZERBAIJAN - ARMENIA

Thượng Karabakh : Nga rút lực lượng gìn giữ hòa bình

Bộ Quốc Phòng Nga ngày 05/10/2023, thông báo lực lượng Nga gìn giữ hòa bình đã dỡ bỏ các chốt quan sát trên chiến tuyến Thượng Karabakh, « ốc đảo » mà Azerbaijan đã giành được một chiến thắng chớp nhoáng buộc phe ly khai người Armenia buông súng.   

Xe tải của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga rời khỏi vùng Thượng Karabakhsau khi Azerbaijan đã chiếm được vùng đất này. Ảnh ngày 22/09/2023.
Xe tải của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga rời khỏi vùng Thượng Karabakhsau khi Azerbaijan đã chiếm được vùng đất này. Ảnh ngày 22/09/2023. REUTERS - IRAKLI GEDENIDZE
Quảng cáo

Trong bản tin, bộ Quốc Phòng Nga khẳng định « công tác dỡ các chốt quan sát tại ba huyện đã hoàn tất. Nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình này hiện diện trong khu vực trong khuôn khổ thỏa thuận ngưng bắn nhằm chấm dứt các hành động thù địch trước đây trong vùng năm 2020. »  

Trước những chỉ trích từ đồng minh Armenia lên án Matxcơva thụ động, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho rằng việc Azerbaijan chiếm lại « ốc đảo » Thượng Karabakh là điều « khó tránh khỏi ».  

Nguyên thủ Nga giải thích, điều này « khó tránh được sau việc chính quyền Armenia đã công nhận quyền chủ quyền của Azerbaijan đối với Thượng Karabakh. Đây chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi Azerbaijan bắt đầu tái lập trật tự hiến định trong vùng ». Dù vậy, ông cũng khẳng định Armenia luôn là đồng minh của Nga.  

Nhưng căng thẳng ở Thượng Karabakh cũng là một cơ hội hiếm có để Nga và phương Tây đối thoại với nhau, kể từ khi chiến tranh Ukraina bùng nổ. Theo thông tin của trang mạng Mỹ Politico hôm thứ Tư 04/10, Liên Hiệp Châu Âu, Nga và Mỹ đã có những cuộc đàm phán kéo dài vài ngày ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi Azerbaijan tiến hành « chiến dịch chống khủng bố » ở Thượng Karabakh.  

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri giải thích :  

Politico viết là "các cuộc thảo luận khẩn cấp ngoài lịch trình". Nỗ lực giải quyết sự bế tắc này, hai ngày trước khi cuộc tấn công quân sự Azerbaijan diễn ra, đã kết thúc trong thất bại. Theo như một nguồn tin ẩn danh được trang mạng Mỹ dẫn lại, nền ngoại giao châu Âu, vào lúc đó, vẫn còn hy vọng chấm dứt chín tháng bao vây Thượng Karabakh.  

Tất nhiên đây là dấu hiệu để chứng tỏ rằng Liên Hiệp Châu Âu không thụ động trong hồ sơ này. Nhưng sự rò rỉ này cũng nhằm cho thấy rằng các kênh ngoại giao Đông – Tây vẫn còn tồn tại và Liên Hiệp Châu Âu đánh giá những kênh đó là "quan trọng", theo như nguồn tin trên với Politico.  

Matxcơva, thông qua phát ngôn viên điện Kremlin và bộ Ngoại Giao đã xác nhận thông tin nhưng giảm thiểu tầm quan trọng của kênh ngoại giao này. Bà phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Nga bác bỏ mọi tính chất "bí mật" của cuộc gặp và nhấn mạnh rằng, xin trích, "đây chỉ là một cuộc trao đổi quan điểm bình thường".  

Chỉ có điều sau 19 tháng chiến tranh, trừng phạt và cô lập ngoại giao, các cuộc gặp Đông – Tây ở cấp cao đã trở nên ngày càng hiếm. Các vụ trục xuất nhà ngoại giao lẫn nhau giờ là chuyện thường tình.  

Tiếp tục các nỗ lực hòa giải, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, hôm qua cho biết đã có mời tổng thống AZerbaijan Ilham Aliev và thủ tướng Armenia Nikol Pachinian đến Bruxelles từ đây đến cuối tháng 10/2023 nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Tổng thống Azerbaijan tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Armenia tại Bruxelles dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Châu Âu.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.